Tây Giang - miền biên thùy rất lạ! - Huỳnh Viết Tư

01.11.2017

Tây Giang - miền biên thùy rất lạ! - Huỳnh Viết Tư

Miền biên thùy Tây Giang là huyện vùng cao giáp nước Lào của tỉnh Quảng Nam. Từ huyện Hiên cũ, được tách thành huyện Đông Giang và huyện Tây Giang năm 2003, cách thành phố Đà Nẵng chừng 120km. Đường lên Tây Giang quanh co, khúc khuỷu, chiếc xe chở chúng tôi luồn lách trong bạt ngàn núi xanh rừng thẳm. Những bản làng Cơtu nằm lọt thỏm giữa các thung lũng xanh, nằm vây quanh Gươl. Đường lên trung tâm huyện lỵ nằm trên đất thôn Agroồng, xã Atiêng. Bên này, bờ taluy vững chải; bên kia, dòng Avương âm vang thác đổ, rồi róc rách tự tình thâm u, huyền bí đại ngàn. Từ trên đỉnh cao, nhìn xuống những cây cầu treo lát gỗ nối đôi bờ chênh vênh, lắc lư, trong không gian thác ghềnh, đồi núi mênh mang, chập chùng, khiến lòng tôi chênh chao... Khi trời chiều chếch choáng, cảm giác lâng lâng phiêu bồng tiên cảnh. Những cánh rừng nguyên sinh ngàn năm ưỡn ngực tự hào khoe sắc xanh thẳm. Trên những đỉnh núi chót vót, đám mây trắng quần tụ như chiếc khăn voan khổng lồ trùm lên một vùng núi biếc, nhấp nhô, lượn lờ, phất phơ gió lộng.

Tôi cảm thấy thích thú được thỏa lòng chinh phục những con dốc vòng vèo uốn lượn dần lên đến đỉnh Quế cao 1369m, ngất ngưỡng trời xanh. Từ những con đèo ngoằn ngoèo bên vực thẳm, bên vách núi cheo leo đưa đến di tích lịch sử cấp quốc gia: đoạn Atép đi Bù Lạch và Atép đi Hiên từ năm 1969 - 1975, đường mòn Hồ Chí Minh 559, đường Trường Sơn đoạn ngã ba Atép, mốc 678. Đến thăm đình làng mới xây trong những năm gần đây nhưng rong rêu, dương xỉ, cỏ dại đã bám vào tường và mọc trên nóc, tại thôn Arần 1, Xã Axan giáp biên giới Lào. Phía trước đình có hai cây đa sộp, là hai cây đa di sản Việt Nam hơn 700 trăm tuổi, như là chứng nhân của tạo hóa về một vùng đất có 10 xã, chỉ trừ 2 xã: Avương và Dang, còn lại 8 xã: Blêê, Anông, Atiên, Lăng, Tr' hy, Axan, Ch' ơm và Gary là vùng biên giáp với 2 huyện Kạ Lừm và Đák Chưng, tỉnh Xê Kông nước Lào. Thân cây đa sộp to lớn, tán rộng, rễ chính và rễ phụ đan xen nhau, như thể hiện tình đoàn kết gắn bó keo sơn cộng đồng người Cơtu, sau những cuộc chiến sinh tử từ hai làng kề nhau, xuất phát từ tục “săn máu” của người Cơtu. Tập tục này diễn ra trong một thời kỳ dài, gây nên bao nỗi kinh hoàng, vốn là dạng nghi lễ gắn với tín ngưỡng nông nghiệp nguyên thủy, khá phổ biến trong lịch sử nhiều tộc người. Bởi quan niệm máu đóng vai trò cực kỳ quan trọng, làm dẫn chất kết nối âm dương, trời đất - nhân tố cần thiết cho sự tồn vong và phát triển cây trồng, tạo nên cuộc sống no ấm. Người ta truyền nhau, hai cây đa này rất linh thiêng. Khi có việc lớn trong gia đình cư dân, khi thương lái, người đi khám phá, du lịch đi ngang,  thường dừng lại thắp hương cúng Giàng, cầu sự bình an, may mắn. Hằng năm, thôn Arầng lấy ngày 18 tháng giêng tổ chức lễ cúng, cầu mong bản làng yên bình, tai qua nạn khỏi, không có người chết xấu (do sét đánh, tự tử...), khi đó họ phải bỏ làng đi nơi khác.

