Hồ Thấu - Một nhà giáo khả kính, một nhà thơ tài hoa - Hồ Văn Trường

06.07.2018

Hồ Thấu - Một nhà giáo khả kính, một nhà thơ tài hoa - Hồ Văn Trường

Cố nhà giáo - cố thi sĩ Hồ Thấu sinh năm 1918, là con thứ mười trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước ở làng Trung Thái tổng Duy Đông, nay là thôn Phú Bông xã Duy Trinh.

Ông nội là Hồ Văn Chất, thành viên trong đội thân binh bảo vệ cấm thành của kinh thành Huế triều nhà Nguyễn. Năm 1885, sau sự biến kinh thành Huế thất thủ, ông theo hộ giá vua Hàm Nghi ra Tân Sở Quảng Trị, tại đây nhà vua ban hịch Cần Vương kêu gọi tầng lớp sĩ phu đứng lên chống Pháp. Mấy năm sau, khi nhà vua bị giặc Pháp bắt và bị lưu đày, ông trở về quê làm ruộng nuôi con.

Thân phụ là cử nhân Hán học Hồ Hoàng, đỗ cử nhân khoa thi hương năm Kỷ Dậu - Duy Tân thứ 3 (1909), làm quan huấn đạo, tức quan trông coi việc học ở hai huyện Quế Sơn và Tiên Phước, sau thăng làm trưởng ty Niết rồi trưởng ty phiên tỉnh Bình Định, được ban tước Hồng lô tự thiếu khanh, hàm tòng tứ phẩm. Người dân quê thường gọi là ông Hường Hồ.

Các người anh trai của ông là Hồ Phùng, Hồ Nghinh, Hồ Tống và em trai Hồ Liên (tức Hoàng Bích Sơn) là những người có đức hạnh, có tư chất thông minh, học giỏi, đặc biệt người anh kế ông là Hồ Tống năm hai mươi tuổi đã đỗ một lúc ba bằng tú tài (tú tài toán học, tú tài triết học và tú tài bản xứ), năm hai mươi hai tuổi đỗ đầu kỳ thi tri huyện ở Trung Kỳ, được bổ nhiệm làm tri huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên. Các ông Hồ Nghinh, Hồ Liên là những trí thức yêu nước, trước khi bước vào con đường hoạt động chính trị, các vị là những nhà giáo vừa dạy kiến thức vừa truyền bá tư tưởng yêu nước cho các thế hệ học trò. Sau này khi tham gia cách mạng, các vị đã nhận lãnh nhiều trọng trách quốc gia, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Sau khi đỗ tiểu học Pháp - Việt tại Hội An, Hồ Thấu vào học trung học tại Quốc học Quy Nhơn. Năm 1936, thi đỗ bằng Thành chung tại đây. Tiếp đó, ông học ban chuyên tú tài tại Quốc học Huế, cùng thời với Huy Cận, một trong những nhà thơ nổi tiếng trong phong trào “Thơ mới” những năm 30 của thế kỷ 20.

Vốn là người thông minh và tài hoa, ông không chỉ học giỏi các môn toán, triết học, Pháp ngữ... mà còn giỏi cả các lĩnh vực nhạc, họa, văn thơ và thể thao. Khi còn học trung học ở Quy Nhơn, ông được các bạn đồng môn chọn là một trong ba người học giỏi nhất có tên chữ T tức Hồ Thấu, Lê Văn Thiêm và Nguyễn Thương. Cả ba người này sau khi đỗ Thành chung đều ra học tiếp ở trường Quốc học Huế. Ông Hồ Liên (Hoàng Bích Sơn) nhớ lại: “Trong bốn người anh của tôi học ở trường Quốc học Huế, Hồ Thấu không phải là người học giỏi nhất, nhưng là người có tài năng nhất. Từ ban cao đẳng tiểu học đến ban tú tài, anh học giỏi ở tất cả các môn. Ngoài ra, thể thao, văn hóa văn nghệ anh cũng giỏi về nhiều môn như bóng bàn, quần vợt, bơi lội, hội họa, âm nhạc... Bạn bè thường khen Hồ Thấu có óc thông minh và bàn tay khéo léo, tài hoa”.

Học trò xứ Quảng ra Huế học cùng thời với Hồ Thấu có Trần Tống, Võ Quảng, Nguyễn Văn Bổng, Trần Đình Tư, Đỗ Ngọc Mai học trường Quốc học, Huỳnh Ngọc Huệ, Lưu Quý Kỳ học trường Kỹ nghệ thực hành. Sau này họ đều trở thành những nhà chính trị, nhà khoa học, nhà giáo nổi tiếng của đất nước.

