Đà Nẵng - hình ảnh đại diện cho Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 - Thanh Nhã

01.11.2017

Đà Nẵng - hình ảnh đại diện cho Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 - Thanh Nhã

Qua 2 đợt tiền trạm, các đại diện đến từ 20 nền kinh tế thành viên APEC và các quan sát viên, đều đánh giá rất cao công tác chuẩn bị kỹ lưỡng của Nước chủ nhà, đặc biệt là sự chuẩn bị của địa phương đăng cai: Thành phố Đà Nẵng. Thông điệp chung được đưa ra là các bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ ở cấp Chính phủ và cấp Tiểu ban địa phương (Ban Chỉ đạo APEC 2017 Thành phố Đà Nẵng) để chuẩn bị tốt nhất cho Tuần lễ Cấp cao.

Theo ước tính, lãnh đạo - người đứng đầu 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng khoảng 10.000 đại biểu quốc tế và trong nước, trong đó có lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu khu vực và quốc tế, đại diện các tổ chức quốc tế có uy tín sẽ đến Đà Nẵng để tham dự các sự kiện và hoạt động trong dịp này.

Hài lòng về sự chuẩn bị của Đà Nẵng

Trong 2 ngày 5 và 6/10/2017, tiếp theo đợt tiền trạm lần thứ nhất (diễn ra vào hạ tuần tháng 7/2017 vừa qua), 340 đại diện đến từ 20 nền kinh tế thành viên APEC cùng các đoàn quan sát viên đã có đợt tiền trạm thứ hai. Lãnh đạo các Tiểu ban Lễ tân, An ninh, Y tế, Tuyên truyền và Văn hóa của quốc gia chủ nhà đã thông tin đến tất cả các thành viên đoàn tiền trạm công tác chuẩn bị trên mọi phương diện của chủ nhà Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Chỉ có một bổ sung mà các quan sát viên đề nghị cần lưu ý thêm, đó là linh hoạt các phương án di chuyển, cũng như nơi làm việc, đảm bảo rằng mọi phương án và kịch bản đều khả dụng, mang lại sự hài lòng và trọn vẹn. Tiến hành khảo sát thực tế tại những địa điểm tổ chức các sự kiện trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Đoàn tiền trạm đại diện 20 nền kinh tế thành viên APEC, các quan sát viên đều đã có tiếng nói chung: Rất hài lòng vì những gì mà Đà Nẵng và Việt Nam đã sẵn sàng.

Trước đó, với tư cách là Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 Phạm Bình Minh đã trực tiếp đến Đà Nẵng để  chủ trì sơ duyệt các sự kiện, các hoạt động của Tuần lễ diễn đàn cấp cao APEC 2017 (trong 2 ngày 30/9 và 1/10/2017). Phó Thủ tướng đã biểu dương thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, các Tiểu ban thuộc Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 và các cơ quan liên quan đã nỗ lực chuẩn bị tích cực.

10 ngày trước khi diễn ra cuộc sơ duyệt (sáng 20/9 tại Hà Nội), tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã chủ trì phiên họp thứ 9 Ủy ban Quốc gia APEC 2017 nhằm chuẩn bị cho Tuần lễ diễn đàn cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ và Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn đã khẳng định: Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành tất cả các hạng mục

cơ sở vật chất phục vụ sự kiện quan

trọng này, bao gồm Khu nghỉ dưỡng InterContinental, Trung tâm Báo chí quốc tế, Cung thể thao Tiên Sơn, Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế Ariyana, Khách sạn Sheraton, Khách sạn Furama, Nhà ga quốc tế Cảng hàng không Đà Nẵng, Trung tâm hành chính... và nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang 21 tuyến đường trọng điểm sẵn sàng đón các đoàn tiền trạm các nền kinh tế APEC tới khảo sát vào đầu tháng 10.

Tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng, Dự án Nhà ga hành khách quốc tế mới (đã khánh thành); Dự án Nhà ga khách VIP tại khu vực này, ưu tiên phục vụ công tác đón, tiễn các đoàn cấp cao APEC cũng hoàn thành và sẵn sàng phục vụ. Riêng, dự án cải tạo, nâng cấp sân đỗ máy bay trước nhà ga quốc tế và dự án Mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc vừa hoàn thành đúng tiến độ vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2017.

