Nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý người con Hưng Yên trên đất Quảng Nam - Lê Hồng Thiện

06.07.2018

Nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý người con Hưng Yên trên đất Quảng Nam - Lê Hồng Thiện

Trong chuyến đi công tác 15 ngày ở Nhà sáng tác Đà Nẵng vừa qua, tôi đã dành hai ngày liền đến thăm mộ nhà báo, nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý. Chị là cháu ruột giáo sư Dương Quảng Hàm (1898 - 1946) quê làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Dương Quảng Hàm là tác giả hai cuốn sách nổi tiếng: Việt Nam văn học sử yếu (1941), Việt Nam thi văn hợp tuyển (1942), nguyên là giáo sư trường Bưởi (Hà Nội). Buổi sáng 18/4/2018 tôi từ thành phố Đà Nẵng xuống thăm mộ chị Quý, theo hướng Duy Xuyên (Quảng Nam) chừng 40km. Bốn lần đi và về 160km, mỗi lần có một lý do riêng, nhưng cả hai lần đều gặp may mắn. Phải chăng hương hồn chị đã phù hộ cho tôi? Tôi ngưỡng mộ chị tuy chưa phải là cây bút tài năng, cái mà tôi ngưỡng mộ trước hết là chị có ý chí, nghị lực mãnh liệt về yếu tố tinh thần, tình cảm. Năm 1961 vào nghề báo, đến năm 1968 đang là phóng viên Báo Phụ Nữ Việt Nam được làm việc tại Hà Nội, trong môi trường bình yên, cuộc sống đầy đủ thì chị tự nguyện làm đơn xin vào Nam chiến đấu, công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu 5. Giữa lúc tài năng của chị đang sung sức, nhiều hứa hẹn. Tháng 4/1968 chị vượt Trường Sơn, gửi lại bé Ly, đứa con gái đầu lòng cũng là duy nhất mới 16 tháng tuổi cho bà ngoại ở Hà Nội chăm nuôi. Trước đó một năm, chồng chị là nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng vào công tác ở Nam Trung Bộ.

Dương Thị Xuân Quý, sinh ngày 19/4/1941 tại Hà Nội, nguyên quán làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Sáng 18/4/2018 tôi tìm đến xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên. Sau 40km hành trình, chiếc xe con mang biển số 80 của Ban đại diện Báo CAND tại Đà Nẵng chở tôi dừng lại ở một đoạn đường liên huyện. Tôi bước xuống, hỏi một bà chủ quán ven đường “Mộ chị Dương Thị Xuân Quý còn xa không bà?”. Bà chủ quán đáp: “Anh hỏi vào thôn Thi Thại, gặp bác Võ Bắc nhé, từ đây vào đấy chỉ còn hơn một cây số thôi, đi bộ được mà”. Nhìn thấy đường vào Thi Thại hẹp, biết xe con không đi tiếp được, chú lái xe liền đỗ tại đây. Tôi thong thả đi mấy chục mét, nhìn lại thấy một quán hàng bán hoa quả. Tôi liền vào mua một thẻ hương cùng trái cây vào để thắp hương chị! Băng qua mấy ruộng lúa đang chín vàng ruộm, theo con đường bê tông, tôi nhìn phía trước thấy một phiến đá hình chóp cao hơn 1 mét, rộng chừng trên dưới nửa mét. Tôi nhận ra ngay đấy là nơi đặt mộ chị Quý. Mộ nằm phía phải trong khuôn viên nhà anh Võ Bắc, chủ nhà và chủ khuôn viên đã được gia đình chị Quý nhờ trông nom, bảo quản, hương đăng vào các ngày rằm, giỗ tết,  chăm sóc chu tất. Khi đến nhìn mộ chị tôi đã chợt nghĩ: “Chị Quý hy sinh cho Tổ quốc, được công nhận là liệt sĩ, sao mộ chị không đặt ở nghĩa trang liệt sĩ của xã, của huyện, tỉnh, thành phố trên địa bàn Quảng Nam mà lại đặt riêng một mình chị ở đây?”. Hỏi ra mới biết gia đình thân nhân chị Quý một mực để mộ chị ở đây, cũng không mang về nghĩa trang Văn Giang quê nhà, bà con cô bác xã Duy Thành cũng mong muốn mộ chị để mãi mãi ở đây. Ai cũng nói: “Chị hy sinh ở đây thì phần mộ nên để ở đây, chết ở đâu thì mộ ở đấy”. Thực vậy, cả khi sống lẫn khi chết ở Duy Thành, chị Quý được dân giúp đỡ, nuôi nấng chở che đùm bọc, đào hầm cho chị cùng đồng đội ẩn nấp tại khu đất này, cả khi tìm thi thể, hài cốt chị khi mất. Chả thế mà từ khi xây mộ, dựng bia chị mấy chục năm nay, mộ chị ngày nào cũng nghi ngút khói hương, đầy hoa quả. Cách đây hơn tháng là mồng 8/3 ngày giỗ chị (mất 8/3/1969), Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, UBND xã Duy Thành đã đến tổ chức lễ dâng hương trước mộ chị. Tôi nhìn thấy vòng hoa đã héo, nhưng vẫn còn in rõ dòng chữ: “Kính viếng nhà báo, nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý (hy sinh 8/3/1969 - 8/3/2018)”. Cạnh mộ chị lúc nào cũng cắm lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Sáng đó, thắp hương cho chị xong, tôi đi vòng phía sau bia, đọc thêm hai câu thơ của Bùi Minh Quốc - chồng chị Quý: “Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên”.

