HOÀNG HẬU ĐOÀN THỊ NGỌC – BÀ CHÚA TÀM TANG TRONG SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN NGHỀ TƠ TẰM XỨ QUẢNG - NGUYỄN PHƯỚC TƯƠNG

31.10.2012

HOÀNG HẬU ĐOÀN THỊ NGỌC – BÀ CHÚA TÀM TANG  TRONG SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN NGHỀ TƠ TẰM XỨ QUẢNG - NGUYỄN PHƯỚC TƯƠNG

Cho đến tận nay đã hơn bốn trăm năm mà nhân dân xứ Quảng vẫn còn tự hào và tôn vinh một người thôn nữ rất mực xinh đẹp và đôn hậu chuyên nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ở làng Chiêm Sơn, thuộc Tân Dân, tổng Mông Lĩnh, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam nay là làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là Đoàn Thị Ngọc mà nhân dân thường gọi với cái tên kính ngưỡng là Bà Chúa Tàm Tang Xứ Quảng và về sau được Phủ Chúa phong tước là Đoàn Quý Phi.

I. Cuộc đời của Bà Chúa Tàm Tang

Cô thôn nữ Đoàn Thị Ngọc là con gái thứ ba của ông Đoàn Công Nhạn, một hào trưởng ở làng Chiêm Sơn và bà thứ thất Võ Thị Thành, sinh năm 1601. Cuộc đời của cô gái trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ở làng Chiêm Sơn, bên bờ sông Thu Bồn có một giai thoại nên thơ đã đi vào truyền thuyết dân gian và sử sách Triều Nguyễn.

Sách "Đại Nam Liệt truyện Tiền biên” của Triều Nguyễn đã viết về người thôn nữ đó và mối tình thơ mộng của mình, về sau trở thành Quý Phi: "Bà là người con thứ ba của Thạch Quân Công Đoàn Công Nhạn. Mẹ là phu nhân Võ Thị. Bà là người minh mẫn thông sáng..., sáng thơm, tú mị, phép tốt trinh thuần” và "Năm mười lăm tuổi (Bà) hái dâu bên bãi, trông trăng mà hát. Bấy giờ Huy Tông Hoàng Đế ta (tức Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) đi chơi Quảng Nam, Thần Tông  Hoàng Đế ta (tức Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan) theo đi hộ giá. Đêm đáp thuyền chơi trăng, đỗ thuyền ở Điện Châu (bây giờ là An Phú Tây) câu cá, nghe tiếng hát lấy làm lạ, sai người đến hỏi, biết là con gái họ Đoàn, cho tiến vào hầu Chúa ở tiềm để, được yêu chiều lắm”.

Truyền thuyết dân gian Xứ Quảng cũng đã kể lại rằng vào một đêm trăng đẹp năm 1615, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trong một chuyến tuần du Quảng Nam đã cùng Hoàng tử thứ hai lúc đó khoảng 15 tuổi là Nguyễn Phúc Lan, dạo thuyền trên sông Thu Bồn. Khi thuyền rồng ngược dòng sông từ Dinh trấn Thanh Chiêm (nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn) đến thôn Điện Châu, châu Đông Yên, huyện Duy Xuyên (nay là xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) thì nghe một giọng hát trong ngần và quyến rũ của một thôn nữ từ một nương dâu bên bờ sông vọng tới theo làn gió mát. Cô gái hát rằng:

Tai nghe Chúa ngự thuyền rồng,

Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa...

Một lúc sau, cô gái lại hát tiếp:

Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu,

Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình...!

Giọng hát và lời ca của cô thôn nữ trong đêm thanh vắng đã làm rung động tâm hồn và xao xuyến trái tim của hoàng tử đa cảm Nguyễn Phúc Lan. Được phép của vương phụ,  hoàng tử cho thuyền rồng men theo triền sông đi tìm tiếng hát. Khi lên bờ, bên bóng dâu xanh thắm nhuộm ánh trăng vàng, chàng trai vương bá đem lòng say đắm người thục nữ kiều diễm vừa độ trăng tròn rất mực đôn hậu là Đoàn Thị Ngọc, ái nữ của hào trưởng Đoàn Công Nhạn. Hình như cuộc kỳ ngộ này đã được sắp xếp từ trước bởi bàn tay Ông Tơ Bà Nguyệt xe duyên.

