Trở mùa - Phạm Thị Hải Dương
Tháng Tám âm lịch, mây xám lếch thếch rủ nhau kéo về. Khỏi cần nghe cô biên tập xinh đẹp trơn tru thông báo tình hình thời tiết sau bản tin 19 giờ, cũng biết mùa mưa sắp về. Má bắt đầu xua bé em thay cái áo mưa rách bươm từ mùa trước. Ba giăng hai sợi dây phơi đồ ngang nhà sau. Chiều chiều, người làng bải hoải ra ngồi hẳn ngoài đường, nói chuyện hùn tiền đổ bê tông. Chú Thoại sáng ấy đã leo lên cây mít, chặt tháo mấy nhánh rậm rịt, để trơ thân cây như ông trung niên đầu hói.
Đấy là mình nhớ, nhớ rồi tiếc ngẩn ngơ mùa mưa năm ấy, khi sớm nay có việc chớp nhoáng ngang nhà, mình ngồi bậu cửa sau nhìn vòm mây trắng như trứng gà bóc, trôi rà rà trên nền trời xanh vắt. Ngó lịch vạn niên, đã trung tuần tháng Tám. Trời đổ nắng ong óng như đang giữa hè. Mình ngó má đang kéo nước ngoài giếng, mồ hôi rịn ra lấm tấm lưng áo. Chỗ má đứng, nắng xiên thẳng xuống, đậu trên cái nón lá mới. Dầu bóng trên mặt nón gặp ánh nắng, pha ra thứ ánh sáng chói chang, nhức mắt. Đáng lẽ mùa này, má chỉ cần lấy gáo nhựa ra giếng múc nước. Mưa lớn chừng tuần lễ, nước dâng lên quá bọng giếng, không phải hào hển kéo ròng rọc như cảnh tượng trước mắt mình.
Má xách hai thùng nước, miệng vui vẻ ông trời nhiệm kỳ này làm ăn ngộ thiệt. Lúc đương mong nắng nhổ sắn thì ông cho mưa, mì nhổ xong xe không vô bốc lên được, vì đường quá nhẫy nhụa. Khi cầu mưa xuống giống thì nắng suốt cả tháng ròng, làm cả xã điêu đứng, lơ ngơ như bị trộm mất hồn. Má chịu, không canh được lịch của ông Trời nên đành nương nhờ may rủi. Lịch thường mưa lấm tấm về đầu tháng Hai, mươi ngày sau có thể ra đồng xuống giống. Thế nhưng mấy mùa gần đây, không thấy mặt mũi mưa đâu. Dân còn biết ngó lên trời, ngày ngày khấn vái. Nếu ông bà ta còn sống tới ngày hôm nay chắc phải sửa gấp câu: “Ông tha mà bà chẳng tha/Trời hành cơn lụt hăm ba tháng mười”. Thế nên riết rồi, má không buồn căng thẳng với ông Trời nữa.
Anh bạn Sài Gòn gửi bức ảnh trời mây đen vần vũ, bảo Sài Gòn dạo này kỳ lắm em ạ. Mưa dai dẳng, mưa đến phát bực. Ngày trước, mình có về chơi Sài Gòn mấy ngày. Vốn con gái miền Trung, quen mưa dầm dề, mình rất ấn tượng với cách ông Trời ban mưa cho người Sài Gòn. Chiều trong hẻm nhỏ, trời đang chang chang nắng bỗng mưa cái ào không cần sấm chớp gầm hù báo hiệu. Mình sấp sải vơ mấy bộ quần áo phơi trước đường luồng vào, chạy vừa tới cửa phòng trọ thì... hết mưa. Nhìn bầu trời trở dần về nắng, không còn sót hạt mưa làm thuốc, mình ôm đống quần áo sững người lúc lâu. Hóa ra, đây là mưa Sài Gòn mà biết bao văn sĩ, thi sĩ, ca nhạc sĩ từng thỏ thẻ với người khác xứ. Nhưng bây giờ, theo như lời anh bạn mình thì đợi ngưng mưa, có khi phải uống hết cả bình nước trà, châm thêm hai lượt nữa. Không còn chuyện đi dăm phút lại tháo áo mưa như giai thoại ngày trước nữa.
