MỘT CÁCH NHÌN KHÁC VỀ “CÂY TRE” CỦA TÚ QUỲ - HOÀNG THỊ KIM PHƯỢNG
Dọc chiều dài của dải đất hình chữ S, đâu đâu ta cũng bắt gặp bóng tre xanh. Từ bao đời nay, tre gắn bó máu thịt với mỗi người dân Việt Nam. Tre bao bọc xóm làng yên ả, thanh bình. Trong thơ văn, ta bắt gặp hình ảnh tre rất nhiều. Sách vở thơ phú cổ kim đều dành cho cây tre một vị trí trân trọng. Trong trang thơ trung đại, tre là biểu tượng của khí tiết người quân tử. Trong thơ văn kháng chiến, tre còn là biểu tượng của dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất. Nhưng trong văn học Việt Nam lại có một hình tượng cây tre hoàn toàn mới, khác thường:
Cao lớn làm chi tre hỡi tre
Ruột gan không có vỏ xanh lè
Sơ sơ gió thổi khom lưng lại
Thoảng thoảng rìu qua trợn mắt ghe
Rễ mọc tùm lum ăn xấu đất
Thân ngâm nồng nặc thối tràn khe
Lập lờ mang tiếng chân quân tử
Há để thân danh lụy rứa hè
(Tú Quỳ)
Đây là một bài thơ mới nhưng không mới. Bởi nó đã được ra đời cách đây hơn một thế kỷ, cùng nằm trong dòng chảy của văn học trung đại Việt Nam nhưng mãi cho đến bây giờ, việc sưu tập lại và nghiên cứu về tác giả của nó mới được tiến hành. Tú Quỳ, hiệu là Hướng Dương, họ tên thật là Huỳnh Quỳ. Ông sinh ngày 15 tháng 5 năm Mậu Tý, niên hiệu Minh Mệnh thứ IX (1828), người làng Giảng Hòa, tổng Quảng Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Ông thông minh và sáng tác thơ sớm, là một tác giả trào phúng đậm chất Quảng. Nhưng ngoài một số bài vịnh theo thi hứng, phần lớn thơ ông được sáng tác theo kiểu ứng tác, kiến tại, đối đáp với người khác. Tác phẩm của ông sau khi ra đời thì được quần chúng tiếp nhận và phổ biến, được ghi nhớ và truyền miệng từ đời này sang đời khác như các sáng tác văn học dân gian. Do đặc điểm này mà công việc sưu tầm, khôi phục và nghiên cứu thơ văn của ông gặp nhiều khó khăn.
Cây tre, với đặc điểm sinh học của mình: luôn mọc thẳng và vút lên trời, đã trở thành biểu tượng của chân quân tử, không bao giờ chịu khuất phục, hay "khom lưng uốn gối” trước bất kỳ một thế lực nào. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã vịnh về cây tre:
Tú hoa dã trúc tam xuân hảo
Tinh nguyệt minh song nhất thất hư
(Xuân đán cảm tác)
Tiết, tức đốt tre, cũng được hiểu là khí tiết, phẩm hạnh của người quân tử. Chính vì vậy mà trong dân gian có một câu đối:
Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết
Đáo lăng vân xứ dã hư tâm
Tạm dịch là:
Chưa lên khỏi mặt đất đã có đốt (cũng có nghĩa là khí tiết)
Lên đến tận mây xanh vẫn không có tâm địa gì
Thế nhưng, trong con mắt của nhà thơ trào phúng xứ Quảng, hình tượng cây tre bị khúc xạ về nghĩa, tạo nên nét nghĩa mới đối lập hoàn toàn. Cái vẻ cao lớn thường được xem là "chọc trời” kia thì cũng chỉ là cái vỏ bề ngoài ngụy trang khéo léo cho cái bên trong rỗng tuếch:
Cao lớn làm chi tre hỡi tre
Ruột gan không có vỏ xanh lè
Ở đây Tú Qùy đã "lật tẩy” cái danh tiếng quân tử Tre từ xưa đến nay bằng chính những đặc điểm vốn có của nó . "Vỏ xanh lè” được hiểu theo hai tầng nghĩa. Nghĩa thứ nhất là nghĩa tả thực về cây tre. Nhưng "vỏ xanh lè” cũng là cái bộ mặt của kẻ nhút nhát, sợ hãi, chứ không phải là cái vẻ mặt hồng hào, đầy khí chất như cái tiếng vốn đang mang trên mình. Và hành động thì càng lộ rõ điều đó:
Sơ sơ gió thổi khom lưng lại
Thoảng thoảng rìu qua trợn mắt ghe
Chúng hiện nguyên hình là những kẻ vô dụng, bất tài. Nặng hơn thế, với những "phẩm chất” của mình, những trang anh hùng, tự xưng là quân tử kia đôi khi lại gây "phiền nhiễu”:
Rễ mọc tùm lum ăn xấu đất
Thân ngâm nồng nặc thối tràn khe
Và cái tiếng tăm quân tử kia cũng chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài.
