Thơ Nguyễn Nho Khiêm và sự rủ rê người đọc - Mai Bá Ấn

01.11.2017

Thơ Nguyễn Nho Khiêm và sự rủ rê người đọc - Mai Bá Ấn

Đọc Nguyễn Nho Khiêm đã lâu và cũng đã lâu rồi tôi muốn viết mà vẫn chưa viết được gì về người thơ ấy. Cách đây 3 năm, vừa nhận tập thơ “Nắng trên đồi” do anh gửi tặng, tôi đã đọc một cách chú tâm. Và trong cơn phấn khích ấy, tôi đã lên ngay một dàn ý bài viết gồm ba mục thật đầy đặn: 1) Nguyễn Nho Khiêm - Giữa cánh đồng cây cỏ nảy thi ca; 2) Nguyễn Nho Khiêm - Chừng trong hồn đá còn nhiều thi ca; và 3) Nguyễn Nho Khiêm - Nhiều khi nước mắt tự nhiên chảy... Với ba mục như vậy, tất nhiên sẽ nói được nhiều điều về cả nội dung lẫn nghệ thuật của thơ anh. Nhưng càng đọc, tôi lại càng phát hiện ra nhiều sự lạ trong thơ anh và tự đặt dấu hỏi cho riêng mình: Vì sao thơ Khiêm đọc lên thấy nó gần gũi, thân quen như tiếng vang của truyền thống, lại vừa có sự mới mẻ, lạ lùng mà mình chưa thể nào phát hiện? Tất phải có nguyên nhân của nó. Đành phải đọc và nghiên cứu kỹ văn bản thơ nhiều lần. Rõ ràng, nhìn về hình thức, Nguyễn Nho Khiêm không hề có ý định đổi mới thơ theo kiểu hậu hiện đại hay tân hình thức bằng thủ pháp ngắt dòng bất chợt (tạm gọi là “ngắt dòng đoản ý” - chặt một ý/nghĩa đang liên tục xuống một câu khác). Thơ anh vẫn nằm trong thi pháp truyền thống đó thôi, nhưng sao càng đọc lại càng thấy mới và lạ. Thử đọc lại toàn bộ những bài viết về thơ anh thì vẫn thấy, các tác giả chủ yếu xoay quanh những vấn đề thuộc về cảm xúc nội dung thơ. Tôi bỏ ý định bài viết cũ để đi tìm một hướng viết mới. Mày mò mãi, chợt phát hiện, cái sự lạ đầu tiên xuất hiện, đó là về mặt hình thức văn bản, những câu/đoạn kết thúc từng bài thơ anh luôn luôn ở thế bỏ lửng như không hề là những câu/đoạn kết. Và thơ anh bắt đầu “rủ rê” tôi từ đó. Từ mấu chốt hình thức này, tôi nhận ra, tư duy thơ đi cùng “cấu trúc mở” chính là cái tạo nên sự lạ của Nguyễn Nho Khiêm. Mà có lẽ, với thơ, vấn đề đổi mới/cách tân hay không chính là nằm ở tư duy thơ chứ không phải là chuyển hình thức câu/chữ. Từ đổi mới tư duy thơ, tất sẽ kéo theo một cấu trúc hình thức (rất tự nhiên, không cố ý gò ép cho ra vẻ hiện đại) để chuyển tải hiệu quả nhất cái tư duy ấy.