Trong thời gian học ở Quốc học Huế, ông chịu ảnh hưởng các phong trào cách mạng và tư tưởng dân chủ của Mặt trận Bình dân Pháp, phong trào Mặt trận Dân chủ, phản đế sôi động lúc bấy giờ. Là một thanh niên có học vấn, nhạy cảm với thời cuộc, ông đã tiếp nhận các trào lưu tư tưởng và chứng kiến các phong trào cách mạng đang diễn ra ở kinh đô.

Thời gian này ông có làm thơ, tiếc rằng hiện nay không có ai lưu giữ được bài thơ nào của ông sáng tác trong giai đoạn này. Nhà thơ Huy Cận viết: “Nhớ Hồ Thấu là nhớ một người cùng thế hệ với tôi, thế hệ đi vào đời thơ giữa cao trào “Thơ mới” những năm 30 của thế kỷ. Anh Thấu và tôi cùng học trường Quốc học Huế, tôi lớp trước, anh lớp sau. Lúc ở trường tôi đã nghe nhiều bạn nhắc nhở đến thơ anh, nhưng thơ anh ít đăng báo nên chưa được phổ biến rộng rãi”.

Sau khi đỗ tú tài toán phần một, trong một lần đấu quyền anh tại Huế, ông bị thương ảnh hưởng đến phổi, do đó không thể tiếp tục việc học. Ông trở về quê dưỡng bệnh, tự học, đọc sách, viết văn, làm thơ và dạy học. Lúc này thân phụ ông, quan Hồng lô tự Thiếu khanh Hồ Hoàng đã về trí sĩ tại quê nhà.

Thời kỳ này, ngành dệt lụa tơ tằm ở quê ông phát triển cực thịnh nhờ cuộc “Cách mạng” ngành dệt từ sáng chế khung cửi máy của ông Võ Dẫn ở Thi Lai. Ngành dệt phát triển đã biến đổi một vùng quê thành những làng nghề ươm tơ, dệt lụa có trình độ kỹ thuật cao, sản xuất hàng hóa lớn, thương mại dịch vụ phát triển, Thi Lai trở thành trung tâm tơ lụa lớn của cả nước, mang lại đời sống ấm no, sung túc cho đại bộ phận dân cư trong vùng. Một số gia đình làm nghề dệt trở nên khá giả, họ sẵn sàng đóng góp tiền của để con em họ có một chỗ để học chữ, một số trí thức tân học ở Duy Trinh cũng nhân đó đứng ra vận động quyên góp xây dựng một ngôi trường tiểu học, trong đó có người anh Hồ Nghinh của ông. Năm 1940, trường tiểu học tư thục Tân Tân bắt đầu hoạt động. Đây là trường tiểu học tư thục hợp pháp và quy cũ đầu tiên ở phủ Duy Xuyên. Tiếng là trường tư thục nhưng chỉ thu học phí tượng trưng, mọi chi phí hoạt động đều dựa vào các nhà tài trợ ở Thi Lai và Phú Bông. Trường dạy đủ 6 lớp bậc tiểu học theo chương trình thời đó, có đầy đủ các môn học như: Pháp văn, lịch sử, địa lý, khoa học, đức dục,...

Trường Tân Tân mở ra ngoài mục đích dạy chữ, còn là nơi truyền bá tinh thần yêu nước và những tư tưởng dân chủ tiến bộ, do những trí thức tiến bộ và các chiến sĩ cách mạng đang bị thực dân quản thúc tại quê hương thực hiện. Nhiều thế hệ học sinh từ mái trường này đã trưởng thành, nhiều người tham gia kháng chiến cứu quốc. Chính điều đó, trong dịp khánh thành trường Tân Tân được xây dựng lại năm 1999, ông Hoàng Bích Sơn - em trai ông Hồ Thấu, nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao, thầy giáo cũ của trường phát biểu đại ý rằng: Về phương diện truyền bá chủ nghĩa yêu nước, thức tỉnh đồng bào thì trường Tân Tân thuở ấy chính là một trường Đông kinh nghĩa thục thứ hai của Việt Nam ở đất Quảng Nam.

