Văn học thiếu nhi nhìn từ Xứ Quảng - Trần Trung Sáng
QUYỂN SÁCH TRONG KÝ ỨC TUỔI THƠ
Nếu nhắc đến một quyển sách viết về quê hương xứ Quảng được yêu thích nhất từ tuổi hoa niên, tôi sẽ không ngần ngại nói ngay, đó là: Tiếng chuông dưới đáy biển - tác phẩm thuộc tủ sách Tuổi Hoa của tác giả Nguyễn Trường Sơn (thời kỳ trước 1975). Bởi đơn giản, Tiếng chuông dưới đáy biển là một trong những cuốn sách đầu tiên khêu gợi trong tôi tình yêu văn học, thú vui đọc sách, và đặc biệt bởi nội dung phiêu lưu mạo hiểm về một thành phố quê hương bí ẩn chìm sâu trong đáy biển, mà cụ thể nơi đây là tiền thân của Faifoo (Hội An) tại vùng biển Cù lao Chàm.
Cùng với nhiều tác phẩm nổi tiếng được yêu chuộng của tủ sách Tuổi hoa ngày ấy, có thể nói Tiếng chuông dưới đáy biển là một trong những món quà văn học đầu tiên dành tặng riêng thiếu nhi đất Quảng, một thời đã để lại ấn tượng sâu sắc trong ký ức nhiều người thuộc lứa tuổi 50, 60 ngày nay.
Thế rồi, cho đến một ngày hè vào khoảng 1974, có lần dạo chơi cùng họa sĩ Hoàng Đặng (lúc này đang có nhiều tranh minh họa trên tuần báo Tuổi Ngọc), bất ngờ gặp một vị thầy giáo mời vào quán cà phê chuyện trò. Ông ta ngỏ ý nhờ Hoàng Đặng vẽ tranh bìa cho một tập truyện mỏng dành cho thiếu nhi mà ông là tác giả, bên cạnh đó, ông say sưa giới thiệu về hoạt động của tủ sách thiếu nhi do nhóm thân hữu đang tiến hành ra mắt tại Đà Nẵng. Người thầy ấy chính là nhà văn, nhà Quảng Nam học nổi tiếng Nguyễn Văn Xuân. Về sau, tôi mới biết thêm, ngoài những tác phẩm văn học, nghiên cứu lịch sử, nhà văn Nguyễn Văn Xuân còn có một số truyện ngắn đặc sắc dành cho thiếu nhi. Và tủ sách văn học thiếu nhi ông nhắc đến lần đó, được hình thành từ ý tưởng của nhà nghiên cứu Nguyễn Thiếu Dũng (vừa mất trong tháng 6/2018, là cháu gọi thầy Xuân bằng cậu). Ông Dũng lúc đó lập ra nhà xuất bản Ô Châu, chủ trương in sách thiếu nhi để giáo dục lớp trẻ. Ban đầu nhóm chủ biên lựa những truyện ngắn hay có tính giáo dục của các nhà văn in thành tập nhỏ, phần cuối sách có đặt câu hỏi hướng dẫn giúp học sinh tìm hiểu cốt truyện, ý nghĩa, cách hành văn, cách dùng từ. Trong đó, nhà văn Phan Du từng góp mặt với truyện ngắn “Những quả đấm trên một chuyến tàu”. Sách in 3.000 bản phần lớn tiêu thụ tại Đà Nẵng, thường là bán hết nhờ các em học sinh hưởng ứng nhiệt tình. Nhận định về công việc những người làm sách văn học thiếu nhi giai đoạn này, nhà văn Tôn Nữ Thu Dung nói: “...Từ quá khứ, chưa bao giờ dòng văn học thiếu nhi này được đánh giá cao như các dòng văn học khác. Nhưng thật sự, tính nhân văn của nó đã hằn sâu trong tâm thức của mỗi chúng ta. Tính giáo dục nhân bản của tủ sách này thật đơn giản, giáo dục lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh khi đất nước cần. Giáo dục lòng yêu con người, kính trên nhường dưới, can đảm, khiêm tốn, bao dung, vị tha, yêu cái đẹp... Những điều này đồng nghĩa với không thỏa hiệp với điều ác, cái xấu và sự giả dối...”
