Hội nghị thượng đỉnh APEC Đà Nẵng, Việt Nam thu hút sự quan tâm toàn cầu - Thanh Liêm
Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng sẽ đưa lên bàn làm việc những vấn đề gì và tầm ảnh hưởng, tầm quan trọng các vấn đề đó đối với toàn cầu như thế nào? Tạp chí Non Nước xin gửi đến bạn đọc một số nội dung chính qua bài viết của Thanh Liêm.
Định hình Tầm nhìn của APEC sau năm 2020
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC Việt Nam 2017 Phạm Bình Minh, sau 28 năm hình thành và phát triển, đây chính là thời điểm quan trọng để định hình Tầm nhìn của APEC sau năm 2020.
Tầm nhìn đó cần xác định rõ các mục tiêu, hướng đi dài hạn và các trụ cột hợp tác cho Diễn đàn trong 10-15 năm tới. Việc phát huy tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tự nguyện và không ràng buộc là cần thiết để bảo đảm sự năng động, tính hấp dẫn của Diễn đàn trong một khu vực rất đa dạng về lịch sử, văn hóa và trình độ phát triển. Cùng với đó, vai trò dẫn dắt của APEC trong tiến trình định hình cấu trúc cũng như quản trị khu vực và toàn cầu, cần được định rõ.
Với ý nghĩa đó, Năm APEC 2017 hứa hẹn sẽ tạo động lực mới cho Diễn đàn. Đây cũng là cơ hội lớn để Việt Nam góp phần định hình tương lai không chỉ của APEC mà cả cấu trúc kinh tế khu vực. APEC 2017 một lần nữa khẳng định đối ngoại đa phương là chỗ dựa quan trọng của các quốc gia, lớn cũng như nhỏ để thúc đẩy lợi ích và đề cao vị thế trong một thế giới toàn cầu hóa sâu rộng.
Bên cạnh đó, các hoạt động của APEC năm nay phải tạo ra những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng và nâng liên kết kinh tế khu vực lên một tầm cao mới, khẳng định là Diễn đàn vì Người Dân và Doanh nghiệp. APEC cần có thêm xung lực cho tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu, phát triển bao trùm về kinh tế - tài chính - xã hội, tăng cường kết nối, phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu, hợp tác trong các vấn đề kinh tế - thương mại thế hệ mới…
Đồng thời, nhu cầu cấp bách nữa là đẩy nhanh nỗ lực hoàn tất các Mục tiêu Bogor *, duy trì đà liên kết khu vực trong các khuôn khổ như Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)..., hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).
Đặc biệt, năm 2017 còn được kỳ vọng sẽ tiếp tục khẳng định vai trò của APEC là diễn đàn khởi xướng ý tưởng, định hướng và điều phối liên kết kinh tế, qua đó thúc đẩy xây dựng một cấu trúc khu vực bền vững, minh bạch, có khả năng thích ứng cao, bảo đảm tính bổ trợ, hài hòa của các cơ chế đa tầng nấc.
Đại diện 39% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 49% thương mại toàn cầu, APEC cũng cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong các nỗ lực toàn cầu về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, xử lý các thách thức chung như tác động trái chiều của toàn cầu hóa và công nghệ số, bất bình đẳng gia tăng...
Việt Nam “sức mạnh mềm” và APEC
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Sự ủng hộ và tham gia tích cực của các nền kinh tế thành viên APEC, các tổ chức khu vực và quốc tế đối với các nỗ lực của APEC 2017 sẽ là một đòn bẩy giúp Việt Nam phát huy “sức mạnh mềm”. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam trở thành Nước chủ nhà APEC đầu tiên được mời tham dự các cuộc họp của Nhóm G-20 trong năm nay.
Điều đó thể hiện sự tin cậy, đánh giá cao của bạn bè quốc tế đối với những sáng kiến, ý tưởng hợp tác vượt lên trên tầm khu vực mà Việt Nam đã đề xuất cho APEC.
Rõ ràng, các hoạt động Năm APEC 2017 đã và sẽ góp phần khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Diễn đàn cũng như vị thế xứng đáng của Việt Nam trong quản trị khu vực và toàn cầu.
Các hoạt động trong năm 2017 còn là cơ hội để nước ta đưa các khuôn khổ quan hệ đối tác đã được xác lập đi vào chiều sâu ổn định, bền vững, đặc biệt là tăng cường đan xen lợi ích dài hạn với các thành viên APEC chủ chốt. Trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC vào tháng 11 tới, dự kiến sẽ diễn ra nhiều cuộc gặp, chuyến thăm chính thức của các nhà Lãnh đạo cấp cao APEC đến Việt Nam, nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương và sự phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
“Do đó, tôi đã luôn nhấn mạnh với truyền thông trong nước rằng, Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam và là đóng góp quan trọng nhất của nước ta đối với hợp tác APEC trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. Cùng với việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử vào Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020–2021, các nỗ lực ngay sau đó, nhằm hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018; thì việc tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng là vô cùng quan trọng” - Phó Thủ tướng phân tích thêm.
Được biết, trong vai trò chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến lớn cho năm 2017. Nhiều đề xuất mang tính dài hạn, xuyên suốt các nội hàm hợp tác APEC; trong đó có vấn đề tự do hóa thương mại và đầu tư. Nổi bật là đề xuất nghiên cứu, tiến tới hình thành cơ chế trao đổi về hợp tác APEC trong tương lai; trong đó có hình thành Tầm nhìn của Diễn đàn sau năm 2020 cùng với việc đẩy nhanh hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020. Chủ nhà Việt Nam luôn nhất quán rằng, thương mại tự do và mở sẽ tiếp tục là dòng chảy chính của hợp tác APEC và châu Á-Thái Bình Dương.