Sau thời gian tĩnh dưỡng, sức khỏe dần hồi phục, ông tham gia dạy học ở ngôi trường này. Khoảng năm 1940 - 1941, khi sức khỏe đã khá hơn, ông được ban quản trị nhà trường mời làm hiệu trưởng thay thế vị hiệu trưởng tiền nhiệm. Bằng nhiệt huyết, năng lực và uy tín của mình, ông đã làm cho ngôi trường ngày càng khang trang bề thế, mời được các thầy giỏi các nơi như Đà Nẵng, Hội An về dạy. Nhà thơ Lưu Trọng Lư cũng đã về đây dạy học một thời gian, tại đây nhà thơ đã sáng tác vở kịch “Đời thi sĩ”. Vở kịch này cùng với vở “Ái tình và sự nghiệp” của Hồ Thấu, được thầy và trò trường Tân Tân tập luyện và công diễn, khán giả quê nhà và khán giả các địa phương nơi đoàn kịch đến diễn như Vĩnh Điện, Hội An, Tam Kỳ đều tán thưởng.

Học trò của ông, sau này có nhiều người thành đạt, trở thành những nhà lãnh đạo, những sĩ quan cao cấp của quân đội, những nhà giáo... mỗi khi nhắc về ông, tất cả đều dành cho ông tình cảm quý trọng đặc biệt. Theo lời ông Lê Đào, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng: “Tôi là học trò anh Hồ Thấu. Sở dĩ tôi gọi bằng anh vì anh muốn thế. Gọi như vậy càng gần gũi hơn: ngoài tình thầy trò còn có tình cảm anh em. Thường học trò nào cũng quý thầy, nhưng ở anh Hồ Thấu có nét riêng biệt. Là một người xuất thân thành phần trên nhưng rất khiêm tốn, không khoe khoang, không xu nịnh, không ghen ghét, thật lòng, bao dung, che chở, có đầu óc tự tin, tự trọng, độc lập, không tự phụ, không tính toán cá nhân hơn thiệt. Vì thế mà học trò và bè bạn ai cũng thương, cũng trọng”. Một người học trò khác của ông là Mai Trực, sau trở thành một nhà giáo viết: “Đốt nén tâm hương tưởng nhớ đến người thầy cũ - Nhà giáo Hồ Thấu - một tấm gương sáng, mà trong suốt đoạn đời cầm phấn đứng trên bục giảng con đã cố noi theo”.

Ông vừa dạy học, viết văn, viết kịch, làm thơ và tham gia phong trào cứu nước tại quê nhà. Khi được tiếp xúc với tài liệu của Việt Minh và được giao nhiệm vụ truyền bá rộng rãi những tài liệu này, ông làm việc quên ăn, quên ngủ mặc dù lúc đó ông còn là bệnh nhân. Ông đã biến phòng ngủ thành nhà in với phương tiện thô sơ là chiếc máy chữ cũ kỹ để in báo và tài liệu, nhân ra nhiều bản phân phát cho các nơi. Chính trong thời gian này, với niềm cảm hứng kỳ diệu của không khí cách mạng tiền khởi nghĩa, ông đã viết bài thơ Lên đường, nội dung và giọng điệu hùng hồn như một lời hịch kêu gọi thống thiết:

….

Đời xây trên bất công

Đời xây trên áp bức

Ai hút máu của muôn đời lao lực

Sống phù hoa trên thi thể nhân gian

Kiếp nô lệ ngập chìm bao bể cực

Đang quặn đau trong giá lạnh đêm tàn!

Bài thơ kêu gọi các tầng lớp trung lưu, trí thức đứng lên gia nhập vào cao trào cách mạng:

Kẻ lo chi định mệnh

Kẻ ôm chi kinh thư

Kẻ chờ chi ngày tạnh

Kẻ mơ chi trường tư

Hãy đứng dậy lên đường

Nhập vào lòng biển cả

Đời không còn xa lạ

Đời chỉ là mến thương

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, ông được cử làm Chủ tịch xã Yên Bái, là một trong ba xã nhỏ của Duy Trinh lúc đó, rồi vào Ủy ban cách mạng lâm thời huyện, làm Ủy trưởng giáo dục huyện Duy Xuyên. Bằng nhiệt huyết tuổi trẻ và kinh nghiệm trong nghề giáo, ông đã cho mở nhiều lớp bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ khắp các thôn xã trong huyện, tại Duy Trinh lúc đó có các thư viện nổi tiếng như Hồng Tinh, Đại Chúng, Bình Dân  được tổ chức và điều hành bằng trí tuệ và công sức của ông.