Hoàng tử Nguyễn Phúc Lan cùng cô thôn nữ Đoàn Thị Ngọc đã bén duyên nhau ở tuổi mười lăm và kết duyên trăm năm vào tuổi mười bảy (1617) và ban đầu họ chung sống cùng nhau tại Dinh trấn Thanh Chiêm.

Về sau, nhà khoa bảng Tiến sĩ Mã Sơn Trần Đình Phong (1843 – 1909), quê ở Nghệ An, làm Đốc học Tỉnh Quảng Nam dưới thời vua Thành Thái (1889 – 1907) vào khoảng năm 1892, đã cảm tác bài phú "Quảng Nam tỉnh phú” trong đó có đoạn ca ngợi Đoàn Quý Phi:

"Còn như khuê môn bồ liễu cũng có những kẻ lừng danh,

Đoàn Lệ Phi(*) tiếng hát trong dâu, được vời vào nội.

Phong tư dù có khác nhau

Tài hạnh cũng đều đáng trọng”.

Trong thời gian này, Dinh trấn Thanh Chiêm do Thế tử Hữu Phủ Chưởng Phủ Sự Nguyễn Phúc Kỳ, Hoàng tử trưởng của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, làm quan trấn thủ từ năm 1614. Sau khi lập gia thất một thời gian, Hoàng tử Nguyễn Phúc Lan được phong tước Nhân Lộc Hầu.

Sau khi trở thành phu nhân Nhân Lộc Hầu Nguyễn Phúc Lan, Bà Đoàn Thị Ngọc bắt đầu quan tâm đến việc khuyến khích phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa truyền thống trên quê hương Xứ Quảng.

Đến ngày 22.7.1631, Thế tử Hữu Phủ Chưởng Phủ Sự Nguyễn Phúc Kỳ qua đời còn quá trẻ, hưởng thọ 31 tuổi (**) và Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã cử Hoàng tử Nguyễn Phúc Anh làm quan trấn thủ Quảng Nam dinh và sau đó quyết định lập Nhân Lộc Hầu Nguyễn Phúc Lan làm Thế tử và phong tước Nhân Quận Công.

Sau khi Chúa Sãi băng hà ngày 19.11.1635, Thế tử Nhân Quận Công Nguyễn Phúc Lan trở thành Chúa Thượng và sống cùng với phu nhân ở Phủ Chúa tại Phú Xuân. Bà Đoàn Thị Ngọc được Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan phong tước là Đoàn Quý Phi và thân phụ Đoàn Công Nhạn của Bà cũng được phong tước là Thạch Quận Công.

Sau khi Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635) quyết định Nhân Quận Công Nguyễn Phúc Lan làm Thế tử để lên ngôi Chúa nối ngôi mình thì bà Tống Thị Toại, phu nhân của Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ đã qua đời, là con gái của Mậu Lễ Hầu Tống Phúc Khang, một vị quan to ở Phủ Chúa, là một người đàn bà có sắc đẹp nhưng đa đoan, cho rằng con trai bà phải là Thế tử nối nghiệp chồng lên ngôi Chúa, nên âm mưu cướp ngôi Chúa. Bà tìm mọi thủ đoạn để mê hoặc bằng sắc đẹp của  mình và chiếm trái tim của Chúa Hiền Nguyễn Phước Lan, đồng thời dựa vào uy quyền của Chúa để chiếm đoạt tài sản của dân. Về sau, nhờ có quan Nội Tán Viên Hiền Hầu họ Phạm dùng lời lẽ đanh thép khuyên can, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan mới rời bỏ được Tống Thị Toại.