Theo Từ điển văn học: “Tư duy nghệ thuật là dạng hoạt động trí tuệ của con người hướng tới sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật”. Như vậy, tư duy thơ cần cho cả hai đối tượng: người sáng tạo và người tiếp nhận. Chính điều này, dẫn đến một thực tế là trong đời sống thi ca hiện nay, khi người tiếp nhận không cùng “ngưỡng” tư duy thơ với người sáng tạo thì sẽ rất khó chịu khi đọc thơ của họ và có đọc cũng không biết nhà thơ đang nói điều gì hoặc hiểu một cách mơ màng, không tận ý. Thơ Nguyễn Nho Khiêm thì không đến mức độ đó, vì dù có đổi mới thơ mình, anh vẫn bám rất chắc trên nền tảng truyền thống (về cả phương diện nội dung và hình thức). Cho nên anh không ngần ngại sử dụng nhiều thể thơ truyền thống bên cạnh thơ tự do, thậm chí còn nhiều hơn. Đọc thơ Nguyễn Nho Khiêm, người đọc hiểu được ý tưởng và đồng cảm cùng nhà thơ. Chính điều này dễ làm cho người đọc nghĩ rằng thơ của anh không có gì mới. Nhưng rõ ràng, có một cảm giác, là ẩn bên trong những hình thức truyền thống đó, đọc Nguyễn Nho Khiêm, ta thấy vẫn có điều gì đó rất lạ so với thơ truyền thống. Đó chính là “cấu trúc mở” trong những bài thơ. Lối “cấu trúc mở” khiến thơ Nguyễn Nho Khiêm luôn mời gọi, rủ rê người đọc tham gia “đồng sáng tạo” theo hai hướng. Hướng thứ nhất: Người đọc có thể tiếp nhận và tham gia “đồng sáng tạo” bằng cách bình cả bài thơ hoặc mở rộng cái “vòng tròn” (một bài thơ) vượt số câu trong văn bản của tác giả bằng cách sáng tạo thêm những câu thơ (Tạm gọi là kiểu cấu trúc “vòng tròn mở”). Hướng thứ hai: “Đồng sáng tạo” bằng cách chỉ bình vài câu/đoạn trong bài thơ hoặc sắp xếp lại trật tự câu/đoạn trong phạm vi những câu thơ hoặc ít hơn số câu thơ của tác giả trong một bài thơ (một vòng tròn) nhằm tạo ra những tác phẩm khác nhau theo tiếp nhận của mỗi người (Tạm gọi là kiểu cấu trúc “vòng tròn khép”).

1. Những đoạn kết vẫy gọi

Đọc thơ Nguyễn Nho Khiêm, ai cũng nhận ra, hầu hết các bài thơ của anh đều có những câu/đoạn, đặc biệt là câu/đoạn kết luôn tạo sự gợi mở cho người đọc. Chính vì lẽ đó mà cấu trúc thơ anh, câu/đoạn kết ít khi là sự tóm lược ý cuối cùng cho cả một bài thơ. Sự khác nhau giữa thơ truyền thống và thơ hiện đại là ở điểm này. Thử đọc bốn câu kết của bài “Hồn phố”:

Mỗi ngày qua sông Hàn

nghe hành khúc núi, tình ca sông

trong hồn phố

chị tôi vẫy tay nhí nhảnh mũ tai bèo

(Hồn phố).

Với  cái “vẫy tay nhí nhảnh” kia, vô hình trung, tác giả đã “vẫy gọi”, rủ rê người đọc tham gia “đồng sáng tạo”. Và như thế, ta có thể đặt đoạn kết này ở bất kỳ đâu trong bài thơ nếu muốn cấu trúc lại theo kiểu “vòng tròn khép”; hoặc từ sự “vẫy gọi” đó, người có ngưỡng tiếp nhận cao còn có thể tiếp tục cấu trúc theo kiểu “vòng tròn mở”. Điều này, một phần là do thơ hiện đại không bị trói buộc bởi yếu tố vần, nhưng điều quan trọng hơn, là khi làm thơ, Nguyễn Nho Khiêm luôn theo quan điểm lập tứ chứ không chủ về ý. Tương tự như thế, các câu/đoạn kết những bài thơ sau đây (và hầu hết những bài thơ khác) cũng luôn rủ rê người đọc tham dự vào “trò chơi sáng tạo” này theo quan điểm của lý thuyết tiếp nhận hiện đại:

- Câu thơ tháng 5 mọc cánh

Rong chơi đọt nắng phượng hồng

Nắng đôi môi em

Nồng ấm hương sen dòng sông náo nức (Tháng 5)

- Mỗi sắc đá có thế giới riêng

tôi vẫn thích rong chơi dưới chân núi bãi biển kia

nơi bạn tôi nô đùa

giữa mây nước thiên nhiên

(Viết dưới chân núi Sơn Trà)

- Người đàn ông hay cười

người đàn ông hay khóc

nhiều khi nước mắt tự nhiên chảy

(Người đàn ông khóc)...