Nhớ năm đầu vào Đại học, mình gần như mang hết quần áo ấm, chăn màn, tất chân tất tay vào người mỗi đêm. Sau nhiều đêm lạnh quá không tài nào ngủ được, mình mua thêm màn quây xung quanh chiếc giường nhỏ, thế mà vẫn co riết người tới sáng. Cơn ngủ không tài nào lành lặn. Mùa thi học kỳ thứ nhất là nỗi ám ảnh với tụi mình khi đứa nào đứa nấy không thể nhấc người ra khỏi chăn. Thư viện, phòng tự học vắng hoe như đang sắp mùa hoa phượng. Thế mà mới đấy qua năm sau, trời ngưng hẳn lạnh giá, như thể ai đó dùng cỗ máy hút, hút sạch sẽ khí lạnh ra khỏi thành phố. Mấy chị em than thở, có đồ ấm mà không thấy lạnh để diện ra phố!!? Cao điểm, tới Giáng sinh, ai nấy đều mong đêm Thánh trông thấy hơi thở người thương phả ra trong không khí nơi nhà thờ chính tòa, nhưng chỉ còn oi nồng và hơi người nồng nặc. Tới chừng mình có Mây con, năm nào muốn lạnh phải book vé đi Đà Lạt hít hà mấy ngày cho đã. Thòm thèm một chút lạnh Đà Nẵng mà mong mãi không thấy hơi lạnh trở về. Nó như bị cỗ máy hút năm nào dần đừ tử rồi biến tan vĩnh viễn.
Ra Hà Nội lần đầu, khi mình đang năm cuối Đại học. Thời gian chờ nhận bằng mình thử trò gap year xem cuộc đời xa lạ bên ngoài thật sự màu sắc đến thế nào. Mình cũng như rất nhiều người, yêu Hà Nội dù chưa lần đổi trao, gặp gỡ. Có lẽ đó là tình cảm của nhiều người khác, không chỉ riêng mình, với Thủ đô. Thời cấp ba, ngoài những điều trong sách vở, qua ti vi, mình chỉ biết Hà Nội qua một quán cà phê tên Nghiêm Hoa Trà, anh chủ quán là một nhà thơ. Quán đẹp và thanh lịch, hệt như những điều mình tưởng tượng và gọi tên “Thủ Đô tâm tưởng”. Chủ quán thường có vài video đêm nhạc tại quán anh, những bài tình ca sang trọng và bảng lảng mất mát, e ấp nằm dưới vỏ ngôn từ của Phú Quang, Ngô Thụy Miên hay Vũ Thành An, hệt như sự kín đáo sâu thẳm của người Tràng An. Không một gợn trần trụi, ướt át và sến sẩm lẫn ồn ào. Mình đã vẽ những cô gái che chiếc cằm bé xinh dưới lớp khăn choàng cổ trên bức tranh Hà Nội. Nhớ, dù không đúng nghĩa là nhớ, về một Hà Nội với “...con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ...” hay “...đêm mùa đông Hà Nội thức trong mưa... đêm mùa đông Hà Nội buông hơi thở...”. Bằng bao nhiêu rạo rực trong tâm khảm, mình đã phó mặc lời cảnh cáo trước giờ máy bay cất cánh, em ơi Hà Nội nóng hầm hập, nắng lịch sử trong suốt bốn mươi năm qua. Lúc ấy mình như vị chủ soái khinh địch trước mắt, chắc nịch trong bụng, con gái miền Trung có cái nắng nào chưa thấu. Thế nhưng mình không khỏi kinh hãi khi ra khỏi máy bay lúc đáp xuống Nội Bài. Mười giờ đêm, hơi nóng từ mặt đường còn bốc lên nóng ran rát cả người. Mấy bức ảnh kỷ niệm, tấm nào mặt mũi cũng nhăn nhúm như tờ giấy lộn!?
Lâu lắm mình không nghĩ về thời tiết, mùa màng vì không còn thời gian ngồi đong đưa hồn mình như chiều nay, khi về với má. Nắng đã có quần áo chống nắng, mưa thì vận áo mưa, lười nữa thì chui vào ô tô nấp. Tới chỗ làm, máy lạnh phả vào người cả ngày, nhiều lúc lơ đễnh hoặc say sưa, cũng không biết thời tiết bên ngoài thế nào. May, có dịp nghỉ chân để nghĩ ngợi, khơi thức kỷ niệm. Nếu không, có khi mình quên luôn quy luật vận hành của tạo hóa. Đến lúc trời trở mùa đảo điên, mình cũng không còn nhận ra được nữa.
P.T.H.D