Trên đường vào huyện lỵ, chúng tôi bắt gặp bên đường câu khẩu hiệu: “Rừng còn, Tây Giang phát triển; rừng mất, Tây Giang suy vong!”. Phải chăng, ở đây đã thể hiện tấm lòng quyết tâm của nhân dân và chính quyền? Ông Bh'riu Liếc - Bí thư Huyện ủy cho biết: huyện Tây Giang đang vận động các xã tìm thêm những loại cây quý để mời Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường đến khảo sát, lập hồ sơ công nhận. Hiện nay đã có 725 cây và đang tìm thêm để có trên 1.000 Cây Di sản. Đây là việc làm rất có ý nghĩa trong việc giữ rừng, phát triển bền vững huyện thành một vùng văn hóa riêng biệt. “Khi tách huyện, việc đầu tiên là chúng tôi tuyên truyền phải bảo vệ, phát triển rừng”, ông Bh'riu Liếc chia sẻ và kể lại: Cuối năm 2011, huyện Tây Giang đã tổ chức cho thanh niên phát dọn, mở đường đi bộ từ thôn Voòng, xã Tr'hy đi thôn Ganil, xã Axan để nhân dân các xã Ch'ơm và Gari đi lại. Tại dãy núi Ziliêng thuộc địa phận xã Axan, cách mặt nước biển hơn 1.500m, đã phát hiện một “vương quốc Pơmu” có tuổi thọ ước tính hàng trăm năm tuổi. Hiện rừng cây Pơmu này nằm cách trung tâm huyện Tây Giang về phía tây khoảng 35 - 40km, thuộc địa phận 2 xã Tr'hy và Axan, đã được kiểm đếm có 1.037 cây với đường kính từ 2 - 2,5m, cao trên 30m. Có một cây to nhất trong khu rừng với đường kính lên tới 2,5m, chừng 6 người ôm không xuể, cao 22m, mang số hiệu cây thứ 477. Ngoài ra, khu rừng còn có 5 cây với đường kính 2m; 17 cây có đường kính từ 1,5-1,9m; 150 cây có đường kính từ 1,1-1,4m; còn lại là những cây có đường kính dưới 1m. Rừng Pơmu nằm sâu bên trong, được đồng bào che chở, nên thời gian qua, rừng gỗ quý này tồn tại gần như nguyên vẹn. Buổi trưa nắng nóng nhưng trong rừng bạt ngàn vẫn mờ ảo sớm mai. Rong rêu, địa chi đã bám đầy thân cây Pơmu cổ thụ. Nhưng vạn vật đều không tránh khỏi vòng luân hồi sinh tử bởi thời gian, nên nhiều cây hàng trăm năm tuổi không còn trụ nổi, đã ngã đổ, bên cạnh những cây con đang lớn dần. Chúng tôi có ý tưởng sẽ làm một vườn tượng từ những cây gãy đổ để nguyên trong rừng. Những cây Pơmu cụ, cao chót vót vẫn vươn mình che chở những cây con lớn lên, đan xen nhau. Quả thật, rừng Pơmu Tây Giang là tài sản quý giá của Quốc gia cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Chúng tôi mong ý tưởng độc đáo của ông Bh'riu Liếc thành công, để phát triển ngành du lịch sinh thái, mang lại giàu sang cho vùng đất và con người ở đây.