Sau Hiệp định sơ bộ ký giữa chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính phủ Cộng hòa Pháp ngày 6/3/1946, quân Pháp được vào thay quân Tưởng Giới Thạch đóng quân ở một số thành phố của nước ta, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Cấp trên đã giao trách nhiệm cho ông làm phó trưởng đoàn đại diện quân đội Việt Nam trong Ủy ban Liên kiểm Việt - Pháp tại Đà Nẵng (một tổ chức được lập ra để đảm bảo thi hành Hiệp định sơ bộ 6/3 và Thỏa ước tạm thời 14/9). Là người thông thạo Pháp ngữ và văn hóa Pháp, với vai trò phó trưởng đoàn đại diện quân đội Việt Nam, ông đã hoàn thành tốt trọng trách của mình. Trong điều kiện lúc đó, có được một sĩ quan có bản lĩnh, thông thạo ngôn ngữ và văn hóa Pháp như ông để làm công tác đấu tranh ngoại giao với kẻ địch là vốn quý.

Ông viết bài thơ Mùa thơm trong thời gian công tác tại Ủy ban Liên kiểm Việt - Pháp ở Đà Nẵng. Bài thơ là dấu hỏi về số kiếp nhân sinh và con đường giải thoát những trầm luân khổ nạn con người:

Ai lạ ngàn khơi sầu số kiếp   

Đến đây nhập hội lá hoa duyên

Thời gian ngừng đọng rêu thành đá

Từng giọt hồn tan nước động thuyền

 

Ai lạ khổ đau đời chật hẹp

Đến đây nghe gió quyện bao la

Mênh mông trời biếc lòng trinh nữ

Ấp mãi tình mơ trên đá hoa

Từ những bao giờ ai đến đây

Ghi tên vào đá gửi làn mây

Người đi mấy kiếp luân hồi nhỉ!

Tên tuổi trơ vơ cát bụi đầy

 

Chở hồn lên đỉnh Ngũ Hành Sơn

Nhìn xuống nhân gian ngút khí hờn

Ai hãm cuộc đời trừng lửa thép

Ai băng đường máu đến mùa thơm

Tháng 12 năm 1946, quân Pháp phản bội hiệp định đã ký, gây hấn khắp nơi, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Ủy ban Liên kiểm Việt - Pháp kết thúc nhiệm vụ. Hồ Thấu được cử vào Ban chấp hành đảng bộ liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Lúc bấy giờ, cơ quan lãnh đạo của tỉnh có ông là người địa phương và kỹ sư Lưu Thọ, người miền Bắc theo đoàn quân Nam tiến vào là hai người học đến tú tài Tây, được gọi là trí thức, còn phần lớn các tỉnh ủy viên là các chiến sĩ cách mạng lâu năm vừa ở tù ra, nhiều người học vấn còn hạn chế.

Lúc này, cuộc kháng chiến đã đi vào giai đoạn ác liệt, quân Pháp lập nhiều đồn bót, ra sức càn quét, đốt phá các xóm thôn, dòng người gồng gánh tản cư khắp nơi. Hồ Thấu lúc này đã công tác ở tỉnh nhưng lòng vẫn luôn hướng về quê nhà. Ông viết bài thơ Quê hương vào năm 1947 khi nghe tin quê nhà Duy Trinh bị giặc Pháp càn quét, tàn phá:

Chiến khu chiều mưa đổ

Buồn vây nhớ quê hương

Nhà ta trống cửa ngõ

Giặc đốt trơ mảnh tường

Láng giềng vui mấy kẻ

Lạnh tanh còn ai đâu

Người tản cư lặng lẽ

Người chết chôn không sâu

 

Làng ta mấy trận đốt

Nhà cửa liệt tro tàn

Cây cối thiêu xơ xác

Đất chết đồng bỏ hoang

 

Không gà gáy chó sủa

Không giọng hát đưa em

Bếp trưa không đỏ lửa

Hoàng hôn không ánh đèn

Lòng quặn đau trước những mất mát, hy sinh của đồng bào, đồng chí và những người ruột thịt nơi quê nhà; Hồ Thấu cũng rất tự hào và không tiếc lời ca ngợi khí phách anh hùng, những chiến công của quân dân Duy Trinh:

Nằm giữa ba đồn giặc

Rực rỡ lò hy sinh

Trên tro hồng máu đọng

Anh hùng lớp lớp sinh

……

Anh hùng mới mười tuổi

Du kích trốn mẹ cha

Đầu bạc không hề cúi

Chửi giặc chết cười khà

 

Anh hùng đoàn cảm tử

Quấn gót thù không ly

Anh hùng thân nhi nữ

Vào đồn giắt thù đi

Vào Tỉnh ủy, ông Hồ Thấu được Ban chấp hành Liên Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng phân công phụ trách công tác mặt trận và văn hóa giáo dục. Lúc này, phạm vi hoạt động của ông rất rộng, từ miền xuôi đến miền núi Quảng - Đà. Ông từng chủ trì mở các lớp bồi dưỡng kiến thức văn hóa sáu tháng, chín tháng, một năm nhằm góp phần đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, nhất là những cán bộ tham gia cách mạng sớm nhưng chưa được học văn hóa bao nhiêu. Thời đó có một trường văn hóa mang tên Hồ Thấu được mở tại Minh Huy (xã Bình Trị huyện Thăng Bình).

