Cuộc hành trình tìm về tuổi thơ - Bùi Tự Lực
Đúng là nhà văn Thanh Quế đã châm ngòi cho những kỷ niệm tuổi thơ của tôi tuôn chảy. Tác phẩm “Nội tôi” - Tập truyện ngắn đầu tay ra đời tại NXB Kim Đồng, và được nhà văn Mai Văn Kháng định dạng lại là tập truyện ngắn liên hoàn. Nhiều truyện ngắn kết nối hữu cơ thành một truyện vừa hoàn chỉnh. Rồi “Nội tôi” đã đoạt giải cao trong Cuộc vận động sáng tác truyện cho thiếu nhi năm 1999-2000. Đó thực sự là nguồn động viên, khích lệ để tôi tự tin viết tiếp. “Nội tôi” vừa mới tái bản lần thứ 7, vào tháng 6 năm 2017.
Cũng vào dịp ấy, các anh chị biên tập viên ở NXB Kim Đồng phát hiện một chi tiết rất quan trọng trong cuốn “Nội tôi”, có chương “giao bưu nhí”. Các anh gợi ý và “đặt hàng” tác phẩm tiếp theo. Liền mạch hồi ức chiến tranh, tôi viết tập truyện dài “Trên nẻo đường giao liên” (NXB Kim Đồng-2003). Tác phẩm đoạt Giải A của Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng. NXB Kim Đồng in lại lần thứ 2 vào 7/2013.
Sau 2 tập truyện vừa in tại NXB Kim Đồng, tôi trở lại thể loại truyện ngắn thiếu nhi. Những ký ức của cậu bé thất học (14 tuổi mới học lớp 3, ra miền Bắc man khai học lên lớp 4), rồi sau này có những tháng năm đi dạy học và làm cán bộ quản lý Trường trung học cơ sở.
Một lần nữa tôi lại lần về với tuổi thơ - Một tuổi thơ đã bị chiến tranh nhấn chìm trong bom đạn. Tôi tìm lại những gương mặt học trò xa xăm của mấy mươi năm trước. Và Tập truyện ngắn “Cái ống phóc và trái banh chuối” ra đời tiếp theo tại NXB Kim Đồng, năm 2005.
Đến Truyện dài “Chó hoang” (in lần đầu vào tháng 01/2017), tôi vẫn thủy chung với NXB Kim Đồng. Ở “Chó hoang” hình như tôi cũng lại nhìn thấy bóng dáng mình trong con Vằn tội nghiệp. Hồi ức tuổi thơ lại hiện về như những thước phim chiếu chậm: Sau mùa thu hoạch ra đồng mót lúa, mót khoai; sáng dậy dạo quanh bờ rào lượm những lon mắm bơ gạo. Bà con xóm làng muốn chia sẻ cảnh nghèo khó của hai bà cháu bị “cách ly” vì gia đình cộng sản. Họ muốn cho lon gạo, chai mắm nhưng phải lén lút dúi qua bờ rào, vì sợ bị liên lụy tiếp tế cho Việt cộng. Tôi thèm được đi chơi, muốn chạy nhảy leo trèo hòa cùng với bọn trẻ trong làng, nhưng hình như có một sợi dây vô hình ngăn cách. Bây giờ mỗi lần tôi về thăm quê, lại nghe các bà các mẹ kể lại rằng, vài ba tuổi đêm đêm tôi nằm ngủ ngoài lều chợ Vinh Huy (Bình Trị, Thăng Bình, Quảng Nam), vì bà và mẹ phải vào lớp “cải huấn” trong những đêm “tố Cộng” của chính quyền Ngô Đình Diệm độc tài.
2. Hành trình đi với Văn học thiếu nhi của tôi khá nhọc nhằn nhưng đầy niềm vui. Qua một vài tác phẩm được gọi là thành công viết cho các em nhờ có tâm huyết và sự bền lòng, tôi xin được chia sẻ đôi nét “cuộc hành trình tìm về tuổi thơ” mà tôi đã trải qua.
