Buông - Chế Diễm Trâm

06.07.2018

Buông - Chế Diễm Trâm

Minh vật xuống mê man chừng ba, bốn tiếng.

Khi Minh mở mắt, nền trời đã sang màu tro sậm. Chiếc xe honda ngoài sân dựng lên một khối đen thẫm chơ vơ. May quá, nó vẫn còn đó, không thì khốn khổ, không biết lấy gì bôn ba chuỗi ngày tiếp theo. Nằm nấn ná, đúng hơn là không ngồi dậy nổi để bật ngọn đèn, Minh lắng nghe bên hàng xóm người mẹ trẻ mắng mỏ đứa con nhỏ ngậm miệng với miếng cơm bã ra mà không chịu nuốt. Không biết rồi có cơn quát tháo, đánh đập, khóc lóc như mọi bữa không. May mà Minh chưa thấy đói, không thì không biết làm sao ra tới quán cơm nổi đây.

Minh nằm nghĩ đến Nhàn, không biết giờ này Nhàn ra sao khi bạn bè đã ra về hết. Chắc Nhàn vẫn ngồi trước bàn thờ con bé và tự huyễn hoặc rằng con bé vẫn còn đâu đó trên đất Đức, rằng chiều nay Nhàn chỉ buông thi thể một đứa trẻ nào đó mà người ta đã đưa về cho Nhàn cùng với giấy chứng tử và một lá thư chia buồn.

Tất cả như ác mộng. Nhàn lúc mê sảng lúc ngây dại, Minh ở bên Nhàn năm tuần. Năm tuần không trọng lượng, muốn khóc mà không khóc, muốn hét to lên mà không thể. Trưa nay, đám tang con bé, cũng là thất thứ năm xong, bạn bè khuyên Minh về nhà chút đi. Nhìn Minh chắc kinh khủng lắm, có đứa tới phúng điếu, hỏi: “Mày có bệnh gì không Minh?”. Minh đau đớn đến mức không trừng mắt nổi với nó.

Con bé được đi du học, ngày đó Nhàn không kìm nổi nước mắt hạnh phúc và tự hào. Con bé không có bố. Chính xác là Nhàn bị lừa. Nhàn được mai mối với một tay Việt kiều, nhưng khi siêu âm ra con gái là lão ta biến, không sủi tăm. Lão đang cố tìm một đứa con trai, cho có con trai với người ta. Lão tiếng là Việt kiều, nhưng đặc gốc gác ruộng rẫy.

Một thân Nhàn nuôi con, cho ăn học thành tài. Biết bao mồ hôi, nước mắt. Cái tên cha mẹ đặt cho Nhàn lúc nhỏ, trớ trêu thay, ngược lại hoàn toàn. Ban đầu ra chợ, sang được sạp tạp hóa. Trời thương, buôn may bán đắt, rồi dôi ra đôi ba đồng dành dụm. Nhưng rồi tiền không phải là nước mà vẫn bốc hơi. Bị trộm sạch sẽ. Đã tuột dốc là hết cưỡng nổi, tiếp tới là một cú bị giật hụi. Thất điên bát đảo. Đành xoay buôn thúng bán mẹt. Không đến nỗi đói nhưng vắt mũi đút miệng. Mãi vẫn tay trắng. Gặp lão Việt kiều này, tưởng buồn ngủ gặp chiếu cói, ai dè số con rệp thì mãi con rệp vẫn nằm trong giát chõng.

May là phận con nhà nghèo, con bé biết thân, lo học. Nó tìm được việc làm tại một thành phố lớn. Rồi nó tìm được học bổng, được đi học tiếp. Nhàn cũng sợ buồn nhưng vì tương lai của con, Nhàn khuyến khích nó cứ bay! Thế mà… một sáng chủ nhật, bạn bè và thầy giáo rủ đi picnic. Đi ca nô ra đến nửa sông thì ca nô bị lật. Tất cả đều vô sự vì có mặc áo phao, được ứng cứu kịp. Riêng con bé, đưa vô đến bờ thì tim đã ngừng đập. Xe cứu thương đưa vào bệnh viện nhưng bệnh viện cũng không làm gì được. Giấy báo tử kết luận nó bị trụy tim.

Gần năm tuần sau cái ngày định mệnh ấy, con bé trở về với vòng tay mẹ trong một chiếc áo quan hai lớp trên một chuyến phi cơ đặc biệt. Minh theo sát Nhàn trong suốt năm tuần kinh hoàng lê thê ấy. Sợ nhất là Nhàn không rơi một giọt nước mắt nào! Giá nó cứ khóc lên một tiếng, giá nó vật vã, lăn lộn, kêu gào. Nó chỉ lẩm bẩm đúng một câu: “Có khi nào họ nhầm không?”. Minh cũng cầu khẩn Trời Phật đó là một sự nhầm lẫn.