Sở dĩ nhắc lại những điều đó, bởi tôi muốn khẳng định rằng, từ quá khứ, Quảng Nam Đà Nẵng không chỉ là một miền quê đặc trưng về văn học, mà còn là nơi có truyền thống mang khát vọng ươm mầm cho dòng văn học thiếu nhi.
NHỮNG CÂY BÚT TÂM HUYẾT
Sau 1975, kể từ khi Hội VHNT được thành lập, mảng sáng tác văn học thiếu nhi càng được chú trọng nhiều hơn. Cụ thể, Ban văn học thiếu nhi là một trong những bộ phận không thể thiếu và hoạt động song hành cùng các bộ phận sáng tác văn học nghệ thuật khác. Trong đó, các tuyển tập để lại ấn tượng đậm nét trong các thập niên qua như: Những chiếc tem bé xíu (Tuyển tập truyện ngắn nhiều tác giả thuộc Hội VHNT QNĐN), Lên Mười (Tuyển tập thơ văn thiếu nhi của Nxb Đà Nẵng), Nắng Sớm (Tuyển tập văn học thiếu nhi do Ban Văn học thiếu nhi phối hợp cùng Nxb Đà Nẵng từng thực hiện được nhiều số, trong nhiều năm)...
Những năm gần đây, tại Đà Nẵng ngày càng có thêm nhiều tác giả đã có những đóng góp không mệt mỏi, để đem đến tuổi thơ những tác phẩm tâm huyết nhất của mình. Nếu trước kia, chúng ta chỉ có thể nhắc được vài cây bút quan tâm đến đề tài này quanh quẩn vài tác giả như: Thanh Quế, Ngân Vịnh, Quế Hương, Trương Văn Ngọc, Đông Trình, Bùi Tự Lực, Nguyễn Kim Huy, Trần Kỳ Trung... thì giờ đây, danh sách đã được nối tiếp dài hơn như là: Đỗ Xuân Đồng, Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Thị Phú, Nguyễn Thái Phi, Ngô Thị Thục Trang... Đặc biệt, trong năm vừa qua, nối tiếp tập sách Chuyện Xưa đất Quảng của Phạm Hữu Đăng Đạt, Nxb Kim Đồng đã lần lượt giới thiệu hàng loạt tác phẩm của nhiều tác giả Đà Nẵng như: Bùi Tự Lực với Chó hoang, Nguyễn Kim Huy với Triền sông thơ ấu, nhà thơ dịch giả Bùi Xuân với Tuyển tập tác phẩm dịch thuật thơ Tagore.
Một biên tập viên của Nxb Kim Đồng nói với chúng tôi rằng: “Quảng Nam Đà Nẵng là miền đất văn học tiềm năng về văn học thiếu nhi, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều tác giả đóng góp hơn nữa cho văn học thiếu nhi”.
NHÌN VỀ PHÍA TRƯỚC
Dù vậy, nhìn về phía trước, đối với lĩnh vực sáng tác này, không phải thực sự đã thuận lợi. Ngoại trừ vài tác giả đã bắt nhịp được với các nhà xuất bản lớn, thì số còn lại vẫn rất khó khăn trong việc phổ biến tác phẩm. Đáng nói hơn nữa, trên mặt báo, tạp chí dung lượng dành cho sáng tác VHTN vẫn hết sức hiếm hoi. Trong khi đó, viết cho thiếu nhi, không chỉ là những câu chuyện kể về hồi ức tuổi thơ của riêng tác giả, mà còn phải bảo đảm tính giáo dục, phải có chất văn trong sáng... Nhiều nhà văn ngần ngại, tự cho mình không còn nắm bắt được nhu cầu của bạn đọc nhỏ tuổi hôm nay. Chính vì thế, ngày càng nhiều cây bút viết cho thiếu nhi phía Nam như Đặng Trung Nhân, Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Thuần, Châu Giang, Phương Huyền... từng thành công, giành giải thưởng với văn học thiếu nhi, đến nay, người gác bút, người chuyển qua viết cho người lớn, gần như có người chỉ thoáng qua sân chơi này một lần rồi quên.
