Những tấu khúc rạng rỡ muôn ánh sao - Văn Thu Bích
Đ |
ã trải qua mười kỳ pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng, bắt đầu từ năm 2008 lấy tên là Cuộc thi bắn pháo hoa Quốc Tế Đà Nẵng. Đến năm 2017 đổi tên chính thức là Lễ hội pháo hoa Quốc Tế Đà Nẵng, được diễn ra bên bờ Sông Hàn suốt 2 tháng mùa hè từ 30/4 đến 30/6 hằng năm. Trong từng năm, chủ đề xoay quanh những địa danh, những biểu tượng của Đà Nẵng như: Vũ điệu Tiên Sa (2008), Âm vang sông Hàn (2009), Huyền thoại sông Hàn (2010), Lung linh Sông Hàn (2011), Sắc màu Đà Nẵng (2012), Tình yêu Sông Hàn (2013), Đà Nẵng bản giao hưởng sắc màu (2015), Tỏa sáng Ngũ Hành Sơn (2017). Huyền thoại những cây cầu (2018).
Nói đến Đà Nẵng, người ta thường liên tưởng đến con sông Hàn uốn lượn miên man và trên dòng nước êm ả ấy dễ mường tượng về những đêm pháo hoa rạng rỡ muôn ánh sao khắc họa đậm nét bức tranh đa sắc trên bầu trời xanh trong. Có thể nói, đó là nguồn cảm hứng cho văn nghệ sĩ trong cả nước đã cảm tác nhiều tác phẩm thi ca, nhạc họa ca ngợi các kỳ festival pháo hoa suốt thập kỷ qua.
Tác giả đầu tiên sáng tác ngợi ca festival pháo hoa Đà Nẵng là nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp đến từ thành phố Hồ Chí Minh, chị đã tâm huyết cho ra đời album mang tên “Lung Linh sông Hàn” giữa những ngày thành phố bên sông Hàn tươi đẹp, rực nắng cuốn hút du khách khắp nơi tìm về đúng dịp Đà Nẵng kỷ niệm 35 năm giải phóng. Album với cả một chùm ca khúc được phổ từ thơ của các tác giả là nhà thơ, nhà báo Đà Nẵng. Đó là khúc hát Tháng ba đêm pháo hoa (thơ Lê Anh Dũng), Sông Hàn vui hội pháo hoa (thơ Mai Hữu Phước), riêng ca khúc Lung linh Sông Hàn là nhạc và lời do Quỳnh Hợp sáng tác, VCD này là món quà ý nghĩa mà nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp riêng tặng cho Đà Nẵng và đã được Hãng Phim Trẻ phát hành vào thượng tuần tháng ba năm 2010.
Thời gian sau đó, nhiều nhạc sĩ khác cũng thể hiện tình yêu, sự cảm kích và trân trọng của họ trước cảnh quan và những đổi thay đến ngỡ ngàng của Đà Nẵng, trong đó có lễ hội pháo hoa suốt những năm qua như các nhạc sĩ: Đỗ Hồng Quân - tác giả xứ Tràng An, thường kỳ góp mặt trong Ban Giám khảo vào những đêm pháo hoa, dù nổi tiếng về các giao hưởng kinh điển, anh cũng tâm huyết cảm tác ca khúc: Thành phố tôi Đà Nẵng, nhạc sĩ Đức Trịnh - người con của đất Thăng Long lại tràn đầy lạc quan với phần phối khí - hòa âm đậm chất học thuật giúp cho ca khúc Đêm pháo hoa (lời: Huỳnh Văn Chính, nhạc: Hoàng Hưng) thêm thăng hoa, lôi cuốn. Cũng đến từ vùng đất Hà thành, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha trải lòng qua khúc hát Lung linh đêm Đà Nẵng thật đắm say, lãng mạn. Đáng chú ý có nhạc sĩ Lê Minh Sơn - người con Hà Nội lần đầu tiên có một sáng tác tham gia chương trình ca nhạc trong lễ hội pháo hoa năm 2017 tạo ấn tượng lạ cho người xem với ca khúc có nhan đề rất riêng Sông Hàn không bao giờ lạnh.
