Làm Đào được mặc áo đôi được đi giày đỏ, được ngồi chiếu hoa - Trương Đình Quang
Tìm kiếm cái đẹp trong văn nghệ dân gian của đất nước, tôi luôn suy nghĩ về hát bội, loại sân khấu trên đất Quảng mà tôi đã yêu quý, say mê từ những ngày còn thơ ấu. Tôi lắng nghe ý tình dân gian với nền kịch hát cổ truyền này của dân tộc.
Truyền thuyết, dân ca dành cho hát bộ tấm lòng ưu ái, lời ngợi khen, sự đùm bọc. Cái chất bi hùng, đằm thắm, yêu thương từ Sơn Hậu, Tam nữ đồ cương, Diễn võ đình, Hộ sanh đàn v.v... len lỏi vào ngóc ngách tâm hồn của con người trên mọi miền đất nước.
Có một truyện kể dân gian miền núi. Ngày xưa, ở Quảng Nam, làng Mỹ Lưu, huyện Phước Sơn, có một đoàn hát bộ danh tiếng. Một trận lụt lớn cuốn mất cái trống chiến của đoàn. Cái trống này trôi dọc theo dòng sông Thu Bồn. Từ đó, ngành hát bộ ở miền xuôi dần dần phát triển.
Trống chiến là nhạc khí mà mỗi khi âm thanh rộn ràng nổi lên, thì người xem phải tất bật:
Nghe rao trống chiến
Không khiến cũng đi,
Nghe giục trống chầu
Đâm đầu mà chạy
Phải bồn chồn:
Nghe tiếng trống chầu
Cái đầu láng mướt
Nghe tiếng trống chiến
Nó điếng trong ruột
Nhưng, những lời chê trách hát bộ ùa đến với tôi:
Hát bội hát bội
Làm tội người ta
Tan cửa nát nhà
Mê sa hát bội
và nỗi lo của bà mẹ:
Trồng trầu lẫn với dây tiêu
Con theo hát bộ, mẹ liều con hư.
Dưới chế độ phong kiến, người làm nghệ thuật ca nhạc và sân khấu là "vô loài", không được đi thi, rằng trong nhà có cây đàn thì con gái tất hư hỏng, có lời khuyên bảo:
Đàn bầu ai gảy nấy nghe
Làm thân con gái chớ mê đàn bầu.
Và khi người làm nghệ thuật sân khấu là kẻ làm thuê hát mướn cho những ông bầu, bà bầu gánh hát:
Chủ muốn làm giàu
Phải thuê đào mướn kép
thì nghệ thuật hát bộ tránh sao cho khỏi những điều chê bai nghiệt ngã!
Ngược lại, cùng lúc, sức thu hút của ca nhạc và sân khấu dân tộc đã không có gì ngăn cản nổi.
Con trai con gái say mê hát ví:
Mẹ cha khuyên nhủ sớm trưa
Nhưng em vẫn hát đò đưa khác gì.
Với tiếng đàn của người thương:
Lắng tai nghe tiếng em đàn
Bằng ai bưng chén ngọc đổ vào gan
lạnh lùng.
Niềm hạnh phúc khi cùng nhau hò hát:
Hát lên ta nhởi ta nhơi
Mấy khi đèn hạnh soi nơi quyển vàng
Bà con cô bác xa gần
Lắng nghe hò hát xoay vần suốt đêm
Ngày tết, vui với hội đánh bài chòi:
Gió xuân phảng phất ngọn tre
Hai bên cô bác lắng nghe bài chòi.
Và người con gái thiết tha tỏ bày với mẹ:
Mẹ ơi đừng đánh con đau
Để con hát bộ, làm "đàu" mẹ coi
Câu hát trên cho tôi cái liên tưởng đến
Mẹ ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau cho mẹ nhờ
Bắt ốc, ốc nhảy lên bờ
Hái rau, rau héo, mẹ còn nhờ cái
nỗi chi!
Từ cái nét hiện thực hóm hỉnh, đáng thương - mẹ con nghèo túng quá, không may mắn quá, mà chuyển ra lời van xin mẹ "để con hát bộ làm "đàu" mẹ coi" thì thật yêu đời, yêu mẹ và say mê nghệ thuật hát bộ hết chỗ nói. Phát âm "đàu" chứ không phải "đào", đậm đặc màu sắc miền Trung và Nam bộ, rất có duyên, đằm thắm!
Cái sức thu hút của hát bộ thật mãnh liệt từ người nông dân miền Bắc vốn quen gọi hát bộ là "tuồng" mà "tháng ba, ngày tám nằm suông, nghe dục trống tuồng, cố lết đi xem" đến người con gái phải thốt lên lời cầu xin với mẹ thiết tha như thế.
