Hải Phòng nuôi lớn những giấc mơ - NGUYỄN VĂN TÁM

31.10.2012

Hải Phòng nuôi lớn những giấc mơ - NGUYỄN VĂN TÁM

Không biết câu thơ dưới đây có từ bao giờ và ai là tác giả. Tôi đoán là bích báo trong nhà trường để sau gần 55 năm có một nhạc sĩ mượn ý phổ nhạc hát mỗi lần bạn già gặp nhau:

Hải Phòng đâu phải quê hương

Mà sao ta nhớ, ta thương Hải Phòng

       Câu thơ chỉ dành riêng cho những người xa quê sống tập thể trong trường nội trú mà người ta gọi là học sinh miền Nam trên đất Hải Phòng. Năm tháng xa dần có người quên, người nhớ, nhưng cuộc đời chúng tôi không bao giờ quên mái trường thân thương, nơi ấy cuộc sống hồn nhiên trong sáng đến lạ kỳ. Cái tên học sinh miền Nam thân thương, tự hào và buồn như máu ứa. Học sinh miến Nam là con em liệt sĩ, cán bộ cách mạng đã hy sinh và đang chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Là những cậu bé xa nhà mới lên chín mười tuổi, lớn hơn một chút là mười sáu, mười bảy. Sau những lần tổ chức kỷ niệm ngày thành lập trường miền Nam trên đất Bắc, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: "Đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Chính phủ và nhân miền Bắc dành cho miền Nam. Từ những ngày gian khổ ấy nay đã mang những kết quả to lớn cho đất nước” ( Tháng 5 năm 1999).


Miền Bắc nói chung, Hải Phòng nói riêng những tháng năm ấy vô cùng gian khổ, thiếu thốn. Vừa ổn định trật tự xã hội sau khi quân Pháp xuống tàu rời Hải Phòng, vừa lo cho đời sống cơ sở vật chất cho nhân dân, và cho hàng nghìn học sinh con em trong Nam ra đóng tại Hải Phòng có chỗ ăn, chỗ ở,  phương tiện học tập. Hơn 2/3 học sinh miền Nam sống học tập tại Hải Phòng. Lúc bấy giờ nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười là chủ tịch thành phố đến thăm trường và tạo mọi điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất có thể cho chúng tôi. Trường được ưu tiên nằm tại trung tâm thành phố, là những khu nhà của Pháp đóng và những tu viện của giáo hội đã chuyển vào Nam như: Trường 6, trường 4, trường 13, trường 11, trường 18. Trường 14 và trường 24 đóng ở lầu Macti gần cầu Tam Bạc. Riêng trường 19 và trường 21 ở bên Cầu Rào ven đô. Nhiều cán bộ trung ương cũng xuống thăm thầy cô và học sinh động viên hãy yên tâm công tác và học thật tốt để sau này thống nhất đất nước về miền Nam kiến thiết quê nhà. Chúng tôi không bao giờ quên ngày 21 tháng 1 năm 1963, Bác Hồ xuống thăm trường cùng đoàn chính phủ nhà nước Tiệp Khắc do Chủ tịch nước Nô-vôt-ni dẫn đầu. Bác Hồ chỉ đi thẳng vào nhà bếp, nhà vệ sinh xem các cháu sinh hoạt như thế nào mà không đến nơi thầy trò chuẩn bị đón tiếp. Thấy Bác bước vào hội trường mọi người đứng dậy reo lên. Bác phất tay ngồi xuống rồi hỏi :

- Các cháu ăn có no không? . - Dạ có!

- Các cháu có ngoan không ?.  - Dạ ngoan !

Bác đưa tay giới thiệu : - Đứng bên bác là chủ tịch Nô-vốt-ti và bác gái. Còn bác gái của bác, bác để ở nhà chứ không mang theo. Cả hội trường "À” lên một tiếng và biết Bác hay đùa. Bác cười: -Các cháu đừng thế, Bác nói thật đấy. Cả hội trường đang vui bỗng lặng đi vì xúc động. Nhiều người ngấn nước mắt. Ai cũng thương Bác một đời vì nước vì non mà bẵng quên đi hạnh phúc riêng tư.

    Hải phòng bộn bề là vậy nhưng nhân dân vẫn ân cần chăm sóc chúng tôi mà không ai trong chúng tôi không nhớ bài thơ của Trần Ngọc đăng trong sách giáo khoa lúc bấy giờ :