Tuổi niên thiếu trong veo nhưng khá ngắn so với một đời người, thuộc miền ký ức rất xa xăm Cuộc sống quanh ta cuộn chảy như sông, gập ghềnh như thác. Vốn sống của các nhà văn được tích lũy khá nhiều, nhưng có thể lưng vốn cóp nhặt về tuổi thơ của mình ít quá. Tuổi thơ đã lùi về trong xa xăm. So với tuổi thơ ta đã quá già, cảm thấy hụt hơi khi kéo nó lại. Nhất là những người như tôi, gần như không có tuổi thơ. Tuổi thơ bị nhấn chìm trong bom đạn. Trở về già bị thực tại xô ngã nghiêng chọc sào quấy bọt đục ngầu. Dự định ban đầu viết con mèo cho các em, nhưng viết xong lại thành “linh miêu” ăn ngủ đàn đúm với lũ chuột; định viết con cún cưng, nhưng viết xong lại ra con cáo con chồn, sống bản năng bầy đàn hoang dã. Quả thật nhiều khi tôi cảm thấy bối rối khi gắn bó rồi trở thành tác giả Văn học Thiếu nhi.
Nhà văn Lê Phương Liên, cũng là tác giả Văn học Thiếu nhi ở NXB Kim Đồng cũng đã chia sẻ với tôi rằng: Tâm hồn các nhà văn chúng ta như một ly nước, cuộc đời cứ trút vào đó nhiều thứ quá, rồi chọc thìa khấy tung lên, đùng đục nâu nâu như ly chè thập cẩm. Ta hãy bình tĩnh và điềm nhiên, đến một lúc cặn bã sẽ lắng xuống, phần nước được chưng cất nổi lên trong veo. Lúc ấy ta lại ngồi viết cho các em. Qua quá trình sáng tác, tôi tin rằng đó là một trải nghiệm.
Viết văn để bạn đọc chấp nhận được đã khó. Viết cho thiếu nhi được các em tìm đọc và yêu mến tác giả càng khó hơn nhiều, bởi các em là lớp bạn đọc rất trong sáng, hồn nhiên, vô tư, những tâm hồn rất nhạy cảm và giàu trí tưởng tượng. Vì vậy đòi hỏi các tác phẩm cho các em cốt truyện không quá rối rắm, không quá cầu kỳ trong ngôn ngữ, không phức tạp trong tình tiết, tất cả phải ngắn gọn dễ hiểu, nhưng yêu cầu giá trị thẩm mỹ và tính nhân văn phải cao.
Các em không đủ kiên nhẫn ngồi đọc những trang viết dài lê thê kể lể dông dài chim cò cây cỏ. Dùng vài trang sách để miêu tả một cuộc hẹn hò, đuổi theo một con mồi là không phù hợp. Mà yêu cầu tình tiết diễn tiến phải nhanh gọn; hợp lo gic, tính chân thật cao.
Người lớn đọc truyện có khả năng tự nhận thức và điều chỉnh, có khi còn “tự sửa sai” cho tác giả; còn các em rất thơ ngây và tin vào người lớn, các nhà văn và tác phẩm là thần tượng của tâm hồn các em. Các nhà văn viết một cái gì sai cho các em là coi như “chết chữ” rất khó sửa.
Viết văn cho thiếu nhi cần chịu khó tìm đọc, tự học cùng các em. Mỗi câu chuyện, mỗi tác phẩm cần phải cung cấp cho các em một ít kiến thức nào đó, góp lưng vốn để trải nghiệm về cuộc sống. Trong tác phẩm “Chó hoang” của tôi, con Vằn đi rông có chửa rồi đẻ một đàn chó con bỏ lại nơi đầu hè. Bị con Vằn đặt mình vào một tình thế không thể làm khác được. Vậy là tôi phải tìm đến anh bạn hành nghề bác sĩ thú y, để hỏi về quá trình con chó mẹ mang thai thế nào, cách chăm sóc đàn chó sơ sinh ra sao... để chăm nuôi, để rồi viết truyện. Nếu tôi viết sai kiến thức về nuôi chó là có tội. Nếu các em đọc và làm theo sách thì có thể giết chết mấy chú cún con.
Cùng với đọc, học là suy đoán và liên tưởng. Đây là yếu tố đặc trưng khi viết cho các em. Trong truyện ngắn “Mẹ con chú vá” (Tập truyện “Cái ống phốc và trái banh chuối”), tôi để chó mẹ bí mật đột kích vào gầm bàn thờ, xé rọ giải thoát chó con, rồi dẫn con chạy trốn qua cánh đồng. Hay trong “Chó hoang”, chống nóng cho đàn chó con giữa trưa hè, không dùng quạt máy hay máy điều hòa nhiệt độ, mà dùng gạch 6 lỗ thấm nước chất quanh xây chuồng, chợt nhớ ý thơ của Chế Lan Viên, “Một viên gạch hồng chống lại mùa băng giá...”. Trẻ em ngày nay chắc cũng như chúng ta ngày xưa, thích những cái gì đó mới lạ và hơi “quái” một chút: Trưa hè trong nhà có võng dây, võng nan, không nằm mà lại thích ra ngoài rừng nằm võng bẹ chuối, vác cây củi trên vai gọn gàng không thích lại thích cột dây mang như mang cây súng trường...