Hà Nội, đất ngàn năm văn hiến, nói về diễn viên hát bộ của mình:
...
- Thán kép Cương
Thương kép Nhã
Tẩu mã Tư Lung
Lung tung Ba Bỉ
Hát lý đào Liên
Đóng điên đào Cưỡng
Lưởng vưởng Ba Bồi
Đóng tồi Hai Phổ
...
- Nam Cẩn Trương Phi
Sáu Phú Quan Ngài
Ba Mai Triệu Tử
- Kép nịnh Hai Giò
Pha trò Tư Tín
...
Người dân cố đô Huế nhớ lời văn bia ở Thanh Bình từ đường(**), như nhớ dân ca:
Vũ đào xuân rạng, hàng liệt chỉnh tề
Sân khấu mây lồng, âm thanh
dìu dặt
Thuật lại chuyện vui xưa nay, kể rõ trò đời biến chuyển
Khánh chuông ra lệnh xướng hòa, kèn trống nhịp nhàng đánh thổi.
Tiếng dội tầng mây, đua tài ráng sức
Coi trò hề nức nỏm cả cười, thấy đào kép bàng hoàng suy nghĩ
Tưởng tượng bóng đế vương, tướng lãnh ngày xưa rõ ràng trước mắt
Y hy dạng hào kiệt, anh hùng thuở trước, xúc động trong lòng.
Trải mấy triều vương đều khuyến khích, biết bao âm nhạc được dồi dào
...
Còn người dân đất Quảng thì:
Tai nghe trống chiến trống chầu
Xếp ba miếng kẹo đậu phộng, trật đầu lộn đuôi.
và:
Dù ai mua bán đâu đâu
Nghe dóng trống chầu lũ lượt về xem
Nhà vua triều Nguyễn ban thưởng cho nghệ sĩ Nhưng Đá1, người vùng Nghi Lộc (huyện Quế Sơn) danh hiệu "Thế thượng vô song" và "Nhân gian đệ nhứt" cho nghệ sĩ Nhưng Nguyên.
Người xem ca ngợi những miếng diễn nổi tiếng:
cướp ngựa, cưỡi trâu, lên lầu,
xuống nước2
và nghệ sĩ ưu tú trong vở tuồng Sơn hậu: Nguyên - Linh Tá
Đá - Kim Lân
Vào những năm 30, 40, nhân dân ca ngợi "Ngũ mỹ" (năm vẻ đẹp) của quê mình: lão võ ông Đệ, lão văn ông Phẩm, kép ông Tảo, nịnh ông Lai, tướng ông Thùy3.
Yêu mến trân trọng hát bộ, nhà nho xã Minh Hương, Hoài Phố (Hội An) cổ kính, tặng nghệ sĩ Chánh Phẩm câu đối đề cao chức năng nghệ thuật, nêu bật tác dụng giáo dục của sân khấu.
"Ca xướng hệ đa môn, trực bả trung lương vi mục đích
Vinh, khổ thành ảo mộng, chỉ tương nghệ thuật tác sư tư"
(Nghề hát diễn nhiều môn, mục đích tạo dựng con người trung lương. Sướng khổ như ảo mộng, đem nghệ thuật làm thầy cuộc đời). Giữa thế kỷ trước, ở vùng Quế Sơn, người ta ước ao:
Dù cho nhịn đói ăn rau
Cũng xem cho được con "đàu"
Phó Phương
Cô đào của gánh hát ông Phó Phương ở làng Đại Bình thật ra là một diễn viên trai, quê làng Phước Bình (nay là xã Quế Lộc). Bấy giờ, trai hay đóng giả gái. Nghệ sĩ nhân dân Sáu Lai (Nguyễn Lai), nổi tiếng với những vai mụ như Đồng Mẫu, Địch Mẫu, bên cạnh các vai nịnh Bàng Hồng, Tạ Thiên Lăng, Hàn Phụng.
Người đàn bà Bình Định say mê hát bộ, đến nỗi khi mà:
Bầu Đông4 đóng Lý Phụng Đình,
Dù chồng có đánh thì mình cũng đi
Cả miền Trung rộn lời tán thưởng tài năng hát, múa, nói lối, cười, trên sân khấu của "Đức năm thầy"
Bình nam, Thiện lối, Hòa ai
Sâm cười, Đức múa, nào ai sánh tày!
Đất Đồng Nai tự hào vì:
Đồng Nai có cặp rồng vàng
Nhứt Bùi Hữu Nghĩa5,
nhì Phan Tuấn Thần6
Bùi Hữu Nghĩa là tác giả hát bộ với nhiều vở nổi tiếng.
