Nhớ anh Hồ Hải Học - Lê Huân

01.11.2017

Nhớ anh Hồ Hải Học - Lê Huân

Sau bao ngày gắng gượng, vật vã với những căn bệnh hiểm nghèo, bệnh gout và bệnh thận, nhà viết kịch Hồ Hải Học đã vĩnh viễn rời xa cuộc sống. Anh ra đi vào đúng dịp giỗ Tổ nghề sân khấu, âu cũng là duyên nghiệp. Cùng anh em văn nghệ sĩ Đà Nẵng đến thắp hương đưa tiễn anh, tôi không khỏi bùi ngùi tiếc nhớ về một con người đã một đời lăn lộn với văn học - nghệ thuật trên mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng.

Tôi quen anh từ năm Mậu Thân 1968 ở chiến trường Quảng Đà, anh là nhà báo được đào tạo ở Nga về do chính biến của Liên bang Xô Viết nên việc học đứt đoạn. Tôi đi xây dựng Đoàn văn công quân giải phóng miền Trung Trung bộ, tuy không cùng đơn vị, nhưng công tác văn học, nghệ thuật ở chiến trường đất Quảng nên chúng tôi cũng khá gần gũi, quen biết nhau .

Hồi ấy trông anh rất nho nhã thư sinh, anh lọt vào tầm ngắm của mấy cô gái đẹp của đoàn tôi nhưng duyên không tới. Ấn tượng về anh với cánh biên đạo, nhạc sĩ của đoàn văn công chúng tôi ở cách nói chuyện hóm hỉnh và luôn đặt câu hỏi ngược theo tính cách người dân đất Quảng.

Sau ngày giải phóng đất nước mùa xuân 1975, đoàn chúng tôi được đặt tên mới: Đoàn Văn Công Quân Khu 5, định cư ngay trên thành phố Đà Nẵng. Tôi có nhiều dịp gần anh cho tới những năm 90 anh chuyển hẳn về công tác lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng, còn tôi nghỉ hưu quân đội để tiếp tục gánh vác nghiệp múa. Tôi và anh trở thành tri kỷ, thân thiết.

Do sống lâu trong môi trường văn nghệ nên anh dễ gần và cởi mở với bạn bè đồng nghiệp. Với cương vị Chủ tịch Liên hiệp Hội, anh chọn nơi ngồi làm việc ở căn phòng ngay cửa ra vào để anh em hễ đến cơ quan là thấy anh, là sẵn sàng “tay bắt mặt mừng”, bỏ mọi việc hành chính để ngồi tán dóc cùng nhau. Quy luật của văn nghệ là thế! Có tán đồng mới sinh ý tưởng. Trong công việc sáng tác múa, nhờ nhiều lần ngồi “chém gió” với anh mà tôi nảy sinh sáng tạo được 2 vở kịch múa “Huyền tích Ngũ Hành Sơn” và “Một thời và mãi mãi”. Thời đó, Hội Nghệ sĩ múa thành phố Đà Nẵng gặt hái thành công đều có những ý tưởng, những đóng góp của anh về cả sự đầu tư chỉ đạo và ý tưởng nghệ thuật.