Tại Đà Nẵng, một nhạc sĩ có cơ duyên với các kỳ pháo hoa là Trần Ái Nghĩa. Khi được mời tham gia trưởng nhóm sáng tác nhạc nền, anh đã chủ trì viết kịch bản văn học và kịch bản nhạc nền theo hình thức khí nhạc, đồng thời lồng ghép vào ca khúc Sắc màu Đà Nẵng được ca sĩ Mỹ Linh thể hiện lời Việt và lời Anh trong nhạc nền pháo hoa năm 2011. Cho đến nay anh cũng tham gia giám khảo ba kỳ DIFF liên tiếp. Ngoài ra anh là nhạc sĩ hiếm hoi của Đà Nẵng có nhiều ca khúc hay được tuyển chọn tham gia các chương trình ca nhạc tại các DIFF như: Em có về Đà Nẵng cùng anh, Mênh mang sông Hàn, Sắc màu Đà Nẵng, riêng Tình yêu Đà Nẵng đã được chọn biểu diễn tại ba kỳ pháo hoa
Có ca khúc được viết với tiết tấu rộn ràng tươi trẻ của dance, pop, R&B như: Lung linh sông Hàn của nhạc sĩ Quang Trung, đậm tính chất lạc quan, yêu đời với những thanh âm ngập tràn mơ ước tuổi thần tiên: “Bay lên, bay lên trong đêm pháo hoa, với bao ước mơ tuổi thơ, bay lên trong muôn sắc hoa, thắm tươi giấc mơ tuổi thơ”. Có ca khúc lại mang đến những nồng ấm yêu thương như ca khúc Mang tình yêu Đà Nẵng đến muôn người của nhạc sĩ Mai Danh: “Những chùm hoa lửa như lời mời gọi, bạn từ phương xa về thăm sông Hàn, để giờ chia tay lòng còn lưu luyến, cháy lên đi, vút sáng lên đi những chùm hoa sáng như ánh đuốc niềm tin”. Cùng thả hồn theo dòng cảm xúc trào dâng trước nét đẹp lộng lẫy của những chùm pháo hoa rực sáng góc trời đêm, ẩn hiện che khuất vầng trăng yên ả, Nguyễn Đức đã viết nên bản hợp tấu Thành phố bên bờ biển xanh: “Đêm ngàn sao lung linh rợp trời hoa tỏa sáng, Nghe trào dâng trong tim thêm yêu thành phố biển”. Nhạc sĩ Đình Thậm gửi gắm trong ca khúc Huyền diệu sông Hàn những âm điệu trầm bổng, lung linh như ru vào lòng người niềm rung cảm xuyến xao: “Đêm sông Hàn huyền diệu ánh trăng ngân, Đêm sông Hàn huyền diệu sáng lung linh”.
Tương phản với nét nhạc rạng rỡ này là những thanh âm đằm thắm sâu sắc trong tiết điệu andante từ tấu khúc Đà Nẵng nơi tôi về của tác giả Nguyễn Văn Tám: “Đêm pháo hoa đường Bạch Đằng rực rỡ, Ta đi bên nhau, nhớ lại những ngày xưa. Một thời gian lao, một thời vất vả, Đà Nẵng quê mình vụt đứng vươn lên”. Rồi những âm điệu trầm bổng, lung linh từ khúc hát “Bài ca Đà Nẵng” như khơi gợi cho người nghe những xao xuyến bồi hồi, một ca khúc ra đời từ sự đồng điệu sâu sắc giữa tứ thơ trữ tình của Thùy Nga với chuỗi âm giai mượt mà, đằm thắm của nhạc sĩ Quang Thức: “Lung linh ngàn sắc sông Hàn, Tháng Tư lễ hội ngập trời pháo hoa”.