Khen nghệ sĩ hát bộ và người cầm chầu tài hoa:
Hát bộ Nhưng Sung7
Đánh chầu Bá Ý
Vùng đồng bằng sông Cửu Long, cái đất "làm tới nơi, chơi hết mình" có lễ Kỳ Yên hằng năm của làng xã với "trong chay ngoài bội"8.
Tươi vui nhộn nhịp nổ trời. Trong đình, trong chùa thì làm chay, bên ngoài thì dựng rạp hát bộ, Lễ Kỳ Yên trở thành ngày hội!
Những Lão Tạ, Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá, Phương Cơ, Đào Tam Xuân, thầy Nghêu, Trùm Sò, Ốc, Hến, Giáp Kén, Xã Nhộng v.v... sống mãi trong ký ức người xem.
Cái vui, cái rộn ấy lan tỏa đến tận mọi vấn đề xã hội:
Đụng9 anh chồng say như trong
chay ngoài bội
Ngó vô trong nhà như cúng hội
Kỳ Yên
Trống cơm đưa giọng nam ai
Tiếng thương tiếng nhớ cho ai
mủi lòng
Trống nào kèn nấy mới hay
Trống xuôi kèn ngược chân tay
rối bời...
"Liền anh liền chị" Quan họ Bắc Ninh hát không cần có nhạc đệm, mà sáng tạo điệu "trống cơm". Âm thanh và giai điệu của cái trống cơm đáng yêu được diễn tả khá sinh động với lời:
Trống cơm khéo vỗ nên vông
Một bầy con sít lội sông đi tìm
Khen ai đôi mắt lim dim
Một bầy con nhện giăng duyên
tơ hồng
Thương ai duyên nợ tang bồng
Người ta còn khuyên bảo nhau nếu không biết thưởng thức nghệ thuật hát bộ thì đến sân khấu đừng cầm roi trống chầu.
Làm mai, làm mối, không nên vợ nên chồng - người ta oán, người ta trách; lãnh nợ dùm - người ta đòi, người ta mắng; gác lồng chim cu - chờ rập được chim cu, chịu cay, chịu đắng; cầm chầu tồi - người ta gào, người ta đuổi.
Và, bài lý con quạ của những anh hề mỉa mai người đánh chầu dốt không biết khen chê diễn viên, phê bình nghệ thuật.
Tổ cha con quạ trên đầu
Lâu lâu lại mổ tấm da trâu cái thùng!
Nhiều chuyện kể về hát bộ. Có thể nhắc đến vài mẩu.
Ở đất Quảng Nam, ông Tám Thu một người tài võ cao cường, giàu tinh thần hào hiệp, chống đối chế độ đương thời, bị thực dân Pháp xử chém ở chân cầu Câu Lâu. Trên đường ra trường chém, ông cất giọng sang sảng một câu hát nam trong vở tuồng Đào Phi Phụng:
Nạn như Đường Hàn Vũ
Ách ví Hán Tô Lang...
Chàng Lía miền Trung mà nông dân yêu quý và tôn trọng, như là người đại diện cho sức mạnh quật khởi đánh đổ mọi áp bức, trói buộc, rất say mê hát bộ. Chuyện về "Chàng Lía"10 kể rằng:...
Lía ta đẹp dạ chi tày
Truyền cho làm tiệc vui vầy với nhau
Tính ưa hát bộ xiết bao
Giao cho hộ hạ lo cho việc này
Lâu la mừng rỡ vâng ngay
Xuống làng rước gánh một ngày
tới nơi
...
Bình Định, một trong những cái nôi hát bộ, quê hương của Đào Tấn, nhà thơ, nghệ sĩ hát bộ xuất sắc, có nhiều truyền thuyết về cái say mê của Vua Quang Trung đối với loại sân khấu này. Sẽ thú vị biết bao, khi chúng ta biết được vị anh hùng dân tộc này, diễn vai hề trong vở tuồng nào.
Một ông vua đưa chữ Nôm vào văn chương, gửi tặng triều đại Mãn Thanh "mười bản nhạc liên hoàn" nhằm giới thiệu âm nhạc Việt Nam ta, thì câu chuyện ông yêu quý hát bộ và diễn vai hề là điều không lạ.
