Câu thơ nhắn gửi cuộc đời - Hồ Duy Lệ

06.07.2018

Câu thơ nhắn gửi cuộc đời - Hồ Duy Lệ

Hồ Thấu sinh năm 1918, tại làng Trung Thái, nay thuộc Thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông là người con thứ của gia đình Nho học Hồ Hoàng. Ông thông minh từ thuở nhỏ. Ông học ban chuyên khoa Tú tài tại Quốc học Huế, cùng thời với nhà thơ Tố Hữu và nhà thơ Huy Cận. Khi đang đi học, ông đã nổi tiếng là người học giỏi cả nhạc, họa, thơ, văn...

Cách mạng Tháng Tám năm 1945, như bao chàng trai trẻ lúc bấy giờ, ông Hồ Thấu tham gia phong trào cứu nước ở quê nhà xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên. Học xong tú tài phần một ở trường Quốc học Huế, sau nhà thơ Huy Cận một lớp, ông Hồ Thấu về quê nhà nghỉ ngơi, thăm thú làng quê có nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa nổi tiếng từ thời bà Chúa tằm tang Đoàn Quý Phi.

 Khi những trí thức ở Duy Xuyên và xã Duy Trinh lập nên một ngôi trường mang tên Trường Tư thục Tân Tân, ông là người có công đối với ngôi trường một thời nổi tiếng này. Theo ông Hồ Liên (Hoàng Bích Sơn), em trai thì: Trong 4 người anh của tôi học ở trường Quốc học - Huế, anh Hồ Thấu không phải là người học giỏi nhất, nhưng là người có tài năng nhất.

Sau Cách mạng Tháng 8/1945, ông Hồ Thấu làm Chủ tịch xã Duy Trinh, ủy viên trưởng giáo dục huyện Duy Xuyên. Sau đó, ông được Trung ương cử ra làm trong Ban Liên kiểm Việt - Pháp - một tổ chức lập ra để đảm bảo thi hành Hiệp định sơ bộ 6/3 và thỏa ước tạm thời 14/9/1946. Hiệp định sơ bộ được ký giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cộng hòa Pháp ngày 06/3/1946. Theo Hiệp định, quân Pháp vào thay quân Tưởng đóng ở một số thành phố nước ta, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Hồ Thấu là người có uy tín trong Đảng và khá thông thạo tiếng Pháp, nên được Đảng tin tưởng giao làm Phó trưởng Đoàn đại diện Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên kiểm Việt - Pháp tại Đà Nẵng. Thời gian này ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Cuối năm 1946, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng thành lập, ông được cử vào Tỉnh ủy. Lúc bấy giờ cơ quan lãnh đạo của tỉnh có ông là người địa phương và kỹ sư Lưu Thọ người miền Bắc là hai người có học đến tú tài Tây, được gọi là trí thức, còn phần lớn các Tinh ủy viên là các chiến sĩ cách mạng lâu năm vừa ở tù ra, nhiều người học vấn còn hạn chế vì đang học thì lao vào hoạt động cách mạng rồi bị bắt, bị tù đày. Vào Tỉnh ủy sớm hơn hai người anh ruột là ông Hồ Nghinh và ông Hồ Liên, hai ông sau này đều là Trung ương ủy viên. Hồ Thấu, được Tỉnh ủy Quảng Nam phân công về làm Chủ nhiệm Mặt trận Liên Việt tỉnh, đặc trách công tác trí thức, công tác văn hóa, văn nghệ. Đây là một công việc khó bởi trong thành phần trí thức không phải ai cũng sẵn sàng tham gia kháng chiến và mặt trận văn hóa, văn nghệ đòi hỏi người có khả năng tập hợp được đội ngũ văn nghệ sĩ. Trên cương vị Chủ nhiệm Mặt trận Liên Việt, đồng chí Hồ Thấu đã tích cực lãnh đạo, tuyên truyền vận động, tổ chức tập hợp các lực lượng trong khối đoàn kết toàn dân vào mục tiêu kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc.