Từ năm 1947 đến khi mất năm 1949, ông là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Liên Việt liên tỉnh, đặc trách các lĩnh vực trí thức, văn hóa, giáo dục và tuyên huấn của Tỉnh ủy. Trong ba anh em ruột cùng hoạt động cách mạng, ông là người tham gia Tỉnh ủy trước anh là ông Hồ Nghinh và em là Hồ Liên (tức Hoàng Bích Sơn).

Là một cán bộ chính trị nhưng ông rất yêu văn nghệ, quan tâm đến hoạt động văn hóa, văn nghệ. Cuối năm 1947, khi tỉnh Quảng Nam thành lập ty Thông tin tuyên truyền, xuất bản tờ báo Chiến Thắng, đoàn Văn hóa Kháng chiến ra đời, do Hồ Thấu phụ trách, có Phạm Văn Kỳ, Trinh Đường cùng tham gia, hai hoặc ba tháng ra một tập sáng tác văn nghệ gồm thơ ca, hò vè, bút ký, truyện ngắn. Đoàn Văn hóa Kháng chiến thường tổ chức những đêm văn nghệ xuống tận các xã, thôn phục vụ đồng bào, luôn được đông đảo người dân đến xem, cổ vũ.

Do mắc bệnh phổi từ một trận đấu quyền anh thời còn đi học, mặc dù đã có thời gian tĩnh dưỡng song sức khỏe của ông chưa hoàn toàn bình phục. Trong thời gian tham gia kháng chiến, điều kiện công tác và sinh hoạt gian khổ, ông phải đi lại nhiều nơi trong tỉnh bằng chiếc xe đạp nên bệnh cũ tái phát, ngày càng nặng thêm. Ông cố che giấu bệnh tật để tiếp tục những công việc còn dang dở.

Cuối cùng, do bệnh tật đã trầm trọng, ông mới chịu đi điều trị tại bệnh viện dân y Cây Sanh, sau đó về dưỡng bệnh ở dưỡng đường Quý Phú thuộc xã Tam Thanh, Tam Kỳ. Dưỡng đường là một ngôi nhà ngói đơn sơ, với vài chục giường nằm, thuốc men thiếu thốn, có người bị bệnh phổi phải nhờ người về vùng địch tạm chiếm mua từng lọ streptomycin. Tác giả Nguyễn Xuân Vũ viết trong bài Nhớ mãi nhà thơ Hồ Thấu: “Qua khỏi rặng tre phía sau dưỡng đường, chúng tôi băng qua một bãi cát cháy bỏng lúc nắng trưa dưới những tán khuynh diệp lưa thưa. Giữa những tán khuynh diệp ấy, có một ngôi miếu cũ nhỏ vừa đủ kê một chiếc giường càng nhỏ hơn. Nơi đó, nhà thơ Hồ Thấu một mình đang nằm, giằng co với căn bệnh lao đã đến thời kỳ bộc phát. Thời bấy giờ, bệnh lao được xem như nan y. Không một ai được đến gần, chỉ trừ một bà cụ chăm sóc lo cơm nước cho nhà thơ hằng ngày và cô y tá Cúc hiền dịu cứ sáng chiều đến săn sóc thuốc men. Nhà thơ Hồ Thấu đã viết những bài thơ gởi cho bà cụ hoặc cô Cúc đem ra ngoài”.

Thời gian nằm trên giường bệnh, nhớ người, nhớ cảnh và sớm nhận biết mệnh bạc của mình, Hồ Thấu đã viết một số bài thơ nhắc những kỷ niệm thời kháng chiến, những tiếc nuối không còn được chung lưng cùng bạn bè, đồng đội trên trận tuyến chống quân thù như: Nhớ đường (1947), Gởi bạn Trần Đình Tri (1947), Nhớ Trinh Đường (1948)... và bài thơ tuyệt mệnh Gởi Kỳ viết vào một ngày đầu đông năm 1949, trước khi từ giã cõi đời.