Điện - khâu quan trọng hàng đầu, nếu có sự cố... “sẽ như không có gì xảy ra”

Một trong những khâu cũng rất quan trọng là bảo đảm cung cấp điện phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, vào lúc 3 giờ sáng ngày 17/9/2017, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đã triển khai các phương án xử lý sự cố theo kịch bản, đúng với 3 nội dung đã được Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Trung, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt. Có đến 9 tình huống sự cố giả định được đưa ra diễn tập.

Mục đích của chương trình diễn tập nhằm đánh giá khả năng ứng phó với các tình huống mất điện (giả định là mất điện ngay vào lúc các sự kiện quan trọng của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đang diễn ra tại Đà Nẵng). Làm gì để khôi phục nhanh nhất, cấp điện trở lại cho điểm/khu vực đang diễn ra sự kiện quan trọng (trong lúc chờ xử lý dứt điểm sự cố lưới).

Đây là đợt diễn tập đầu tiên do Điện lực Đà Nẵng tổ chức có quy mô lớn từ trước đến nay, tình huống giả định sự cố gây mất điện lưới diễn ra trên diện rộng và các tình huống đều sát thực tế với các sự cố thường xảy ra trên lưới điện.

Trưởng phòng Điều độ trung tâm, ông Hoàng Đăng Nam cho biết, giả sử như một phiên hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra thì xảy ra mất điện (sự cố ngoài ý muốn), thì mọi việc vẫn sẽ diễn ra bình thường. Trừ nhân viên kỹ thuật, không ai biết đã có sự cố về điện. Bài toán được xử lý như sau: Các thiết bị như thông tin, âm thanh, ánh sáng, ...được cấp nguồn từ UPS (thiết bị lưu điện có dung lượng rất lớn).

Cho dù đã mất điện lưới thật sự, các UPS vẫn cấp điện cho sự kiện. Trong phạm vi tối đa là 2 phút, máy phát điện dự phòng (nguồn diesel tại chỗ) sẽ tự động khởi động để cấp điện. Và máy phát tại chỗ này cũng được tính toán để phát điện đủ cho sự kiện diễn ra từ đầu đến cuối. Khi nào kết thúc, mới trả lại nguồn cấp từ điện lưới cho hệ thống tại điểm/khu vực diễn ra sự kiện.

Còn trong trường hợp sự cố xảy ra ngay trong hệ thống điện tại chỗ (tức nơi diễn ra sự kiện), Phó Tổng Giám đốc Điện lực Miền Trung, ông Nguyễn Thành chia sẻ: Chúng tôi đã chọn những nơi bảo đảm về cung cấp điện năng, đó là những nơi có 2 hệ thống lưới phân phối nội bộ và tất cả hệ thống đều được điều khiển thông minh. Trong trường hợp xảy ra sự cố với hệ thống 1, phần mềm điều khiển sẽ tự động “lọc” phần lỗi của hệ thống 1 và chọn hệ thống 2 làm việc thay thế. Tất cả quy trình này đều được lập trình trước.

Một nguyên thủ cường quốc, hơn 100 phóng viên tháp tùng

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo APEC 2017 thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, ông Lâm Quang Minh cho biết, (ước khoảng) tổng số phóng viên trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng để tác nghiệp và truyền thông về Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 khoảng 3.000 người. Phóng viên nước ngoài, có đại diện các hãng rất có uy tín trên thế giới như: Bloomberg, CNBC, CNN, AP (Hoa Kỳ), BBC, Reuters, the Guardian (Anh), NHK, TV Asahi (Nhật Bản), CCTV (Trung Quốc), CNA (Singapore), ABC News (Úc),...

Ngoài các hãng báo chí nêu trên, khi lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đến Đà Nẵng, số lượng phóng viên chuyên trách đi tháp tùng cũng khá đông đảo. Chẳng hạn, đi cùng Tổng thống Mỹ sẽ có khoảng 200 phóng viên, đi cùng Thủ tướng Nhật có khoảng 100 phóng viên. Một con số thật ấn tượng.

