Văn nghệ sĩ cảm nhận về thành phố Đà Nẵng - Minh Hoàng (thực hiện)

01.11.2017

Văn nghệ sĩ cảm nhận về thành phố Đà Nẵng - Minh Hoàng (thực hiện)

BBT: Thành phố Đà Nẵng với vẻ đẹp từ thiên nhiên ban tặng, từ con người tạo dựng nên, là cảm hứng vô tận cho văn nghệ sĩ khắp nơi sáng tạo. Tạp chí Non Nước trích giới thiệu một số ý kiến cảm nhận về thành phố Đà Nẵng của văn nghệ sĩ trong tập sách này.

Kiến trúc sư TRẦN NGỌC CHÍNH (Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam): Mong muốn và xây dựng Đà Nẵng là thành phố thông minh

Cảm nhận về Đà Nẵng ấn tượng nhất đối với tôi có lẽ là về cảnh quan sông Hàn. Sông Hàn luôn luôn là niềm cảm hứng bởi sự sáng tạo giàu chất thơ, hiện đại, bản sắc nhưng lại rất thân thiện với mọi người...

Đà Nẵng là một hiện tượng đô thị biển được kỳ vọng nhất và là đô thị kiểu mẫu trong chiến lược phát triển đô thị Việt Nam. Tuy rằng trong quá trình phát triển vẫn còn những bất cập trong quy hoạch và quản lý khi vấn đề phát triển đô thị đang là thách thức trong quá trình toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Song, những ai đã từng đến với Đà Nẵng đều cùng chung một ý nghĩ với cư dân thành phố này: Đà Nẵng là thành phố đáng sống. Những người làm công tác phát triển đô thị đang mong muốn và xây dựng Đà Nẵng là thành phố thông minh - thành phố xanh, xứng đáng là thành phố đi đầu cả nước về phát triển và quản lý phát triển đô thị.

Nhà điêu khắc TẠ QUANG BẠO: Như viên ngọc lấp lánh ánh sáng

Những kỷ niệm về Đà Nẵng năm nào theo tôi đến với Đà Nẵng hôm nay. Từ một quân cảng quân sự với lô cốt, sân bay, trại lính... khô khốc, Đà Nẵng vươn mình bằng sức trẻ thanh xuân lộng lẫy. Thành phố bên núi, bên biển với dòng sông Hàn chảy qua đủ thiên thời địa lợi...

Chuyến bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng luôn cho tôi những ký ức và sự chờ đợi. Qua cửa sổ máy bay, nhìn từ trên cao thành phố như viên ngọc lấp lánh ánh sáng hướng ra biển muôn trùng, dòng sông Hàn hiền hòa, khoan thai chảy qua hai bờ đồ sộ những phố phường sầm uất đổi thay từng ngày.

Đặt chân xuống Đà Nẵng, tôi miên man với ký ức và thúc giục của thời gian để được nhìn ngắm rồi tận hưởng. Đời sống một vùng đất mà ta gắn bó, tin yêu và hy vọng luôn mặn mà, ta như muốn lặng chìm vào và tiếp tục nhận một sức sống.

Kiến trúc sư HOÀNG ĐẠO KÍNH: Nên đặc biệt chăm chút những di sản

đô thị

Chỉ có hơn 100 năm hun đúc tính khí riêng, người dân Đà Nẵng trong công cuộc kiến thiết thành phố đã bộc lộ rõ hai phẩm chất đặc trưng: Nghĩ thiết thực và làm dứt khoát.

Đà Nẵng đã đạt được sự mở mang đủ tầm và đủ sức đón tương lai. Đã đến lúc đặt trọng tâm vào phát triển theo chiều sâu, tức là bắt tay vào cải tạo và chỉnh trang khu trung tâm, các khu phố cũ, kiện toàn kiến trúc và cảnh quan những con đường, những khu phố mới mở, cải thiện và vun đắp hình ảnh chung đô thị...

Ở độ tuổi hơn 100, những kiến trúc xưa của Đà Nẵng không đồ sộ và không cổ xưa là mấy, song rõ ràng là những dấu ấn trên chặng đường kiến thị, rõ ràng góp phần tạo nên bộ nhớ, những chốn cho hoài niệm ở một nơi sự thực tế chế ngự là chính. Đánh mất đi những dấu vết kiến trúc - kỷ niệm thời gian, thành phố sẽ y như người đãng trí.

