Công viên Vườn tượng 21 nền kinh tế APEC giữa lòng Đà Nẵng - Trần Ngọc

01.11.2017

Công viên Vườn tượng 21 nền kinh tế APEC giữa lòng Đà Nẵng - Trần Ngọc

Một không gian dung nạp ký ức xưa, nay

Công viên vườn tượng APEC được hình thành trên khu đất hình tam giác có diện tích hơn 3.000m2 tại điểm giao giữa 2 tuyến đường (trục 2 tháng 9 và đoạn nối dài đường Bạch Đằng), gần kề với Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chămpa, địa bàn phường Bình Hiên, quận Hải Châu.

Theo thiết kế, phần sân nền vỉa hè

và lối đi bộ có diện tích khoảng 1/4 (tương đương 750m2), toàn bộ diện tích còn lại của Công viên vườn tượng là cây xanh, thảm cỏ và nơi đặt tượng đại diện của 21 nền kinh tế thành viên. Hạng mục sân gạch, lối đi bộ và trồng cây xanh, thảm cỏ đã hoàn thành vào dịp 30 tháng 4 năm 2017.

Đến cuối tháng 8/2017, hạng mục "Lắp đặt trạm biến áp cấp điện Khu vườn tượng 21 nền kinh tế APEC 2017” hoàn tất.

Còn tính đến thượng tuần tháng 10/2017, đã có 4 tượng được lắp dựng hoàn chỉnh tại đây, đó là tượng của các nền kinh tế Đài Bắc (Trung Hoa), Hoa Kỳ, New Zealand và Úc.

Công viên vườn tượng APEC 2017 được hình thành từ nguồn xã hội hóa (khái toán ban đầu khoảng 10 tỷ đồng), được đưa vào danh mục các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC, Đà Nẵng - Việt Nam tháng 11 năm 2017.

Tháng 3/2017, khi vào làm việc tại Đà Nẵng, Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia APEC Việt Nam - 2017 đã đến khảo sát thực địa địa điểm xây dựng Công viên vườn tượng này và đánh giá rất cao về vị trí đã được Đà Nẵng chọn.

Vườn tượng 21 nền kinh tế APEC sẽ tô điểm thêm cho không gian văn hóa - lễ hội dọc hai bờ sông Hàn, trở thành một điểm đến du lịch mới và kéo dài không gian đặt tượng mỹ thuật  trên vỉa hè phố đi bộ (dọc tuyến Bạch Đằng, bên sông Hàn). Vườn tượng cũng sẽ lưu ý với du khách thập phương rằng, Đà Nẵng cũng là nơi có một làng đá mỹ nghệ nằm kề bên danh thắng Ngũ Hành Sơn và cũng nổi tiếng như điểm đến tham quan Non Nước ấy.

Nhưng điểm nhấn độc đáo nhất về Công viên vườn tượng này nằm ở chỗ, trong một không gian chung, cách nhau không xa lắm, chỉ trong bán kính chừng 50 mét... Nếu Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chămpa là nơi lưu giữ những tác phẩm của người Champa thì Vườn tượng 21 nền kinh tế APEC là nơi lưu giữ những tác phẩm đương đại của 21 quốc gia. Hai không gian: “Một vườn tượng hiện đại” và “Bảo tàng điêu khắc” dù ở rất gần nhau về không gian, nhưng lại cách xa nhau về niên đại ra đời các tác phẩm. Còn nếu tính thời gian ra đời “Vườn tượng hiện đại” và “Bảo tàng cổ vật”, thì thiếu 2 năm nữa thôi, sẽ chẵn 100 năm (Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chămpa được khánh thành vào đầu năm 1919, và trở thành nơi trưng bày, bảo quản các bộ sưu tập quý hiếm bậc nhất về nghệ thuật điêu khắc Champa, với quy mô thuộc loại nhất Việt Nam - theo ghi nhận của nhiều tài liệu, trong đó, có Bách khoa toàn thư mở Wikipedia). Còn Vườn tượng hiện đại thì vừa được khai sinh trong bối cảnh đất nước hội nhập mỗi ngày một sâu rộng hơn, và qua quá trình đổi mới năng động, quyết liệt, đã khẳng định được vị thế của mình với cộng đồng chung.