Dãy Trường Sơn hùng vĩ với bao điều bí ẩn rất lạ. Đồng bào Cơtu trải qua một ngày cắt rừng, vượt suối, đến đỉnh cao núi K'lang độ cao 2005m. Đến đây, như một bình nguyên thu nhỏ, họ lại phát hiện ra rừng hoa Đỗ Quyên cổ, có tuổi đời hàng trăm năm. Chiều về, ông mặt trời quay lại núi rừng, Đỗ Quyên bất chợt hiện ra, mang những hình hài lập dị, ma quái, huyền hoặc, trải dài theo triền núi. Sớm mai, là thời khắc rừng Đỗ Quyên thi nhau khoe sắc rạng rỡ, lồng lộng đất trời. Thiên nhiên hùng vĩ và kỳ thú làm sao! Lòng người choáng ngợp, rưng rưng cảm xúc trong niềm phấn khích mê hồn. Độ cao, khí hậu mát lạnh, trong lành và thổ nhưỡng đã nuôi dưỡng cho những cánh hoa Đỗ Quyên có một vẻ đẹp lạ thường, không chỉ màu sắc, độ lớn cánh hoa, mà còn phần thân gốc cổ thụ như là một tác phẩm nghệ thuật tạo hình tuyệt tác mà tạo hóa ban tặng. Với 12 quần thể, diện tích gần 100 ha, hoa Đỗ Quyên có ba màu đặc trưng: hồng, trắng và tím. Nó là cái tên, là hình ảnh mới lạ đối với nhiều người. Sự xuất hiện loài Đỗ Quyên giữa cánh rừng nguyên sinh ở núi cao Tây Giang là một bất ngờ. Bởi nó vốn là “đặc sản” của Sa Pa hay Đà Lạt... Trải nghiệm một cung đường đại ngàn nguyên sơ để đến cánh rừng Đỗ Quyên, thưởng ngoạn loài hoa nữ hoàng huyền thoại Tây Giang trên đỉnh Aruung với những câu chuyện thần thoại và cổ tích là lựa chọn tuyệt vời cho những tâm hồn nghệ sĩ, cho những ai có khát vọng khoa học, nghiên cứu, khám phá, chinh phục...

Lên Tây Giang, đắm mình trong nét hoang sơ của những ngôi làng truyền thống người Cơtu. Những Gươl, những Moong, những nhà Dài độc đáo về kiến trúc, từ sự chạm trổ khéo tay của những nghệ nhân mà cuộc đời, máu thịt đã gắn liền với đại ngàn, không một ngày đến lớp. Họ chạm trổ những hình thù muông thú rừng và những hoạt động cộng đồng cư dân. Chúng tôi nghỉ lại đây, trong bản làng Cơtu, trong Gươl, nghe giọng trầm khàn "ô..ô, a..a" từ điệu lý những già làng. Để ngà ngà say bên ché rượu cần, vây quanh đám lửa sân Gươl cháy ngút ngàn, bập lùng tiếng lồ ô, làm rạng rỡ những khuôn mặt thân thương giữa sân Gươl... Ngắm nhìn, hòa cùng những chàng trai, cô gái Cơtu tạo thành vòng tròn nghiêng mình với điệu múa truyền thống Tâng tung - za zá, được nghe kể huyền thoại chuyện tình Ploong trên dòng Avương, nghe những bài tình ca Chiều trên sông A Vương - lời Bh'riu Liếc, nhạc Nguyễn Đức, Huyền thoại Tây Giang - của nhạc sĩ Nguyễn Đức, người đã “ăn dầm, nằm dề” tại đây, những nhạc sĩ, ca sĩ người C'tu Ploong Plen, Ploong Trung Kiên... rền vang âm thanh đại ngàn, đắm say, khắc khoải về tình yêu quê hương xứ sở và lứa đôi... được nhìn thấy và cảm nhận hơi ấm cộng đồng, được thưởng thức rất nhiều món ăn, thức uống lạ như rượu nếp than, rượu Tr'din, Tàvạk, bánh sừng trâu, cà - đang (sùng đất), zrá là món thịt cộng với rau rừng thọc nhuyễn trong ống tre lồ ô nướng lên... Tất cả trộn hòa, làm nên nhiều cung bậc cảm xúc rồi trộn hòa thăng hoa cùng tột. Nhưng đâu rồi: “Khi em qua suối qua khe vén ân đóoh* che mặt/ Để tim anh ngấm rượu ba kích giục rộn ràng...”** như một kỷ niệm thời xa! 

