CÁNH PHƯỢNG HỒNG VƯƠN RA BIỂN LỚN - TRẦN TRUNG SÁNG

31.10.2012

  CÁNH PHƯỢNG HỒNG VƯƠN RA BIỂN LỚN -  TRẦN TRUNG SÁNG

  Chúng tôi đến Hải Phòng sau những ngày nơi đây vừa diễn ra Lễ hội Hoa Phượng Đỏ lần thứ I từ trung tuần tháng trước, thế nhưng, hầu như luồng sinh khí nhộn nhịp hân hoan vẫn chưa ngớt tràn ngập trên mọi nẻo đường. Rải rác trên các lối đi, bên cạnh những áp – phích quảng bá du lịch là những hàng phượng vẫn còn điểm sắc hoa đỏ hồng, gợi nhớ đến ca khúc thân quen đi cùng năm tháng "Thành phố Hoa Phượng Đỏ”(nhạc Lương Vĩnh, lời thơ Hải Như).

    Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng là một sự kiện lớn nhằm khởi động, tập dượt và rút kinh nghiệm cho Năm Du lịch Quốc gia khu vực Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013, đồng thời hướng tới việc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ sẽ trở thành sự kiện thường niên của thành phố. Một chi tiết thú vị, ngay những giây phút đầu tiên đón đoàn chúng tôi, anh Tô Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Hải Phòng cho biết: "Trước khi chính thức bước vào Lễ hội, sau 3 tháng phát động các cuộc thi viết thơ, văn về hoa phượng đỏ, trong số hơn 400 tác phẩm gởi về Ban tổ chức từ khắp mọi miền đất nước, có không ít tác giả gởi bài viết xuất phát từ thành phố Đà Nẵng anh em. Bên cạnh đó, tạp chí Non Nước số gần đây cũng dành nhiều trang giới thiệu những sáng tác của văn nghệ sĩ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Hải Phòng chào mừng sự kiện nói trên…”.

 Chính vì vậy, tại buổi giao lưu trò chuyện cùng đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng, anh Tô Hoàng Vũ  cùng các nhà thơ Thi Hoàng, Bảo Vũ, Dương Thị Nhụn, Lưu Văn Khuê… đã không ngớt nhắc đến những kỷ niệm về mối quan hệ đặc biệt giữa hai thành phố Đà Nẵng – Hải Phòng kết nghĩa. Cả trong quá khứ lẫn hiện tại, Hải PhòngTrình duyệt của bạn có thể không hỗ trợ hiển thị hình này. và Đà Nẵng thực sự là anh em kết nghĩa. Tình cảm này được xây dựng nên bằng cả mồ hôi và xương máu của bao thế hệ cha anh, những người Đà Nẵng đã từng sống và làm việc trên đất Hải PhòngTrình duyệt của bạn có thể không hỗ trợ hiển thị hình này., đặc biệt là những thanh niên Hải PhòngTrình duyệt của bạn có thể không hỗ trợ hiển thị hình này. trong đoàn quân chi viện cho chiến trường Quảng Đà những năm tháng khốc liệt chiến đấu chống Mỹ. Kiến trúc sư Minh Trí đồng thời là một nhà thơ sinh hoạt tai Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Hải Phòng cho hay: "Tôi có một Công ty Tư vấn TKXD Đất Việt tại Hải Phòng trên con đường mang tên Đà Nẵng, và tại Đà Nẵng tôi cũng đã có chi nhánh hoạt động rất hiệu quả từ nhiều năm qua. Do đó, tôi rất thường xuyên gắn bó với  Văn học Nghệ thuật Đà Nẵng”.

         Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tám, nguyên là học sinh miền Nam từng có những tháng năm thơ ấu học tập đầy kỷ niệm tại Hải Phòng, đã xúc động giới thiệu sáng tác mới nhất của mình trong chuyến đi qua những lời ca: " Hải Phòng ơi, nơi tuổi thơ tôi gởi lại Hải Phòng/ Kỷ niệm xưa bên Tam Bạc, Cầu Rào, Ngã Sáu/ Nơi đây Hải Phòng cho tôi những ước mơ/ Như cánh chim về miền xa vẫn nhớ về Hải Phòng tổ ấm thương yêu/ Hải Phòng ơi, nơi tuổi thơ tôi gởi lại Hải Phòng/ Kỷ niệm xưa hai bên bờ phượng đỏ sông Lấp/ Bên nhau bạn bè tôi chung sống êm đềm/ Dẫu có đi về miền xa vẫn nhớ về Hải Phòng tổ ấm thương yêu…”

    Cái cảm giác gần gũi ở trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Hải Phòng, với chúng tôi không chỉ là những câu chuyện buồn vui cùng những nhà văn, nhà thơ quen thuộc đang ngồi trước mặt, mà còn có một chi tiết đáng lưu ý khác, đó là ngay ở phòng đầu tiên của cơ quan Hội, ai cũng thích dừng lại đứng chụp ảnh cạnh bức tượng bán thân của nhà văn Nguyên Hồng (1918- 1982) –tác giả nổi tiếng thời trước cách mạng với những tác phẩm Bỉ Vỏ, Những ngày thơ ấu…. và cũng  từng là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn nghệ Hải Phòng. Theo nhà văn Nguyễn Khắc Phục: "Cụ Nguyên Hồng ngày đó có thể coi là "người cha tinh thần” của Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng... Mặc dù là cây đa, cây đề trong làng văn thời ấy nhưng cụ đặc biệt gần gũi, thân tình với các cây bút trẻ. Tất cả bọn viết trẻ Hải Phòng chúng tôi đều gọi cụ là "bố Hồng”. Tôi ở biển, thi thoảng mới lên bờ nên không được tiếp xúc với bố Hồng nhiều cho đến khi đi học lớp viết văn Quảng Bá để chuẩn bị vào Nam (năm 1970). Khóa học ấy có mấy giáo vụ như nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn Phan Tứ, nhà thơ Thu Bồn... Bố Hồng có thói quen đọc bài của học viên rất kỹ, sửa từng li từng tí một. Có hai học viên mà bố rất hâm mộ: Một là anh Nguyễn Văn Lịch (giờ là Tiến sỹ Sử học của Đại học Sài Gòn), hai là anh Ngô Quy Nhơn (sau này làm Tổng biên tập báo ở Đà Nẵng). Đọc bài của hai anh này, lúc nào bố Hồng cũng xuýt xoa "sao mà hay thế” và... khóc. Bố Hồng rất hay khóc. Đọc bất kỳ một bài viết nào của học viên mà gợi đến một kỷ niệm nào đó, bố khóc. Gặp ông bạn thân Kim Lân lên chơi, bố khóc. Thậm chí nhắc đến Hải Phòng, bố cũng khóc. Gần như không giờ lên lớp nào mà bố Hồng không khóc. Nhiều lúc tôi cảm giác, trái tim trong người "ông già” ấy như làm bằng thủy tinh, như là tim phụ nữ, chạm nhẹ vào là ứa ra. Suốt thời gian làm giáo vụ ở Quảng Bá, tôi cho rằng bố Hồng không dạy người ta viết văn mà là dạy "sống văn”. Tất cả những gì Nguyên Hồng sống và viết dạy cho người ta phải sống như thế nào, phải đối xử như thế nào với nghề viết và với con người…”

     Nhân nói về chuyện mau nước mắt của nhà văn Nguyên Hồng, cần kể thêm, rất đột ngột, khi đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng ghé đến Hải Phòng, cũng vừa lúc nhận được tin họa sĩ Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật qua đời (vào chiều ngày 2/7/2012). Vậy là, bỏ qua những nghi thức giao tế rườm rà, đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng do nhà thơ Bùi Công Minh làm trưởng đoàn đã đến viếng và chia buồn cùng gia đình hoạ sĩ Quang Ngọc và anh em văn nghệ sĩ Hải Phòng.