Tôi nhớ anh Học với mấy kỷ niệm riêng về nghệ thuật. Hồi anh đương chức Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố vào năm 2000. Thành phố tổ chức chương trình nghệ thuật biểu diễn ở quảng trường 2-9, anh lặn lội vào thành phố Hồ Chí Minh để tìm đạo diễn cho chương trình quan trọng ấy. Trong buổi gặp gỡ với Sở Văn hóa - Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh có mặt chúng tôi, Ban Thường vụ Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, anh hỏi NSND Chu Thúy Quỳnh - chủ tịch hội múa: “chị có biết ai có thể làm được chương trình nghệ thuật biểu diễn quảng trường cho chúng tôi không?”. Chị Quỳnh phản ứng tức thì chỉ sang tôi và nói: “Ông không biết Lê Huân à, người Đà Nẵng đấy! Lê Huân nó thừa sức làm!” Hồ Hải Học quay sang  tôi và hỏi: “Thế ông cũng làm được thể loại đó à!”. Thật sự lúc đó tôi khá bực mình về câu hỏi của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng. Sau này khi chương trình nghệ thuật mang tiêu đề “Đào Mai tụ hội, năm Rồng bay lên” biểu diễn ở quảng trường 2-9 thành phố Đà Nẵng do tôi sáng tác, tổng đạo diễn và hầu như gần hết anh chị em hội viên Hội Nghệ sĩ múa cùng tham gia dàn dựng thành công tốt đẹp, tôi mới có dịp chứng minh cho đồng chí Hồ Hải Học về tài năng của giới biên đạo múa chúng tôi.

Đến chương trình Văn hóa du lịch biển thành phố Đà Nẵng lần thứ nhất thì mối quan hệ của chúng tôi khác hẳn. Anh là tác giả, tôi là tổng đạo diễn, biên đạo múa. Mọi khám phá sáng tạo rất đồng nhất với sự hiểu biết và gắn kết cùng nhau.

Anh là Nhà viết kịch nổi tiếng với các vở diễn “Nỗi đau hạnh phúc”, “Chuyện tình trên dòng sông Thu”... và được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2011. Nhớ anh không chỉ là nhớ đến một nghệ sĩ tài năng mà nhớ như một người bạn tâm giao của anh chị em văn nghệ sĩ thành phố Đà Nẵng .

Thắp nén hương thơm, tưởng nhớ anh!

L.H

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - hình ảnh đại diện cho Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 - Thanh NhãTây Giang - miền biên thùy rất lạ! - Huỳnh Viết TưDấu ấn Tây Giang - Quốc LongNhớ anh Hồ Hải Học - Lê HuânChiếc đòn gánh - Mỹ AnMưa qua tháp cổ - Phụng TúDòng xưa chuyện kể - Tường LinhTrở mùa - Phạm Thị Hải DươngCông viên Vườn tượng 21 nền kinh tế APEC giữa lòng Đà Nẵng - Trần NgọcHội nghị thượng đỉnh APEC Đà Nẵng, Việt Nam thu hút sự quan tâm toàn cầu - Thanh LiêmĐà Nẵng - thành phố của những thương hiệu riêng biệt - Bùi Văn TiếngVăn nghệ sĩ cảm nhận về thành phố Đà Nẵng - Minh Hoàng (thực hiện)Hương thảo - Bùi Công MinhNắng gió đại ngàn - Vạn LộcTây Giang - Nguyễn Xuân TưNgày lại ngày - Hoàng Thanh ThụyVấp - Nguyễn Ngọc HạnhTa còn chờ mai nữa lá thu bay - Trần Trình LãmNgười học trò và Bông Hồng Vàng - Nguyễn Hoàng ThọMùa thu - Nguyễn Đông NhậtTình ca biển - Phan NamThành phố & tôi hôm nay - Khaly ChàmMình đi thành phố nhé - Phan DuyThành phố những hàng cây ngủ sớm - Nguyễn Linh KhiếuNhững hàng cây nhắc nhớ - Huỳnh Thúy KiềuVề thăm Sơn Trà - Mai TuyếtThơ Uông Thái BiểuChuyển động thơ - Huỳnh Minh TâmTừ bông hoa đã lụi tàn - Trần Quốc ToànLàm Đào được mặc áo đôi được đi giày đỏ, được ngồi chiếu hoa - Trương Đình QuangThơ Nguyễn Nho Khiêm và sự rủ rê người đọc - Mai Bá ẤnNhà thơ Nam Trân nhận thơ tặng của Giáo sư Trung Quốc - Hương ThuCó một đàn chim - Hoàng Hương Việt