Đà Nẵng - thành phố của những thương hiệu riêng biệt - Bùi Văn Tiếng
Thay mặt cả nước và cùng cả nước đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Đà Nẵng đã chọn biểu tượng nhận diện thành phố mình tại sự kiện quốc tế quan trọng này là Voọc Chà vá chân nâu - loài linh trưởng quý hiếm được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng. Qua sự lựa chọn ấy, người Đà Nẵng muốn gửi đến hàng nghìn khách quý đến từ các nước châu Á - Thái Bình Dương và nhiều nước khác trên khắp thế giới một thông điệp đầy tâm huyết về bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 cũng là cơ hội tuyệt vời để Đà Nẵng quảng bá hình ảnh một thành phố của những thương hiệu riêng biệt. Từ khi Đà Nẵng thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, người Đà Nẵng quyết tâm không để thành phố mình trở nên một đô thị “nhân bản vô tính”, hơn thế nữa còn quyết tâm gầy dựng một số thương hiệu riêng biệt đúng theo cách nghĩ: chỉ có khác biệt mới làm nên giá trị!
Có một thời gian, Đà Nẵng được mệnh danh là Thành phố những cây cầu. Muốn gầy dựng thương hiệu này thì trước hết phải có nhiều cầu nhưng điều quan trọng hơn là phải tạo được sự đa dạng từ những cây cầu ấy - trong đó cây cầu tạo ấn tượng độc đáo nhất về mỹ thuật và vì vậy mà góp phần đáng kể tạo nên sự đa dạng của những cây cầu Đà Nẵng chính là cầu Rồng. Đặt tên cầu Rồng là vì cây cầu này thể hiện hình dáng một con rồng thép đang bay qua sông Hàn hướng ra biển lớn - nếu không có một số đoạn thân rồng nằm bên dưới mặt cầu do yêu cầu kỹ thuật phải đúc bằng bê tông cốt thép thì đã được sách Kỷ lục Guinness 2013 công nhận là con rồng thép lớn nhất thế giới hiện nay. Nhưng có lẽ ấn tượng độc đáo về mỹ thuật không chỉ nằm ở nghệ thuật tạo dáng con rồng mang phong cách Việt mà còn nằm ở chỗ cây cầu đã được thiết kế sao cho không làm mất đi mỹ quan của một công trình mỹ thuật khác cũng có thể gọi là độc nhất vô nhị trên thế giới - Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
Thế nhưng người Đà Nẵng luôn ý thức rằng tạo nên sự khác biệt về hạ tầng đô thị cũng cần thiết nhưng chắc không phải là ưu thế của thành phố bên sông Hàn. Chính vì vậy người Đà Nẵng tập trung gầy dựng một số thương hiệu có khả năng tận dụng được nguồn lực vô cùng quý giá mà Đà Nẵng đang có được là sức mạnh đồng thuận của người dân. Ai cũng thừa nhận muốn phát triển thành phố trở thành một đô thị văn minh hiện đại, người Đà Nẵng không thể không chỉnh trang đô thị, không thể không mở những con đường mới, không thể không nâng cấp những con đường nhỏ hẹp... Ai cũng thừa nhận muốn phát triển thành phố trở thành một đô thị văn minh hiện đại, người Đà Nẵng không thể không hình thành thêm những khu dân cư hoặc những chung cư cao tầng... Trong công cuộc chỉnh trang đô thị với quy mô và tốc độ như thời gian qua, cái được là rất lớn, rất bao trùm; nhưng công bằng mà nói, để có cái được rất lớn, rất bao trùm cho hàng chục vạn người thụ hưởng ấy, dân nghèo vẫn là những người chịu thiệt thòi nhiều hơn cả. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà người Đà Nẵng quyết tâm gầy dựng những thương hiệu riêng biệt theo hướng an dân, gắn liền với an sinh xã hội.
Đầu tiên là thương hiệu Thành phố Năm không khởi sự từ năm cuối cùng của thế kỷ XX. Đứng trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba mà người Đà Nẵng vẫn khiêm tốn tự đặt ra năm mục tiêu: Không có hộ đói, Không có người mù chữ, Không có người lang thang xin ăn, Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và Không có giết người để cướp của. Qua mấy năm thực hiện, hai mục tiêu đầu được “nâng cấp”: Không có hộ đặc biệt nghèo và Không có học sinh bỏ học vì lý do kinh tế. Rồi lại tiếp tục “nâng cấp” cả chương trình bằng một chương trình khác vừa mang tính kế thừa vừa mang tính phát triển - chương trình Thành phố Ba có: Có nhà ở, Có việc làm, Có nếp sống văn hóa văn minh đô thị. Rồi mới đây nhất, người Đà Nẵng quyết tâm theo đuổi một thương hiệu đầy khát vọng nữa là chương trình Thành phố Bốn an - cách người Đà Nẵng tự giới hạn phạm vi của một mục tiêu mang tính chiến lược và toàn diện hơn nhiều là Thành phố an bình vào bốn lĩnh vực cụ thể: An ninh trật tự, An toàn giao thông, An toàn vệ sinh thực phẩm và An sinh xã hội. Có thể dễ dàng nhận ra khi đề ra cái An thứ nhất là An ninh trật tự, người Đà Nẵng đã kế thừa mục tiêu Không có giết người để cướp của trong chương trình Thành phố Năm không. Hoặc khi đề ra cái An thứ tư là An sinh xã hội - lĩnh vực từng làm cho thương hiệu Đà Nẵng tỏa sáng trong cả nước, người Đà Nẵng vừa kế thừa hai mục tiêu Không có người lang thang xin ăn và Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng trong chương trình Thành phố Năm không, vừa kế thừa hai mục tiêu Có nhà ở và Có việc làm trong chương trình Thành phố Ba có...