Sau nhiều ngày đường khám phá mệt mà vui, chúng tôi được ăn uống những món lạ, ngon mà ấm áp tình người... Ước vọng xanh của người Cơtu về những đồng ruộng bậc thang sau mùa gieo cấy mang về, vẻ đẹp hoang dã núi rừng và cuộc sống thanh bình, không còn chênh chao đứng bên vực thẳm đói nghèo xưa cũ. Tây Giang đang là một cái tên hấp dẫn trên bản đồ du lịch cả nước, có rất nhiều địa chỉ mời gọi. Bản làng vùng cao này là một bảo tàng lưu giữ nhiều tập tục độc đáo, nhiều câu chuyện, câu hát, điệu múa... thần thoại, cổ tích; ẩm thực phong phú, phong cảnh hữu tình và sản vật nơi núi rừng trùng điệp, tạo nên một vùng văn hóa riêng biệt sẽ không còn xa lạ, mời gọi những người làm công tác văn hóa dân gian, những nhà nghiên cứu khoa học thâm nhập, nghiên cứu, phổ biến. Rồi nơi đây, mọi người khắp nơi sẽ rủ nhau về, như tìm lại chiếc nôi mà tổ tiên ta từng cất tiếng chào đời. Hẹn Tây Giang những ngày mới!

(Cám ơn các anh Bh'riu Liếc - Bí thư huyện ủy Bh'riu Liếc, Lê Hoàng Linh - UVTV, PCT huyện Tây Giang, Nguyễn Bá Thâm - nhà nghiên cứu, tác giả tập ký Đi dọc đường biên đã góp nhiều thông tin quý báu cho bài viết này).

H.V.T

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - hình ảnh đại diện cho Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 - Thanh NhãTây Giang - miền biên thùy rất lạ! - Huỳnh Viết TưDấu ấn Tây Giang - Quốc LongNhớ anh Hồ Hải Học - Lê HuânChiếc đòn gánh - Mỹ AnMưa qua tháp cổ - Phụng TúDòng xưa chuyện kể - Tường LinhTrở mùa - Phạm Thị Hải DươngCông viên Vườn tượng 21 nền kinh tế APEC giữa lòng Đà Nẵng - Trần NgọcHội nghị thượng đỉnh APEC Đà Nẵng, Việt Nam thu hút sự quan tâm toàn cầu - Thanh LiêmĐà Nẵng - thành phố của những thương hiệu riêng biệt - Bùi Văn TiếngVăn nghệ sĩ cảm nhận về thành phố Đà Nẵng - Minh Hoàng (thực hiện)Hương thảo - Bùi Công MinhNắng gió đại ngàn - Vạn LộcTây Giang - Nguyễn Xuân TưNgày lại ngày - Hoàng Thanh ThụyVấp - Nguyễn Ngọc HạnhTa còn chờ mai nữa lá thu bay - Trần Trình LãmNgười học trò và Bông Hồng Vàng - Nguyễn Hoàng ThọMùa thu - Nguyễn Đông NhậtTình ca biển - Phan NamThành phố & tôi hôm nay - Khaly ChàmMình đi thành phố nhé - Phan DuyThành phố những hàng cây ngủ sớm - Nguyễn Linh KhiếuNhững hàng cây nhắc nhớ - Huỳnh Thúy KiềuVề thăm Sơn Trà - Mai TuyếtThơ Uông Thái BiểuChuyển động thơ - Huỳnh Minh TâmTừ bông hoa đã lụi tàn - Trần Quốc ToànLàm Đào được mặc áo đôi được đi giày đỏ, được ngồi chiếu hoa - Trương Đình QuangThơ Nguyễn Nho Khiêm và sự rủ rê người đọc - Mai Bá ẤnNhà thơ Nam Trân nhận thơ tặng của Giáo sư Trung Quốc - Hương ThuCó một đàn chim - Hoàng Hương Việt