Tham gia “trò chơi” trí tuệ này, ta lại bắt gặp lý thuyết “giải cấu trúc” theo quan niệm của Derrida: “Chúng ta liên tục tạo ra những kết cấu, nhưng bản chất của chúng là cái khả năng mà trò chơi bảo đảm cho người sử dụng nó: người ta có thể đưa những sự việc, ý nghĩ, liên tưởng vào sự bổ sung liên tục cho trò chơi để rồi kết cấu tạo ra ý nghĩa mới, làm hình thành hình thức tồn tại mới. Có vô số sự thay thế ẩn chứa trong cấu trúc lúc đó... đã là trò chơi thì tất yếu nó phải thuộc về người tiếp nhận, bởi vì không phải người nghĩ ra trò chơi mà là người chơi chơi nó”1. Như vậy, tác giả chỉ là người “nghĩ ra trò chơi”, còn người đọc mới chính là “người chơi”. Ở đây, chúng tôi chỉ xin tham gia “trò chơi” theo kiểu cấu trúc “vòng tròn khép” bằng cách giữ nguyên số câu/đoạn hoặc cắt bớt số câu/đoạn bài thơ gốc của tác giả rồi cấu trúc lại tác phẩm theo ý riêng mình (chưa đề cập đến việc bình thơ). Còn kiểu cấu trúc “vòng tròn mở” xin để vào dịp khác vì nó vốn là “trò chơi” dành cho những người có ngưỡng tiếp nhận cao hơn (siêu độc giả), nhất là “đồng sáng tạo” bằng thơ.

2. Tham gia chơi cùng Nguyễn Nho Khiêm

2.1. Chơi cùng thể Thơ Tự do

- Trò chơi Cấp độ 1 (Cấu trúc lại theo khổ thơ): Với tư duy thơ hiện đại thì thể Thơ Tự do là một “sân chơi” rủ rê được nhiều người đọc nhất bởi thơ ngày nay ít lệ thuộc vào yếu tố ý và vần. Tôi thử chọn một bài thơ bất kỳ (tất nhiên là bài ngắn để không phải tốn trang in). Bài thơ “Bên ngoài cánh đồng” sau đây được cấu trúc thành 3 khổ (theo văn bản của tác giả). Tôi xin phép được đánh số thứ tự 1,2,3:

1. những con chữ như gốc rạ nằm trơ trên cánh đồng tháng ba

mây trắng rong ruổi về đâu?

sao da trời cứ xanh biêng biếc trong đôi mắt trẻ con

tiếng chim hót, tiếng mèo tru thê thiết

cỏ xanh tràn lên gốc rạ

những con chữ nặng nhọc thở

nhìn về cánh đồng bia trắng.

2. những con chữ như bầy kiến nối nhau chạy rìa biển sóng

làm sao đọc được

câu thơ của núi

câu thơ bóng xanh

câu thơ sông xa

câu thơ cỏ lạ?

3. trong giấc mơ tôi hiểu mà không biết nói

trong giấc mơ tôi nói mà không ai hiểu

sau làn khói cánh đồng tháng ba

tôi đã gieo xuống đấy

ý nghĩ của tôi, tình yêu của tôi

cánh đồng mọc lên

giọt sương nắng mai

cánh đồng mọc lên

tiếng dế cỏ non.

Bây giờ, do sự “rủ rê” của “người nghĩ ra trò chơi” Nguyễn Nho Khiêm, với tư cách là “người chơi”, ta có thể cấu trúc lại các khổ theo bất kỳ một trật tự nào. Tôi xin chọn cấu trúc ngược với tác giả (1,2,3 thành 3,2,1 - mời các bạn thử đọc lại bài thơ trên theo thứ tự 3,2,1). Sở dĩ chọn “cách chơi” này bởi vì tôi nhận thấy nó hợp với sở thích, với cách tiếp nhận của mình, và quan trọng hơn là: Đem khổ thơ đầu (khổ 1) đặt xuống cuối (khổ 3), bài thơ đọng hơn, sáng hơn lên tên bài thơ: “Bên ngoài cánh đồng” là một “cánh đồng bia trắng”:  

...cỏ xanh tràn lên gốc rạ

những con chữ nặng nhọc thở

nhìn về cánh đồng bia trắng.