Đoàn Quý Phi sinh hạ được ba hoàng tử và một công chúa. Hoàng tử thứ nhất Nguyễn Phúc Võ và hoàng tử thứ ba Nguyễn Phúc Quỳnh đều qua đời sớm, hoàng tử thứ hai Nguyễn Phúc Tần làm quan trấn thủ Quảng Nam dinh vào năm 1638 và sau đó trở thành Thế tử.

Còn công chúa út, theo hồi cố của các trưởng lão tộc Đoàn ở làng Chiêm sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng thường được gọi là Nguyễn Phúc Ngọc Dung và có dị tật bẩm sinh, đã hạ giá với Chưởng Cơ tên là Minh và cũng đã mất sớm.

Về cuối đời, không rõ năm nào, Đoàn Quý Phi rời Phủ Chúa ở Kim Long, Phú Xuân quay trở về sống ở Dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam cùng với con cháu, bà con trên quê hương mình. Người ta cho rằng có thể có hai nguyên nhân đã làm Bà quay về  Xứ Quảng: Thứ nhất, Bà muốn sống gần gũi với làng quê, nơi có mồ mả ông bà, cha mẹ và các con trai cùng con gái đã qua đời quá sớm. Thứ hai, sâu lắng hơn là vào năm 1639, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan đã đem lòng say đắm người chị dâu trẻ, xinh đẹp góa bụa Tống Thị Toại nên Bà muốn xa lánh cảnh đau lòng này.

Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan băng hà vào ngày 26.2 năm Mậu Tý 1648 và Thế tử Dũng Lễ Hầu Nguyễn Phúc Tần lên ngôi Chúa và trở thành Chúa Hiền (1648 – 1687).

Sau khi Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan qua đời, bà Tống Thị Toại đã mật cử người ra Đàng Ngoài dâng thư lên Chúa Trịnh Tráng (1623 – 1637) xin cất quân đánh chiếm Đàng Trong và thị sẽ đem gia sản của mình để nuôi quân Chúa Trịnh. Nhận được sự hậu thuẫn đó, ngay năm 1648, Chúa Trịnh Tráng đã đem quân đánh Đàng Trong lần thứ tư. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đã chỉ huy đại quân đánh địch và giành thắng lợi hoàn toàn, bắt được một số tướng và 3.000 quân Trịnh và vô tình phá tan được âm mưu vô cùng thâm độc của Tống Thị Toại.

Đến năm Giáp Ngọ 1654, Tống Thị Toại mua chuộc và được Chưởng dinh Quảng Nam Nguyễn Phúc Trung là chú ruột của Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần ủng hộ làm phản để cướp ngôi Chúa, nhưng  âm mưu này đã bị một thuộc hạ của Chưởng dinh Nguyễn Phúc Trung là Thắng Bố tố cáo. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần liền ra lệnh bắt giữ Chưởng dinh Nguyễn Phúc Trung đem giam vào ngục và cho xử trảm Tống Thị Toại tại Dinh trấn Thanh Chiêm, tịch thu toàn bộ gia sản của thị đem phân phát cho quân và dân, đồng thời ra lệnh đốt danh sách "đồng tâm hướng thuận” gồm những người bị Tống Thị Toại lôi kéo tham gia làm phản để yên lòng sĩ dân, làm cho Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần càng được nhân dân kính phục.

Có lẽ việc trừng trị đích đáng Tống Thị Toại bởi con trai mình đã làm cho mẫu hậu Đoàn Quý Phi hết sức hài lòng trong những năm cuối đời.

Sau mười ba năm ngày qua đời của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, Đoàn Quý Phi mất vào ngày 17.5 Tân Sửu tức ngày 12.7.1661, hưởng thọ sáu mươi tuổi. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đã mai táng mẫu hậu tại Gò Cốc Hùng ở tổng Mông Lĩnh, cách Lăng mộ của Hoàng Hậu Mạc Thị Giai, hậu của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, chừng nửa cây số và cách không xa mộ của Công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Dung.