Đặc biệt, Truyền hình Chi-lê (Cộng hòa Chile) qua công hàm ngoại giao chính thức khẳng định “sẽ thực hiện truyền tín hiệu truyền hình trực tiếp/ tường thuật từ Đà Nẵng về các nước trong khu vực Mỹ La-tinh,...”.

Thời gian qua, Sở Ngoại vụ Thành phố đã hỗ trợ tổ chức cho nhiều đoàn phóng viên khảo sát tại Đà Nẵng để chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC; Sở đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn các phóng viên khảo sát Trung tâm Báo chí của Tuần lễ Cấp cao. Thông qua các chuyến khảo sát này, đội ngũ phóng viên làm quen với các lộ trình di chuyển, vị trí làm việc và các hạ tầng kỹ thuật, chủ động quy trình tác nghiệp, phục vụ nghiệp vụ đưa tin, xây dựng các phóng sự tài liệu, ghi hình tại sự kiện.

Hiện đề nghị này (và các đề nghị tương tự), được Sở Ngoại vụ Đà Nẵng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và Bộ Thông tin - Truyền thông để đảm bảo các giải pháp sử dụng vệ tinh đáp ứng nhu cầu của nước bạn.

“Chúng tôi cũng ghi nhận các phóng viên quốc tế sẽ mang vào Việt Nam một số lượng và khối lượng lớn trang thiết bị, do đó, Sở Ngoại vụ đã xếp lịch để làm việc với Hải quan Đà Nẵng và Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, nhằm thống nhất phương thức hỗ trợ tạm nhập, tái xuất thiết bị của phóng viên theo hướng hỗ trợ tối đa, nhưng đúng quy định hiện hành Việt Nam” - ông Lâm Quang Minh cho biết thêm.

Trước và trong Tuần lễ Cấp cao APEC, để nắm bắt đầy đủ, kịp thời các yêu cầu của đội ngũ nhà báo quốc tế, cũng như Việt Nam, Sở Ngoại vụ đã lên phương án cử cán bộ thường trực tại Trung tâm Báo chí APEC cùng với các Sở bạn, cùng với đội ngũ liên lạc viên, tình nguyện viên chuyên trách hỗ trợ hết mình cho đội ngũ phóng viên. Nhất là phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Ngoại giao, hỗ trợ có tính đồng bộ, kịp thời, tạo mọi điều kiện để đội ngũ phóng viên tác nghiệp, đưa tin về sự kiện, cũng như xử lý tốt các vấn đề phát sinh.

Gần 600 Tình nguyện viên, Liên lạc viên phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC

Số liệu chính thức từ Ban Chỉ đạo APEC 2017 thành phố Đà Nẵng, có gần 500 sinh viên năm thứ 2 và 3, đang theo học tại các trường đại học trên địa bàn thành phố được huy động phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC (diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 05 đến 11/11/2017) với vai trò là Tình nguyện viên. Đội ngũ này sẽ được trang bị kiến thức chung về nền kinh tế chủ nhà đăng cai Năm APEC 2017, các nền kinh tế thành viên của APEC, lịch sử APEC, Năm APEC Việt Nam 2017.

Nhiệm vụ của lực lượng Tình nguyện viên là hỗ trợ đảm bảo các hoạt động của lãnh đạo các nền kinh tế, cùng các thành viên trong đoàn trong suốt thời gian diễn ra sự kiện; tháp tùng lãnh đạo và thành viên trong đoàn đại biểu các nền kinh tế APEC khi có yêu cầu, điều động; đối với hoạt động tác nghiệp báo chí, các Tình nguyện viên sẽ hỗ trợ các phóng viên, nhà báo làm việc tại Trung tâm báo chí quốc tế phục vụ sự kiện; hỗ trợ trong cung cấp các thông báo, quy định đối với phóng viên tác nghiệp tại Cung hội nghị; tham gia tháp tùng các đoàn phóng viên báo chí và hỗ trợ các phóng viên đến Đà Nẵng để truyền thông về Tuần lễ

Cấp cao.