Hải Phòng yên giấc ngủ say

Cây rung theo gió lá bay xuống đường

Chú đi qua cổng trường

Các cháu miền Nam yêu quí

Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến

Các cháu ơi giấc ngủ có ngon không

Cửa đóng che kín gió

Ấm áp dưới nệm bông …

     Bây giờ nhắc lại Hải Phòng như chạm vào tuổi thơ tôi, chạm vào nỗi niềm sâu thẳm vì Hải Phòng cho chúng tôi những giấc mơ và chắp cánh cho những giấc mơ lớn sau này. Nói đến Hải Phòng là nói đến cửa biển. Cửa biển là nơi hò hẹn của những dòng sông phức tạp trong đục. Những con sóng đại dương cuốn đuổi xô bờ. Ống khói nhà máy xi măng ngất ngưỡng nhả những cột khói xám lên cao rồi vụt biến vào lưng chừng mây mệt mỏi. Tiếng rì rầm đều đều của những chân vịt con tàu sùng sục mặt nước ngầu bẩn bên bờ bến Bính trồi sụt những căn nhà lút sâu trong ngõ hẹp. Nói đến Hải Phòng là nói đến những toán công nhân áo thợ dính chặt vào tiếng còi tàu. Tiếng sóng biển mặn mòi cồn cào dữ dội. Một thành phố xù sì góc cạnh thô tháp. Những cánh buồm nâu và những con tàu nghìn tấn ra khơi vào lộng hy vọng và hụt hẫng . Những chiếc neo cắm sâu vào lòng biển im lìm. Những bàn tay cơ bắp gân guốc, những bàn chân to bè vỏ sò vỏ hến. Ngoại ô là những rừng tràm, bần, sú, vẹt mặn chát váng mốc tít tắp. Những con còng mang trên mình cánh phượng đỏ chót thoáng ẩn, thoáng hiện. Hải Phòng tĩnh, Hải Phòng động!

    Hải Phòng cứ thế thấm vào chúng tôi bao giờ không biết. Tôi mang theo Hải Phòng rong ruỗi khắp trời Nam trời Bắc, mang theo suốt một đời.

     Những chất liệu ấy đã làm nên Hải Phòng đồ sộ, vạm vỡ trong văn học nghệ thuật của bao nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ, nhiếp ảnh sau này. Cái chất thô tháp sần sùi của đất, của người ấy để có một Nguyên Hồng viết tiểu thuyết khi mười sáu tuổi và Văn Cao sừng sững tượng đài. Những con người ấy đã vay mượn chất liệu Hải Phòng để làm nên sự nghiệp của mình?. Tôi đã từng lang thang ngõ ngách Hải Phòng và sững sờ nhìn không chán những bảng vẽ quảng cáo các phim gần chợ hoa trung tâm thành phố. Chúng tôi nhỏ bé khép nép đứng gần nhạc sĩ tài hoa Trần Hoàn lúc bấy giờ đã nổi tiếng với nhiều ca khúc như " Lời người ra đi”, "Sơn nữ ca  và đang là trưởng Ty Văn hóa Thông tin Hải Phòng. Chúng tôi nhìn ca sĩ Trần Khánh như người từ trên trời xuống khi ông cất tiếng hát cao sang " Tôi, người thợ lò” của nhạc sĩ Hoàng Vân và "Sông Lô” của Văn Cao. Có thể  những con người ấy đã từng tần ngần nhìn những đám mây vô định, con sóng mặn chát, giai điệu rì rầm của những chân vịt con tàu bên bến Bính, hoặc lặng ngắm hàng giờ những bức tranh ở Nhà Bảo tàng Hải Phòng để mang theo làm tư trang chất liệu cho sáng tác sau này. Chúng tôi đã thuộc lòng những câu thơ trong bài thơ dài của Thúc Hà – một giáo viên tài ba của trường cấp ba Ngô Quyền Hải Phòng "Chờ con má nhé”. Bài thơ được giải thưởng quốc tế tại Xô-phi-a nói về những người mẹ miền Nam thủy chung mong mỏi ngày thống nhất đậm đặc chất Nam Bộ. Hải Phòng thấm đẫm trong bạn bè chúng tôi để sau này xuất hiện những người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực khi rời ghế nhà trường đã tham gia chiến đấu công tác trên khắp chiến trường miền Nam. Họ đã trở thành những anh hùng, dũng sĩ, những tướng lĩnh, cán bộ cao cấp trong quân đội, nhiều người đã  thành giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và cán bộ quản lý từ cấp trung ương đến địa phương. Riêng trong văn học nghệ thuật ta vẫn gặp những cái tên thân thương quen biết lớn lên từ cái nôi Hải Phòng: Đó là nhà thơ Lê Anh Xuân, người quê Mỏ Cày Bến Tre, họa sĩ Chu Cẩm Phong người Quảng Nam, nhà thơ nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền quê Mỹ Tho, nhà thơ Ý Nhi quê Quảng Nam, nhà thơ Lệ Thu quê Bình Định, nhà nghiên cứu phê bình văn học Mai Quốc Liên quê Quảng Nam, Nhà thơ Tô Nhuận Vĩ quê Thừa thiên Huế, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm quê ở Huế, nhạc sĩ Thanh Tùng quê Khánh Hòa, nhà thơ Thanh Thảo quê Quảng Ngãi, nhà thơ Từ Quốc Hoài quê Bình Định , nhà thơ Ngô Thế Oanh sinh Đà Lạt sống ở Bình Định, nhà văn Cao Duy Thảo quê Bình Định, nhà thơ Thanh Quế quê Tuy Hòa, họa sĩ Lương Lu quê Bình Định, Trà Giang, Kim Chi và bao người văn nghệ sĩ là học sinh miền Nam lớn lên từ đất Hải Phòng mà tôi chưa biết hết. Hải Phòng là cái nôi của tuổi thơ ươm mầm cho những ước mơ khát vọng lớn sau này.

