Văn học viết cho trẻ nhỏ vẫn bị coi là việc nhỏ - PHẠM ĐÌNH ÂN
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Nhận thức sâu sắc quy luật ấy, ở một số lĩnh vực, chúng ta đã và đang làm được rất nhiều cho thiếu nhi. Trong văn học, nghệ thuật, nhìn tổng quát, cũng thấy có thành tựu. ấy thế mà, lại thấy ở lúc này, lúc khác, ở bộ phận này, bộ phận khác, văn học, nghệ thuật dành cho thiếu nhi vẫn đang bị xem nhẹ, vẫn bị coi là việc nhỏ. Chứng cớ là việc làm mới chỉ dừng ở ít ỏi các cuộc vận động, thi sáng tác hoặc hội nghị, hội thảo, trại viết. Hội Nhà văn Việt Nam và Uỷ ban toàn quốc các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam rất ít khi tổ chức riêng hội nghị, hội thảo, trại viết, cuộc thi dành cho thiếu nhi. Như vậy là mới làm sơ sài ở phần giữa mà chưa làm triệt để ở gốc và ngọn.
1- Tác giả chuyên sáng tác cho thiếu nhi ngày càng thưa vắng dần. Quá ít văn nghệ sĩ, tác giả chuyên, dốc toàn bộ thì giờ, tâm sức cho thiếu nhi. Tác giả mới xuất hiện thì chưa nhiều và chậm chạp, lại ít tâm huyết, bị phân tán bút lực. Sáng tác nhiều và hay cho thiếu nhi phần lớn vẫn là những tác giả cao tuổi, đã thành danh, hoặc đã trải đời ít nhiều, nhưng hầu hết họ đã đuối sức. Nếu kể cả hoạt động sáng tác lẻ tẻ, không thường xuyên, chỉ ngẫu hứng, thì số tác giả viết cho thiếu nhi không ít, thế nhưng họ không được hưởng sự chăm sóc, khuyến khích thường xuyên, lại gặp khó khăn khi công bố tác phẩm.
ít văn nghệ sĩ gắn bó suốt đời với trẻ em, thì ngoài lí do tâm huyết và tài năng, phải nói đến lý do kém phấn khởi dẫn đến chán nản của một số văn nghệ sĩ vì ít được hướng dẫn, giúp đỡ và đền đáp đúng mức, chu đáo.
2- Sáng tác cho thiếu nhi mang tính đặc thù cao vì bạn đọc là trẻ em. Viết cho và viết về, hai việc đó khác nhau, tuy có liên quan. Văn học thiếu nhi, cụm từ quen thuộc này dùng để chỉ mảng văn chương do người lớn viết cho thiếu nhi hoặc của chính thiếu nhi viết. Riêng mảng văn chương viết về thiếu nhi dành cho người lớn cũng ít được quan tâm, và nếu có nhiều tác phẩm loại này thì chắc chắn không thể xếp chúng vào mảng văn học viết cho thiếu nhi được. ở đây, người lớn nói với nhau về trẻ em, họ soi bóng vào trẻ em để thấy rõ mình hơn, để rồi từ đó họ sống đẹp hơn, yêu thương trẻ em hơn, làm được nhiều việc hơn cho tương lai. ở đây, viết về trẻ em sẽ là lồng ghép nhiều chuyện gia đình, nhiều nỗi niềm sướng vui, cay đắng đã trải của đời làm cha mẹ, làm cô bác, làm anh chị cùng những vấn đề lớn lao của thời cuộc. Thiếu nhi không thể tiếp cận và chưa nên tiếp cận tất cả những tác phẩm loại này. Đương nhiên có những tác phẩm cảm hoá cùng lúc mọi lứa tuổi.
Một số tác giả có vẻ như sa vào thế lúng túng khi chọn bạn đọc theo thế hệ. Khi người viết không định hướng và phân biệt đúng được đối tượng độc giả thì tác phẩm ắt sẽ dễ sa vào nhược điểm gượng ép, sơ lược, kém sức truyền cảm.
Như vậy, Văn học lứa tuổi là một vấn đề nghề nghiệp quan trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Sáng tác cho bạn đọc nhỏ tuổi nhất còn ít và chất lượng còn thấp. Sáng tác cho lứa tuổi này chưa được tách ra thành một mảng riêng như là chủ trương, định hướng về đề tài. Một trong những nguyên nhân của tình trạng non yếu này là viết cho lứa tuổi bé nhất là khó nhất, bên cạnh đó còn có một điều tế nhị về tâm lý là nhiều tác giả xem thường loại sáng tác này, nghĩ rằng nó thấp kém, vụn vặt, khó giúp tác giả thành đạt.