Không khí âm nhạc đương đại ngân vang từ gần 20 khúc hát ngợi ca pháo hoa đã làm tăng thêm chất trẻ trung, hiện đại của Đà Nẵng. Ngoài tính chất rộn ràng, tươi trẻ với những bản tự khúc như: Đêm hoa đăng Đà Nẵng gọi ta về của Đỗ Xuân Đồng thì những ca từ dung dị, tụng ca: “Đà Nẵng tháng ba, đêm pháo hoa bừng sáng, trên sông Hàn huyền thoại mênh mang”, Hoa nở bên dòng sông của Trần Phước Khiêm thăng hoa cùng những thanh âm thuần khiết, hài hòa giữa ánh sáng và âm nhạc: “Pháo hoa cùng bay lên, hòa chung trong khúc nhạc, trong tiếng đàn bên sông Hàn” hoặc Bùi Nguyên Lâm với khúc tự tình Thành phố muôn sắc hoa giàu xúc cảm theo nhạc điệu trữ tình: “Hân hoan xua tan bao đêm tối ưu phiền, bầu trời cao lấp lánh sao đêm, chợt bừng lên sắc thắm muôn hoa” đã tạo nên những khoảng lặng đáng nhớ đan xen giữa rộn ràng, náo nức của pháo hoa tràn ngập phố thị Đà Nẵng trong giai điệu êm dịu, thiết tha như những tâm tư đồng cảm, là những gửi gắm nồng nàn, chân tình của người nghệ sĩ thấu hiểu bao gian khó một thời đã qua để hôm nay quê hương thêm tràn đầy tình yêu, tự hào.
Dù với nhịp điệu mạnh mẽ 1/4, 2/4, 4/4 hay tiết tấu buông lơi như 3/4, 6/8; dù bằng ca từ mãnh liệt, mạnh mẽ, thấm đẫm không khí hiện đại của hiphop - rap hay những thanh âm yên dịu, thuần khiết chất bolero, dance thì ca khúc nào cũng thấp thoáng hình ảnh Đà Nẵng vừa cụ thể, vừa khái quát với những cảm nhận riêng của từng nhạc sĩ. Họ rất trân quý và hãnh diện về thành phố của mình, bởi chính họ cũng góp phần làm nên sự thay đổi đó. Mỗi bài hát là một cách bày tỏ như thấm thía từng vị ngọt hạnh phúc của quê hương, âm giai náo nức lan tỏa trong từng câu chữ, chân chất mộc mạc mà ấm áp tình đất, tình người Đà Nẵng. Mỗi khúc hát đều thể hiện sự đồng điệu, tha thiết của từng tác giả.
Những âm giai từ trầm tĩnh, hoài niệm về một Đà Nẵng xưa đến náo nức rộn ràng trước sự tươi mới của phố phường hôm nay. Đó là những cảm xúc dâng trào, dào dạt đến với người nghệ sĩ để mặc sức sáng tạo. Những khúc hát về pháo hoa từ trước đến nay còn là những trải nghiệm của nhiều giọng ca tên tuổi như: Mỹ Linh, Thanh Lam, Tùng Dương, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hà Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Anh, Hồ Quỳnh Hương, Lan Anh, Kasim Hoàng Vũ... cùng các ca sĩ trẻ Phương Linh, Tấn Minh, Nguyễn Phước Vũ Bảo, Tố My và các giọng hát dân gian ngọt ngào của Thanh Thanh Hiền, Anh Thơ, Quang Hào... Những giọng hát này đã kết hợp thành tấu khúc miên man, đầy ấn tượng thay lời mời gọi yêu thương từ phố biển Đà Nẵng trong tưng bừng ngày hội pháo hoa.
Danh mục những khúc hát ngợi ca pháo hoa sẽ còn thêm mãi. Hiện nay điều mà nhiều người mến mộ pháo hoa đang trông đợi là nhà tổ chức đã mời nhạc sĩ Hồ Hoài Anh sáng tác ca khúc mới cho lễ hội pháo hoa 2018, anh đang thai nghén khúc hát mang tên Đà Nẵng - những cây cầu huyền thoại, dự kiến sẽ trình làng trong đêm bế mạc lễ hội vào hạ tuần tháng 6 tới. Hy vọng bài ca sẽ góp phần đem lại làn gió mới cho chương trình nghệ thuật tại festival pháo hoa năm nay.
V.T.B