Ngày đón con bé xuống máy bay là một ngày mưa nắng thất thường. Nhàn lúc thì nóng rực như sốt cao, lúc rờ chân tay lại thấy lạnh như nước đá. Chuyến bay được thông báo đã hạ cánh an toàn nhưng phải một tiếng sau, Nhàn mới được nhìn thấy con trong khu hành lý đặc biệt. Minh xin phép thay bạn để làm công việc nhận diện và ký vào biên bản xác nhận nhưng chính phủ Đức không đồng ý. Phải là mẹ cháu, là người trong hồ sơ con bé đã khai – người khi cần liên hệ. Minh đi sát Nhàn. Nhàn vẫn cố đi nhưng khắp người lẩy bẩy, tự đi đến gần, quan sát gương mặt tử thi xám xịt để gật đầu xác nhận đó là con gái mình. Sau thủ tục đó, Nhàn không còn cơ hội trông thấy con bé nữa. Người ta chuyển bé sang một quan tài khác, đóng kín, đưa lên xe, chuyển về nhà, để tiến hành tang lễ.

Họ hàng, bạn bè đến rất đông. Nhưng ai cũng còn công việc, nhà cửa, con cái, thoáng rồi về ngay. Thêm nữa, ngôi nhà quá nhỏ, không đủ chỗ đứng, đừng nói chi ngồi. Ai cũng khuyên nhủ chuyện cũng đã rồi, không nên để lâu, thêm đau lòng. Cái chính là sợ thời tiết ở xứ mình nóng. Minh quyết định hết mọi chuyện thay bạn. Minh quyết vẫn giữ con bé ba ngày, ít ra là vì con bé và mẹ nó.

May mà ngày đưa con bé đi có thêm Nguyễn. Nguyễn, Nhàn, Minh là ba đứa học chung với nhau từ thời tóc Minh và Nhàn chưa đủ dài để buông thả vòng eo. Ba đứa ngoéo tay nhau mãi mãi là bạn, không được đứa nào phản bội lời thề! Sau này chỉ có Nguyễn là bay xa nhứt, lập nghiệp tận Sài Gòn, năm hai, ba lần về thăm nhà, ở chưa được hai, ba bữa đã vội vội vàng vàng bay đi.

Nguyễn xin nghỉ phép để về thêm tay, thêm chân cho Nhàn, thật ra là  cho Minh. Nguyễn khuyên Minh nên ở bên Nhàn, mọi chuyện để Nguyễn lo. Nhưng, Nguyễn dẫu sao cũng lạ nước. Nên Minh vẫn là người bao cả vòng trong lẫn vòng ngoài. Nguyễn cuối cùng lại là người ra ra vô vô thẫn thờ, thi thoảng đến bên Nhàn ngồi yên lặng rồi bỏ ra ngoài hút thuốc. Giờ này thì chắc Nguyễn cũng đang đáo về nhà “thăm hai ông bà già một chút” như Nguyễn nói.

Điện thoại sáng lên và reo. Nguyễn gọi.

- Minh ăn gì chưa?

- Chưa. Đang ở đâu đó? Hai bác khỏe không?

- Ừ, khỏe. Chuẩn bị đi, mình xuống chở đi ăn.

- Gọi Nhàn chưa?

- Không cần đâu. Nguyễn cho Nhàn uống thuốc ngủ rồi, để cho bạn ấy ngủ...

Cả hai ăn quấy quá cho xong. Nguyễn hỏi Minh muốn đi cà phê không. Ừ, mới hơn tám giờ, phố xá đang thì nhộn nhịp. Đang trên đường đến quán cà phê sân vườn thì Minh đổi ý.

- Nguyễn có nhớ cái hành lang dẫn lên gác chuông nhà thờ hồi nhỏ tụi mình hay tới nằm lăn ra học bài không?

- Ông Tư kéo chuông chắc là người thiên cổ rồi Minh nhỉ?

- Cũng không biết nữa...

- Minh vẫn hay tới đó à?

- Không, lâu lắc rồi. Nhà thờ đó bây giờ thuộc một trường đại học rồi, Nguyễn!

Con dốc vắng ngắt trong ánh điện vàng. Hai cánh cổng đang bỏ ngỏ, Nguyễn chạy xe thẳng vô con đường rải sỏi. Không bóng người.