Nhìn bao quát, văn chương dành cho thiếu nhi hôm nay nghiêng hẳn về phía thiếu niên lớn, chớm thanh niên là tuổi hoa, tuổi hồng, tuổi ngọc, tuổi xanh với cả nghìn nụ hôn học trò mà sao nhãng độc giả lứa tuổi nhi đồng. Xét nhiều tác phẩm viết cho thiếu niên, thấy rõ chúng đã không còn là viết cho trẻ em nữa.
Theo hướng ấy, cây bút tuổi xanh (tuổi thiếu niên lớn, chớm thanh niên), văn chương tuổi xanh được khuyến khích, cổ vũ nhiều hơn, vì thế đôi khi cũng có mặt tích cực là xuất hiện một số mầm non văn chương, làm nên một số tác giả trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sáng tác của lứa tuổi nhi đồng lại chưa được chú ý đúng mức khiến cho năm tháng sáng tác của mỗi tác giả nhi đồng đã ngắn lại càng co lại. Đang thưa vắng những trang viết thơ ngây, sáng trong của tuổi thơ bé bỏng. Lẽ nào sẽ không bao giờ trở lại nữa thời văn chương nước nhà có nhiều cây bút lứa tuổi này như đã từng tồn tại, đó là: Trần Đăng Khoa, Hoàng Hiếu Nhân, Nguyễn Hồng Kiên, Khánh Chi, Vũ Hạnh Thắm, Hoàng Ngọc Châu, Chu Hồng Quý, Đỗ Thị Thanh Huyền, Đỗ Quang Hạnh, Lã Thị Bắc Lý, Ngô Thị Bích Hiền, Hoàng Dạ Thi, Đào Phong Lan, Bế Kim Loan, v.v..
Đương nhiên, nay phải khác xưa. Trẻ em ngày nay quá bận học, lại bị cuốn hút vào nhiều hoạt động khác trong một xã hội đang phát triển - xã hội tin học, thị trường - với nhịp sống nhanh và ồn ã. Trẻ em bị hút sự chú ý về một hướng khác xưa, có vẻ như ngược với văn thơ. Hơn nữa, nhiều gia đình, do muốn con em mình mai sau sẽ có một nghề dễ kiếm sống, dễ thành đạt, đã không những không khuyến khích, không tạo điều kiện mà còn cản trở trẻ em sáng tác, đồng thời coi sáng tác văn chương là việc làm viển vông, coi học văn chỉ nhằm để thi đỗ.
Không ít nhà văn, trong đó có cả nhà văn lớn, đến tuổi trưởng thành hoặc đến tuổi khá cao rồi mới viết. Không phải vì muốn có nhà văn, nhà thơ mà buộc trẻ em sáng tác, chỉ có điều, tiếc là, trẻ em muốn viết mà không được hướng dẫn, bồi dưỡng, lại còn bị ngăn trở, làm thui chột năng khiếu và ước mơ đi mà thôi. Nên hiểu rằng, tạo điều kiện cho mỗi cá nhân được phát huy năng lực có ích, thực hiện được nguyện vọng chính đáng, có lợi không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả đất nước, là tính ưu việt của một xã hội phát triển.
3- Xuất bản sách báo về văn học cho thiếu nhi là một trong những việc làm yếu kém nổi cộm nhất trong hoạt động xuất bản hiện nay. Văn chương ở sách thì có mà ở báo thì không. Khu vực văn chương viết cho thiếu nhi vì thế mà khập khiễng, không có một đời sống hằng ngày bình thường. Riêng về xuất bản sách, phải nói là một số nhà xuất bản, mà có công lớn hơn cả là Kim Đồng, đã làm được nhiều. Nhà xuất bản Kim Đồng là một nhà xuất bản Tổng hợp, tuy vậy, số đầu sách và số bản sách văn chương cũng chiếm tỷ lệ cao. Nhà xuất bản Kim Đồng (cũng như nhà xuất bản Trẻ) tổ chức được một số cuộc vận động, thi sáng tác, từ đó thu gom, chọn lọc được nhiều bản thảo đạt chất lượng. Nhà xuất bản Kim Đồng đã tạo được hàng chục tủ sách văn học, trong đó có Tủ sách vàng. Tuy nhiên, sách văn học vẫn lâm vào tình trạng tiêu thụ chậm. Ngay cả đối với sách trong Tủ sách vàng hoặc sách đoạt giải cao cũng thế. Trường hợp Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật ánh là khá đặc biệt, quá hiếm hoi.