Phần dưới bia còn khắc thêm một dòng chữ “Phần đất mộ phần do anh chị Võ Bắc - Nguyễn Thị Thanh” hiến tặng.

Phần đất ấy trước đây gia đình chị Quý hỏi mua, vợ chồng anh Võ Bắc bảo không bán, nếu dùng để xây mộ cho cô Quý chúng cháu sẽ hiến tặng.

Khối đá hình lục giác không đều, là loại đá trắng quý hiếm, nặng tới hai tấn  được chuyển từ trên thành phố Đà Nẵng xuống Thi Thại. Thân nhân của chị Quý đã mua bằng tiền nhuận bút của chồng chị cùng nhuận bút cuốn Hoa rừng của chị Quý do Nhà xuất bản Đà Nẵng in và được ông Nguyễn Bá Thanh khi ấy là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (trực thuộc tỉnh Quảng Nam) hỗ trợ thêm 2 triệu đồng.

Vẫn biết rằng, việc đi Nam ngày ấy là gian khổ, con còn bé, chồng đi B trước chị, vậy mà chị vẫn kiên quyết yêu cầu tổ chức cho chị lên đường ngay. Chị sợ nếu mình không tranh thủ sẽ không kịp có mặt để ghi lại những kỳ tích trong cuộc chiến tranh vĩ đại giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ngày ấy có mặt ở chiến trường không chỉ là nghĩa vụ mà còn là khát vọng của một thế hệ văn nghệ sĩ. Để thực hiện khát vọng ấy, Dương Thị Xuân Quý phải chấp nhận một nỗi đau xé lòng, gửi lại đứa con thơ cho cha mẹ nuôi nấng. Ai mà không xúc động khi đọc những dòng này chị viết cho con trong nhật ký: “Đẻ ra vừa biết cười là bom đạn! Vừa biết gọi mẹ là xa mẹ và vừa biết nói hai tiếng thì nói: “Đi Nam”. Ngày 9/8/1968: Ly! Con ơi! mẹ bị ốm nặng lắm nhưng vẫn giở tất cả ảnh của con ra ngắm! Con đã 20 tháng đấy! Mẹ nhớ con cả trong cơn sốt mê man. Bé Ly yêu dấu của mẹ ơi! Hôn con! Hôn con...!”.

Về hoàn cảnh hy sinh của chị Quý, tôi được anh Võ Bắc kể: Ban Tuyên huấn huyện Duy Xuyên ngày ấy chọn thôn Thi Thại là nơi đóng, tại đây là một cái xóm trắng dân, um tùm cỏ dại, nằm ở phía sông Bà Đen. Du kích ta phải gài rất nhiều mìn khắp các ngả để phòng vệ, bình thường thì làm việc trong mấy căn phòng tránh pháo, khi địch càn quét thì xuống hầm bí mật. Chị Quý từ trên khu xuống cùng sống và làm việc với anh chị em tuyên huấn huyện Duy Xuyên. Ngày 8/3/1969 sau chuyến đi Xuân Hòa trên vùng Tây của huyện trở về đây, đang tranh thủ ngồi viết dưới căn hầm bí mật thì gặp trận càn đêm của lính Nam Triều Tiên ập đến. Một du kích bị thương, một chạy thoát còn chị Quý bị trúng đạn chết dưới hầm. Hôm sau địch cho xe ủi san lấp hòng phi tang hài cốt chị. Và từ đó đến năm 2006, thân nhân gia đình chị Quý liên tục đi thăm dò tìm mộ chị bằng nhiều nguồn tin, mãi đến 2 giờ kém 10 phút chiều ngày 8/3/2006 - nghĩa là sau 35 năm mới tìm thấy hài cốt chị. Ngày tìm thấy hài cốt chị trùng với ngày 8/3, ngày mất của chị. Thật khôn thiêng làm sao? Kỳ lạ làm sao? Khi đào đất sâu chưa đầy 1m thấy chiếc cặp tóc khắc trên mặt hai chữ XQUY, bên dưới là chữa EI, tặng chị XQUY, EI tức là Trung đoàn 1 quân giải phóng, từng dừng chân sau chặng đường hành quân nghỉ ở Thăng Bình, Quế Sơn (Duy Xuyên) gặp chị Quý, đã tặng để kỷ niệm. Chính nhờ hàng chữ khắc trên chiếc cặp tóc ấy xác nhận bộ hài cốt ấy chính là chị Quý.