Môi trường sống của con em chúng ta ngày nay khác xa với các thế hệ ông bà cha mẹ. Các em được sống trong một xã hội văn minh, với công cụ thông minh, thông tin mạng siêu tốc... cho nên viết văn thơ thiếu nhi không còn là những câu chuyện ngô nghê, những câu nói bập bẹ khôi hài trẻ con tập nói nữa, mà cần phải trí tuệ, cách suy nghĩ “bác học”. Do sớm tiếp xúc với các phương tiện nghe nhìn, nên các em trưởng thành và thông minh hơn nhiều. Không thấu hiểu tâm sinh lý, không theo kịp sự phát triển của các em cho nên các nhà văn thiếu nhi sẽ cầm tác phẩm chạy theo các em.
3. Theo tôi, Văn học thiếu nhi cần góp phần cung cấp kiến thức và hướng thiện. Mỗi câu chuyện, mỗi cuốn sách cần phải bày vẽ cho các em một trò chơi, một việc làm gì đó, để các em có thể đọc và làm theo sách: Cách thắt trái banh bằng lá chuối, dán một cánh diều, chế một khẩu súng bắn trai cò ke, nuôi dạy con chim sáo...
Tuổi niên thiếu trong sáng và đang là giai đoạn hình thành nhân cách. Vì vậy mục tiêu của tác phẩm viết cho lứa tuổi các em là phải hướng thiện. Cũng có thể viết về cái ác, thói xấu nhưng cũng là để làm nền, làm phông cho chiều sâu tâm đức.
Viết về con chim con chó, cây cỏ bướm hoa, hay khúc gỗ... vô giác vô tri, nhưng ẩn hiện đâu đây có hương hồn, thấp thoáng bóng dáng con người trong đó. Mấy cây cảnh bon - sai của chú bé vắn số vội đi xa để lại nơi đầu hè, mỗi sớm mỗi chiều hình như có những giọt sương ứa ra nơi đầu lá; con chim sáo nhảy lon ton trên mô đất mới đã lọt vào tầm ngắm của đường tên, bỗng ọ ẹ cất tiếng người gọi “Ông ơi!”. Cậu bé bắn chim chùng tay rơi ná. Đã là dáng dấp con người thì đó là sự sống, không thể đối xử thô bạo và xa lạ với sự tàn ác, cạm bẫy rình rập.
*
Nhiều khi tôi cảm thấy đuối sức trước yêu cầu đọc sách của các em. Các cháu ở nhà, ở quê cứ gặp mặt bác là đòi sách. Quyển truyện bác viết một năm, các cháu đọc có một ngày là xong.
Các em có thể đọc sách ở mọi nơi mọi lúc. Vào các Trung tâm phát hành sách, sẽ thấy một đội hình các em la cà, “mài mòn” sàn nhà ngồi đọc, đọc chưa xong gấp đánh dấu để lại đó sẽ đọc tiếp. Có em mua cơm hộp ăn ngay tại quầy sách ở các siêu thị. Các em nói một cách dí dỏm rất đáng yêu là “Bọn con đọc sách chùa”.
Có ý kiến cho rằng, văn hóa đọc của thiếu nhi hiện nay đi xuống, do các phương tiện nghe nhìn khác phát triển mạnh.
Tôi nghĩ không phải như thế! Không khéo các nhà văn chúng ta đổ thừa cho văn hóa đọc. Các phương tiện nghe nhìn khác phát triển mạnh có chi phối đến việc đọc sách của thiếu nhi. Nhưng không thể quy chụp văn hóa đọc của thiếu nhi hiện nay đi xuống. Có thể nói rằng các nhà văn viết cho thiếu nhi ít, càng ít hơn những tác phẩm hay.
Mang tiếng là một Tác giả Văn học thiếu nhi, tôi nhận thấy mình còn nợ với các em nhiều lắm và đang có nhiều dự định. Dự định xếp chồng cao chất ngất, nhưng tác phẩm còn ở phía trời xa!
B.T.L