Dấu ấn Tây Giang - Quốc Long

01.11.2017

Dấu ấn Tây Giang - Quốc Long

Sau tối giao lưu văn nghệ chia tay đầy lưu luyến với bà con dân tộc Cơtu tại xã Axan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, đoàn nhà văn thành phố Đà Nẵng đi thực tế lên xe về

lại huyện ủy ngay trong đêm để kịp

ngày mai họp tổng kết và tạm biệt anh em cán bộ đã giúp đỡ đoàn trong những

ngày qua.

Nhiều nhà văn ngơ ngác trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, gió mát, đêm thanh, sương mờ huyền ảo... vầng trăng khuyết cuối tuần trôi cùng mây lơ lửng trên sườn núi... Chợt anh bạn nhà văn trong đoàn hỏi tôi:

- Anh ấn tượng gì về mảnh đất, con người Tây Giang? - Câu hỏi rộng quá, làm sao có thể nói trong một vài câu đây, hơn nữa mới tới lần đầu, khám phá sao hết được! Tôi trả lời, nhưng thực ra tôi đã thấy phần nào sự khác biệt của Tây Giang so với các vùng miền núi mà mình đã tới.

Nơi đây hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Cơtu, trước đây họ sống rải rác trong thung lũng, khe suối hoặc chân núi thoai thoải. Cuộc sống chủ yếu tự sản, tự tiêu... Nay theo chủ trương của tỉnh họ được quy hoạch dồn lại từng khu trong các mặt bằng nhưng vẫn giữ nguyên tên thôn cũ. Thôn lớn dân cư đông có tám, chín chục nóc nhà , thôn nhỏ ba bốn chục. Thôn nào cũng có đường xi măng hay lát gạch vào tận nhà. Văn hóa làng xã, họ tộc vẫn giữ như xưa. Ở trung tâm mỗi thôn là một bãi đất rộng chừng một, hai héc ta, ở giữa có Gươl, cây nêu, bãi cỏ làm nơi sinh hoạt cộng đồng và tổ chức vui chơi, lễ hội truyền thống... Đây là nét mới so với phần lớn đồng bào thiểu số ở các vùng miền núi trong nước. Việc quy hoạch đồng bào gọn theo từng thôn trong một khu đất, thuận tiện cho công tác quản lý, dịch vụ, phát triển điện, đường, trường, trạm. Qua đó tình làng, nghĩa xóm thêm gần gũi gắn kết hơn, nhất là công tác an ninh, chính trị, quốc phòng ở vùng biên như huyện Tây Giang. Nhưng thực tế Tây Giang cũng còn nhiều khó khăn, trăn trở đó là: đất canh tác! Trước đây ở rải rác bà con chủ động tự tìm nguồn đất, nguồn nước thuận tiện để ở, trồng trọt. Họ tận dụng  mọi nơi, mọi chỗ để sản xuất. Bây giờ người dân ở tập trung phần nào phát sinh tư tưởng ỷ lại để nhà nước lo chứ không như trước nữa. Rừng hiện nay nhà nước quản lý. Địa hình Tây Giang chủ yếu rừng núi cao, ít đồng cỏ, đồi trọc, đèo dốc nhiều...Từ xưa dân cư thưa thớt, mật độ dân số năm 2007 mới hơn 15 người trên một ki-lô-mét vuông, (hiện nay khoảng 20 người trên một ki-lô-mét vuông), việc phá rừng làm nương rẫy hầu như nghiêm cấm, ý thức bảo vệ rừng của người dân rất cao nên đất canh tác càng ngày càng hạn chế (do tốc độ tăng nhanh dân số), chăn nuôi đàn gia súc thả rừng lại càng khó vì rất hiếm đồi trọc và đồng cỏ. Mỗi gia đình hiện chỉ vài sào đất nông nghiệp, lại nằm rải rác, manh mún trong các thung lũng nhỏ hẹp hoặc ở các khe núi với các bình độ cao thấp khác nhau... vậy làm sao cơ giới hóa nông nghiệp? Nếu cứ sản xuất thủ công biết đến bao giờ năng suất lao động được nâng cao, đời sống nhân dân mới cải thiện? Theo tôi biết đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao nhiều nơi khác, do địa hình đặc thù từ xưa để lại, có diện tích nương rẫy lẫn với rừng rất lớn. Các tuyến đường đi qua ai cũng nhìn thấy màu xanh khác lạ của hoa màu xen kẽ trong màu xanh của rừng, tưởng như núi rừng đang khoác trên mình chiếc áo vá. Có nơi còn hình thành đồng ruộng bậc thang viền quanh những quả đồi đẹp như một bức tranh. Ngoài nương rẫy do lấn rừng từ xưa, còn thung lũng, bãi bằng, đồng cỏ... thỏa sức cho tăng gia, chăn nuôi. Cho nên việc xây dựng bản làng nông thôn mới, ổn định kinh tế ở nơi đây thuận tiện hơn nhiều. Nhưng ở Tây Giang thì không! Núi rừng không hề “mặc áo vá”, vẫn nguyên sinh màu xanh đen, biêng biếc một màu... Chắc rằng Đảng bộ và nhân dân Tây Giang rất tự hào trong công cuộc bảo tồn rừng thiên nhiên và đang tìm hướng phát triển kinh tế đi lên từ rừng mà không thể trông vào mấy sào đất nông nghiệp, nếu không, biết đến bao giờ Tây Giang mới thoát nghèo và vươn tới làm giàu?