- Trò chơi Cấp độ 2 (Cấu trúc lại theo câu/đoạn): Ở cấp độ này, tôi đảo lộn trật tự câu/đoạn theo thủ pháp “cắt dán” (collage) của Breton2. Đây là thủ pháp không chỉ có ở thơ mà còn rất phổ biến ở các ngành nghệ thuật tạo hình khác, chủ yếu trong hội họa siêu thực của Picasso, Chagall, Matisse... Và thơ hậu hiện đại xem “collage” là một trong những thủ pháp chính. Bài thơ trên được tôi “đồng sáng tạo” cùng Nguyễn Nho Khiêm như sau (giữ nguyên số câu và chia làm 4 khổ, xin phép viết liên tục để tiết kiệm trang in):

những con chữ như gốc rạ nằm trơ trên cánh đồng tháng ba/ mây trắng rong ruổi về đâu?/ sao da trời cứ xanh biêng biếc trong đôi mắt trẻ con/ tiếng chim hót, tiếng mèo tru thê thiết

những con chữ như bầy kiến nối nhau chạy rìa biển sóng/ làm sao đọc được/ câu thơ của núi/ câu thơ bóng xanh/ câu thơ sông xa/ câu thơ cỏ lạ?/ cỏ xanh tràn lên gốc rạ

trong giấc mơ tôi hiểu mà không biết nói/ trong giấc mơ tôi nói mà không ai hiểu/ sau làn khói cánh đồng tháng ba/ tôi đã gieo xuống đấy/ ý nghĩ của tôi, tình yêu của tôi/ cánh đồng mọc lên/ giọt sương nắng mai

những con chữ nặng nhọc thở/ nhìn về cánh đồng bia trắng.

Với cấu trúc này, các câu/đoạn thơ hoàn toàn bị đảo lộn trật tự, nhưng vẫn giữ nguyên (hoặc có thể rõ hơn) tứ thơ độc đáo của chính tác giả. Để khách quan, ta thử cho một người chưa xem bản thơ gốc của tác giả đọc, chắc chắn họ sẽ nghĩ đây là một bài thơ chứ khó lòng phát hiện ra là một “trò chơi” theo lý thuyết của Derrida3, là một “đồng sáng tạo” theo lý thuyết tiếp nhận hiện đại.

2.2. Chơi cùng các thể thơ truyền thống

So với Thơ Tự do thì “cuộc chơi” với các thể thơ truyền thống khó hơn nhiều vì nó lệ thuộc nhiều vào ý, đặc biệt là bị ràng buộc bởi vần. Nhưng lạ một điều là đọc các bài thơ làm theo các thể thơ truyền thống của Nguyễn Nho Khiêm, ta vẫn cứ bị rủ rê như vậy. Nguyên nhân chính, như đã nói trên, là vì thơ Nguyễn Nho Khiêm chủ về lập tứ. Vậy ta có thể “dễ chơi” với các ý trong bài thơ, nhưng còn với vần thì đúng là một “cuộc chơi” gian khó.

Tôi đã “tham gia chơi” với tất cả thể thơ truyền thống (trừ Thơ Tứ tuyệt vì quá ngắn) mà Nguyễn Nho Khiêm đã sử dụng. Nhưng ở phạm vi bài viết này tôi xin “được chơi” cùng với một thể thơ khó nhất trong các thể thơ truyền thống. Đó là Thơ Lục bát. Xin được chọn bài Lục bát này:

Tiễn

1. Người đi buồn mấy ngày qua

cây xanh rũ lá, nắng xa bỏng trời

2. một mình tôi một bóng tôi

một hồn tôi sấp rối bời tình tang.

 

3. Hốt nhiên nghe đất lạnh vàng

âm âm một cõi tàng tàng bốn phương

4. bên nhau chưa trọn nguồn thương

đã nghe khoảng trống cuối đường.

Dừng chân...

 

5. Người đi biết có phù vân?

ngày mong tháng nhớ lặng thầm

xót xa

6. còn đây một khúc hoang ca

gởi mây gió hát phong ba đời người.

7. Mùa qua lộc nõn non tươi

nắng lên hoa chúm chím cười

mùa xuân

8. thiên nhiên tươi đẹp vô ngần

rong tôi biển nhớ núi mong lại tràn

Bài thơ này của tác giả gồm 8 câu/cặp Lục bát và chia thành 4 khổ (xin phép được đánh số như trên). Không để các bạn đợi lâu, tôi xin được phép “thử chơi” như sau:

Mùa qua lộc nõn non tươi

nắng lên hoa chúm chím cười

mùa xuân

bên nhau chưa trọn nguồn thương

đã nghe khoảng trống cuối đường.

