Biến đổi văn hóa của ngư dân Đà Nẵng trong quá trình đô thị hóa

05.05.2021
Đinh Thị Trang

Biến đổi văn hóa của ngư dân Đà Nẵng trong quá trình đô thị hóa

Đô thị hóa là quá trình phát triển về dân số đô thị, số lượng và quy mô đô thị cũng như về các điều kiện sống ở đô thị hoặc theo kiểu đô thị. Trong quá trình đô thị hóa đều có sự phát triển về lượng và chất ở các đô thị cũng như các điểm dân cư nông thôn (về cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân cư, cơ cấu tổ chức xã hội và không gian quy hoạch - kiến trúc, hình thái xây dựng...).

Kể từ khi thành lập đến nay (1997 - 2021), quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng diễn ra ngày càng mạnh mẽ, thành phố nhiều lần mở rộng về các hướng, tăng khu vực vùng ven, tăng khu vực ngoại thành, tạo một diện mạo mới cho thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh những mặc tích cực thì sự phát triển của đô thị hóa cũng đã tác động tiêu cực trên nhiều mặt đến đời sống của người dân, nhất là cộng đồng ngư dân ven biển.

1. Biến đổi văn hóa của ngư dân Đà Nẵng trong quá trình đô thị hóa

1.1. Biến đổi trong văn hóa vật chất

  •  Trong việc ăn, ở:

Đây là hai yếu tố đầu tiên có sự biến đổi mạnh mẽ tác động đến đời sống của ngư dân. Nhà ở là một trong ba nhu cầu thiết yếu nhất của con người. Mỗi quốc gia, mỗi vùng miền đều có những cách xây dựng nhà ở với hình thức và tổ chức công năng khác nhau dựa trên điều kiện khí hậu, địa hình, thói quen canh tác, lao động sản xuất và phong tục tập quán của mỗi địa phương.

Ngư dân Đà Nẵng cũng vậy, với truyền thống nghề biển lâu đời, từ khi các lưu dân vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh di cư vào sinh sống thì những ngôi làng cũng dần mọc lên trên những bãi cát ven biển hoặc cách xa biển một chút. Với đức tính cần cù và bàn tay khéo léo, những ngôi nhà ven biển của ngư dân Đà Nẵng mang một bản sắc riêng, bền bỉ chống chọi với nắng nóng, mưa dầm khắc nghiệt của miền Trung. Vào thế kỷ XVIII, khi đến vịnh Đà Nẵng, John Barrow đã nhận xét về những ngôi nhà của ngư dân nơi đây: “Nhìn chung những căn nhà tranh ở Turon kín đáo và sạch sẽ, đủ chắc chắn để bảo về người dân khỏi nắng nóng trong mùa này và tránh được những cơn mưa lớn trong mùa kia”.(1)

Xưa kia, người dân Đà Nẵng vừa làm nông vừa làm biển, cho nên ngoài thời gian sinh hoạt trên ghe, thuyền ven sông, ven biển thì họ cũng làm nhà trên đất liền để tiện sinh sống. Đối với họ, mái nhà là nơi để “chui ra chui vô” mỗi khi đánh bắt trở về, cũng là nơi chở che cho cha mẹ, vợ con để họ yên tâm ra khơi làm nghề.

Theo hồi cố của những bậc cao niên ở vùng ven biển Đà Nẵng thì ngày xưa, ông cha họ làm nhà đơn giản hơn bây giờ. Nhà thường cất trên những bãi cát rộng ven biển hoặc gần bến cá và quần tụ lại thành từng làng riêng biệt. Mỗi khi xây dựng nhà cửa, câu cửa miệng quen thuộc của họ là làm nhà “không quá đọt dừa”. Đây dường như là quy định rất rõ ràng cho chiều cao kiến trúc của những ngôi nhà ven biển. Tuy nhiên, đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp một số công trình có chiều cao hơn, nhưng chỉ là thiểu số, được đan xen với những vườn cây kín đáo.