Sách thơ khó bán, sách thơ cho thiếu nhi càng khó bán hơn. Số bạn đọc người lớn đọc thơ vẫn cao hơn nhiều số bạn đọc trẻ em đọc thể loại này, dẫu là sách dành riêng cho trẻ em, xưa nay vẫn vậy. Nhưng thơ vẫn rất cần thiết cho trẻ em. Rất hoan nghênh nhà xuất bản Đồng Nai từng xuất bản nhiều tập thơ cho trẻ em. Nhà xuất bản Kim Đồng đã tìm được cách đưa thơ đến các em nhỏ mẫu giáo lớn và lớp đầu tiểu học. Tuy nhiên, vì lý do sách thơ khó bán, nhà xuất bản này cũng lẩn tránh việc in sách thơ thường xuyên. Tủ sách Thơ với tuổi thơ đã có mấy trăm đầu sách, in quá đẹp, giá rẻ, tiếc thay, nội dung lại không phải hoàn toàn dành riêng cho trẻ nhỏ.
Như vậy, giữa sách thơ và sách văn thì sách thơ bị xem nhẹ. Còn giữa sách và báo thì sao? Những tờ báo dành riêng cho thiếu nhi có đăng sáng tác văn chương, nhưng nhìn chung, vẫn nghiêng về đăng bài báo. ở khu vực báo dành cho người lớn, chỉ có một số rất ít tờ dành cho thiếu nhi một góc nhỏ nhỏ định kỳ. Cách nay mười mấy năm, đã có tờ báo Văn nghệ thiếu nhi, tồn tại được một thời gian ngắn thì "đầu thai” vào một tờ báo khác, tờ Tuổi xanh.
Truyện tranh, tranh truyện như đang tồn tại, hoàn toàn không phải là văn chương trọn vẹn. Nó là một loại phương tiện giải trí mượn hình thức ấn phẩm để tồn tại, ít giá trị thẩm mỹ, ở đó, yếu tố không tích cực chiếm phần lớn hoặc phần nhỏ tuỳ theo từng cuốn. Xét về một khía cạnh, một mức độ và ở một số trường hợp nào đó mà nói, việc xuất bản truyện tranh, tranh truyện gần giống như sản xuất thuốc lá hoặc phát hành xổ số (trước đây, khi chưa dẹp được nạn số đề). Lãi lớn. Tuy nhiên, tiền thu được có dành để xây dựng trường học hay trạm y tế hay không thì hẵng bàn sau, còn bệnh viện bị quá tải hoặc gây phiền phức lộn xộn, tốn kém thời gian, tiền bạc là cảnh tượng dễ thấy. Thật là trớ trêu và luẩn quẩn: trẻ em dùng chính kính cận do truyện tranh, tranh truyện góp phần tạo nên để đọc Tủ sách vàng, hoặc những cuốn sách quý khác có được do tiền thu về từ truyện tranh, tranh truyện. Điều đáng lưu ý nhất là, ở loại sách này, với hình vẽ và ngôn từ gây kích động bạo lực hoặc tạo nên xúc cảm thấp kém bên cạnh các dòng chữ nhỏ li ti vô hồn, cộc lốc, chỉ làm cho tâm hồn tre em khô xác, cỗi cằn đi mà thôi.
Đành rằng, không phải bất cứ bao giờ và ở mọi nhà xuất bản, truyện tranh, tranh truyện đều chiếm tỷ lệ cao và không phải tất cả trẻ em đều thích loại ấn phẩm này. Công bằng mà nói, nếu truyện tranh, tranh truyện góp phần gây tác hại thì trách nhiệm đó đâu chỉ duy nhất một vài nhà xuất bản phải gánh chịu. Nhiều nhà xuất bản cùng in, làm nên tình trạng lộn xộn. Bộ truyện tranh Đô-rê-mon in với số lượng rất lớn đã giúp nhà xuất bản Kim Đồng nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác cho trẻ em bằng cách tổ chức vận động, thi sáng tác, in nhiều sách hay, lập quỹ Đô-rê-mon, bù lỗ cho những loại sách khó bán. Tuy nhiên, chỉ tìm lối thoát ở những truyện tranh, tranh truyện lợi ít hại nhiều là cách làm bất đắc dĩ, nó phần nào biểu thị thái độ trốn tránh, ngoảnh mặt trước thực tại dữ dằn. Lối thoát tốt nhất, đúng đắn nhất phải là chính sách tài trợ của Nhà nước và ý thức ủng hộ một cách nhiệt tình, thiết thực của toàn xã hội. Cần lưu ý giúp các em đọc sách văn chương. Nhà văn cần viết đều hơn nhiều hơn, hay hơn.