“Hồ Thấu ra đi không chỉ làm xúc động tiếc thương cho riêng Liên Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, mà còn gây sự xúc động và niềm tiếc thương vô hạn trong cán bộ, đảng viên, thanh niên, học sinh và nhân dân cả tỉnh lúc bấy giờ. Để tưởng nhớ ông, Thường vụ Liên Tỉnh ủy đã lấy tên ông đặt tên cho trường đảng tỉnh - trường đảng Hồ Thấu”.

Nhiều người nhận xét, Hồ Thấu là một nhà hoạt động chính trị, không những biết làm thơ mà còn làm thơ hay. Khác với những nhà thơ hiếm hoi trong kháng chiến chống Pháp ở Quảng Nam như Khương Hữu Dụng, Lưu Quang Thuận, Trinh Đường, Nguyễn Đình, Lưu Trùng Dương; họ bước vào cuộc kháng chiến bằng chính con đường hoạt động văn học nghệ thuật, sáng tác của họ là thứ vũ khí chiến đấu chống quân thù, trong khi Hồ Thấu dấn thân vào cuộc kháng chiến bằng con đường hoạt động chính trị, tưởng như không liên quan gì đến lĩnh vực sáng tác, tuy nhiên ông đã để lại cho đời một số bài thơ, tuy không nhiều nhưng lại là những bài thơ hay với nhiều câu thơ bất hủ. Tiếc rằng cuộc đời ông quá ngắn ngủi, thi phẩm bị thất lạc do hoàn cảnh chiến tranh. Nhưng, chỉ với một số bài thơ còn được lưu truyền, tên tuổi của ông vẫn còn lưu dấu trong lòng nhiều thế hệ. Thơ của ông được nhiều người chuyền tay nhau đọc, có nhiều người thuộc và được lưu giữ lại từ trí nhớ mông mênh của đại chúng, được quần chúng xem như những lời nhắn nhủ, tâm tình, vì vậy thơ ông đã gieo vào lòng công chúng những cảm xúc mạnh mẽ, khó quên.

Những bài thơ của ông từng được Trinh Đường, Khương Hữu Dụng, Tế Hanh, Huy Cận tán thưởng. Nhà thơ lão thành Khương Hữu Dụng nhận xét: “Chỉ với một bài, thậm chí với một câu thơ hay như thế cũng đủ là một nhà thơ, một sự nghiệp!”. Bạn ông, nhà thơ Khôi Anh Phạm Văn Kỳ đã sưu tầm và hợp thành tập Thơ Hồ Thấu, chưa kịp xuất bản thì ông Kỳ mất, tập bản thảo từ đó cũng bị thất lạc.

Trước năm 1975, ở miền Nam, khi biên soạn và xuất bản cuốn Thi ca Việt Nam hiện đại (1880 - 1965), tác giả Trần Tuấn Kiệt đã mạnh dạn nêu tên tác giả Hồ Thấu với hai bài thơ Gởi anh Trần Đình TriGởi Kỳ.

“Năm 1972, trên mặt báo chí Sài Gòn có bài Hồ Thấu - Một thi nhân trọn vẹn của Hồ Thị Phố Châu, một sinh viên Đại học Văn khoa, tác giả giới thiệu Hồ Thấu với bài thơ Gởi Kỳ của ông và cho rằng chỉ cần đọc lại “bài thơ tuyệt tác”, “còn truyền tụng đến ngày nay” “cũng đủ hiểu rõ tâm tình, cảm nghĩ của cả đời ông”.

Tưởng niệm 50 năm ngày ông qua đời (1949 - 1999), năm 1999, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Tâm lý - Giáo dục thành phố Đà Nẵng và Ban liên lạc đồng hương Duy Xuyên tại Đà Nẵng đồng tổ chức buổi sinh hoạt tưởng niệm ông. Sau đó không lâu, tập sách Hồ Thấu - Nhà trí thức cách mạng cũng được Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật đứng tên xuất bản, có in một số bài thơ vừa sưu tầm do ông sáng tác. Thời gian gần đây, một số người sưu tầm thêm được một số bài thơ nữa của ông như bài Kỷ niệm cách mạng tháng Tám, bài Mùa thơm và bài Thơ gởi Hoàng Bích Sơn.