Nhà thơ THANH THẢO: Đó là tầm nhìn can đảm của người Đà Nẵng

Một ngày sau khi dự liên hoan âm nhạc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng, tôi tranh thủ đi xe hai vòng qua cầu Thuận Phước. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha từng đi Mỹ có đến thăm cầu Golden Gate nói cầu Thuận Phước có kiến trúc giống cầu “Cổng Vàng” - niềm tự hào của kiến trúc cầu Mỹ. Tôi chưa dám nói thế nào, nhưng ập vào tôi ngay khi đang ở giữa cầu Thuận Phước là một cảm xúc khó tả. Nhìn phía bắc, ngọn Sơn Trà như con hổ đang nằm/ chồm dậy, nhìn về phía nam hiện lên một phần hiện đại của thành phố Đà Nẵng với những âm thanh cao vút của những tòa nhà cao tầng và những cây cầu nối nhau trong một hòa điệu đầy vang vọng của sông Hàn. Cầu Thuận Phước là cây cầu cuối nguồn của sông Hàn. Từ đây ngược lên thượng nguồn là các cầu: Sông Hàn, Rồng, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Tiên Sơn, Hòa Xuân, Nguyễn Tri Phương, Cầu Đỏ. Trừ cầu Đỏ và cầu Nguyễn Văn Trỗi được xây dựng từ trước, bảy cây cầu bắc qua sông Hàn là 7 nốt nhạc trên khung nhạc sóng nước sông Hàn, là 7 hòa âm kết nối thành những dòng nhạc bất tận cho bản giao hưởng sông Hàn, một giao hưởng hiện đại nhưng chủ âm lại rất quen: đó là tầm nhìn can đảm của người Đà Nẵng.

Nhà văn TRUNG TRUNG ĐỈNH: Đà Nẵng đã là một phần của cuộc đời tôi

Tôi yêu Đà Nẵng từ hồi học phổ thông những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước bởi Đà Nẵng là thành phố cảng miền Trung thương yêu kết nghĩa với Hải Phòng quê tôi. Bây giờ nhắc lại sự kiện này có vẻ bình thường, nhưng những năm đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ đó là một sự kiện rất thiêng liêng đối với thế hệ chúng tôi. Ngày ấy chưa có nhiều phương tiện truyền thông như bây giờ. Mọi sự kiện truyền thông đều thô sơ: lớn thì mít-ting, nhỏ thì các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các nhà tuyên truyền về nói chuyện. Trường cấp III Ngô Quyền của chúng tôi sơ tán về nông thôn xa tít, nhưng các thầy cô cũng mời được chú bộ đội người Đà Nẵng về kể chuyện... Chú ấy kể về cảnh đẹp Non Nước - Ngũ Hành Sơn, đèo  Hải Vân, bán đảo Sơn Trà. Rồi chú kể về Hội An, Tam Kỳ, Trà Kiệu... Những ấn tượng đậm đà sâu sắc nhất đối với lớp trẻ chúng tôi là trận đánh thắng Mỹ đầu tiên của quân ta ở Núi Thành. Thành phố Đà Nẵng và thành phố Hải Phòng đều được phong là thành phố trung dũng, kiên cường...

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, do cơ duyên, tôi được đơn vị cử về Đà Nẵng dự học trường Văn hóa - Nghệ thuật, ngành Thư viện và tôi được làm học trò của Giáo sư Hoàng Châu Ký. Ông là người mở mang cho tôi nhiều thứ về sự học hỏi tích cóp bền lâu của một trí thức và sự cần mẫn lao động của một người làm công việc sáng tạo. Tôi tôn sùng và nhớ ơn ông suốt đời.

Với tôi, Đà Nẵng vừa là cơ duyên vừa là nghĩa tình. Đất và người Đà Nẵng đã là một phần của cuộc đời tôi mà tôi không thể nào sao nhãng.

Họa sĩ LÊ THIẾT CƯƠNG: Những ô cửa rộng mở ra thiên nhiên, ánh sáng, nắng và gió

Một nét độc đáo của kiến trúc Bảo tàng Điêu khắc Chăm là những ô cửa rộng so với tỷ lệ các bức tường và ngôi nhà. Sân vườn cũng rộng và trồng nhiều cây hoa đại, người miền Nam gọi là hoa sứ, người Lào gọi là hoa Chăm Pa. Chắc chắn đó không chỉ là vô tình. Mà liệu có thể thay bằng cây gì khác mà vẫn mang được nhiều ẩn ý như vậy không? Những ô cửa rộng mở ra thiên nhiên, ánh sáng, nắng và gió; không cách biệt trong ngoài, nghệ thuật và cuộc sống, quá khứ và hiện tại. Tất cả đều phù du, chỉ có nghệ thuật là còn lại cùng với vẻ đẹp của tự nhiên như những bông sứ hàng nghìn năm đã và sẽ còn nở mãi.