Năm 1806, vua Gia Long truy tôn Đoàn Quý Phi là Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫn Duệ Hiếu Chiêu Hoàng Hậu và khắc tên vào Kim sách (sách bằng vàng) của Hoàng tộc và tôn hiệu này được thờ phụng với Hiếu Chiêu Hoàng Đế (tức Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan) trong gian bên phải của Thái Miếu ở Huế.

Về phần Lăng mộ của Hiếu Chiêu Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc, sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã cho biết "Năm Gia Long thứ năm (1606) dâng tên lăng là Vĩnh Diên” để phân biệt với Lăng mộ của Hiếu Văn Hoàng Hậu Mạc Thị Giai là Vĩnh Diễn”. Lăng Vĩnh Diên được nhân dân địa phương gọi là Lăng Trên còn Lăng Vĩnh Diễn thì gọi là Lăng Dưới.

Khoảng năm 1824, vua Minh Mạng đã cho xây dựng thêm ở giữa Lăng Vĩnh Diễn và Lăng Vĩnh Diên một ngôi chùa làm nơi thờ cúng cho hai Hoàng Hậu, gọi là Chùa Vĩnh An mà nhân dân địa phương thường gọi là Chùa Vua hay Chùa Ngự. Dưới thời Triều Nguyễn hàng năm, các vua Nhà Nguyễn đều đến cung yết Lăng mộ hai Hoàng Hậu và Chùa Vĩnh An tại xã Duy Trinh.

Bên cạnh việc mai táng mẫu hậu một cách chu đáo, xây Lăng Vĩnh Diên, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần còn xây dựng Nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu tại thôn Đông giáp, làng Đông Yên bên bờ sông Thu Bồn, gần sát với Dinh trấn Thanh Chiêm, nay thuộc thôn Đông Khương 2, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn.

Trận lụt lớn sông Thu Bồn năm Canh Thân 1680 dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Tần năm thứ 32 đã làm Nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu bị hoàn toàn hủy hoại do đất bị sạt lở ở ngay giữa làng Đông Yên.

Đến dưới thời Chúa Ninh Vương Nguyễn Phúc Thụ (1725 – 1738) vào khoảng năm 1730, Nhà Thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu đã được xây dựng lại lần thứ hai trên đất Đông Yên và lùi xa bờ sông Thu Bồn. Một thời gian sau,  do bờ sông Thu Bồn tiếp tục bị sạt lở, làm Nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu bị hư hại phần tiền sảnh.

Sau khi chiếm Xứ Quảng vào cuối năm 1774, quân Tây Sơn đã triệt phá hoàn toàn Nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu và Chùa Bảo Châu Sơn Tự ở Trà Kiệu (nay thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) do Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1617. Sau khi đánh thắng quân Tây Sơn, thống nhất đất nước và lên ngôi năm 1802, vua Gia Long (1802 – 1820) đã cho xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu khang trang hơn trước tại Bãi Bắc ở Đông Yên Đông.

Đến năm Nhâm Thìn 1894, dưới thời vua Thành Thái (1889 – 1907) nhà vua đã cấp 1.000 lạng bạc để xây lại phần hậu tẩm Nhà Thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu bị xuống cấp và dưới thời vua Bảo Đại (1926- 1945), Nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu cũng đã được trùng tu năm 1930.

Sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thắng lợi, Nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu bị xuống cấp nặng, Hội đồng Gia tộc Đoàn tộc Quảng Nam đã vận động bà con đóng góp tài chính và đã tiến hành đại trùng tu, làm cho Nhà thờ Đức Bà Chiếu Chiêu Hoàng Hậu được khang trang như ngày nay.

Về Chùa Vĩnh An, sau cách mạng tháng 8.1945, do không có người chăm sóc đã dần dần bị hư hại hoàn toàn. Về Lăng Vĩnh Diên của Hiếu Chiêu Hoàng Hậu đến nay đã bị xuống cấp nặng như báo chí ở địa phương và trung ương đưa tin và đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Nam quan tâm khắc phục, bởi vì đây là một di tích văn hóa lịch sử cổ xưa nhất của Nhà Nguyễn còn tồn tại đến nay trên đất Quảng Nam và đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa của tỉnh.