4- Phê bình văn học viết cho thiếu nhi, xét ở góc độ phê bình tác phẩm, phê bình thời sự, thì hầu như là con số không. Nói khác là chỉ có bình một cách thưa thớt, hời hợt mà không có phê. Có thể có nhiều người muốn viết nhưng báo không mặn mà đăng. Thường thường vào dịp ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết trung thu, lác đác có bài điểm qua về hoạt động sáng tác, xuất bản. Còn bàn về văn chương, thi pháp, nhằm giúp nhà văn viết hay hơn thì hầu như không. Khó tìm ra cây bút phê bình. Chỉ có Phó giáo sư, tiến sĩ Vân Thanh hay được nhắc đến. Thật ra, Vân Thanh là nhà nghiên cứu. Nhiều năm qua bà đã khảo sát văn học thiếu nhi ở dạng toàn cảnh, viết lịch sử văn học. Bà không thường xuyên theo dõi sát thời sự văn chương.
Những đầu sách nghiên cứu, phê bình văn học viết cho thiếu nhi in chung và đứng riêng tác giả quá ít ỏi, số bản cũng không nhiều. Nhiều cuốn sách chỉ mang nội dung chung chung là điểm phong trào, nêu bài học quản lý hoạt động sáng tác, tâm sự kinh nghiệm nghề nghiệp.
Trung ương Đoàn và cơ quan trực thuộc là nhà xuất bản Kim Đồng, Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em có một số cuộc bàn về văn học thiếu nhi. Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ nào cũng ít nhất có một lần giao cho Ban Văn học thiếu nhi tổ chức một cuộc gặp mặt nho nhỏ, phần lớn là phối hợp tổ chức với các cơ quan khác. Tuy nhiên, khi gặp mặt thì sôi nổi, nhiều ý kiến, lắm hứa hẹn, mà sau đó thì quên, hoặc gặp phải trở ngại vì một số lý do, cho nên chỉ thực hiện được rất ít.
5- Tác dụng giáo dục của văn chương dành cho thiếu nhi hiện nay cũng nên xem lại. Việc đáp ứng cái các em thích phải luôn luôn đi đôi với việc đáp ứng cái các em cần. Trong văn xuôi, do đặc trưng thể loại, nhìn chung, tác dụng hoặc phản tác dụng tương đối rõ. Văn xuôi cho phép nhà văn tâm sự, giãi bày, tái hiện cảnh đời như là chính hiện thực, giúp thiếu nhi hiểu biết và lý giải nhanh chóng và trực tiếp về cái xấu, cái tốt. Riêng về thơ, chủ yếu là thơ dành cho lứa tuổi trên nhi đồng, thiếu niên, lứa tuổi đã có nhận thức ít nhiều về vai trò cá nhân, về cộng đồng xã hội, thì tác dụng giáo dục nhiều khi mập mờ. Cũng lại do đặc trưng thể loại, thơ, nhất là thơ viết cho thiếu nhi, có vẻ như có nhiều bóng râm, thậm chí mái che, để tác giả được phép tránh nắng mưa mà ngắm cỏ hoa, chuyện trò với muông thú, con ong, cái kiến..., để thầm thì đưa nôi, để bay bổng, tưởng tượng... Nếu nhận thức triệt để được nét tinh tế này, nhà thơ viết cho thiếu nhi sẽ tránh được lối viết mòn sáo, đơn giản một chiều, vô bổ, giống lối viết gần như không tải dành cho người lớn. Nhiều tác giả thơ chỉ lưu ý đơn thuần một mặt, tức là góp phần nâng cao cuộc sống tâm hồn trẻ em một cách chung chung, mà ít chú ý đến những việc thiết thực, cụ thể, như giúp trẻ em tránh những hạn chế, lỗi lầm. Thơ viết cho thiếu nhi vẫn đi theo lối mòn, ít chất trí tuệ
Trẻ em hiện nay, bên cạnh nhiều mặt tốt, ở một vài bộ phận trẻ em tuổi thiếu niên, có một số mặt hạn chế, đó là thói lười biếng, ham hưởng thụ, đua đòi tật xấu, ích kỷ, hỗn xược, thiếu tình thương, thiếu lòng bao dung, v.v.. Tất nhiên, trẻ em hư phần lớn do chúng sống ở môi trường, hoàn cảnh phức tạp hoặc do người lớn thiếu gương mẫu.