Vậy câu hỏi đặt ra là: “Nhà văn có cần sáng tác văn học cho thiếu nhi không?” Có rất nhiều câu trả lời khác nhau xung quanh câu hỏi này. Người thì cho rằng: Tôi có sáng tác nhưng không thường xuyên và chỉ khi nào thấy thật sự có hứng thì ngồi vào bàn viết. Có người lại nói: Tôi sáng tác nhưng không nhiều, một năm chỉ khoảng 5, 6 bài thơ, thời gian còn lại tôi viết báo, sáng tác những tác phẩm của người lớn. Thậm chí, một nhà văn trẻ tuyên bố: “Tôi chả dại gì viết cho thiếu nhi. Nhuận bút văn chương nước mình quá thấp, gọi là danh tiếng thì mảng văn học này cũng ít được nhắc đến...”.
Quả thực, nếu có dịp rảo qua các hiệu sách, chúng ta thấy mảng sách văn học thiếu nhi đúng nghĩa giờ vô cùng khan hiếm. Nếu có, chủ yếu các đơn vị xuất bản chạy theo thị hiếu với loại sách dễ dãi, trong đó đa phần là truyện dịch tranh ảnh. NXB Kim Đồng đã từng nhiều lần lên tiếng xin lỗi độc giả vì ấn hành những tác phẩm có nội dung không lành mạnh (điển hình như vụ 7 viên ngọc rồng vào năm 2014, tập 7 của Dragon Ball). Mới đây nhất, vào những ngày đầu năm 2018, Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, Cục đã nhận được các phản ánh về việc cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” do NXB Kim Đồng xuất bản có một số nội dung, hình ảnh chưa phù hợp với độc giả Việt Nam. Cụ thể trong tập 6 bộ truyện này có những hình ảnh vẽ thiếu tế nhị, cùng với đó là một số câu đối thoại giữa các nhân vật nói về tình dục, khiến nhiều phụ huynh lo lắng những hình ảnh và nội dung nhạy cảm ấy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Sinh thời, nhà văn Tô Hoài từng nói, sở dĩ văn học thiếu nhi ở ta tồn tại như hôm nay là do chúng ta đang thiếu một phong trào viết cho thiếu nhi. Muốn tạo ra được phong trào này phải có nhiều cuộc thi, phải chăm lo bồi dưỡng và quan tâm đội ngũ viết cho thiếu nhi, có những hỗ trợ thích đáng, kịp thời để tác phẩm có chất lượng đến được với bạn đọc...
Đến hiện nay, tại nhiều hội nghị văn học diễn ra ở Trung ương hoặc địa phương, đã có rất nhiều cuộc thảo luận để tìm ra lối thoát tích cực hơn, nhưng khoảng trống sáng tác cho thiếu nhi không có dấu hiệu sẽ thu nhỏ lại.
Riêng tại Đà Nẵng, tôi đề nghị trong thời gian tới, cùng nhiều phương cách, trong đó chủ yếu phải có sự thay đổi đồng bộ: Trước hết và chủ yếu vẫn là các tác giả đang viết cho thiếu nhi tích cực hơn trong lao động sáng tạo, tự nuôi lớn thêm niềm đam mê của mỗi người, xem đây như một trách nhiệm với thế hệ trẻ. Cần tổ chức những trại sáng tác và các cuộc thi về đề tài thiếu nhi định kỳ hằng năm. Với các trại sáng tác thì kết quả phải là những đầu sách in được của các tác giả dự trại. Muốn vậy các tác phẩm phải được viết xong và khi dự trại chỉ để hoàn thiện. Phần các cuộc thi với giải thưởng có giá trị bằng tiền khá lớn thường gây áp lực cho cả nhà tổ chức (tài chính), người viết (người viết lâu năm thường ít/không tham gia) và ban giám khảo (nhằm phát hiện người mới); nếu thay bằng cuộc vận động sáng tác thì mọi phía sẽ thấy nhẹ nhàng hơn. Có thể kết hợp hai hình thức trại sáng tác và cuộc thi bằng cách tổ chức vận động sáng tác trước để chọn được những tác giả, tác phẩm đạt/gần đạt yêu cầu in ấn.
T.T.S