Ông Lâm Quang Minh cũng cho biết, ngoài ra, Ban Chỉ đạo APEC 2017 của Thành phố cũng huy động 80 liên lạc viên là cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các sở, ban, ngành tham gia phục vụ sự kiện. Các Liên lạc viên sẽ thực hiện các nhiệm vụ quan trọng hơn như tháp tùng phu nhân/phu quân của người đứng đầu các nền kinh tế APEC, giữ vai trò Trưởng nhóm Liên lạc viên, Tình nguyện viên tại nơi Người đứng đầu các nền kinh tế (và phu nhân/phu quân) lưu lại trong những ngày diễn ra các sự kiện.

Tuần lễ Cấp cao APEC được nhìn nhận là  “Cơ hội vàng” để Đà Nẵng tranh thủ nhằm nâng cao hiệu quả quảng bá Đà Nẵng. Nhất là thông qua lực lượng phóng viên báo chí trong và ngoài nước đến tác nghiệp.

Sở Ngoại vụ đã và đang tập trung tổng hợp, biên tập các thông tin quảng bá về Đà Nẵng để gửi đến phóng viên nước ngoài (thông qua quà tặng là USB). Các thông tin sẽ tập trung trong các lĩnh vực du lịch, xúc tiến đầu tư, thương mại,... (trong đợt tiền trạm lần 1 của các nền kinh tế tại Đà Nẵng tháng 7/2017, Sở Ngoại vụ đã gửi đến thành viên đoàn tiền trạm thông tin tương tự qua quà tặng USB).

Ngoài ra, trong thời gian phóng viên hoạt động tại Đà Nẵng, Sở Ngoại vụ còn cho biết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để phóng viên thực hiện các phóng sự bên lề giới thiệu về con người, văn hóa, du lịch, môi trường đầu tư của Thành phố. Nếu có yêu cầu, Sở sẽ cử cán bộ và cộng tác viên cùng tham gia và hỗ trợ phóng viên trong thời gian các đoàn phóng viên tác nghiệp tại Đà Nẵng.

Lãnh đạo Thành phố sẽ có các phiên tiếp xúc song phương

Ngoài Hội nghị Thượng đỉnh (dành cho Nguyên thủ) 21 nền kinh tế thành viên APEC, trong Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, còn có các nội dung rất quan trọng (cũng do Sở Ngoại vụ thành phố chủ trì). Đó là Xây dựng kế hoạch và tổ chức cho lãnh đạo Thành phố tiếp xúc song phương các quan chức cao cấp của một số nền kinh tế, các CEO, các hãng thông tấn báo chí lớn. Hỗ trợ các doanh nghiệp lớn của Thành phố tiếp xúc với lãnh đạo các nền kinh tế và CEO các Tập đoàn lớn. Đây là 2 yêu cầu - nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Song song, Sở Ngoại vụ - Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư các Sở, ngành còn phối hợp tổ chức Diễn đàn đầu tư 2017 trong tháng 10/2017; Triển lãm kinh tế xã hội, gian hàng giới thiệu về du lịch, đầu tư tại Trung tâm Báo chí; Triển lãm cơ hội đầu tư tại Trung tâm hội nghị Ariyana-Furama Resort Danang (nơi diễn ra CEO Summit); Giới thiệu các chương trình du lịch của Đà Nẵng và khu vực lân cận đến các đại biểu, phóng viên tham dự hội nghị cùng một số sự kiện văn hóa, du lịch trước Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Riêng Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phối hợp tổ chức riêng một Diễn đàn đầu tư chuyên đề (Đầu tư vào lĩnh vực Công nghiệp công nghệ thông tin và Đầu tư xây dựng Thành phố thông minh hơn) vào trung tuần tháng 10/2017.