Lập lờ mang tiếng chân quân tử
Há để thân danh lụy rứa hè
Bài thơ này của Tú Quỳ cho đến nay vẫn còn gây ra rất nhiều tranh cãi. Người ta cho rằng Tú Quỳ mượn bài thơ này để "nói kháy” ông Hường Hiệu, là Nguyễn Duy Hiệu, lãnh tụ của phong trào nghĩa hội Quảng Nam lúc bấy giờ, và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công việc nghiên cứu thơ văn Tú Quỳ gặp rất nhiều khó khăn. Theo tôi, thơ văn có nhiều tầng nghĩa, và chúng ta cần xem xét một cách khách quan hơn, công bằng hơn chứ không nên quy kết vội vàng.
Về Nguyễn Duy Hiệu, do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, chưa thể tìm ra được con đường cứu nước mà chỉ đi vào con đường khởi nghĩa, hơn nữa, trong đường lối còn nhiều hạn chế nhưng cũng là một con người có tâm huyết, muốn đánh đuổi giặc Pháp.
Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam lúc bấy giờ do Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo lúc bấy giờ được ghi nhận là một phong trào lớn thời bấy giờ và để lại những ảnh hưởng của nó trong các phong trào yêu nước sau này. Phong trào nghĩa hội đánh thức ý thức dân tộc của nhân dân, đánh thức tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Đành rằng, trong phong trào của Nghĩa hội lúc bấy giờ có nhiều phần tử mượn danh nghĩa của Nghĩa hội mà làm điều xằng bậy, làm hại đến nhân dân nhưng điều đó cũng do nhiều nguyên nhân, và cũng không phải là chủ trương của Nguyễn Duy Hiệu. Trong tác phẩm "Nguyễn Duy Hiệu và phong trào nghĩa hội Quảng Nam”, tác giả Trần Viết Ngạc cũng có nói đến vấn đề này: "Nghĩa hội không khỏi để lộ những nhược điểm. Bộ máy chính quyền từ cấp tỉnh cho đến cấp huyện, xã quá quy mô mà sự lựa chọn người điều hành trong điều kiện thành lập gấp rút, đã không thể chặt chẽ. Việc nổi dậy của từng địa phương do sự thúc bách của tình thế chưa hẳn đã được chuẩn bị đầy đủ về nhân sự và chương trình hành động. Vì vậy không thể tránh khỏi những phần tử cơ hội chui vào. Bọn này đã lợi dụng phong trào mới phát khởi bồng bột để thỏa mãn những quyền lợi bất chính, những mối thù oán riêng tư.” [Trang 95 – 96].
Tú Quỳ bước chân vào phong trào nghĩa hội Quảng Nam với mong muốn tìm ra con đường đánh giặc, cứu nước cứu dân. Ngay từ những ngày đầu của phong trào nghĩa hội, Tú Quỳ là một trong những nho sỹ tích cực đi chiêu mộ binh sỹ. Như vậy, chứng tỏ rằng Tú Quỳ rất tha thiết với phong trào nghĩa hội. Nhưng trong quá trình tham gia nghĩa hội, chính Tú Quỳ đã nhận thấy những sai lầm trong đường lối của nghĩa hội cũng như sự lộng quyền của một số thành viên trong nghĩa hội nên đã ra khỏi Nghĩa hội
Và hơn nữa, mối quan hệ giữa Tú Quỳ và Nguyễn Duy Hiệu cũng không phải tầm thường. Nguyễn Duy Hiệu chỉ tha chết cho hai người. Một là thầy học của mình. Và người thứ hai là Tú Quỳ.
Như vậy, nếu ta nhìn vấn đề một cách toàn diện thì không thể nói rằng bài thơ trên là của Tú Quỳ viết để "nói kháy” Nguyễn Duy Hiệu. Với bản tính bộc trực, thẳng thắn của mình, Tú Quỳ vịnh cây tre để vạch ra bản chất của nhiều kẻ ngụy quân tử, nhưng huênh hoang, tự xưng là quân tử chứ không chỉ để nói riêng ai.
Một giai đoạn lịch sử đã đi qua.Văn chương có nhiều tầng nghĩa. Trong quá trình tiếp nhận, chúng ta không nên gán ghép, quy kết mà hãy trả nó về đúng vị trí của nó. Trên đây là một số ý kiến của bản thân trong công cuộc khôi phục và nghiên cứu về thơ văn Tú Quỳ.
H.T.K.P