Các du khách tới Tây Giang thường ấn tượng nhất là rừng! Rừng ở đây được dân bảo vệ rất tự giác. 82% rừng nguyên sinh vẫn đang ngủ say hàng nghìn năm! Mấy ngày qua tôi chưa gặp cảnh người dân vào rừng khai thác gỗ trái phép như vài nơi khác tôi đã tới. Đặc biệt nơi đây còn giữ được gần như nguyên vẹn rừng Pơ-mu, một loại gỗ quý hiếm vào bậc nhất mà các vùng miền núi khác hầu như không còn.Với diện tích 240 ha rừng Pơ-mu nguyên sinh, gần 3.000 cây cổ thụ, có cây trên ngàn tuổi, cao tới 30m, gốc gần chục người ôm, ước tính tới gần 50 mét khối gỗ, 725 cây Pơ-mu cổ thụ được công nhận: “Cây di sản Việt Nam”, cả rừng Pơ-mu được công nhận là “rừng di sản của Việt Nam”... Ôi, đúng là “tiền rừng, bạc biển”! Thế mới biết chính quyền địa phương và nhân dân Tây Giang đã quyết tâm bảo vệ rừng triệt để đến mức nào! Đồng chí bí thư Tây Giang  - Bhriu Liếc nói: Khẩu hiệu của nhân

dân huyện tôi là: “RỪNG CÒN TÂY GIANG PHÁT TRIỂN! Ông kể: Dân  ở đây làm nhà, tùy theo hoàn cảnh, bà con làm đơn xin khai thác, được trưởng thôn và các ban ngành xét duyệt, cấp phép mới được. Lượng gỗ khai thác phải đúng  theo số được duyệt, còn anh em cán bộ ban ngành của huyện phải làm gương, không được cấp phép khai thác. Có vài lần đi họp  cũng có một số anh em cán bộ quen biết gợi ý nhờ mua gỗ làm nhà mình cũng một mực nói: không được! Thế là lâu nay chả còn ai hỏi tới nữa. Cùng với rừng Pơ-mu quý hiếm, năm 2016 một sự kiện gây chấn động giới săn tìm cảnh quan thiên nhiên là: Tây Giang tìm ra rừng hoa Đỗ Quyên trên núi Aruung  ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, nhiệt độ luôn ở 15 độ C. Cánh rừng Đỗ Quyên bằng phẳng như một bình nguyên trên cao với diện tích khoảng 50ha, có hàng trăm cây Đỗ Quyên cổ thụ, nhiều cây trên ngàn tuổi,  thân, cành rêu xanh bao bọc, đến mùa hoa cùng đua nhau khoe sắc. Đây thực sự là quà tặng đặc biệt cho Tây Giang mà mấy nơi có được! Tiếc rằng đường đi còn đang mở. Một hai năm nữa chắc chắn du khách trong và ngoài nước sẽ tấp nập tới đây thưởng ngoạn. Đây đúng là cảnh đẹp tuyệt tác có một không hai ở miền tây xứ Quảng!