         Trong những văn nghệ sĩ cùng lớp tôi có Thanh Thảo làm thơ và Thanh Tùng viết nhạc. Tôi nhớ…lúc đó là những năm tám mươi của thế kỷ trước, có nhiều cuộc thi hội diễn văn nghệ của Bộ Văn hóa Thông tin. Một quan chức trình với lãnh đạo thành phố Hải Phòng: " Thưa anh, Hải Phòng mình muốn có huy chương vàng nên mời ông nhạc sĩ  thành phố Hồ Chí Minh ra. Ông này từng đem nhiều huy chương vàng cho đoàn Hải Đăng Phú Khánh và đoàn Tiên Sa Quảng Nam Đà Nẵng. Người lãnh đạo cấp cao thành phố đồng ý và đón nhạc sĩ từ trong Nam ra Hải Phòng. Nhạc sĩ đó chính là Thanh Tùng khi cùng đoàn cán bộ địa phương đi tham quan thâm nhập thực tế Đồ Sơn, đến Cầu Rào Thanh Tùng xuống xe đứng lặng một hồi và nói:” Đây là trường học sinh miền Nam số 19 và 21, tuổi thơ tôi đã sống và học tại đây”. Mọi người ngạc nhiên: " Thế nhạc sĩ là học sinh miền Nam sống ở Hải Phòng?”. " Vâng! tôi đã từng sống tại Hải Phòng”. Mọi người im lặng theo đuổi theo ý nghĩ riêng của mình. Đêm Đồ Sơn bàng bạc, những con sóng rì rầm như gợi lại những ký ức tuổi thơ và Thanh Tùng viết ca khúc Thành phố tuổi thơ như tái hiện Hải Phòng những năm đất nước chia làm hai miền anh dũng, hiên ngang. Mùa hội diễn năm ấy đoàn ca múa nhạc Hải  Phòng thắng to!.

        Giữa bao nhiêu bộn bề mà Hải Phòng vẫn lo cho chúng tôi như vậy làm sao chúng tôi quên Hải Phòng đã che chở, đùm bọc, cưu mang chúng tôi những tháng năm gian khó.

       Hải Phòng không "bé nhỏ” như câu hát trong bài thành phố ca "Thành phố hoa phượng đỏ”của nhạc sĩ Lương Vĩnh phổ thơ Hải Như. Hải Phòng bây giờ đã chật chội đang vươn vai ra biển và lấy biển vực dậy nền kinh tế cho nước nhà. Hải Phòng đã và đang âm thầm lấn biển đầy tiềm năng. Hải Phòng không như câu thơ ngày xa xưa trong sách:

 Nhà máy xi măng ngút trời khói tỏa

 Bến Sáu kho rộn rã còi tầu

      Nhà máy xi măng bây giờ hiện đại gấp trăm lần được chuyển về phía Đông Bắc thành phố bên đền thờ vua Ngô Quyền lẫm liệt. Ngày ấy chỉ có bến Sáu kho và bây giờ hàng mấy trăm kho chạy dài xuống tận cảng Chùa Vẽ.

 " Hải Phòng đâu phải quê hương” là đúng, nhưng chúng tôi – những người học sinh miền Nam mến thương tạc dạ tấm lòng của Bác, Đảng, Chính phủ và đồng bào miền Bắc nói chung và nhân dân Hải Phòng nói riêng là có thật .

      Lãng mạn biết bao, day dứt, man mác biết bao khi những câu thơ ma mị ám ảnh chúng tôi hôm nay trong bài Thời hoa đỏ  cũng chính là của nhà thơ người Hải Phòng Thanh Tùng được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng thổi hồn. Mỗi mùa hoa đỏ về. Hoa như mưa rơi rơi…Hải Phòng đấy!

      Đi đến đâu người ta cũng tự hào nói đến hoa phượng. Hoa phượng là logo của Hải Phòng?, là mượn hoa phượng để nói tình yêu của Hải Phòng? Đó là ngày xưa., nó chỉ là kỷ niệm của một thời. Hải Phòng phải lớn hơn, dữ dội hợn: Là công nghiệp, là cần cẩu quay tít, là xe em bon nhanh và tóc em bay trên sóng biển quê hương…là…

      Uống con nước Hải Phòng thấm vào cơ thể chúng tôi thành máu thành thịt. Trong giọng nói của chúng tôi có âm hưởng miền đầu sóng đầu gió  Hải Phòng .

Hải Phòng đâu phải quê hương

Mà sao ta nhớ, ta thương Hải Phòng… là thế đấy!

 

    Kỷ niệm chuyến đi Hải Phòng của đoàn

Văn nghệ sĩ  Đà Nẵng những ngày đầu tháng Bảy 2012

N.V.T