Dừng chân...

 

Người đi biết có phù vân?

ngày mong tháng nhớ lặng thầm

xót xa

Người đi buồn mấy ngày qua

cây xanh rũ lá, nắng xa bỏng trời

 

một mình tôi một bóng tôi

một hồn tôi sấp rối bời tình tang

Hốt nhiên nghe đất lạnh vàng

âm âm một cõi tàng tàng bốn phương

Như vậy từ cấu trúc 1,2,3,4,5,6,7,8 theo thứ tự của tác giả, tôi đã cấu trúc lại thành 7,4,5,1,2,3. Sở dĩ ba cặp 1,2,3 đi liền nhau bởi tôi đã cắt bớt 2 cặp (6 và 8, tương đương với 1 khổ) do không hợp về vần. Như vậy bài thơ cấu trúc lại theo kiểu “vòng tròn khép” nên chỉ còn 3 khổ và 6 cặp Lục bát. Do thay đổi cấu trúc nên các câu trong một khổ cũng bị thay đổi theo. Nhưng các bạn thử đọc cấu trúc mới này thì vẫn đảm bảo đó là những câu thơ trong bài thơ “Tiễn” của Nguyễn Nho Khiêm, không ai được ăn cắp bản quyền.

Cái ưu điểm của cấu trúc mới ở bài Lục bát này chính là chỗ: Tôi đã gạt được cặp lục bát sáo mòn nhất (mà ai cũng dễ thấy) trong bài thơ này ra khỏi bài thơ. Đó là cặp Lục bát cuối: “thiên nhiên tươi đẹp vô ngần/ trong tôi biển nhớ núi mong lại tràn”. Còn cặp Lục bát thứ 6: “còn đây một khúc hoang ca/ gởi mây gió hát phong ba đời người” phải bỏ ra (dù hơi tiếc), nhưng vì để “cuộc chơi” trọn vẹn và thành công thì cũng đành phải thế. Đã “có chơi thì có chịu”. Luật chơi là thế vì lý thuyết tiếp nhận hiện đại cho phép người đọc có thể “đồng sáng tạo” vượt ra ngoài văn bản của tác giả, đồng thời cũng có thể chỉ tiếp nhận một phần của tác phẩm mà anh thích theo ý riêng anh mà không cần phải tiếp nhận hoàn toàn. Và biết đâu, khi rút gọn được một khổ thơ thì người đọc lại nhận thấy bài thơ súc tích, cô đọng hơn và thích hơn, vì dù sao, “cuộc chơi” gian khổ này cũng đã có công loại ra một cặp lục bát sáo mòn (lại là cặp kết thúc bài thơ) để thay vào đó cặp Lục bát kết (cũng của chính tác giả) mà khi đọc xong bài thơ “hốt nhiên” nghe “lạnh” cả người và “âm âm” cả bốn phương trời đất, “tàng tàng” một “cõi” nhân gian!

Tương tự như thế, với bài Lục bát “Chiêm bao gặp Kiều” thì từ cấu trúc 1,2,3,4,5 của tác giả, khi chơi ở Cấp độ 1 (đảo trật tự theo đơn vị khổ thơ), tôi có thể chuyển đổi cấu trúc là: 5,1,4,2,3 thành một tác phẩm “đồng sáng tạo” vô cùng thú vị. Ở đây, chỉ xin đưa lên bản “đồng sáng tạo” của “người chơi” để các bạn cảm nhận một cách vô tư hơn. Rồi dựa vào bản cấu trúc lại này, các bạn vẫn có thể thiết lập lại trật tự các khổ 1,2,3,4,5 của “người bày ra trò chơi” Nguyễn Nho Khiêm để đưa về bản gốc:

“Mai sau dù có bao giờ”

Phiêu diêu ngọn gió là tơ tưởng Kiều

 

Chập chờn trăng dọi phiêu diêu

Ai kia như thể nàng Kiều về đây?

Ngoài hiên sương đẫm ngọn cây

Hiu hiu gió, hương hoa bay ngát trời.

 

Vô tình làn gió thoáng rơi

Mới đây. Em đã đâu rồi?

Mông mênh...

Vầng trăng khuyết nửa trời đêm

Tiếng đàn đâu vẳng êm đềm...

giấc mơ!

