NGHỆ SĨ NHÂN DÂN BIÊN ĐẠO LÊ HUÂN - TRƯƠNG ĐÌNH QUANG
Vào tuổi 20, Lê Huân - người con của đất Sơn Tây, tốt nghiệp khóa biên đạo đầu tiên của Trường Múa Việt Nam (1959 – 1964) rồi ở lại trường, nghiên cứu và giảng dạy. Đầu năm 1968, ông đi lính, tình nguyện vào chiến trường đất Quảng xây dựng Đoàn văn công quân giải phóng miền Trung Trung bộ.
Trong cuộc chiến đấu ác liệt đánh đế quốc Mỹ, sáng tác về người lính, ông đã được tặng thưởng Huân chương chiến công. Những điệu múa tiêu biểu ở giai đoạn này là: Thơ múa "Người anh hùng trên bãi cát Kỳ Anh" (1968), "Anh nuôi say súng", "Mài sắc đường lê" (1969 – 1970), kịch múa "Người mũi trưởng" (1972).
Từ năm 1975, từ sức bật trong sáng tạo đã chứng thực tài năng và phong cách của ông. Các tác phẩm giai đoạn này có thể nhắc đến: "Những người con dũng sĩ" (1975), kịch múa "Người và ác thú" (1978), kịch múa "Angkor bất diệt" (1980 – Huy chương vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc), thơ múa "Ngọn lửa Ba tơ" (1984 – Huy chương vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân và giải thưởng tác phẩm xuất sắc của Bộ quốc phòng), cũng trong năm này, ông đã chỉ đạo nghệ thuật xây dựng chương trình Đoàn ca múa nhạc Quân khu 5 trở thành đoàn xuất sắc toàn đoàn.
Nhìn nhận sự đóng góp của ông với nghệ thuật múa miền Trung, năm 1988, ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 1989, sau khi thôi làm trưởng đoàn kiêm chỉ đạo nghệ thuật Đoàn ca múa nhạc Quân khu 5, rời cái gánh nợ cơm áo gạo tiền, Lê Huân toàn tâm toàn ý vào con đường sáng tác, biên đạo.
Từ năm 1990 đến nay, ông đã đoạt nhiều giải thưởng toàn quốc cho: "Mưu thị Hến", "Cắt cỏ ven sông", "Máu và hoa", "Ninh Nông", kịch bản kịch múa "Chí Phèo" (Giải nhì cuộc thi kịch bản kịch múa của Bộ VHTT và Hội nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức).
Xông xáo đi vào đời sống, tìm đề tài, thực nghiệm cách thể hiện, mạnh dạn nắm bắt cái hay, vẻ đẹp của các ngành nghề, đưa vào hình tượng ngôn ngữ của múa. Tác phẩm của ông ngày càng đạt chất lượng. Đồng thời, Lê Huân tham gia nhiều trại sáng tác kịch múa, mở lớp đào tạo biên đạo, hoạt động trong việc nghiên cứu, lí luận, báo chí của ngành.
Sáng tạo không ngừng, Lê Huân liên tục ra mắt những tác phẩm múa được công chúng khen ngợi: Tiếng cười Xuân Hương, Cô Tấm trẩy hội, Lục Vân Tiên đánh Phong Lai cứu Nguyệt Nga, Hương đồng gió nội, v.v... Tham gia những chương trình truyền hình VTV3, là tổng đạo diễn tổ khúc sử thi ca múa nhạc Vua Hùng truyền ngôi báu và Cậu ấm du xuân vào mùa xuân 2001 tại Cần Thơ.
Từ hai cuốn nhật kí của liệt sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm và liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Lê Huân viết kịch bản kịch múa Một thời và mãi mãi. Được Hội nghệ sĩ múa Việt Nam đầu tư kinh phí, các biên đạo Bá Thái, Phan Hồng Hà dàn dựng cho đoàn ca múa nhạc quân khu 5, tác phẩm đạt giải A của UBND thành phố Đà Nẵng, giải thưởng B của Hội nghệ sĩ múa Việt Nam cùng phần thưởng B trong các tác phẩm về đề tài quân đội năm 2006.
Kịch bản tổ khúc thơ múa Thăng Long – Hồ Chí Minh đoạt giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2009.
Trò chuyện với Lê Huân về nghệ thuật, dễ nhận thấy ở ông ước vọng, sức linh hoạt và kiên trì thực hiện hoài bão về ngành múa, có trách nhiệm trong sáng tạo và tổ chức nghệ thuật. Không đánh mất mình và nghề, dù có lúc phải "đánh thuê" và "ăn theo" với các đơn đặt hàng. Ông là người luôn tự học, tự nâng hiểu biết về nghề, gìn giữ tâm hồn trong sáng, xây dựng phong trào vươn lên.
Từ diễn viên vào chiến trường, trưởng thành là chỉ đạo nghệ thuật, biên đạo và dàn dựng tác phẩm có tầm cỡ (về thể loại và nội dung tư tưởng, nghệ thuật), Lê Huân xứng đáng được Giải thưởng nhà nước (năm 2007), được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (năm 2012).
T.D.Q