Những bài thơ như Nhớ đường, Nhớ Trinh Đường, Gởi anh Trần Đình Tri là chùm thơ ông viết trong giai đoạn sức lực đã đến hồi suy kiệt. Ngoài những câu thơ nói về nỗi nhớ bạn bè, đồng đội, những kỷ niệm trên bước đường kháng chiến và nỗi luyến tiếc không được góp sức mình vào công cuộc kháng chiến, còn là nỗi cô đơn thường trực bủa vây quanh ông, khi đọc những dòng này, người đọc không khỏi bùi ngùi, thương cảm:

Cánh rộng anh bay trời vạn dặm

Em nằm chờ đợi phút điêu linh

Thương nhau ta biết làm chi nhỉ

Chỉ biết chiều nay em nhớ anh

(trích bài thơ: Gởi anh Trần Đình Tri)

Hay:

Mông mênh thôi quá mông mênh

Mình ta bé nhỏ lênh đênh canh trường

Mình ta nghe sóng đại dương

Mình ta nghe gió bốn phương thổi về

Mình ta đơn hận sơn khê

Một chiều khói lửa bốn bề binh đao    

(trích bài thơ: Nhớ Trinh Đường)

Bài thơ Gởi Kỳ được xem như bài “huyết lệ”, là lời trăng trối, là bản di chúc bằng thơ của ông gởi lại nhân gian thông qua người bạn thơ Phạm Văn Kỳ.

Trong cuốn THƠ CA VIỆT NAM HIỆN ĐẠI (1888 - 1965) của Trần Tuấn Kiệt xuất bản ở miền Nam trước năm 1975, Trần Tuấn Kiệt ghi về Hồ Thấu “Có người ghi lại rằng, lúc đang hấp hối bạn thân ông, tức Ấm Kỳ về thăm. Ông hồi sinh sau một ngày tê liệt, và tự nhiên bảo Ấm Kỳ lấy giấy bút ra chép bài thơ Gởi Kỳ do ông ứng khẩu đọc ngay. Khi đọc xong bài thơ, ông ngã ra tắt thở”.

Sự thực, người bạn thân thuở thiếu thời của ông là Nguyễn Đình Cừ, con của cử nhân Nguyễn Đình Tập, thường gọi là ông Hường Nguyễn. Vì là con quan, ông Cừ được hưởng chế độ tập ấm nên người dân quê gọi là Ấm Cừ. Ông Hường Hồ (Hồ Hoàng - cha của Hồ Thấu) và ông Hường Nguyễn (Nguyễn Đình Tập) đều xuất thân khoa bảng nên rất thân nhau. Hồ Thấu và Ấm Cừ cùng lứa tuổi, nhà ở gần nhau nên thân nhau cũng vì lẽ đó. Ông Ấm Cừ cũng đi theo kháng chiến, có thời gian làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến huyện Duy Xuyên, sau này được Nhà nước công nhận là liệt sĩ. Biết tin bạn đau nặng, Ấm Cừ tìm đến thăm, lúc này Hồ Thấu đã đến hồi suy kiệt, lúc tỉnh lúc mê. Nhờ có sự viếng thăm của người bạn thân Ấm Cừ, Hồ Thấu mới “tỉnh hồn hồi sinh” và để lại cho đời một bài thơ hay “Gởi Kỳ” với những câu thơ bất hủ:

“Chiến trường ai khóc chia phôi

Khải hoàn ai nhắc tới người hôm qua”

Lâu nay, có một số người lầm tưởng người đến thăm Hồ Thấu lúc lâm chung là Phạm Văn Kỳ, và ông Kỳ ghi lại bài thơ do ông Hồ Thấu đọc. Mà sự thực chính Ấm Cừ (tức Nguyễn Đình Cừ) là người ghi lại bài thơ đó. 

Nhà thơ Hoàng Minh Nhân nhận xét: “Quả sức sáng tạo thi ca của thi sĩ Hồ Thấu là kỳ diệu. Đã hấp hối rồi, không chỉ sống lại, mà còn đủ minh triết, còn đủ sức mạnh xuất thần, xuất thần sáng tác được một bài thơ dài vào loại xuất sắc nhất của thơ ca kháng chiến giàu âm hưởng trữ tình, lãng mạn cách mạng, hiếm thấy những ngày đầu chống Pháp của thơ ca đất Quảng nói riêng và thơ ca Việt Nam nói chung: trong sáng đến hồn nhiên, say đắm đến rạo rực, tha thiết đến si mê, coi cái chết tợ lông hồng, hòa trộn cái tôi vào cái ta mênh mông ngàn thương nhớ, đầy nhân bản và bừng sáng trí tuệ... Nói chung, bài thơ này vượt trội lên một bực với những người cùng thời ở quê hương Quảng Nam trước năm 1950. Điều đó thật đáng tự hào và đáng ghi nhớ!”.

Thiết nghĩ không còn nhận xét nào về bài thơ Gởi Kỳ của Hồ Thấu xác đáng hơn ý kiến nêu trên.