Trong bài viết “Mái nhà miền biển”, họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Duy Sinh trên tạp chí Nhà đẹp số tháng 6 năm 2016 đã nhận định rằng: “Dường như nhà ở ven biển hiện nay vẫn chỉ là sự lan tỏa, nhắc lại dạng nhà ở làng xã làm nông nghiệp một phần và khai thác tài nguyên biển một phần, sau đó chuyển đổi sang cơ cấu dịch vụ với hình thành phố xá, bến bãi nên ít mang đặc trưng riêng biệt. Không gian vùng cư trú ven biển không khép kín sau lũy tre như làng xã nông nghiệp, chúng lỏng lẻo và chịu nhiều biến động do thời tiết, di dân do chiến tranh và mưu sinh. Khi cái chung chưa rõ ràng và đồng nhất thì cái riêng cũng nhạt nhòa, bước chân vào một làng biển hay một phố biển hiện nay, có thể thấy dạng thức nhà cửa na ná các làng quê hay phố xá bất cứ nơi nào khác”.

Nhận xét trên của họa sĩ Nguyễn Duy Sinh thật xác đáng. Ở Đà Nẵng cũng vậy, buổi ban đầu mới lập làng, ngư dân Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn... thường đi lên vùng Nam Ô, Hòa Vang hoặc Sơn Trà đẵn gỗ, tranh, tre, nứa, lá về làm nhà. Vào đầu thế kỷ XVII, Cristophoro Borri, giáo sĩ người Ý đã đến Đàng Trong, sau khi sống gần 5 năm tại đây đã nhận định: “Nhà cửa và đền đài, mặc dầu chỉ bằng gỗ, nhưng không thua kém bất cứ nước nào, bởi vì không nói quá chút nào, gỗ ở xứ này làm gỗ quý nhất hoàn cầu, theo nhận xét của những người ở các nơi đó... Người Đàng Trong dùng gỗ này để dựng nhà và ai nấy đều có thể lên núi chặt tùy thích. Tất cả kiến trúc nhà đều dựa vào hàng cột cao, chắc và đóng rất sâu, rồi lắp ván, nhưng người ta có thể tháo gỡ ra và thay thế bằng phên liếp, bằng tre, sậy đan rất tài tình để thông khí trong mùa nóng bức và một phần nào cho nước và thuyền qua lại tự do trong mùa lụt lội như chúng tôi đã nói ở trên. Họ cũng làm rất nhiều hoa lá nhỏ xinh và nhiều hình hài khéo léo để tô điểm”.(2)

Nửa đầu thế kỷ XVIII, trong quá trình chuẩn bị vũ trang đánh chiếm Việt Nam, chính phủ Pháp đã triển khai ráo riết việc nghiên cứu, điều tra tình hình mọi mặt ở Đà Nẵng, cũng như toàn Việt Nam, để có cơ sở xây dựng kế hoạch xâm lược vùng đất này. Đại úy A. Girard, Huân chương Hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh (Pháp), đã thực hiện một chương trình khảo cứu công phu, toàn diện về Đà Nẵng. Trong bản báo cáo chính thức hoàn thành tại Paris ngày 20.12.1858, ông cho biết, “nhà cửa ở Đà Nẵng bao gồm những mái nhà tranh vách đất được dựng lên bằng đất bùn nhồi rơm hoặc phên tre trát bùn đất”.(3)

Cũng có cái nhìn như vậy, trong cuốn hồi ký L'Indo - Chine Francaise (Xứ Đông Dương) của Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương (1897 - 1902), ông có kể về chuyến thăm Đà Nẵng vào năm 1897 như sau: “Năm 1897, Đà Nẵng hiện ra thật nghèo nàn với một hiện thực đáng buồn. Có ba hoặc bốn tòa nhà công, tầm 12 ngôi nhà phong cách châu Âu, một ngôi làng đặc trưng miền Trung với những túp lều. Tất cả như những dấu chấm trên cát biển bao la”.(4)

Như vậy có thể thấy, nhà ở ngư dân Đà Nẵng phần lớn kết cấu kiến trúc làm bằng gỗ, mái nhà chủ yếu được lợp bằng tranh, có rất ít nhà lợp ngói.

Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, những ngôi nhà làm bằng nguyên vật liệu như gỗ, tre tranh được thay thế bằng xi măng cốt thép kiên cố và tiện nghi hơn. Quá trình đô thị hóa làm thay đổi hoàn toàn diện mạo đời sống ngư dân biển Đà Nẵng. Làng đã thành phố. Các làng biển được quy hoạch thành từng khu dân cư riêng. Vì vậy, dấu tích về nhà ở của ngư dân trong quá khứ chỉ còn trong hồi cố của những bậc cao niên,...

  •  Trong ẩm thực:

Ở Đà Nẵng, từ xưa người dân đã biết nhiều cách chế biến các loại hải sản như kho, hấp, nướng... Do đặc thù nghề nghiệp nên họ được ăn cá thoải mái và luôn rành rẽ những bộ phận ngon nhất của từng loài cá. Đặc biệt, với người dân biển thì có lẽ cá lúc nào cũng là của ăn của để:

- Nhà biển ăn cá bỏ đầu

Nhà quê thấy tiếc bèn xâu đem về.

- Nhứt đầu cá thu, nhì mui (môi) cá chuồn.

- Nhứt đầu cá chang, nhì gan cá mập.

Khi đô thị hóa phát triển thì nguồn hải sản trong bữa ăn của ngư dân đã giảm đi đáng kể. Ngư dân làm nghề ít đi, nguồn hải sản không dồi dào như trước. Thêm vào đó, có nhiều nguồn thực phẩm được nhập về, thực phẩm đông lạnh và những loại rau củ, thịt dê, bò, sữa cũng chiếm một phần trong thực đơn hàng ngày của người dân. Họ không còn quanh năm ăn cá, rong biển. Việc thay đổi này cũng khiến cho đời sống ẩm thực của ngư dân thêm đa dạng.

Sản phẩm của nghề biển được ngư dân đem chế thành đặc sản nước mắm Nam Ô nổi danh khắp cả nước, trở thành món quà quê ý nghĩa với nhiều gửi gắm của mỗi người dân làng Nam Ô. Có lẽ do thổ nhưỡng và khí hậu giao hòa giữa núi và biển nên nơi đây đã tạo ra những sản vật, sản phẩm ngon lạ lùng:

- Đợi mắm Nam Ô, đợi cua làng Gành.

- Nam Ô nước mắm thơm lừng

Đi mô cũng nhớ mùi hương quê nhà.

Nhưng với sự du nhập của những hóa phẩm màu, ngày nay, những sản phẩm từ mắm lại được thêm vào các chất bảo quản hay tạo màu không tốt cho sức khỏe người dân.

1.2. Biến đổi trong văn hóa tinh thần

Đầu tiên, phải nói đến sự thu hẹp về không gian của các di tích. Trước đây, lăng thờ cá Ông, đình làng, hay các miếu thờ thần linh được người dân chọn một khu đất rộng, cao ráo trong làng để xây dựng sao cho phù hợp với việc tổ chức các sinh hoạt tín ngưỡng. Nhưng dần về sau, quá trình đô thị hóa đã khiến cho di tích bị thu hẹp hoặc bị dời đến chỗ khác, xa không gian sinh hoạt truyền thống của ngư dân. Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến sinh hoạt tín ngưỡng của người địa phương.

Sự thay đổi tiếp đến là trong cách thực hành nghi lễ. Trước đây, khi tiến hành cúng tế trong các lăng, miếu, đình thường có rất nhiều nghi lễ nhưng nay thì giảm bớt, thay vì thực hiện nhiều nghi lễ thì chỉ thực hiện các nghi lễ chính. Quá trình thực hiện lễ nghi cũng có nhiều biến đổi. Ví dụ trước đây, học trò gia lễ thường được lựa chọn cẩn thận, chọn người chưa vợ có dung mạo, phẩm chất tốt nhưng bây giờ thì chỉ cần đáp ứng độ tuổi từ 18 - 20, thậm chí có khi thiếu người phải chọn luôn cả những người đã có vợ. Vì không có thời gian tập luyện nên trong lúc thực hiện lễ có xảy ra trường hợp quên trước quên sau do hiện nay người ta ít đầu tư vào việc học thuộc, nắm bắt lễ nghi như trước nữa.

