Trần Khắc Tám . Nhà thơ của các em – Thanh Quế.
Tôi quen Trần Khắc Tám vào những năm cuối thập kỷ 70, thế kỷ trước. Dạo đó, chúng tôi đang viết ở Trại sáng tác văn học Quân khu V. Vào những lúc rảnh rỗi, chúng tôi thường rủ nhau sục xuống các hiệu sách. Lúc ấy, sách cũng rất "bao cấp”, người ta dành phân phối cho các thư viện. Chúng tôi tìm đến Trưởng phòng phát hành của Công ty phát hành sách Quảng Nam-Đà Nẵng, nghe nói là người rất yêu văn chương, để nhờ can thiệp. Trước mắt chúng tôi là một anh chàng mảnh khảnh, trắng trẻo và rất đẹp trai. Đó là Trần Khắc Tám. Tám thân chinh dẫn chúng tôi đến hiệu sách Trung tâm Đà Nẵng giới thiệu với các cô bán sách để chúng tôi làm quen. Sau đó, chính Tám tham mưu cho lãnh đạo Công ty phát hành sách cấp cho mỗi người một cái phiếu mua sách đặc biệt. Nhờ đó mà chúng tôi có những quyển sách hay. Đi lại mãi với nhau thành thân. Một hôm, chàng trai nọ đưa cho tôi một xấp giấy, rụt rè nói:
- Em biết anh là người viết cho thiếu nhi, em có tập viết một số bài thơ cho các em, anh xem giúp.
Sau này, vào năm 1988, cùng xấp thơ đó và một số bài mới viết, Tám đã in phần thơ Bé ru chung một tập sách với tôi, do Sở Văn hóa Bình Trị Thiên ấn hành.
Hai anh em cùng in chung một tập sách nhưng mỗi người viết cho một đối tượng. Tôi viết hầu hết cho lứa tuổi thiếu niên còn Tám viết cho lứa tuổi nhi đồng.
Thơ Tám đưa bạn đọc nhỏ tuổi đến với những gì gần gũi chung quanh các em như người bà, con búp bê, con mèo, chiếc quạt, quyển sách rồi mở rộng ra với các chú thương binh, với cơn mưa rào, cánh đồng vào mùa gặt, gặp gỡ với những người bạn lười tắm, những kẻ hợm mình…, đưa các em đến với những trò chơi quen thuộc. Đây là trò chơi ru em:
Nhẹ nhàng bé ẵm búp bê
Dịu dàng tay nhỏ vỗ về, à ơi…
Còn đây là trò chơi làm toán cộng:
Ông thương em bằng bà
Bà thương em bằng má
Má thương em bằng ba
Ba thương em bằng tất cả
Từ đó, giúp cho các em dần dần nhận ra: cái gì tốt, cái gì xấu, việc nào nên làm, việc nào không nên làm. Tám không muốn thơ mình trở thành những bài giáo lý khô cứng…
Thơ cho lứa tuổi nhỏ của Trần Khắc Tám không có những tứ lạ, những câu triết lý gây ấn tượng mạnh vào tâm trí người đọc mà bằng những lời hồn nhiên, giản dị, giàu liên tưởng như đang kể cho các em nghe những câu chuyện mà mình biết, mình chứng kiến. Cái mạnh của thơ Tám là ở chỗ này và vì thế thơ anh đã đi vào tâm hồn, tình cảm các em. Bài thơ Đem mưa về cho cây đã được một nhạc sĩ phổ nhạc và được các em thiếu nhi Đà Nẵng rất thích hát.
Trần Khắc Tám còn viết truyện cho thiếu nhi. Truyện của anh sinh động, ngộ nghĩnh rất hợp với lứa tuổi ưa hoạt động của các em. Đặc biệt, từ năm 2000, anh đã thôi giữ chức Phó giám đốc Công ty phát hành sách Đà Nẵng để chuyển sang phụ trách Trung tâm phát hành sách Kim Đồng tại miền Trung "để có dịp gần gũi và hiểu các em hơn” như anh đã vui vẻ nói với tôi. Biết đâu nhờ thế mà anh sẽ sáng tác thêm nhiều bài thơ, nhiều truyện ngắn mới và hay hơn cho các em. Nhưng Tám không kịp thực hiện ý định ấy nữa rồi…
Nhà thơ của chúng ta đột ngột ra đi vào một ngày cuối đông năm 2002, cách đây vừa chẵn một chục năm sau một tai nạn oan nghiệt và đau xót.
CHÚ MÈO LƯỜI
Có chú mèo mướp
Lười ơi là lười
Chẳng chịu bắt chuột
Ăn xong nằm xoài
Nhớ rồi, một hôm
Cả nhà đi khỏi
Suốt ba ngày liền
Mèo ta kêu đói!
Mèo mò ra bếp
Chẳng có gì ăn
Liền gặp chú chuột
Đôi mắt hằm hằm
Mèo định bỏ chạy
Nhưng nghĩ phận gầy
Rồi mèo liều mạng
Vồ được chuột ngay
ĐEM MƯA VỀ CHO CÂY
Để hàng cây đứng lặng
Sao chưa về mưa ơi
Giờ này mưa chạy trốn
Ở nơi nào xa xôi
Bé thương bàn tay anh
Bé thương bàn tay chị
Trồng hàng cây ven đường
Dành bóng im cho bé
Khi đã học thuộc bài
Cầm gàu đi tưới nước
Bé làm mưa cho cây
Mẹ nhìn theo vui mắt
CHÚ THƯƠNG BINH
Chú thương binh
Đi như em vừa biết đi
Chú thương binh
Ngồi như em vừa biết ngồi
Chú thương binh ăn cơm
Tay cầm đũa run run
Nhiều khi để rơi bát
Nhưng chú từng đứng trên đồn giặc
Quân thù hạ súng nhìn lên…
T.K.T
Đà Nẵng, 19-5-2012
T.Q