Nhà thơ Khôi Anh Phạm Văn Kỳ, người bạn thơ tâm đắc nhất của ông, đã viết bài thơ “Khóc Hồ Thấu”:

Hồ Thấu anh ơi! Chiều nay sầu vĩnh biệt

Giữa muôn người luyến tiếc lệ tiễn đưa

Khóc thương anh biết mấy kể cho vừa

Vì hoa rụng giữa mùa căng nhựa sống...

Sau khi qua đời, vì điều kiện chiến tranh, mộ phần ông nằm lại đất Tam Thanh, Tam Kỳ, nơi ông nằm dưỡng bệnh và từ giã cõi đời. Vào giữa thập kỷ 80 của thế kỷ 20, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng cùng với gia đình đã chuyển hài cốt ông về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Duy Trinh, quê hương ông. Nửa sau thập kỷ 90, các cơ quan có trách nhiệm đã lập thủ tục để Nhà nước công nhận ông là liệt sĩ và truy tặng ông Huân chương Độc lập hạng II.

Năm 2010, bà Vũ Thị Kim Hoàng, vợ cố Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, cố Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Bích Sơn, là em dâu ông cùng các cháu ông đã xin phép chính quyền đưa hài cốt ông về an nghỉ bên cạnh ông bà, cha mẹ, anh em của ông tại nghĩa trang gia tộc Hồ tại Chiêm Sơn.

Phần mộ ông giờ nằm trên đồi cao, bốn mùa gió lộng, thông reo; phía dưới là đồng lúa hai mùa xanh tốt. Quanh mộ ông nằm được trồng nhiều loại hoa, đủ các sắc màu như lời trăng trối của ông ngày nào:

Chết đi như khách qua đàng

Ôm đầy hoa lá giàu sang xuống mồ

Tên ông được đặt cho một con đường gần bờ biển thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, gần hai con đường mang tên người anh Hồ Nghinh và người em Hồ Liên (Hoàng Bích Sơn) của ông.

Cố nhà giáo - cố thi sĩ Hồ Thấu đã từ giã cõi đời gần 70 năm và chiến tranh cũng đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Ngoài các vị cao niên sống cùng thời với ông, phần lớn trong chúng ta hôm nay là những thế hệ sinh sau, chỉ được biết về ông qua  những trang sách và những vần thơ ông để lại. Có lẽ chúng ta đều có chung suy nghĩ và hình dung về Hồ Thấu: Đó là một nhà giáo khả kính và tâm huyết, là một nhà thơ tài hoa bạc mệnh, một chiến sĩ cách mạng kiên cường... Và vượt lên trên những danh xưng do người đời ban tặng ấy, ông là một con người dấn thân cho chí cả, coi cái chết tợ lông hồng:

“Thấy đời còn quặn khổ đau

Mắt trong xàu héo trước màu đục nhơ

Lên đường như đứa trẻ thơ

Quản gì nguy hiểm bụi bờ chông gai

Một lòng tin chắc tương lai

Trời xanh thơ đẹp không ai riêng mình…”

Cuộc đời Hồ Thấu tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng trong sáng và cao đẹp, suy nghĩ và hành động luôn hướng về cái đẹp:

“Chừ đây ôn lại đời ta

Một đời trong trắng như hoa giữa đồng

Ái ân chưa vướng tấc lòng

Bạc tiền chưa bận túi không bao giờ

Trong đời chỉ đẹp và thơ

Yêu đời dù đến ngẩn ngơ cũng đành...”

Cho đến những giây phút sắp từ giã cõi đời, “đứng bên bờ tử sinh mà câu thơ vẫn đẹp một cách kiêu bạc”, vẫn “trong sáng đến hồn nhiên, say đắm đến rạo rực, tha thiết đến si mê, hòa trộn cái tôi vào cái ta mênh mông ngàn thương nhớ, đầy nhân bản và bừng sáng trí tuệ”.

Trong tác phẩm Con đường đau khổ, nhà văn người Nga Alexei Tolstoy đã viết một câu rất hay: “Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét, chỉ còn lại không phôi pha tấm lòng em nhẫn nại dịu dàng và chan chứa tình yêu thương”. Có lẽ tấm lòng của Hồ Thấu với cuộc đời này cũng như vậy:

“Với đời ta chết từ lâu

Với ta đời vẫn một màu tươi son”

Và:

“Mắt ta khô lệ từ lâu

Mà lòng cũng hết tủi sầu nhân gian

Chết đi như khách qua đàng

Ôm đầy hoa lá giàu sang xuống mồ”.

H.V.T