Ngày nay, hàng năm vào ngày 17.5 âm lịch, tại làng Chiêm Sơn quê hương  Bà và Nhà thờ Bà ở làng Đông Khương 2, tộc Đoàn Quảng Nam đã tổ chức Lễ tưởng niệm Đoàn Quý Phi – Hiếu Chiêu Hoàng Hậu một cách trang trọng.

II. Bà Chúa Tàm Tang trong sự nghiệp phát triển nghề tơ tằm Xứ Quảng

Xứ Quảng (gồm Quảng Nam và Đà Nẵng ngày nay) vốn là một khu vực địa chất nằm giữa hai khối kiến tạo lớn là địa khối uốn nếp Trường Sơn Bắc và rìa bắc của địa khối Kontum thuộc Trường Sơn Nam, nhờ sự phún xuất dung nham nên lòng đất Xứ Quảng có nhiều khoáng sản và màu mỡ hơn so với các vùng đất phía bắc và phía nam.

Lê Quý Đôn đã đánh giá sự giàu có của Xứ Quảng rằng "Xứ Quảng là đất phì nhiêu nhất thiên hạ”.

Vì vậy, từ xưa Xứ Quảng đã là một vùng đất nổi tiếng về nông nghiệp phát triển, trong đó có nghề tơ tằm, một vùng đất nổi tiếng từ lâu "đàn ông trồng dâu, đàn bà dệt lụa”.

Vốn là một người lao động xuất thân từ một làng quê mà nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa là một nghề cha truyền con nối, nên cô thôn nữ làng Chiêm Sơn Đoàn Thị Ngọc đã sớm thành thạo và đam mê nghề nghiệp của cha ông.

Sau khi trở thành phu nhân phu nhân Nhân Lộc Hầu Nguyễn Phúc Lan ở Dinh trấn Thanh Chiêm và cả sau khi trở thành Đoàn Quý Phi quay trở về sống trên quê hương trong những năm cuối đời, Bà luôn luôn khuyến khích bà con nông dân ở các phủ huyện của quê hương mình phấn đấu trồng thật nhiều dâu, nuôi thật nhiều tằm, sản xuất thật nhiều tơ và lụa để bán ra nước ngoài nhằm cải thiện đời sống.

Thỉnh thoảng Bà đi thuyền từ Dinh trấn Thanh Chiêm và ngược dòng sông Thu Bồn và cả sông Vu Gia đến tận các làng xã tơ tằm ở ven đôi bờ các con sông đó để thăm hỏi, chuyện trò, trao đổi kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa với bà con nông dân khuyên bảo họ một cách ân cần và thân mật, nên được bà con nồng nhiệt tiếp đón một cách trọng thể và một lòng nghe theo.

Nhờ vậy, dần dần ở những làng xã nằm dọc  hai bên sông Thu Bồn, Vu Gia, Ba Kỳ... các nương dâu xanh thắm mênh mông chạy tít đến tận chân trời. Khắp xứ Quảng, nghề tơ tằm trở nên phổ biến và phát triển, nhưng tập trung và nổi tiếng hơn cả là ở phủ Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, huyện Đại Lộc và phủ Hà Đông.

Từ xa xưa, văn học dân gian Xứ Quảng đã cho thấy những làng Đông Yên, Thi Lai, Tứ Mã, Phú Bông, Xuân Đài, Phú Triêm, Vĩnh Điện .v.v.. là những làng tơ tằm nổi tiếng của phủ Điện Bàn.

* Tiếng đồn ba xã Phú Triêm,

Trồng dâu có mã, ươm tằm được tơ.

* Thợ dệt có làng Thi Lai

Đông Yên, Tứ Mã gai trai biết nhiều.

* Phú Bông dệt lụa dệt sa,

Kim Bồng thợ mộc, Ô Gia thợ rừng.

Ở huyện Duy Xuyên, nổi bật những làng tơ tằm lâu đời như Chiêm Sơn, Mã Châu, Trà Kiệu.v.v...