Để tăng cường sức mạnh trong lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng nhập lại thành Liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tháng 01/1947, Hồ Thấu được bầu Tỉnh ủy viên, trong thời gian này ông đã tích cực tổ chức các trường bổ túc văn hóa cho cán bộ, vì đa số anh chị em ít được học, nhất là anh em ở tù ra. Chính nhờ vào sự cố gắng của ông mà trình độ văn hóa của cán bộ kháng chiến được nâng cao, đảm đương được những nhiệm vụ của Đảng phân công. Ông từng chủ trì mở các lớp bồi dưỡng kiến thức văn hóa 6 tháng, 9 tháng, 1 năm, nhằm góp phần đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, nhất là những cán bộ tham gia cách mạng sớm nhưng chưa được học văn hóa bao nhiêu. Một trường văn hóa mang tên Hồ Thấu được mở tại làng Vinh Huy, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình.

Là một cán bộ chính trị nhưng ông rất yêu văn nghệ, quan tâm đến hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Ông có hai tập thơ như Sinh ca, Chia tay và tập thơ chưa in là Chiến sĩ ca.

Ông Hồ Thấu là con người mà chính ông đã phác thảo nên diện mạo:

Một đời trong trắng như hoa giữa đồng

Ái ân chưa vướng tấc lòng

Bạc tiền chưa bận, túi không bao giờ.

Và cũng là người chỉ nghĩ đến cái đẹp và thơ:

Trong đời chỉ đẹp và thơ,

Ông thường làm thơ gửi cho hai người bạn thân là Trinh Đường và Phạm Văn Kỳ: ‘‘Lòng ta nhớ bạn như triều nước lên”. Vào những ngày cuối tháng 12 năm 1949, Hồ Thấu ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn. Trước khi vĩnh biệt tất cả, ông viết bài Gửi Kỳ. Đây là lời trăng trối cuối cùng của ông với bạn thân:

Chừ đây ôn lại đời ta

Một đời trong trắng như hoa giữa đồng

Ái ân chưa bận tấc lòng

Bạc tiền chưa bận túi không bao giờ

Trong đời chỉ đẹp và thơ

Yêu đời dù đến ngẩn ngơ cũng đành...

Cuối năm 1947, khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành lập Ty thông tin tuyên truyền, xuất bản tờ báo Chiến Thắng thì Đoàn văn hóa kháng chiến ra đời, do ông Hồ Thấu phụ trách, có các ông Phạm Văn Kỳ, Trinh Đường cùng tham gia... Hai hoặc ba tháng ra một tập sáng tác văn nghệ gồm thơ ca, hò vè, bút ký, truyện ngắn. Đoàn văn hóa kháng chiến tổ chức những đêm văn nghệ đi xuống tận các xã thôn làng phục vụ đồng bào, luôn được đông đảo người dân đến xem, cổ vũ, hoan hô. Ông luôn động viên nhân dân vượt qua gian khổ, hướng đến tương lai:

Một lần tin chắc tương lai,

Trời xanh, thơ đẹp, không ai, riêng mình.

Vốn đã yếu do bị tổn thương phổi trong một trận đấu bốc, ông bị đối thủ đánh trúng gân ở cổ, ảnh hưởng đến phổi, kháng chiến gian khổ, công việc nhiều, nhiệm vụ đào tạo, giảng dạy vất vả, thuốc men bồi dưỡng không có nên ông bị bệnh lao phải đưa về điều trị ở xã Tam Thăng huyện Tam Kỳ.

Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, Kỳ Anh thuộc vùng tự do của Quảng Nam - Khu Năm. Một vùng đất rộng và một thời ‘‘kháng chiến chín năm’’ với nhiều gian khổ hy sinh và biết bao nhiêu câu chuyện về tình quân dân cá nước. Không một cái đình làng nào ở quê ta, thời ấy không đưa vào sử dụng cho nhu cầu của kháng chiến. Đình là nơi thanh niên nam nữ trong làng học tập, sinh hoạt, vui chơi. Đình Thạch Tân đêm đêm cán bộ, bộ đội ở cánh Tây, vượt qua đường số một, về đây như một điểm hẹn. Thời chống Mỹ dưới nền đình Thạch Tân có hai cái hầm rộng để chứa lương thực, trước khi được chuyển đến cán bộ, bộ đội. Trong kháng chiến chín năm chống Pháp, đình Vĩnh Bình từng làm nơi huấn luyện quân sự, làm nhà điều dưỡng của tỉnh. Đình Thạch Tân nằm ở rìa làng xã Tam Thăng (nay là xã Kỳ Anh), thành phố Tam Kỳ, là vùng đất có nhiều rau đậu, bà con chăn nuôi nhiều heo, gà, vịt, và, ngoài con sông Trường Giang chạy qua làng, có nhiều tôm cua, cá, còn có sông Đầm - một con sông cạn, là một nhánh của sông An Hà. Sông cạn nên gọi là đầm, rộng chừng vài trăm hecta, sậy mọc dày, thành từng bãi, lấn gần kín mặt nước. Dân làng gọi là Bãi Sậy - Sông Đầm. Vốn của trời ban cho, hằng năm vô tư cung cấp rong bèo, cá, ốc, từng nổi tiếng trong kháng chiến, du kích và dân Tam Thăng đã biến đầm thành tuyến phòng thủ chống trả quân thù. Nhiều trận kịch chiến xảy ra trên Bãi Sậy. Kỳ Anh còn là vùng đất rộng, cách biển ngang không xa nên luôn có cá tươi, vì vậy, thời kháng Pháp tỉnh chọn làm nơi an dưỡng cho cán bộ. Đình Vĩnh Bình là nơi, vào năm 1946, khi lâm bệnh, ông Hồ Thấu được đưa về điều dưỡng. Những ngày trên giường bệnh, ông vẫn: “Mắt say hớp mảnh trời xanh. Miệng say uống ngợp gió lành muôn phương”.

 Đau nằm trên đất quê hương, ông càng yêu quê hương, yêu bạn bè thân thiết và nhớ những ngày trên đường công tác gian nan:

“Nắng reo ta nhớ đường xa

 Nhớ đàn bướm trắng, nhớ hoa ven rừng...

...Ai đi sứ mệnh nặng vai

 Lòng vui nhiệm vụ chẳng nài gian lao

Nằm đây ta nhớ thao thao

Nhớ sông, nhớ núi, dạt dào bốn phương

Bao giờ gió mới gặp hương

Trời xanh chân rộng, dặm đường thênh thênh...

Ông bị bệnh lao phổi, là một trong ‘‘Tứ chứng nan y”- bốn bệnh không chữa được lúc bấy giờ, nên phải cách ly, đưa ông ra ở trong một cái miếu gần đó:

“Nằm đây, thân đã héo mòn,

Miếu con là mộ, giường con là hòm...”

Và từ cái miếu con ấy (nay là cái chùa, gần khu vực Địa đạo Kỳ Anh), trước khi từ giã người thân, vĩnh biệt cõi đời mà ông vô cùng yêu quý, vào tháng 12 năm 1949, ông đã để lại những bài thơ hay nhất trong cuộc đời làm thơ ngắn ngủi của ông, trong đó có những câu thơ bất hủ như:

Chiến trường ai khóc chia phôi,

Khải hoàn, ai nhắc đến người hôm qua...

Vì chiến tranh nối tiếp chiến tranh, hết chín năm trường kỳ chống thực dân Pháp, chưa được nghỉ một ngày hòa bình thì lại tiếp tục chiến tranh chống bọn tay sai phá hoại hiệp định Geneve và đế quốc Mỹ xâm lăng gần hai mươi năm, chiến tranh diễn ra vô cùng khốc liệt đã tàn phá tan hoang, nên nhiều người không biết đến một ngôi trường làng nổi tiếng một thời mang tên Tân Tân, có thể không nhớ, và không biết ở đâu có một trường Đảng từng mang tên Hồ Thấu, và cả mấy tập thơ ông sáng tác lúc bấy giờ.