Dự kiến tại Vườn tượng này sẽ diễn ra “Chương trình trồng cây tại Công viên APEC” do phu nhân, phu quân các nguyên thủ quốc gia tham dự Tuần lễ thượng đỉnh APEC 2017 trực tiếp thực hiện.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo APEC 2017 Thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, ông Lâm Quang Minh khẳng định, các công việc còn lại tại Công viên vườn tượng APEC như hoàn thiện phần cảnh quan, lắp thiết bị chiếu sáng, và quan trọng nhất là lắp đặt tượng đại diện của các nền kinh tế thành viên, sẽ triển khai và hoàn tất vào cuối tháng 10/2017.

 “Công viên vườn tượng APEC là nơi sẽ lưu giữ dấu ấn về một sự kiện có ảnh hưởng đến toàn cầu diễn ra tại Đà Nẵng, một thành phố của Việt Nam, vào tháng 11/2017. Như chúng ta đều biết, sự kiện sẽ diễn ra chỉ trong 1 tuần. Thời gian thật là ngắn ngủi. Muốn lưu giữ lại cả vài chục năm sau và hơn thế nữa, để nhiều thế hệ đều biết rằng, Đà Nẵng từng là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ thượng đỉnh APEC 2017, thì Công viên vườn tượng APEC chính là nơi có thể làm điều đó tốt nhất.

Công viên trưng bày các bức tượng do chính các nền kinh tế thành viên tạo tác từ nước mình và gửi đến Đà Nẵng. Quả là một công viên vườn tượng vô cùng có ý nghĩa. Nhân dân Đà Nẵng, du khách thập phương sẽ sớm có thêm một điểm đến: Công viên vườn tượng APEC” - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Hùng chia sẻ.

Vậy là sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng đã như một cơ duyên, mang đến những điều kiện để ý tưởng về một công viên vườn tượng thành hiện thực.

 Công viên vườn tượng APEC sẽ là công viên vườn tượng rất độc đáo, quy tụ khá đầy đủ các trường phái nghệ thuật, tư duy sáng tạo, phản ảnh đậm nét bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Mỗi một bức tượng là hình ảnh đại diện có tính tiêu biểu của một quốc gia, một nền văn hóa, một nền kinh tế.

Tượng đại diện Việt Nam mang ý nghĩa gì ?  

Một trong những tác phẩm đã lọt vào mắt xanh của các cơ quan chuyên môn và cơ quan quản lý Nhà nước, trở thành tác phẩm của đại diện chủ nhà

Việt Nam, xuất hiện tại Khu vườn tượng 21 nền kinh tế APEC là bức “Khởi nguyên” của Nhà điêu khắc Lê Lạng Lương (hiện là Phó trưởng Khoa Điêu khắc, Đại học Mỹ thuật Việt Nam).

Lê Lạng Lương là nhà điêu khắc đã tham gia nhiều công trình lớn của đất nước, trên hành trình nghiên cứu thể nghiệm các sáng tác điêu khắc đương đại, hiện ông vẫn miệt mài tìm tòi một “lối đi riêng”. Một số tác phẩm như “Thời hoa lửa" - điêu khắc trên đá (Triển lãm các tác phẩm mỹ thuật về hai cuộc kháng chiến giai đoạn 1930 - 1975 nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2015); hay “Khơi nguồn” tại Tuần lễ nghệ thuật “Flamingo Đại Lải - Art In The Forest  2015”, (diễn ra ở Ngọc Thanh, Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc); hay “Mưa nhiệt đới” (Triển lãm quần thể tác phẩm nghệ thuật ngoài trời - Flamingo Đại Lải, tháng 11/2016) được giới chuyên môn nhìn nhận như một đột phá.

“Tôi đã lấy cảm hứng từ sự hội tụ của những khối cây cổ thụ. Những khối cây này biểu tượng cho sự cộng hưởng sức mạnh với muôn vàn các cội rễ xuất phát từ lòng đất, đan cài, tương hợp với nhau tạo nên một khối sức mạnh khổng lồ. Tất cả cùng vươn lên kiêu hãnh và bừng sức sống trong không gian mới. Nhìn tổng thể, bức tượng có bệ đỡ từ sức mạnh truyền thống dân tộc, từ văn hóa quần cư lâu đời. Năng lượng của văn hóa truyền thống đó đã, đang nuôi dưỡng và truyền đến những thế hệ mới sức mạnh, sự tự tin trong thế giới đương đại với tầm vóc cao lớn, rộng mở hơn” - chia sẻ với các cơ quan truyền thông, tác giả Lê Lạng Lương bộc bạch ý tưởng.