* Chiêm Sơn là lụa mỹ miều,

Ban mai dệt cửi, buổi chiều xe tơ.

* Lụa tơ Trà Kiệu, Mã Châu

Đã từng có  tiếng từ lâu chắc bền.

Ca dao dân gian thời xưa cũng đã nói tới những vùng trồng dâu nuôi tằm phong phú của huyện Đại Lộc:

* Nhớ quê Đại Lộc êm đềm,

Bùng dâu, nà bắp tình thêm đậm đà.

* Con tằm Đại Lộc xe tơ,

Bãi dâu Đại Lộc lờ mờ bên sông,

Hỡi cô buôn thị bán hồng,

Đi qua Đại Lộc thấy tằm nong mà thèm.

* Ai về Hà Dục thì về,

Thấy nong tằm chín khó bề bỏ đi

Và phủ Hà Đông cũng có những vùng tơ tằm lâu đời:

Kỳ Lam bắp rầy, dâu nà,

Ươm tơ dệt lụa cũng là từ lâu.

Dưới thời Bà Đoàn Quý Phi ở Xứ Quảng trong một năm có hai vụ dâu tằm tơ lụa: vụ hè từ tháng 4 – 6 âm lịch và vụ đông từ tháng 10 – 12 âm lịch. Nông dân đã biết kết hợp các kinh nghiệm của cha ông từ Đàng Ngoài truyền lại với các kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm (giống dâu, giống tằm) của người Chămpa cũng như bí quyết dệt lụa của người Minh Hương để tạo ra được một nguồn tơ sống phong phú và nhiều mặt hàng lụa có chất lượng cao.

Nguồn tơ sống của Xứ Quảng vào thời kỳ ấy dưới thời Chúa Nguyễn quả thật là dồi dào mà Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã đến Hội An vào cuối năm 1624 đã nhìn thấy như vậy và ông đã có nhận xét "Ở Đàng Trong nhiều tơ lụa đến nỗi còn dùng để đan lưới và bện dây thuyền”.

Tận mắt nhìn thấy những cánh đồng trồng dâu mênh mông để nuôi tằm lấy tơ sống trên Xứ Quảng mà Giáo sĩ Christoforo Borri đến Cửa Hàn năm 1618 đã viết: "Người Đàng Trong không những cung cấp tơ cho nhu cầu của họ mà còn cung ứng cho Nhật Bản và đưa sang Vương quốc Lào để từ đó người ta lại chuyển đến Tây Tạng, bởi lẽ loại tơ này tuy không nhỏ mịn bằng loại tơ của Trung Hoa nhưng bền chắc hơn nhiều”.

Từ đó, Xứ Quảng sản xuất được nhiều mặt hàng lụa với nhiều kiểu dệt khác nhau, sợi mịn hay thô, mỏng hay dày, trơn hay có hoa văn, nhuộm màu hay không, có chất lượng cao hay thấp, được chia thành nhiều sản phẩm khác nhau: trừu là loại lụa thô và to sợi; lượt là loại lụa thưa và trơn; sa là loại lụa mỏng và trơn; the là loại nhẹ màu sáng; xuyến là loại lụa trơn dày hơn, màu sáng; nhiễu là loại lụa trơn, dày và bền; là loại lụa dệt bằng tơ nõn với những đường sọc nhỏ cách đều và nhuộm đen; lãnh là lụa trơn, dày và nhuộm đen; đoạn cũng là loại lãnh nhưng chất lượng tốt hơn; vóc là loại lụa bóng mịn, có dệt hoa; văn là loại lụa dày có dệt hoa lớn, chất lượng cao hơn và gấm là loại lụa hoa cao cấp.

Trong sách "Phủ Biên Tạp Lục” Lê Quý Đôn đã đánh giá cao chất lượng lụa của Xứ Quảng và đã viết " Các vóc, sa, lãnh, gấm, trừu cải hoa rất khéo” và "Người phủ  Thăng, phủ Điện dệt được các thứ the, đoạn, lụa, là hoa hòe tinh xảo chẳng kém gì Quảng Đông”.

