Bài thơ “Huế” của nhà thơ Vạn Lộc - Nguyễn Thị Phú

06.07.2018

Bài thơ “Huế” của nhà thơ Vạn Lộc - Nguyễn Thị Phú

Nhà thơ Vạn Lộc vừa tái bản tập thơ “Lá thức” vào tháng 4/2018 với số lượng 1.000 cuốn, do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành. Và chị đã tặng cho tôi tập thơ này với nụ cười hiền hậu, ngập tràn hạnh phúc.

Tập thơ gồm có 77 bài, tất cả đều viết theo thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật. Đọc để cảm nhận được chừng ấy bài thơ hoàn toàn không đơn giản. Và tôi đã dừng lại ở bài thơ “Huế” - bài thơ đã chạm trái tim tôi.

Huế ơi, không trở lại sao đành!

Dẫu biết bây giờ vắng bóng anh

Hai câu thơ mở đầu đã là một tâm tình, mà khi đọc lên nghe cách bộc lộ nỗi lòng giống như cặp câu bảy chữ trong thể thơ Song thất lục bát. (Dù biết đó thực sự là hai câu đề với sự chuẩn xác của vần, của luật, của niêm của thơ Đường). Có lẽ vì từ ngữ và âm hưởng của lối thể hiện cảm xúc tự nhiên, giản dị, gần gũi với ngôn ngữ dân gian, nhất là câu cảm thán mở đầu với tiếng gọi “Huế ơi” và hai chữ “sao đành!” rồi dẫn dắt người đọc vào cái hoàn cảnh buồn tênh - “vắng bóng anh”. Vì dẫu biết thế, nhưng không thể nào nỡ lòng quay lưng với Huế, “Huế ơi”. Câu thơ như có chút gì rưng rưng nghèn nghẹn.

Rồi ý thơ được mở rộng bằng không gian tâm cảnh với “Núi Ngự - Dòng Hàn” chứ không chỉ là núi Ngự Bình với sóng nước Hương Giang:

Núi Ngự trăng buồn soi lặng lẽ

Dòng Hàn sóng nhớ gợi long lanh

Vầng trăng và sóng nước được nhân hóa một cách tự nhiên, phù hợp với cảnh vật. Nhưng nếu Huế là cảnh tĩnh, cảnh u buồn trầm mặc với trăng soi trên núi Ngự Bình thì Đà Nẵng là cảnh động, dù chỉ khẽ khàng thôi, của long lanh sóng nước sông Hàn. Hai không gian xa chợt xích lại thật gần trong tâm trạng buồn nhớ, lại dễ gợi cảm xúc cho người cầm cọ vẽ bức tranh thiên nhiên sông núi nặng tình. Cảnh thơ mộng thế, nhưng câu thơ đọc lên nghe có gì cách trở, có cả nỗi xốn xang. Tưởng chừng có một người rời xa; có một người lặng lẽ theo tìm. Nhưng người ra đi cứ tiếp tục cuộc hành trình, không biết đâu là chốn dừng chân... để cho “trăng buồn - sóng nhớ”. Phép đối trong hai câu thơ thật chỉnh - đối cả từ, cả thanh, lẫn ý - làm cho hình ảnh thơ và tình thơ có sức ám ảnh và gợi cảm lạ kỳ. Duyên tình nào thế? Không rõ lắm, chỉ biết rằng:

Chân mòn lãng tử còn phiêu bạt

Phố nhỏ thê nhi vẫn độc hành

Hai câu luận như nỗi niềm hờn tủi. Hờn bước chân ai đó chưa về; tủi cho thân phận làm người cô độc. Cái từ “mòn” trong cụm từ “Chân mòn” nghe mới “xót ruột” làm sao! “Chân mòn lãng tử còn phiêu bạt”, người vẫn đang mê mải bước phiêu lưu, tính từ “mòn” ở đây không mang tính tượng hình mà mang tính ước lệ chỉ dấu thời gian - đã lâu lắm rồi, đã nhiều năm tháng trôi qua rồi, thế mà người vẫn cứ thích sống cuộc đời lãng tử, lang thang, phiêu bạt muôn nơi, quên chốn quê nhà, để mặc “Phố nhỏ thê nhi vẫn độc hành”.

“Thê nhi” nghĩa gốc là vợ con, nhưng cuối câu thơ lại có chữ  “độc hành” (đi đường một mình). Ngữ nghĩa câu thơ có gì khiến ta suy gẫm? Phải chăng vì người phụ nữ quá thương nhớ chồng, lại còn phải một mình gánh vác hết trách nhiệm gia đình nên cô đơn là cái cảm giác thường trực, canh cánh bên lòng? Nếu chấp nhận theo cái ý này, ta sẽ dễ cảm thông với tâm tình, với cảnh ngộ của người phụ nữ trong bài thơ: cô đơn trên đường đời vì chồng còn mê mải bước phiêu linh. Hiểu thế, càng thấy hai chữ “độc hành” trong câu thơ đã cực tả được nỗi cô đơn của thiếu phụ - đi một mình, ở một mình, ăn một mình, ngủ một mình... Còn gì đau buồn hơn!

Chợt nhớ mấy câu thơ của Lưu Trọng Lư mà thêm thương người phụ nữ trong thơ Vạn Lộc:

Em là gái trong song cửa

Anh là mây bốn phương trời

Anh theo cánh gió chơi vơi.

Em vẫn nằm trong nhung lụa.

Em ở đây là giai nhân, ấm êm nhung lụa còn anh một đời trai phiêu bạt mải miết kiếm tìm. Em hoàn toàn không phải đơn độc, vò võ ngóng trông.

Một nét nhỏ trong nghệ thuật đối ở cặp câu luận mà tôi rất thích là chữ “còn” và chữ “vẫn”. “...lãng tử còn phiêu bạt/ ... cô nhi vẫn độc hành”. Hai phụ từ này như lời khẳng định một thực tại, nhưng cao hơn cả thực tại, đó là sự kiên định, là lòng thủy chung.

Với tâm tình ấy, bài thơ có hai câu kết ngọt ngào niềm thương:

Lối cũ âm thầm năm tháng đợi

Đêm nào gió cũng rộn năm canh

Lối cũ vẫn đợi chờ hay lòng người ngóng trông khắc khoải? Mấy chữ “năm tháng đợi” đã chan chứa tâm tình mà câu thơ cuối lại càng thấm đẫm tâm tình hơn: “Đêm nào gió cũng rộn năm canh”. Phải chăng đó là niềm tâm sự mà nhà thơ cũng tự bạch trong bài “Niềm riêng”:

“Thâu đêm má nhạt buồn son phấn

Rạng sáng chân côi nản dấu giày”     

Hoặc trong bài “Trở canh” đầy thổn thức:

“Biển nhớ trải dài cơn sóng mộng

Đàn xưa lẻ nhịp tái tê lòng”

Cho nên, có thể nói hai câu kết đã gói trọn tâm tình của người thiếu phụ thủy chung. Đến đây ta càng thấy cách chọn nhịp 2/5 và vần “anh” trong bài thơ thật giàu ý nghĩa. Huế và anh - quê hương và anh - đó là niềm thương, nỗi nhớ, mang theo đến trọn cuộc đời. Lại thêm các câu thơ niêm với nhau rất chuẩn, nhất là câu tám với câu một càng gợi trong lòng người đọc cái cảm xúc miên man:

Đêm nào gió cũng rộn năm canh

...

Huế ơi, không trở lại sao đành!

N.T.P