Nhân vật hát bộ vào đồng dao:
Đổng Kim Lân cứu chúa
Khương Linh Tá đưa đèn
Tạ Ôn Đình nóng ruột sôi gan
Đánh Lôi Nhược bể tan ống điếu
Ngợi ca tình bạn Kim Lân - Linh Tá - những con người trung nghĩa; Linh Tá bị Tạ Ôn Đình chém rơi đầu, biến thành ngọn lửa soi đường Kim Lân qua đèo; bỗng nhiên với một kiểu lô-gích nhảy cóc, chuyển hài hước hóa tình anh em của Ôn Đình - Lôi Nhược (mà chắc chắn là các em không yêu mến được!). Còn nữa:
Có thằng nhỏ dại
Chẳng biết xét suy
Cha mẹ hàn vi
Nuôi cho ăn học
Lo sắm áo quần
Trò bỏ ra sông
Suốt ngày đấm đá
Xưng hùng xưng bá
Nào Triệu Tử Vân
Nào là Địch Thanh
Quan Công, Hạng Võ
Trâu không có cỏ
Gầy tóp đôi hông
Lê la ngoài sông
... ...
Tâm sự và yêu thương biết bao trong câu hát nam lời đẹp ý hay đã chuyển thành bài lý, điệu hò, ngời sáng căn nhà êm ấm, nhẹ nhàng cuốn theo nhịp vòng quay của chiếc xe kéo sợi, đong đưa tao nôi, ru em bé vào giấc ngủ nồng say:
- Sơn Hậu phăng phăng lối cũ
Đoái Tạ Thành lụy nhỏ đường mưa
Ngọn cờ tiếng trống bơ thờ
Thảo thân, ngay chúa sững sờ hai vai11
- Muốn cho bình định tứ phương
Thành Nam nức tiếng, ải hường
thơm danh
Khăng khăng tạc chữ trung thành
Dưới ngàn năm dễ nhật tinh soi lòng12
- Xăn tay lần gỡ mối sầu
Tóc lau đã trổ trên đầu hùng anh13
- Lao xao sóng vỗ ngọn tùng
Gian nan là nợ anh hùng phải vay14
Tiếng hát dân gian hòa quyện vào hát bộ hay hát bộ nhuần nhuyễn trong tiếng hát dân gian?
Thắm thiết giọng gái hò khoan:
Hố hợi là hò khoan hờ!
Tưởng là anh trung quân ái quốc
Hay đâu anh bội chúa rõ ràng.
Tưởng là anh giúp Đổng Kim Lân
Phò Hoàng thái hậu đỡ tấm thân
em nhờ
Hay đâu anh cưỡi gió phất cờ
Theo dòng họ Tạ bao giờ, em
không hay!
Hố hợi là hò khoan hờ!
Dân gian bồi đắp cho tôi lòng say mê sân khấu dân tộc, cái ý thức trân trọng hát bộ.
Trên quê hương ta, tiếng trống chầu lại vang lên, ròn rã nơi nơi. Những vở tuồng cổ điển: Sơn Hậu, Lý Phụng Đình, Võ Hùng Vương..., và những vở tuồng mới Trưng Nữ Vương, Thanh gươm chủ chiến, Lửa hận Thiên Trường, Hai lần chiến thắng... được người xem nồng nhiệt thương yêu.
Dư luận sôi nổi trong công chúng về những vở diễn Trần Quốc Toản ra quân, Nguyễn Duy Hiệu, Trưng Trắc - Trưng Nhị, Tiễn anh lên đường... khá chững chạc của phong trào hát bộ không chuyên.
Sân khấu hát bộ mãi mãi bi hùng và rực rỡ như cây đời mãi mãi xanh tươi!
Lòng tôi trào dâng niềm mơ ước!
(**) Trường dạy hát bội quy mô hoàn chỉnh đầu tiên ở nước ta tại Huế.
1 Nhưng: nghệ sĩ "Nhưng" có thêm trách nhiệm về tổ chức và hành chính của gánh hát.
2 Mạnh Lương cướp ngựa, Lão Tạ cưỡi trâu, Sơn hồ ngạc, Châu Sáng qua sông.
3 Chánh Ca Đệ, Chánh ca NSND Nguyễn Phẩm, NSND Đội Tảo (Nguyễn Nho Túy), NSND Sáu Lai (Nguyễn Lai), Lê Thùy
4 Bố của nghệ sĩ Dương Long Căn, Nhà hát tuồng Đào Tấn
5 Bùi Hữu Nghĩa (1807 – 1972) ở Bình Thủy, Vĩnh Định, An Giang, Cần Thơ, con nhà chài lưới nghèo, thủ khoa thi hương Gia Định (Minh Mạng 1935) tiến bộ, giỏi thơ.
6 Phan Thanh Giản.
7 Diễn viên nổi tiếng ở Bình Định.
8 Người Nam bộ gọi hát bội.
9 Gặp, lấy.
10 "Vè chàng Lía" - Dân ca miền Nam Trung bộ, tập 2, của Trần Việt Ngữ và Trương Đình Quang - NXB Văn hóa 1963, Hà Nội.
T.Đ.Q