Vì vậy, hàng năm Chúa Tiên  Nguyễn Hoàng (1558 – 1613) đã chọn lụa của Xứ Quảng để làm tặng phẩm, vật cống cho vua Lê. Về vấn đề này, Lê Quý Đôn đã viết: "Ở Quảng Nam, lụa thuế chỉ lấy ở hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Phủ Điện Bàn, huyện Phú Châu nộp thuế hai ngàn ba trăm lẻ năm tấm... Lụa mà Đoàn Quận Công lấy để cống phù thì rộng một thước bảy tấc, dài ba mươi thước, dày như nấm sợi. Phủ Thăng Hoa, thuộc Hóa châu, hàng năm nộp lụa thuế tám trăm lẻ chín tấm, lụa lễ mười một tấm; thuế là để dâng lên (vua) lễ là để biếu quan trên”.

Lịch sử cho thấy dưới thời Chúa Nguyễn, hàng năm tơ sống và các loại lụa của Xứ Quảng và Đàng Trong đã được xuất khẩu cho các nước Đông Nam Châu Á và phương Tây qua cảng thị Hội An tại Hội chợ quốc tế kéo dài từ tháng hai cho đến tháng sáu âm lịch.

Hàng năm, các tàu thuyền của Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan.v.v... đã đến đây để mua tơ sống và các loại lụa; riêng các tàu thuyền của Trung Hoa thường chỉ mua tơ sống. Trong số tàu thuyền nước ngoài đến buôn bán tại cảng thị Hội An trong các thế kỷ XVII – XVIII thì Thuyền Châu Ấn của Nhật Bản đến mua nhiều tơ và lụa nhất. Li Tana viết về vấn đề này rằng: "Người Nhật đến Đàng Trong trước tiên là vì tơ lụa. Họ có thể mua tơ lụa ở đây  dễ dàng hơn nơi khác vì tại cảng thị Hội An có một số người Nhật sinh sống và những người Nhật này có thể thu gom tơ sống trước khi tàu của họ tới”.

Theo Nhà nghiên cứu Nhật bản Morimoto Asako, trong một bài viết vào đầu năm 1997 cũng cho biết " Giữa thế kỷ XVI, những trao đổi thương mại giữa Nhật Bản và Đại Việt dựa trên cơ sở chủ yếu là việc nhập khẩu tơ của Đại Việt”.

Tác giả W. M Bush cũng cho biết vào năm 1677 có bốn tàu Nhật Bản nhổ neo từ cảng thị Hội An để chở về Nagasaki nhiều tơ sống và lụa tơ tằm. Cũng theo tác giả đó, năm 1633, đã có hai tàu Hà Lan đến cảng thị Hội An mua về nhiều tơ lụa và năm 1634 một tàu Hà Lan xuất phát từ  Batavia đến cảng thị Hội An đã mua tơ lụa nhưng gặp phải nhiều khó khăn do sự cạnh tranh của người Nhật Bản.

Theo báo Cambridge University Press của Anh từ 1604 – 1635 đã có 124 tàu buôn Nhật Bản cập bến cảng thị Hội An để mua tơ lụa và các mặt hàng khác.

Li Tana cũng cho biết "Từ 1633 – 1637, mỗi năm Hà Lan có hai tàu đến Đàng Trong trong việc mua tơ, nguồn lợi chính của họ, nhưng họ không địch lại nổi với người Nhật Bản”.

Nói tóm lại, trong những thế kỷ XVII – XVIII, nhờ một vị thế địa lý thuận lợi, nhờ tổ chức một hội chợ quốc tế hàng năm kéo dài nhiều tháng, nhờ một tiềm năng kinh tế nội địa dồi dào, cảng thị Hội An đã trở thành một trung tâm trung chuyển của con đường tơ lụa quốc tế xuyên đại dương, nối liền phương Đông với phương Tây trong thời kỳ Trung Đại của lịch sử.