Việt Nam đưa Mục tiêu Bogor vào Diễn đàn thượng đỉnh và sự kỳ vọng từ Đà Nẵng, tháng 11/2017
Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, từ góc độ kinh tế - xã hội, việc thúc đẩy hoàn thành các Mục tiêu Bogor và triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động của APEC cùng nỗ lực của nước ta nhằm hoàn tất các cam kết trong các hiệp định FTA của ASEAN sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy cải cách, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư ở nước ta.
Đó là tiền đề để hiện thực hóa quyết tâm xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
Được biết, với vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam tiếp tục đưa việc “đẩy nhanh hoàn thành Mục tiêu Bogor” là một trong những ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự của APEC năm nay. Việt Nam đang tích cực cùng các thành viên triển khai những sáng kiến nhằm giải quyết những rào cản tồn tại được nêu ra trong “Báo cáo đánh giá giữa kỳ về tiến độ thực hiện Mục tiêu Bogor”, hướng tới thực hiện thành công Mục tiêu Bogor vào năm 2020.
Đây sẽ là nền tảng quan trọng để APEC xây dựng và định hình tương lai hợp tác sau năm 2020, tập trung vào những mục tiêu rộng hơn tự do hóa thương mại và đầu tư để ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức mà bối cảnh mới đã và đang đặt ra như tăng trưởng bền vững, bao trùm, sáng tạo, thương mại điện tử, v.v...
Còn nhớ, phát biểu với các phóng viên sau Hội nghị các quan chức cấp cao APEC (SOM) lần thứ nhất vào đầu tháng 3/2017 (tại Nha Trang), Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, khẳng định “SOM 1 đã thể hiện cao sự đồng thuận về tinh thần thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, thương mại, tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo. Thương mại tự do và mở tiếp tục sẽ là dòng chảy chính của hợp tác APEC và châu Á-Thái Bình Dương”.
Và với tinh thần “đồng thuận về tinh thần thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, thương mại, tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo” ngay từ SOM 1, tất cả đều có chung tầm nhìn, trong bối cảnh APEC đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong quá trình hiện thực hóa Mục tiêu Bogor, nhiều kỳ vọng sẽ được đặt vào Hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng vào tháng 11 đến.
“Đường tới Bogor” hay “Hành trình hướng đến Mục tiêu Bogor” - được đặt ra cách đây 23 năm - của APEC vẫn còn đầy chông gai. Nhiều hy vọng cho “Tầm nhìn của APEC sau năm 2020” được gửi gắm và kỳ vọng rất nhiều sau các phiên làm việc cấp cao APEC ở Đà Nẵng, Việt Nam.
Các nền kinh tế thành viên APEC đều đã thể hiện rõ quyết tâm qua các phiên làm việc liên tục từ tháng 3 đến nay, do việc thực hiện Mục tiêu Bogor được hy vọng sẽ có những khởi động mới từ những bước tiến mới của APEC. Và những bước khởi động mới ấy sẽ có tên gọi: “Tuyên bố chung Đà Nẵng - Việt Nam 2017 về tầm nhìn của APEC sau năm 2020”.
(*) Mục tiêu Bogor:
Vào năm 1994, các nhà lãnh đạo Kinh tế APEC đã nhóm họp tại Bogor, Indonésia, và thể hiện quyết tâm theo đuổi mục tiêu tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2010 đối với các thành viên phát triển, năm 2020 đối với các thành viên đang phát triển, do tính đến trình độ phát triển khác nhau giữa các thành viên. Mục tiêu đó thường được biết đến là “Mục tiêu Bogor”, trở thành định hướng cho hợp tác APEC đến năm 2020 và đưa APEC trở thành một khu vực tự do hóa thương mại và đầu tư hàng đầu trên thế giới. Mục tiêu Bogor đã truyền cảm hứng cho các thành viên APEC kiên định theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế thông qua mở cửa thương mại và tạo thuận lợi cho các dòng đầu tư trong khu vực.
Mặc dù vậy, các thành viên APEC đã phải đứng trước những thách thức không nhỏ để hoàn thành Mục tiêu Bogor đúng hạn trong vòng 3 năm, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu khác xa so với thời điểm Mục tiêu Bogor được đề ra.
Nhất là kinh tế toàn cầu đã chịu cảnh phục hồi chậm chạp sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thương mại khu vực tăng trưởng chậm lại. Những kết quả tích cực về xóa bỏ hàng rào thuế quan nay bị ảnh hưởng bởi làn sóng bảo hộ gia tăng và áp dụng các biện pháp phi thuế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Mức độ tự do hóa giữa các thành viên cũng như giữa các ngành còn chênh lệch. Tăng trưởng kinh tế của APEC đứng đầu thế giới cùng với mức sống tăng lên, tỉ lệ nghèo đói giảm xuống nhưng tỉ lệ thất nghiệp đã tăng lên kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, ở mức 4,8% năm 2014 khiến xu thế phản đối toàn cầu hóa và hoài nghi những lợi ích của tự do thương mại trỗi dậy.
(Nguồn: Ủy ban Quốc gia APEC Việt Nam 2017, Trung tâm Báo chí Bộ Ngoại giao Việt Nam và tư liệu hoạt động nghiệp vụ của tác giả).
T.L