Thắp hương mộ chị Quý xong, trở về Nhà sáng tác Đà Nẵng, tôi kể lại chuyện thăm mộ chị Quý cho anh Xuân Quyến, Phó phòng văn nghệ Đài Phát thanh - Truyền hình Hưng Yên, cũng là một thành viên của Đoàn văn nghệ sĩ Hưng Yên vào Đà Nẵng. Vốn có máu nghề nghiệp, 3 giờ chiều hôm sau tức tốc Xuân Quyến thuê xe máy chở tôi làm hoa tiêu dẫn đường xuống thăm mộ chị Quý. Mới đầu tôi tưởng Xuân Quyến và Xuân Quý có họ hàng chăng? Nhưng mà không, Xuân Quyến họ Nguyễn, quê Ân Thi, chị Quý họ Dương, quê Văn Giang cơ mà! Tất cả chúng tôi đều vì nghề báo, nghiệp văn cả thôi. Lần này chúng tôi cũng mua hương, hoa trái nhưng mỗi người trước khi ra về biếu anh Võ Bắc một món tiền nhỏ. Còn tôi lại một lần nữa đọc kỹ những lời ghi trên tấm bia chị Quý, điều gì hôm trước quên chưa hỏi anh Bắc hoặc anh kể hôm trước tôi chưa ghi thì bây giờ ghi tiếp, chụp ảnh tiếp. Nhưng có điều lần này tôi mới nhớ ra, chị Quý sinh ngày 19/4/1941 thì đúng ngày hôm xuống lần thứ hai là ngày sinh nhật lần thứ 77 của chị Quý. Tôi chợt nghĩ: Chị Quý ơi! Sao chị thiêng thế, đúng ngày sinh nhật chị vô tình chúng tôi đến thăm và dâng hương mộ chị đấy! Chị thương ơi là thương! Cầu mong cho chị sống khôn chết thiêng mãi mãi chị nhé! Đất Quảng Nam thiêng liêng, anh hùng, quãng đại lắm đấy chị ơi! Thật may sao lúc ra về anh Võ Bắc chạy theo ra tặng tôi cuốn sách “Dương Thị Xuân Quý: Nhật ký và tác phẩm” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản 2007) gồm những tác phẩm của chị Quý và các nhà văn viết về chị Quý, do chồng chị và nhà văn Hoàng Minh Nhân, Nguyễn Thế Khoa sưu tầm, biên soạn, Nguyễn Thế Khoa chủ biên. Tôi nhận cuốn sách ấy như nhận được một gói vàng, gói bạc, một món quà vô giá trong chuyến đi sáng tác ở Đà Nẵng. Tôi ước ao anh Võ Bắc sẽ có dịp ra tận Hưng Yên thăm quê hương chị Quý. Trước khi chia tay anh Võ Bắc, tôi và Quyến ra mộ vái tạ chị Quý một lần nữa. Trên đường trở về thành phố Đà Nẵng, có qua lối rẽ vào nhà sáng tác nhưng Xuân Quyến không rẽ về nhà sáng tác mà phóng thẳng lên thành phố, tôi tưởng Quyến chở lên thành phố mua gì hay đi uống cà phê. Tôi hỏi thì Quyến trả lời: “Anh em mình lên thành phố tìm đường phố mang tên Dương Thị Xuân Quý”. Tìm thấy rồi, Quyến bảo: Anh đứng bên tấm biển này, em chụp một kiểu ảnh, chụp xong Quyến lại đứng vào chỗ tôi vừa đứng nhờ tôi chụp một pô nữa cho Quyến.

Người Đà Nẵng nhớ ơn những người con Hưng Yên hy sinh vì đất Quảng Nam như thế đó. Ở đường phố Đà Nẵng không chỉ có mang tên Dương Thị Xuân Quý mà còn có tên đường phố mang tên những người con tên tuổi của Hưng Yên như: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Công Hoan, Hoàng Hoa Thám...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ Nghệ An, Quảng Trị chúng ta đã có 3 nhà báo quê Hưng Yên hy sinh khi làm nhiệm vụ: Ngọc Nhu sinh 1931 quê Thụy Lôi, Tiên Lữ (hy sinh 3/1/1968 tại Mặt trận Quảng Trị), Tô Ân (sinh 1928 quê xã Xuân Cầu, huyện Văn Giang, hy sinh 19/1/1972 tại Cung đường 7 Nghệ An). Lại duy nhất có một nhà báo và là nhà văn của Hưng Yên Dương Thị Xuân Quý hy sinh tại Quảng Nam, Đà Nẵng.

Giữa hàng vạn con em Hưng Yên vai mang súng đạn đi Nam chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã hy sinh, chúng ta có bao nhiêu nhà văn, nhà báo đi chiến đấu bằng ngòi bút đã hy sinh? Làng báo, làng văn Hưng Yên nói riêng và cả nước nói chung đã có những trang sử đỏ bất khuất anh hùng. Chị Quý là tấm gương hy sinh điển hình của một trong số đó, một nhà báo - nhà văn - chiến sĩ - liệt sĩ mà phần mộ nằm lại ở Quảng Nam, mãi mãi được nhân dân xứ Quảng bao bọc chở che, tôn kính, bốn mùa thơm ngát hương khói lan tỏa...

Tháng 5/2018

L.H.T