Chúng ta có thể đánh giá một cách khách quan rằng sở dĩ nghề tàm tang Xứ Quảng trong các thế kỷ XVII – XVIII dưới thời Chúa Nguyễn đã thực sự ngày càng phát triển và đã tạo ra được những sản phẩm tơ tằm có khối lượng lớn và chất lượng cao, một mặt là nhờ môi trường đất đai màu mỡ, nhân dân cần cù lao động, mặt khác còn nhờ công đức to lớn  của một người phụ nữ xinh đẹp là Đoàn Thị Ngọc – Đoàn Quý Phi – Hiếu Chiêu Hoàng Hậu mà nhân dân Xứ Quảng quen gọi với tấm lòng kính mến và ngưỡng mộ là Bà Chúa Tàm Tang, đã hết lòng khuyến khích sự phát triển nghề tàm tang trên quê hương mình.

Có lẽ hiếm có một nữ nhân vật lịch sử nào ở Đất Quảng đã để lại những ấn tượng và tình cảm sâu đậm trong đời sống tâm linh của người dân Đất Quảng như Bà Chúa Tàm Tang – Đoàn Quý Phi – Hiếu Chiêu Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc. Công đức đối với nghề tàm tang trên quê hương cũng như thiên diễm tình một thời vang bóng của Bà vẫn còn âm vang cho đến tận ngày nay mà các cô gái trên quê hương Bà vẫn hát:

Thuyền rồng mái đẩy đi đâu

Để cho em đứng hái dâu một mình...!

Chúng tôi thiết nghĩ đến nay ở Quảng Nam Đà Nẵng đã đến lúc nên có một con đường mang tên Đoàn quý Phi./.

                                                                                  N. P. T

 

Tài liệu tham khảo

1. Quốc sử quán Triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện tiền biên, Tập I. Nhà Xuất bản Thuận Hóa, 1993.

2. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Tập I – Nhà Xuất bản Khoa học xã hội – Hà Nội, 1977

3. Nguyễn Phước Tương. Quý Phi Đoàn Thị Ngọc, Tạp chí "Nghiên cứu lịch sử”. Số 1. 2003

4. Nguyễn Phước Tương. Quan trấn thủ Quảng Nam dinh Nguyễn Phúc Kỳ, Tạp chí "Khoa học và Sáng tạo” Quảng Nam. Số 11.2008

5. Li Tana. Xứ Đàng Trong. Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam. Thế kỷ 17 và 18. Nhà Xuất bản Trẻ. 1999

6. Cristoforo Borri. Relation de la Nouvelle mission au Royaume de la Cochinchine. BAVH N0 4.1932

7. W.M. Bush. La Compagnie des Indes néerlandaises et de l’ Indochine BEFEO. Tome 37.1936

8. Nguyễn Phước Tương. Hội An Di sản thế giới. Nhà Xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. 2004



(*) Đúng ra là Đoàn Quý Phi

(**) Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ có bà thứ thất là Bùi Thị Phượng, quê huyện Duy Xuyên, Quảng Nam mà ông rất yêu thương. Chẳng may bà bị bệnh mất sớm, làm ông rất đau lòng. Ông cho làm một bức tượng bà to bằng người thật, đầu bằng bạc, thân bằng gỗ quý và buồn phiền bỏ ăn nhiều ngày rồi bị ngã bệnh qua đời chỉ sau chừng ba tháng. Thế nhưng trong tiểu thuyết lịch sử "Kỳ nữ họ Tống”, tác giả Nguyễn Văn Xuân đã ca ngợi Tống Thị Toại và xúc phạm Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ khi viết rằng ông qua đời sớm do hoang dâm vô độ với Tống Thị Toại "đêm bảy ngày ba ngoài ra không kể, người xanh xao, mới ba mươi tuổi mà như ông già cù sụ”, bị Nguyến Phước Tộc làm đơn phản đối gửi lên Bộ Văn hóa và Thành phố Đà Nẵng.