Và, dù thời thế đổi thay, tình người thay đổi, song, khi nghĩ về chiến tranh, nghĩ về những ngày gian khổ hôm qua, rất nhiều người vẫn còn nhớ, đọc đi, đọc lại và nghĩ suy về hai câu thơ của ông để lại cho hậu thế: Chiến trường ai khóc chia phôi...

Huy Trụ cho rằng:

Thơ là rượu của thế gian

Phải đâu nước lọc rót tràn mời nhau.

Cho đời nhớ được một câu

Bạc đầu người viết chắc đâu đã thành!

Còn nhà thơ Khương Hữu Dụng, người con của Quảng Nam, sống đến tuổi một trăm, đánh giá hai câu thơ của Hồ Thấu như sau: Chỉ với một bài, thậm chí với một câu thơ hay như thế cũng đủ là một nhà thơ, một sự nghiệp!

Không chỉ là một câu thơ hay, mà câu thơ của ông là một lời tâm niệm cuối cùng từ một trái tim son và bầu máu nóng nhắn gửi lại cho người đời sau! Chiến tranh lùi xa dần, xã hội phát triển không ngừng, chúng ta đã có một chính sách lớn về công tác đền ơn đáp nghĩa - một nghĩa cử của đạo lý uống Nước nhớ Nguồn của dân tộc Việt Nam. Chúng ta đã làm rất nhiều công việc có ý nghĩa để làm cho những vết thương kéo dài trong ba mươi năm chiến tranh liền miệng, cố khép lại quá khứ hướng đến tương lai. Và, còn nhiều việc nói về Hôm qua chúng ta cần làm tiếp.

Lập lại hòa bình, nhiều người tưởng cuộc chiến đã kết thúc.Thật sự thì chưa kết thúc! Còn không ít gia đình, người thân của chúng ta vẫn buồn khóc vì chia phôi do chiến tranh, vì hài cốt người thân vẫn chưa tìm được và không hy vọng tìm ra, vì những mất mát hữu hình và vô hình không gì bù đắp được. Và, kẻ thù truyền kiếp của chúng ta thì luôn hăm he, rình rập, luôn đe dọa, làm cho chúng ta không yên và nhất định chúng ta không để mất cảnh giác!

Một hiện tượng không phổ biến nhưng làm người đời suy nghĩ không yên là có một lớp con cháu sinh ra sau chiến tranh, sống trong thời hiện đại hóa, sống trong giàu sang, chỉ nghĩ đến xe hơi, nhà lầu, chưa thật quan tâm đúng mức đến việc nhắc đến người hôm qua, mà lo làm giàu về đời sống vật chất, lo đối mặt với một thế giới không hề yên ổn, canh cánh vì đang từng ngày ‘‘tự đầu độc từ bên trong’’.

Nhắc đến người hôm qua! Khi về Vinh Huy xã Bình Trị tìm thăm cái chợ Vinh Huy ngày xưa ở vị trí nào, và cái trường Đảng mang tên Hồ Thấu ở đâu, rồi về Tam Thăng, đến thăm đình Vĩnh Bình, thì nhớ đến chuyện ông Hồ Thấu về điều dưỡng, làm thơ và mất ở đây, tôi tự hỏi: Tại sao, ngày nay người ta không đặt tên cho một Trường Đảng, hoặc Trường đào tạo cán bộ của tỉnh mang tên Hồ Thấu? Và, tại sao, bên ngôi đình Vĩnh Bình, nay đã được trùng tu, người ta không, ít ra, dựng một tấm bia, trên bia khắc tên ông, năm sinh, năm mất và hai câu thơ nổi tiếng của ông! Chỉ cần hai câu, hai câu thơ nhắn gửi Cuộc Đời!

Thời gian cho ta rất nhiều, thời gian cũng vô cùng khắc nghiệt luôn đồng lõa với bệnh lãng quên sẽ xóa đi tất cả, nếu không có những câu chuyện kể về những ngày hôm qua, không có những trang văn, những câu thơ hay nói về tình yêu quê hương, không có những bài báo thôi thúc, nhắc nhở con người...

H.D.L