Về thời gian và quy mô diễn ra lễ hội cũng có sự thay đổi lớn. Ngày xưa, lễ hội thường được tổ chức 3 - 5 ngày tại đình, lăng hoặc miếu. Nhân dân các làng gần đó cùng đến để tham gia hội. Nhưng ngày nay, lễ hội thường diễn ra trong 2 ngày (có nơi chỉ tổ chức trong một buổi, thậm chí chỉ vài tiếng đồng hồ). Ngày hôm trước là lễ rước các vị thần trong làng về dự, ngày hôm sau là lễ chánh. Những trò chơi dân gian như đấu vật, hô bài chòi, hò đưa linh, đua thuyền cũng bị lược bớt. Xưa kia, nếu một làng tổ chức hội lễ thì các làng khác cũng cử đội của mình đến thi thố tài năng, vì vậy lễ hội luôn náo nhiệt trong nhiều ngày. Hiện nay, chỉ một vài làng còn tổ chức được vài trò như lắc thúng, đan lưới, đá bóng giao lưu trên bãi biển, đua ghe,...

Sự xâm nhập của những những yếu tố hiện đại: Trong các lễ hội tại đình làng, lăng miếu còn có sự xâm nhập của những trang thiết bị hiện đại, văn hóa ngoại lai như loa, âm ly, bóng điện nhấp nháy trên bàn thờ,... Trước đây, khi hành lễ, các vị trong ban quý tế chỉ đọc bằng miệng, không có sự hỗ trợ của loa, âm ly,... Lễ vật ngày xưa chủ yếu là những sản vật mà bà con tự sản xuất như heo, gà, rượu gạo, bánh nếp thì nay có thêm rượu tây, bia, các loại bánh ngoại. Trang phục tham gia lễ thì khăn đóng áo dài nhưng có người còn đi giày tây, có khi mặc quần tây phía trong áo dài khiến cho buổi lễ giảm phần nghiêm trang, kính ngưỡng.

Sự hiện diện của các yếu tố hiện đại góp phần làm đa dạng cách thức thực hành tín ngưỡng, mang hơi thở hiện đại nhưng cũng góp phần làm lu mờ những giá trị truyền thống của lễ hội có tính chất cầu mùa, cầu an.

Qua phỏng vấn ngư dân ở các làng biển Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy, đã có sự suy giảm niềm tin vào tín ngưỡng này, thể hiện ở việc cơ sở thờ tự (như đình làng) ít được tu sửa quy mô, có nơi hậu tẩm bị xuống cấp (làng Nam Ô), có nơi di tích bị dịch chuyển hoặc xây lại theo lối đơn giản (làng Hòa Hải, Hòa Quý, Mân Quang), nghi lễ thờ cúng cũng có phần giản lược làm mất đi giá trị của di tích. Lễ hội bị thu hẹp cả về thời gian và quy mô, người dân tham dự không nhiều; kinh phí đóng góp hạn chế, khó huy động. Như vậy, tính thiêng trong các hoạt động tín ngưỡng đang bị giảm dần.