    Hoạ sĩ Quang Ngọc quê ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội nhưng tuổi thơ và sự nghiệp của anh lại gắn bó với thành phố biển Hải Phòng một cách đặc biệt. Từ năm 1997, Quang Ngọc công tác tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng. Anh là hoạ sĩ trình bày và minh hoạ của Tạp chí Cửa Biển rồi được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Mĩ thuật thành phố khoá V (1998 – 2003). Anh đã tham gia Triển lãm Mĩ thuật toàn quốc các năm 1980, 1985, 1990, 1995, 2000, 2005, 2010, và tham gia triển lãm tranh ở nước ngoài như Triển lãm áp phích Vì hoà bình tại Matxcơva – Liên Xô năm 1988; Triển lãm Tranh mĩ thuật Việt - Mĩ  Nhìn từ 2 phía do Hội Mĩ thuật Việt Nam và Trường Đại học Boston (Mỹ) tổ chức... Sinh thời, đôi lần anh có ghé qua Đà Nẵng, tuy thời gian không nhiều, nhưng những ký ức của anh em văn nghệ sĩ Đà Nẵng nhớ về anh khá đậm nét. Hoạ sĩ Phạm Hồng nói: "Quang Ngọc là một người giản dị, hiền hoà, tâm huyết, tài hoa.  Tôi đã xem tranh anh nhiều và rất thích. Chỉ riếc rằng chưa kịp lưu giữ được bức tranh nào của anh vẽ về Đà Nẵng”.

      Một ấn tượng khá đặc biệt, trong những ngày đoàn chúng tôi lưu lại Hải Phòng, không thể không nhắc, là  buổi đoàn tham quan nhà máy Xi măng Hải Phòng. Có lẽ với những ai lần đầu đến thành phố Cảng này, sẽ khó hình dung được, nơi đây lại là nơi ra đời nhà máy xi măng có truyền thống hơn 100 năm, luôn giữ vị trí cánh chim đầu đàn của ngành xi-măng Việt Nam với thương hiệu "Con Rồng” . Theo tài liệu giới thiệu ở Bảo tàng của Nhà máy, ngày 25-12-1899, tại ngã ba sông Cấm và kênh đào Hạ Lý, Nhà máy Xi-măng Hải Phòng được người Pháp khởi công xây dựng, khai sinh ngành công nghiệp xi-măng trên toàn cõi Đông Dương lúc bấy giờ. Đây cũng là một trong những nhà máy đầu tiên hình thành nên giai cấp công nhân Việt Nam, hàng vạn con người của nhiều thế hệ người lao động Hải Phòng đã gắn bó cả cuộc đời mình, sống, chiến đấu, làm việc và hy sinh ngay trong nhà máy này. 

    Nhạc sĩ Vũ Loan, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hải Phòng trong ca khúc "Thành phố niềm nhớ”, từng  miêu tả về khói trắng xi-măng của Nhà máy: "Thành phố nơi em sống, có khói trắng xi-măng như tóc mẹ già, tiếng còi tầu, ấm như tiếng cha...”. Tuy nhiên, sự "nên thơ” đó, về lâu dài cũng không thể che lấp được tình trạng ô nhiễm nặng nề, đặt ra yêu cầu bức xúc đối với nhà máy.  Do vậy, sau khi khảo sát thực tế, Chính phủ đã quyết định cho phép xây dựng một nhà máy xi-măng mới nằm tại khu vực mỏ đá Tràng Kênh bên sông Bạch Đằng, thuộc thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên. Nhà máy xi-măng Hải Phòng (mới) được khởi công xây dựng đúng thời điểm ngày 25-12-2002, trùng ngày nhà máy cũ được xây dựng cách đây 103 năm.