 

Em thấp thoáng em xa vời

Giọng em gió rót từng lời yêu thương

Thướt tha tà áo mờ sương

Tôi tan trong gió lại vương tiếng đàn.

 

Thời gian, hình như thời gian

Tóc ai bạc, tóc em càng mướt xanh

Đôi môi như trái chín cành

Hồn em sương khói long lanh cây đời.

Với cấu trúc này, riêng tôi nhận thấy, đem cặp Lục bát kết của tác giả lên thành cặp đầu (mang tính khái quát) để chọn cặp cuối khổ 3 của tác giả chuyển xuống làm kết, bài thơ vẫn có cái gì đó thú vị hơn. Các bạn thấy sao? Một “trò chơi” thôi mà!

Trên 50 tuổi đời với chỉ khiêm tốn 3 tập thơ (Khói tỏa về trời-1994, Bên ngoài cánh đồng - 2003 và Nắng trên đồi - 2011) nhưng điều đáng trân trọng ở Nguyễn Nho Khiêm là anh đã khẳng định được thi pháp riêng cho thơ mình với sự đổi mới/cách tân từng bước rất khiêm tốn mà hiệu quả cao qua từng tập thơ.

 

1 Trương Đăng Dung (2004), “Văn bản học và sự bất ổn của nghĩa”, Tạp chí Nghiên cứu văn học (3),

tr.4-22.

2 André Breton (1896-1966): Nhà văn, nhà thơ người Pháp; người khai sinh ra nghệ thuật siêu thực, chủ nghĩa nghệ thuật làm nên nền văn học Pháp trong giai đoạn từ năm 1922 đến Chiến tranh thế giới thứ hai.

3 Jacques Derrida (15 tháng 7 năm 1930 - 9 tháng 10 năm 2004): Nhà triết học người Pháp, ông sinh ở Algérie thuộc Pháp. Derrida đã phát triển lý thuyết phê phán được biết đến là giải cấu trúc (déconstruction), các tác phẩm của ông được gọi là hậu cấu trúc luận và có gắn với triết học hậu hiện đại.

M.B.Â

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - hình ảnh đại diện cho Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 - Thanh NhãTây Giang - miền biên thùy rất lạ! - Huỳnh Viết TưDấu ấn Tây Giang - Quốc LongNhớ anh Hồ Hải Học - Lê HuânChiếc đòn gánh - Mỹ AnMưa qua tháp cổ - Phụng TúDòng xưa chuyện kể - Tường LinhTrở mùa - Phạm Thị Hải DươngCông viên Vườn tượng 21 nền kinh tế APEC giữa lòng Đà Nẵng - Trần NgọcHội nghị thượng đỉnh APEC Đà Nẵng, Việt Nam thu hút sự quan tâm toàn cầu - Thanh LiêmĐà Nẵng - thành phố của những thương hiệu riêng biệt - Bùi Văn TiếngVăn nghệ sĩ cảm nhận về thành phố Đà Nẵng - Minh Hoàng (thực hiện)Hương thảo - Bùi Công MinhNắng gió đại ngàn - Vạn LộcTây Giang - Nguyễn Xuân TưNgày lại ngày - Hoàng Thanh ThụyVấp - Nguyễn Ngọc HạnhTa còn chờ mai nữa lá thu bay - Trần Trình LãmNgười học trò và Bông Hồng Vàng - Nguyễn Hoàng ThọMùa thu - Nguyễn Đông NhậtTình ca biển - Phan NamThành phố & tôi hôm nay - Khaly ChàmMình đi thành phố nhé - Phan DuyThành phố những hàng cây ngủ sớm - Nguyễn Linh KhiếuNhững hàng cây nhắc nhớ - Huỳnh Thúy KiềuVề thăm Sơn Trà - Mai TuyếtThơ Uông Thái BiểuChuyển động thơ - Huỳnh Minh TâmTừ bông hoa đã lụi tàn - Trần Quốc ToànLàm Đào được mặc áo đôi được đi giày đỏ, được ngồi chiếu hoa - Trương Đình QuangThơ Nguyễn Nho Khiêm và sự rủ rê người đọc - Mai Bá ẤnNhà thơ Nam Trân nhận thơ tặng của Giáo sư Trung Quốc - Hương ThuCó một đàn chim - Hoàng Hương Việt