Nhà văn còn viết đèm đẹp, ngọt ngào, hời hợt, hoặc tặng trẻ em những trò chơi mạo hiểm, hình ảnh kích động bạo lực. Thêm nữa, người ta đi sâu khai thác cảm xúc yêu đương trai gái của tuổi mới lớn. Trên thực tế, khi này, khi khác, ở nơi này nơi khác, có tình yêu trong trường học phổ thông. Song, không nên dùng văn chương, nghệ thuật để khuyến khích. Hãy để cho các nhà tâm lý học, các bà mẹ, các bác sĩ về giới tính hướng dẫn thiếu niên những điều mới lạ mà các em tò mò, chưa hiểu, hãy để họ đưa ra những lời khuyên có ích. Nếu viết về thanh niên trẻ đang bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, thì lại là một việc khác; như vậy, cần có định hướng phục vụ thanh niên, tác giả và nhà xuất bản không nên xem đó là tác phẩm dành cho thiếu nhi.
Đành rằng, sự phát triển tâm lý lứa tuổi là quy luật khách quan, là một thực tế ở đời thường, nhưng chính ở đây, xã hội cần nhà văn như một nhà giáo dục, một người thầy, một người bề trên trong gia đình, giúp trẻ em rèn luyện nhân cách. Nếu đưa ra quá nhiều những trang thơ về tình yêu tuổi học trò với cách viết chạm đến những việc quá nhạy cảm, là chiều nịnh, vuốt ve trẻ em, là đáp ứng lòng hiếu kỳ, óc tò mò bất lợi của tuổi mới lớn, là tước mất vẻ ngây thơ của tuổi học trò, là gây tác hại không những đối với cá nhân trẻ em mà còn đối với gia đình và xã hội.
6- Tạm nêu những biện pháp nâng cao chất lượng văn học dành cho thiếu nhi
Gia đình, nhà trường, xã hội và các ban, ngành, tổ chức, trong đó có Hội Nhà văn Việt Nam, Uỷ ban toàn quốc các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam cùng các hội địa phương, cần phối hợp trong ngành và liên ngành chặt chẽ hơn nữa, nhằm chăm sóc và nâng cao đời sống tinh thần của thiếu nhi, giúp các em tiếp cận sách văn chương nhiều hơn.
- Cần giảm bớt hơn nữa sức nặng học đường, tạo thêm thời gian đọc sách báo văn chương cho trẻ em, giảm bớt sự quan tâm của trẻ em đối với truyện tranh, tranh truyện, ti-vi, máy tính điện tử cùng các hình thức nghe, nhìn và giải trí khác.
- Khuyến khích viết cho thiếu nhi bằng cách tạo điều kiện vật chất cho tác giả. Không chỉ dừng ở hoạt động đỉnh cao là vận động, thi sáng tác, trao giải lớn mà cần nâng thang bậc tiền nhuận bút.
- Nhà nước cần chi khoản tiền lớn trợ giá cho sách thiếu nhi, cấp tiền cho việc mở mới và duy trì hoạt động làm văn chương. Sách thiếu nhi đem đến vùng xa, vùng nghèo cần nhiều hơn và hãy luôn luôn và tất cả coi là quà tặng.
- Cần điều chỉnh hoạt động xuất bản. Các báo nên dành trang cho thiếu nhi nhiều hơn, thường xuyên hơn. Tạo điều kiện cho sách thơ đạt chất lượng được xuất bản và phát hành dễ dàng. Giảm bớt truyện tranh, tranh truyện, tiến tới xoá bỏ những cuốn sách tuy vẫn lôi cuốn nhưng yếu kém. Xuất bản báo (hoặc tạp chí) Văn nghệ thiếu nhi.
- Hội Nhà văn Việt Nam và Uỷ ban toàn quốc các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến khu vực viết cho thiếu nhi. Cần trực tiếp đứng ra tổ chức riêng nhiều trại viết, vận động, thi sáng tác, nhiều cuộc hội nghị, hội thảo. Hội Nhà văn nên chuyển Ban văn học thiếu nhi thành Hội đồng.