   Nhà máy Xi-măng Hải Phòng hiện nay (được gọi là Công ty Xi măng Hải Phòng) với đội ngũ cán bộ nhân viên khoảng trên 1000 người, sử dụng dây chuyền sản xuất xi-măng hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á và cũng là tiên tiến nhất thế giới hiện nay theo tiêu chuẩn châu Âu do hãng F.L Smith (Đan Mạch) chuyển giao. Tổng vốn đầu tư nhà máy 195 triệu USD, áp dụng công nghệ khô (lò quay hai lớp), công suất 1,4 triệu tấn/năm, gấp hơn 2 lần nhà máy cũ. Toàn bộ dây chuyền hiện đại giá trị 87 triệu USD, với hệ thống lọc bụi  tĩnh điện, không ô nhiễm môi trường. Vẫn ống khói cao vút ngạo nghễ, nhưng khi hoạt động, lại không có khói bay, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường. Ngày 30-11-2005, Nhà máy mới chính thức cho ra mẻ clinker đầu tiên. 10 giờ sáng ngày 24-1-2006, Công ty Xi-măng Hải Phòng chính thức tắt hệ thống lò nung tại nhà máy cũ, chấm dứt những thăng trầm sau hơn 100 năm hoạt động. 

      Nói về sự thay đổi của Nhà máy Xi-măng Hải Phòng qua cả hai thời kỳ, một nhà báo đã ví von: "Cây chổi và dàn máy vi tính là hình ảnh so sánh rất thú vị của một cán bộ lâu năm nhà máy”. Bởi trước đây, người công nhân đứng tuổi thử nhiệt độ của "trái tim” bằng cây chổi, thì bây giờ, "trái tim” của nhà máy mới là hệ thống vi tính hiện đại của phòng điều hành trung tâm do các kỹ sư trẻ măng điều khiển, để "trái tim” này đập ổn định ở nhiệt độ 1.450 – 1.4700C. Phòng điều hành trung tâm có sáu màn hình video hiển thị các góc quay của camera chịu nhiệt gắn ở lò nung.  Hệ thống quét vỏ lò bằng hồng ngoại quét suốt chiều dài 64 m vỏ lò, biến đổi thành tín hiệu nhiệt trên máy vi tính. Các kỹ sư trẻ ngồi trước máy vi tính, theo dõi sát sao khoảng 600 thông số kỹ thuật chính các công đoạn sản xuất của nhà máy, những dữ liệu này được lưu lại trên máy trong vòng sáu tháng, có thể truy xuất kiểm tra bất kỳ lúc nào. Họ đều là sinh viên chính quy các trường đại học danh tiếng, mới thi tuyển vào nhà máy, hoàn toàn xa lạ với cách thử nhiệt độ lò nung bằng chổi thành hao hay nhìn qua lớp kính.

   Là đơn vị hoạt động kinh doanh sản xuất, nhưng nằm ngay trên núi đá Tràng Kênh, bên cạnh con sông Bạch Đằng, với  những di tích lịch sử như  đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, Đức vương Ngô Quyền, Đức vua Lê Đại Hành…  , cùng với tâm nguyện của người dân xã Tràng Kênh, toàn thể cán bộ CNVC Công ty Xi măng Hải Phòng đã đóng góp công sức chủ hưng xây dựng trùng tu, bảo quản và tôn tạo quần thể di tích này trên nền xưa, đất cũ như một sự tri ân tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh để bảo vệ  tự do và chủ quyền của dân tộc.

 

***

 

       Thời gian ghé lại Hải Phòng quá ngắn ngủi, dù vậy, với anh em văn nghệ Đà Nẵng lần đầu đến thành phố Cảng, ai cũng gắng tranh thủ "đi thực tế” cho biết hết "những Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên...”, để rồi bất ngờ nhận ra:  Hải Phòng còn có nét độc đáo là đô thị nơi đây như một hòn đảo, chia cắt bởi những dòng sông, cùng với 20 cây  cây cầu lớn nhỏ. Nghe đâu, thành phố đang được quy hoạch theo 5 hướng giống như 5 cánh phượng vươn ra biển lớn, đồng thời bám theo những dòng sông lịch sử như sông Cấm, Tam Bạc, Lạch Tray,... để xứng tầm là một đô thị đặc biệt và thành phố dịch vụ cảng văn minh, hiện đại. Dự kiến trong tương lai rất gần, vào trước năm 2020, muộn nhất là 2025 sẽ là thành phố thứ 3 xếp loại đô thị đặc biệt và tầm nhìn từ năm 2025 đến năm 2050 sẽ trở thành thành phố quốc tế./.

                                                                                                                                                        T.T.S