Một số tập tục, kiêng kỵ của ngư dân cũng có nhiều thay đổi. Trước đây, khi ra biển, đối diện với những hiểm nguy do thiên nhiên gây ra đã dần dần tạo nên tâm lý kiêng kỵ của người dân miền biển. Họ kiêng từ nhà ra biển, kiêng trong quá trình hành nghề. Bởi do công cuộc mưu sinh, phương tiện hành nghề trên biển chủ yếu là thuyền nên họ phải lênh đênh giữa muôn trùng sóng nước, đối mặt với biển cả bao la và đầy rẫy nguy hiểm. Mỗi lần giong buồm đi/về, họ luôn cầu nguyện những lực lượng siêu nhiên, có thể cứu giúp và dẫn dắt họ an toàn trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, nghề đi biển ít phụ thuộc vào những hiện tượng tự nhiên mà đã có đài dự báo thời tiết, các thông tin từ nhà mạng. Hơn nữa, khi niềm tin tín ngưỡng phai nhạt thì cũng khiến cho những kiêng kỵ, tập tục dần mất đi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, trong đó, sự chuyển đổi nghề nghiệp ở một bộ phận những người theo nghề đi biển là tác nhân lớn nhất. Đối với bộ phận ngư dân, đô thị hóa đi kèm với việc thu hồi đất, tái định cư, giải phóng mặt bằng không ảnh hưởng nhiều và trực tiếp đến sự chuyển đổi nghề nghiệp của họ như những người nông dân hay người buôn bán kinh doanh, song, lại tạo cho họ cơ hội “đổi đời” nhờ bồi thường, bán đất; đồng thời, có nhiều cơ hội việc làm mới với mức lương cao và ít rủi ro, nguy hiểm hơn. Một số làng ngày xưa hầu hết mọi người đều làm nghề đi biển nhưng nay đã giảm rõ rệt, có làng chỉ còn vài chục hộ còn làm nghề. Vì gắn với nghề nên khi cư dân ven biển thay đổi sinh kế đã tác động không nhỏ đến sự tồn tại và phát triển của tín ngưỡng, dẫn đến hiện tượng thiếu người thực hành nghi lễ, thiếu kinh phí duy trì... Thay đổi sinh kế cũng góp phần làm phai nhạt niềm tin vào tín ngưỡng.

2. Giải pháp bảo tồn văn hóa của ngư dân Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay

Qua những tập tục, lễ hội, kiêng kỵ, các di sản văn hóa của ngư dân Đà Nẵng, chúng ta thấy được đời sống văn hóa của họ khá phong phú, được tích lũy từ hàng trăm năm trước của những lớp cư dân từ lúc mở cõi đến nay. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, quá trình đô thị hóa trên địa bàn Đà Nẵng diễn ra ngày càng mạnh mẽ, nhiều lần thành phố phải mở rộng về các hướng, tăng khu vực vùng ven, tăng khu vực ngoại thành khiến những ngôi làng truyền thống chạy dọc theo bờ biển được thay thế bằng những khu nghỉ dưỡng cao cấp hay những khu chung cư, ngư dân “thiếu hoặc ít” con đường hướng biển; những không gian được phủ xanh bởi phi lao, dừa... quanh làng chài giờ thưa vắng dần; những tri thức quý về ứng xử hay các di tích, các phong tục, lễ hội bị biến đổi dần... Rõ ràng, khi không gian sống, không gian sinh tồn bị thay đổi mạnh mẽ thì vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống của cộng đồng ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, những thế hệ tiếp nối hiện nay do nhiều nguyên nhân như nghề biển quá cực khổ, sinh mạng con người quá mong manh, đầy hiểm nguy bất trắc, thu nhập thấp và không ổn định... nên họ dần bỏ nghề biển vào làm ở các khu công nghiệp, chỉ còn một số ít thanh niên theo nghề.

Từ đó, đời sống tâm linh, văn hóa của ngư dân được trao truyền từ đời này sang đời khác cũng dần mai một, những người lớn tuổi thì ngày càng già và mất đi, thế hệ trẻ thì không mặn mà với ngành nghề truyền thống này. Do đó để bảo tồn tri thức văn hóa biển cần phải:

- Trùng tu, tôn tạo nguyên dạng những thiết chế như đình làng, lăng, miếu gắn với tín ngưỡng của ngư dân Đà Nẵng. Tạo điều kiện cho giới trẻ có cơ hội tham dự lễ hội hàng năm tại các thiết chế tín ngưỡng này, được nghe những người đi trước trao truyền lại những kinh nghiệm của những bậc tiền bối.

- Song song với việc đầu tư nghiên cứu kinh tế biển, chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt gần bờ, thành phố Đà Nẵng cần chú trọng hơn nữa đến những đề tài nghiên cứu về bảo tồn văn hóa biển, trong đó có tri thức dân gian.

- Tạo điều kiện để ngư dân có thể tiếp tục bám biển, đảm bảo cuộc sống mưu sinh vì giữ được nghề thì văn hóa, tín ngưỡng mới có cơ sở và môi trường thực hành để tồn tại và phát triển.

- Ngoài nguồn kinh phí Nhà nước, cần huy động nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau trong việc bảo tồn văn hóa, tín ngưỡng từ phía người dân, cơ quan, doanh nghiệp và tư nhân ở cả trong và ngoài nước...