Bao trùm hơn cả là thương hiệu Thành phố đáng sống. Thật ra đối với Đà Nẵng hiện nay thì thương hiệu này chỉ mới là một khát-vọng-vươn-lên hơn là một hiện-thực-nhãn-tiền. Nói như vậy có nghĩa là mặc dầu đã nỗ lực tạo ra cho thành phố mình một sức bật mới, một diện mạo mới rất đáng tự hào và khiến cho khát vọng vươn lên trở thành một thành phố thực sự đáng sống, thực sự thái bình hoàn toàn không phải là hoang tưởng hay ảo tưởng, nhưng người Đà Nẵng vẫn còn phải làm rất nhiều việc để đạt được mục tiêu cao đẹp ấy, với những người lãnh đạo có tầm nhìn xa rộng, với những cán bộ công chức có đạo đức công vụ sẵn sàng dấn thân vì đại cuộc, với những nhà kinh doanh có cách kiếm tiền và cách tiêu tiền thấm đẫm văn hóa doanh nhân và đương nhiên với những công dân yêu nước luôn đồng thuận với các chủ trương chính sách của Đảng bộ và chính quyền... Tất, tất cả đều nhằm góp phần làm nên thương hiệu Đà Nẵng - Thành phố đáng sống trong tương lai. Chính vì muốn góp phần làm nên thương hiệu này mà các chuyên gia quy hoạch và các nhà quản lý đô thị Đà Nẵng đã quan tâm đến câu hỏi nên giữ lại, đừng phá bỏ cái gì nhiều hơn, sâu sắc hơn là quan tâm đến câu hỏi nên xây thêm, cần làm mới cái gì; đã đặt vấn đề xây thêm, làm mới cái gì đó sau khi đã trả lời rốt ráo câu hỏi nên giữ lại, đừng phá bỏ cái gì. Chẳng hạn vì muốn giữ lại nguyên vẹn không gian kiến trúc của Bảo tàng Điêu khắc Chăm mà - như nói trên - đã cho thiết kế Cầu Rồng theo một cách rất độc đáo: gắn kết cây cầu vào với phố phường - chứ không phải ngược lại, nói khác đi cầu Rồng chỉ có thể bắt đầu và kết thúc tại mép nước sông Hàn...
Trên hành trình gầy dựng những thương hiệu riêng biệt, điều mà người Đà Nẵng lo nhất là làm sao để có được cách nhìn, cách nghĩ thực sự nghiêm túc, cầu thị, biết người biết ta và không tự mãn, làm sao để không nhầm lẫn ngộ nhận giữa đề bài và đáp số, để thấy rằng những mục tiêu như Thành phố Những cây cầu, Thành phố Năm không, Thành phố Ba có, Thành phố Bốn an, Thành phố đáng sống và như bài viết này hướng đến là Thành-phố-khác-biệt... tất, tất cả mới chỉ là đề bài, thậm chí là đề bài khó còn đang loay hoay tìm cách giải hoặc tìm cách giải tối ưu, chứ chưa phải là những đáp số có sẵn. Mà ở đời làm gì có cái có sẵn, đáp số chưa có sẵn - điều đó đã đành, ngay cả đề bài cũng đâu có sẵn. Cái đề bài Đà-Nẵng-thành-phố-khác-biệt cho tới nay vẫn chưa được định dạng định hình. Công bằng mà nói thì Đà Nẵng cũng đang nỗ lực tìm kiếm sự khác biệt qua mấy thương hiệu vừa nêu, nhưng chừng ấy dường như cũng chưa đủ để tạo nên một Đà-Nẵng-thành-phố-khác-biệt... Và ngay cả mục tiêu Thành phố Môi trường thể hiện trong thông điệp Voọc Chà vá chân nâu tại diễn đàn Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 cũng mới là đề bài chứ chưa là đáp số, bởi người Đà Nẵng còn phải cố gắng rất nhiều để bán đảo Sơn Trà thực sự là “vương quốc” của loài linh trưởng được tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.
B.V.T