Ngoài những cảnh quan, truyền thuyết về người và đất Tây Giang, tôi rất ấn tượng với ông Bhriu Liếc bí thư huyện ủy. Tôi quý ông không hẳn ông đang là bí thư mà ưa tính xuề xòa, hòa đồng của ông.Với vóc dáng đậm đà, quần tây, áo luôn bỏ ngoài quần, tác phong nhanh nhẹn, luôn đi làm bằng xe đạp... đặc biệt là sự hiểu biết sâu sắc về rừng và cách nói chuyện, giới thiệu về Tây Giang rất hấp dẫn như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Ông nhớ từng số liệu về rừng, thuộc từng tên các đoàn khảo sát tới Tây Giang... mà không cần giấy tờ, tài liệu. Khi nói về phát triển kinh tế và xây dựng phong trào nông thôn mới, ông thẳng thắn chưa đồng tình với một số chính sách của các ban ngành cấp trên mà ít cán bộ dám nói. Ông bảo: thực ra nhân dân bây giờ không hăng hái với phong trào xây dựng nông thôn mới, vì các địa phương khi được công nhận danh hiệu NÔNG THÔN MỚI, một số chế độ, chính sách lại không được ưu đãi như trước. Ví dụ chính sách hỗ trợ miễn học phí cho các em học sinh hay chế độ miễn giảm bảo hiểm y tế...  bị cắt, thế là bà con không mặn mà nữa. Nhiều bà con, nhiều thôn huy động nhân dân tham gia đóng góp cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới, xong tới nay cuộc sống lại có phần chật vật, thiệt thòi.

Tạm biệt Tây Giang, lòng ngổn ngang suy tư! Nước mình còn nghèo, chưa đủ sức đầu tư lớn cho các vùng cao đầy tiềm năng. Tôi thầm ước: mong sao Tây Giang mời gọi được các nhà đầu tư lớn có tâm huyết, có tầm  nhìn, dồn sức lực phát triển đa dạng hóa các hình thái du lịch, đây là ngành “công nghiệp không khói” có thể nắm chắc “một vốn bốn lời” và biết đâu sau này lại trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước!

Tôi tin một ngày không xa Tây Giang sẽ trở thành một địa chỉ du lịch như Sa Pa, Tam đảo, Bà Nà, Đà Lạt! Có lẽ Tây Giang đã nghĩ tới ngày đó từ lâu cho nên rừng núi nguyên sinh được bảo vệ mỗi ngày mỗi xanh, tình người vẫn keo sơn như thuở ban đầu, dẫu còn nhiều khó khăn trước mắt.

Q.L

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - hình ảnh đại diện cho Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 - Thanh NhãTây Giang - miền biên thùy rất lạ! - Huỳnh Viết TưDấu ấn Tây Giang - Quốc LongNhớ anh Hồ Hải Học - Lê HuânChiếc đòn gánh - Mỹ AnMưa qua tháp cổ - Phụng TúDòng xưa chuyện kể - Tường LinhTrở mùa - Phạm Thị Hải DươngCông viên Vườn tượng 21 nền kinh tế APEC giữa lòng Đà Nẵng - Trần NgọcHội nghị thượng đỉnh APEC Đà Nẵng, Việt Nam thu hút sự quan tâm toàn cầu - Thanh LiêmĐà Nẵng - thành phố của những thương hiệu riêng biệt - Bùi Văn TiếngVăn nghệ sĩ cảm nhận về thành phố Đà Nẵng - Minh Hoàng (thực hiện)Hương thảo - Bùi Công MinhNắng gió đại ngàn - Vạn LộcTây Giang - Nguyễn Xuân TưNgày lại ngày - Hoàng Thanh ThụyVấp - Nguyễn Ngọc HạnhTa còn chờ mai nữa lá thu bay - Trần Trình LãmNgười học trò và Bông Hồng Vàng - Nguyễn Hoàng ThọMùa thu - Nguyễn Đông NhậtTình ca biển - Phan NamThành phố & tôi hôm nay - Khaly ChàmMình đi thành phố nhé - Phan DuyThành phố những hàng cây ngủ sớm - Nguyễn Linh KhiếuNhững hàng cây nhắc nhớ - Huỳnh Thúy KiềuVề thăm Sơn Trà - Mai TuyếtThơ Uông Thái BiểuChuyển động thơ - Huỳnh Minh TâmTừ bông hoa đã lụi tàn - Trần Quốc ToànLàm Đào được mặc áo đôi được đi giày đỏ, được ngồi chiếu hoa - Trương Đình QuangThơ Nguyễn Nho Khiêm và sự rủ rê người đọc - Mai Bá ẤnNhà thơ Nam Trân nhận thơ tặng của Giáo sư Trung Quốc - Hương ThuCó một đàn chim - Hoàng Hương Việt