“Tôi cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng cần dành sự quan tâm đặc biệt mới có thể tận dụng các cơ hội từ Tuần lễ Cấp cao APEC, khi sự kiện quy tụ hơn 1.000 CEO và các doanh nghiệp của những khu vực, vùng lãnh thổ được xem là phát triển năng động nhất hành tinh, cũng như các nước được xem là cường quốc hàng đầu hiện nay.

Để có thể kết nối các cơ hội kinh doanh, doanh nghiệp phải thực sự chủ động và có sự chuẩn bị các dự án, các hợp đồng từ rất sớm để có thể tiếp cận các doanh nghiệp, đối tác tiềm năng trong dịp này. Tôi được biết kinh nghiệm từ APEC Philippines 2015, với lợi thế về ngôn ngữ, doanh nghiệp sở tại đã rất chủ động trong việc tiếp cận doanh nghiệp nước ngoài thông qua việc tham dự các diễn đàn, hội nghị hợp tác kinh doanh trong khuôn khổ APEC cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng các ấn phẩm quảng bá tiềm năng doanh nghiệp.

Ngoài ra, nếu việc đón nhận các cơ hội để phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nhân lực đã khá rõ ràng, tôi vẫn muốn nhấn mạnh về các thách thức cũng như những yêu cầu phải đổi mới, phải cải cách. Có đổi mới, có cải cách thành phố chúng ta mới có thể tranh thủ được cơ hội từ việc quảng bá các tiềm năng và thu hút đầu tư, mở rộng cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC” - ông Lâm Quang Minh chia sẻ thêm.

 

Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, nhìn nhận APEC là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng và mang lại nhiều lợi ích thực chất nhất.

Diễn đàn hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, và nhiều đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. 18 thành viên APEC là các đối tác quan trọng trong các FTA song phương và nhiều bên của nước ta. Các thành viên APEC chiếm tới 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 75% thương mại hàng hóa, 38% viện trợ phát triển chính thức và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Khoảng 80% du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC.

 T.N

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - hình ảnh đại diện cho Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 - Thanh NhãTây Giang - miền biên thùy rất lạ! - Huỳnh Viết TưDấu ấn Tây Giang - Quốc LongNhớ anh Hồ Hải Học - Lê HuânChiếc đòn gánh - Mỹ AnMưa qua tháp cổ - Phụng TúDòng xưa chuyện kể - Tường LinhTrở mùa - Phạm Thị Hải DươngCông viên Vườn tượng 21 nền kinh tế APEC giữa lòng Đà Nẵng - Trần NgọcHội nghị thượng đỉnh APEC Đà Nẵng, Việt Nam thu hút sự quan tâm toàn cầu - Thanh LiêmĐà Nẵng - thành phố của những thương hiệu riêng biệt - Bùi Văn TiếngVăn nghệ sĩ cảm nhận về thành phố Đà Nẵng - Minh Hoàng (thực hiện)Hương thảo - Bùi Công MinhNắng gió đại ngàn - Vạn LộcTây Giang - Nguyễn Xuân TưNgày lại ngày - Hoàng Thanh ThụyVấp - Nguyễn Ngọc HạnhTa còn chờ mai nữa lá thu bay - Trần Trình LãmNgười học trò và Bông Hồng Vàng - Nguyễn Hoàng ThọMùa thu - Nguyễn Đông NhậtTình ca biển - Phan NamThành phố & tôi hôm nay - Khaly ChàmMình đi thành phố nhé - Phan DuyThành phố những hàng cây ngủ sớm - Nguyễn Linh KhiếuNhững hàng cây nhắc nhớ - Huỳnh Thúy KiềuVề thăm Sơn Trà - Mai TuyếtThơ Uông Thái BiểuChuyển động thơ - Huỳnh Minh TâmTừ bông hoa đã lụi tàn - Trần Quốc ToànLàm Đào được mặc áo đôi được đi giày đỏ, được ngồi chiếu hoa - Trương Đình QuangThơ Nguyễn Nho Khiêm và sự rủ rê người đọc - Mai Bá ẤnNhà thơ Nam Trân nhận thơ tặng của Giáo sư Trung Quốc - Hương ThuCó một đàn chim - Hoàng Hương Việt