- Ngoài mục tiêu văn hóa, cần phục hồi và khai thác các giá trị văn hóa biển đặc sắc để phục vụ du lịch và quảng bá, phát huy giá trị văn hóa biển tại Đà Nẵng dựa trên những tiềm năng và thực tế trong nỗ lực xây dựng “thương hiệu” du lịch biển của thành phố.

- Những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cần có những công trình nghiên cứu về văn hóa biển truyền thống của ngư dân Đà Nẵng, cũng như đánh giá những tác động của quá trình đô thị hóa đã ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của ngư dân.

- Cần thực hiện một số phim tư liệu về văn hóa truyền thống của ngư dân Đà Nẵng, về đời sống xã hội, sinh hoạt văn hóa, về làng ngư và cảnh quan thiên nhiên...

- Nên ghi âm, ghi hình những ngư dân cao tuổi, những câu chuyện kể của họ, cũng như những kinh nghiệm, tri thức dân gian, kiêng kỵ của người đi biển.

3. Thay lời kết

Có thể nói, đô thị hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, ảnh hưởng đến các khía cạnh văn hóa của cộng đồng cư dân, nhất là ngư dân ven biển. Có thể nói, văn hóa dân gian của ngư dân Đà Nẵng được đúc kết trong quá trình lao động và sinh sống lâu dài, được lưu giữ, trao truyền từ đời này qua đời khác và có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Những tri thức đó giúp ngư dân vượt qua nhiều thiên tai và vận dụng hiệu quả vào khai thác, đảm bảo đời sống hàng ngày. Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, cùng với quá trình đô thị hóa, cũng như những người già có kinh nghiệm thì không có sức khỏe để làm nghề, người trẻ đi biển chủ yếu sử dụng, phụ thuộc vào các phương tiện kỹ thuật hiện đại... là những thách thức đối với việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Do đó, bảo tồn di sản văn hóa của cư dân miền biển Đà Nẵng là vấn đề hết sức cấp thiết.

 Đ.T.T

(1) John Barrow, Một chuyến du hành xứ Nam Hà, (Hà Nội: Thế giới, 2011), 81.

(2) Cristophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, (Thành phố Hồ Chí Minh: Thành phố Hồ Chí Minh, 1998), 32-33.

(3) Nguyễn Quang Trung Tiến, “Về báo cáo điều tra tình hình Đà Nẵng phục vụ cuộc xâm lược của Pháp năm 1858 (Kỳ cuối)”, Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, (Số 121, 01.2020), 56.

(4) Paul Doumer, Xứ Đông Dương, (Hà Nội: Thế giới, 2015), 338.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Dương Văn An. 2009. Ô châu cận lục (Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính và chú giải). Hà Nội: Giáo dục Việt Nam.
  2. John Barrow. 2008. Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793). Hà Nội: Thế giới.
  3. Cristophoro Borri. 1998. Xứ Đàng Trong năm 1621. Thành phố Hồ Chí Minh: Thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Paul Doumer. 2015. Xứ Đông Dương. Hà Nội: Thế giới.
  5. Phan Khoang. 2000. Việt sử xứ Đàng Trong. Hà Nội: Văn học.
  6. Ngô Sĩ Liên. 2011. Đại Việt sử ký toàn thư. Hà Nội: Thời đại.
  7. Vũ Văn Mẫu. 1980. Trên đường Nam tiến (Phần I: Cuộc Nam tiến trên đất Chiêm Thành).

Sài Gòn.

  1. Li Tana. 2013. Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII (Nguyễn Nghị dịch). Thành phố Hồ Chí Minh: Trẻ.
  2. Tố Am Nguyễn Toại. 2002. “Thủy quân ngày xưa”. Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế - Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển.
  3. Ngô Đức Thịnh. 2000. “Folklore cư dân các làng ven biển”. Văn hóa dân gian các làng ven biển. Hà Nội: Văn hóa dân tộc.
  4. Nguyễn Bạt Tụy. 1961. “Những nhà xưa ở Quảng Nam”. Văn hóa Nguyệt san, Số 59.