Người đảm nhận tạc tượng “Khởi nguyên” là Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Long Bửu (Làng đá Non Nước). Và đây cũng là lần thứ hai, ông Bửu có cơ duyên với sự kiện APEC. Như đã nói ở trên, vào năm 2006, trong lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao (tại Hà Nội), ông Bửu tự hào là đại diện duy nhất (của Làng nghề thủ công mỹ nghệ trên đá, Non Nước, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) được chọn đến hoạt động sáng tạo tại Vườn tượng APEC 2006 (trong khuôn viên Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình).

Nghệ nhân Nguyễn Long Bửu cho biết: “Hiện nay công việc tạo tác bức tượng đã hoàn thành, hiện anh em kỹ thuật đang mài hoàn thiện. Đường nét, hình khối biểu đạt ý tưởng sáng tạo, nội dung tư tưởng của tượng được thể hiện ở mức cao nhất, xứng tầm là tượng đại diện cho Việt Nam tại một vườn tượng chung”.

Ông Huỳnh Văn Hùng nhấn mạnh: “Điều còn đọng lại hàng trăm năm sau để người dân, du khách biết rằng, Đà Nẵng từng là nơi diễn ra sự kiện quan trọng bậc nhất của APEC trong năm 2017, Đà Nẵng trở thành điểm hội tụ nguyên thủ của 21 nền kinh tế thế giới, chính là Công viên vườn tượng này. Công viên vườn tượng APEC thực sự vô cùng có ý nghĩa đối với thành phố chúng ta. Và thực tế công trình này đã được quan tâm, chăm chút rất công phu”.

 T.N

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - hình ảnh đại diện cho Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 - Thanh NhãTây Giang - miền biên thùy rất lạ! - Huỳnh Viết TưDấu ấn Tây Giang - Quốc LongNhớ anh Hồ Hải Học - Lê HuânChiếc đòn gánh - Mỹ AnMưa qua tháp cổ - Phụng TúDòng xưa chuyện kể - Tường LinhTrở mùa - Phạm Thị Hải DươngCông viên Vườn tượng 21 nền kinh tế APEC giữa lòng Đà Nẵng - Trần NgọcHội nghị thượng đỉnh APEC Đà Nẵng, Việt Nam thu hút sự quan tâm toàn cầu - Thanh LiêmĐà Nẵng - thành phố của những thương hiệu riêng biệt - Bùi Văn TiếngVăn nghệ sĩ cảm nhận về thành phố Đà Nẵng - Minh Hoàng (thực hiện)Hương thảo - Bùi Công MinhNắng gió đại ngàn - Vạn LộcTây Giang - Nguyễn Xuân TưNgày lại ngày - Hoàng Thanh ThụyVấp - Nguyễn Ngọc HạnhTa còn chờ mai nữa lá thu bay - Trần Trình LãmNgười học trò và Bông Hồng Vàng - Nguyễn Hoàng ThọMùa thu - Nguyễn Đông NhậtTình ca biển - Phan NamThành phố & tôi hôm nay - Khaly ChàmMình đi thành phố nhé - Phan DuyThành phố những hàng cây ngủ sớm - Nguyễn Linh KhiếuNhững hàng cây nhắc nhớ - Huỳnh Thúy KiềuVề thăm Sơn Trà - Mai TuyếtThơ Uông Thái BiểuChuyển động thơ - Huỳnh Minh TâmTừ bông hoa đã lụi tàn - Trần Quốc ToànLàm Đào được mặc áo đôi được đi giày đỏ, được ngồi chiếu hoa - Trương Đình QuangThơ Nguyễn Nho Khiêm và sự rủ rê người đọc - Mai Bá ẤnNhà thơ Nam Trân nhận thơ tặng của Giáo sư Trung Quốc - Hương ThuCó một đàn chim - Hoàng Hương Việt