Họa sĩ VŨ TRỌNG THUẤN: Tôi cứ thấy tiếc sao mình không đến Đà Nẵng sớm hơn

Chỉ còn 2 năm nữa là tròn 80 tuổi, gần suốt cả đời người tôi lang thang phiêu bạc trên nhiều nước từ châu Âu đến châu Mỹ. Tôi trở lại Việt Nam sau nhiều năm xa cách, sống ở Hà Nội 8 năm, thành phố Hồ Chí Minh 5 năm rồi cuối cùng về sống ở Đà Nẵng. Nói là cuối cùng vì tôi tìm thấy ở vùng đất này là nơi dừng chân tuyệt vời nhất cho dẫu tôi vốn là người quê ở Hải Phòng.

... Sau gần 6 năm sống tại đây tôi đã nhận nhiều, rất nhiều từ vùng đất này. Các anh chị em hoạt động văn học nghệ thuật và đồng nghiệp tại Đà Nẵng đã dành cho tôi sự nồng nhiệt và lòng yêu mến một cách vô tư. Chính quyền thành phố cũng đã ưu ái, có sự quan tâm đặc biệt, đã cấp đất cho tôi để xây dựng bảo tàng mỹ thuật tư nhân. Còn người dân thì thân thiện, dễ gần gũi sẵn sàng giúp đỡ mình.

Ưu điểm lớn nhất của Đà Nẵng là môi trường sống trong lành. Sức khỏe tôi đã được cải thiện rõ rệt. Tôi có chế độ sinh hoạt thể dục tắm biển khá đều đặn: Cứ sáng từ 4 giờ đã thức dậy rồi ra biển tập thể dục, tắm biển. Nhờ đó mà đủ sức khỏe làm việc cả ngày. Tôi cứ thấy tiếc sao mình không đến Đà Nẵng sớm hơn mà đã tiêu hao một phần sức lực bởi mười mấy năm lang thang Sài Gòn - Hà Nội.

M.H

(Nguồn: Tập sách “Cảm nhận Đà Nẵng”, NXB Hội Nhà văn, 2017)

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - hình ảnh đại diện cho Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 - Thanh NhãTây Giang - miền biên thùy rất lạ! - Huỳnh Viết TưDấu ấn Tây Giang - Quốc LongNhớ anh Hồ Hải Học - Lê HuânChiếc đòn gánh - Mỹ AnMưa qua tháp cổ - Phụng TúDòng xưa chuyện kể - Tường LinhTrở mùa - Phạm Thị Hải DươngCông viên Vườn tượng 21 nền kinh tế APEC giữa lòng Đà Nẵng - Trần NgọcHội nghị thượng đỉnh APEC Đà Nẵng, Việt Nam thu hút sự quan tâm toàn cầu - Thanh LiêmĐà Nẵng - thành phố của những thương hiệu riêng biệt - Bùi Văn TiếngVăn nghệ sĩ cảm nhận về thành phố Đà Nẵng - Minh Hoàng (thực hiện)Hương thảo - Bùi Công MinhNắng gió đại ngàn - Vạn LộcTây Giang - Nguyễn Xuân TưNgày lại ngày - Hoàng Thanh ThụyVấp - Nguyễn Ngọc HạnhTa còn chờ mai nữa lá thu bay - Trần Trình LãmNgười học trò và Bông Hồng Vàng - Nguyễn Hoàng ThọMùa thu - Nguyễn Đông NhậtTình ca biển - Phan NamThành phố & tôi hôm nay - Khaly ChàmMình đi thành phố nhé - Phan DuyThành phố những hàng cây ngủ sớm - Nguyễn Linh KhiếuNhững hàng cây nhắc nhớ - Huỳnh Thúy KiềuVề thăm Sơn Trà - Mai TuyếtThơ Uông Thái BiểuChuyển động thơ - Huỳnh Minh TâmTừ bông hoa đã lụi tàn - Trần Quốc ToànLàm Đào được mặc áo đôi được đi giày đỏ, được ngồi chiếu hoa - Trương Đình QuangThơ Nguyễn Nho Khiêm và sự rủ rê người đọc - Mai Bá ẤnNhà thơ Nam Trân nhận thơ tặng của Giáo sư Trung Quốc - Hương ThuCó một đàn chim - Hoàng Hương Việt