Minh xuống xe trước. Tự nhiên Minh thấy ngại ngồi trong xe đóng kín cửa. Lối đi rải sỏi dăm nghe lạo xạo vang trong thinh không nghe như có bước ai ngay phía sau làm Minh thấy lạnh lạnh. Minh lên đến bậc đá tam cấp trên cùng, ngồi trên nền đất ẩm, nhìn xuống thấy Nguyễn còn đang chăm chú chụp hoa cỏ bên một tảng đá. Ngày xưa đi học, Nguyễn thường làm thơ đăng tập san quay ronéo, Nguyễn còn vẽ minh họa ở cuối trang thơ. Nguyễn cũng nổi tiếng lắm, nhiều nàng mê đắm. Cả Minh và Nhàn không phải là không có lúc say nắng Nguyễn, nhưng lời hứa móc ngoéo ba đứa còn đó, không thể phạm lời hứa.

Khi Nguyễn lên đến chỗ Minh ngồi thì có điện thoại ai đó gọi đến. Minh đứng lên đi ra xa xa. Từ chỗ đứng, Minh ngoái lại nhìn Nguyễn. Dưới bóng đèn vàng, bóng Nguyễn đổ dài về phía Minh, tưởng có thể chạm được. Minh rút điện thoại chụp hai tấm để về chọn lại một.

Giáo đường cửa gỗ ngày xưa giờ đã thay bằng cánh cửa sắt xếp. Một cái ổ khóa gỉ sét đen sì chứng tỏ đã lâu người ta không mở cửa nữa. Minh đoán gác chuông chắc đã mục nát và cái chuông tiếng rất thanh vang cả nửa ngọn đồi cũng không còn. Ngày xưa, mỗi chiều, khi ông Tư xuất hiện, cả ba đứa rất hăm hở chạy tới sợi dây chuông. Bao giờ Nguyễn cũng là đứa được đu trước vì những hồi chuông khởi động bao giờ cũng nặng hơn. Khi chuông đã gióng giả, ông Tư sẽ cho Nhàn, rồi tới Minh sau cùng vì Minh nhỏ con nhứt. Những hồi chuông ngân dài cuối cùng là phần ông Tư, lúc đó ông chỉ cầm hờ hững sợi dây chuông, mắt ông ngắm cây thập giá. Bao giờ Nguyễn cũng lảng xa hơn vì Nguyễn nói nhìn ông Tư những lúc đó lạ lắm. Không biết bây giờ ông Tư ở đâu, còn hay đã khuất?

Hai tên đi một vòng hoa viên. Có một dãy phòng mới, là thư viện của trường đại học. Dưới một tàn hoa giấy, có một đôi sinh viên đang ngồi sát nhau trên ghế đá. Nghe tiếng chân đến gần, hai đứa đứng lên, chậm chậm đi xuống về phía dãy lầu nội trú. Nguyễn đến ngồi trên chiếc ghế đá ấy làm Minh lúng túng, không biết phải đứng đâu, ngồi đâu. Bất ngờ, Nguyễn nắm tay Minh kéo ngồi xuống sát Nguyễn. Tim Minh đập mạnh, nếu không có bóng tối, chắc chắn Nguyễn đã thấy mặt Minh đỏ bừng.

- Về thôi, Nguyễn ơi!

Khi hai tên ra đến chỗ để xe, Nguyễn phát hiện cánh cổng chính dẫn vô khu học liệu đã bị khóa. Vậy là lúc hai tên đi vòng vòng trong hoa viên, bảo vệ đã đến khóa cửa mà không hề phát hiện có xe của Nguyễn nằm trên lối sỏi.

- Làm sao đây Nguyễn?

- Ngủ đây một tối đi. Đêm nay có trăng, đẹp quá kìa Minh!

- Thôi, Minh sợ lắm!

- Sợ gì? Có Chúa rồi, không có ma đâu! Với lại có mình đây mà!

- Thôi đi mà, bớt giỡn đi!

Trong đầu Minh bắt đầu đặt ra giả thuyết, nếu phải ở lại đây, chả lẽ hai đứa cố thủ trong xe? Sợ và kỳ quá nhưng cũng… lãng mạn thật!

Nhưng Nguyễn đã nói:

- Đi! Đi xuống chỗ hai đứa nhỏ lúc nãy xuống đi!

- Ờ há!

Nguyễn đi trước, Minh lúp xúp theo sau. Đêm trăng mười hai nhưng trời nhiều mây, có lúc bỗng tối hù. Con đường xếp bằng đá chẻ hai bên cây cối um tùm. Minh rùng mình nên cứ bám sát sau lưng Nguyễn. Nguyễn quay lại, nắm tay Minh, bóp chặt.

- Sao run dữ vậy Minh? Đừng sợ, đừng sợ, có Nguyễn đây!

Minh thấy tim mình đập mạnh hơn thì phải. Nhưng vẫn rút tay về. Hai đứa xuống đến khu nội trú sinh viên, hỏi đường thì được chỉ về phòng bảo vệ chính của trường. Minh lùi lại, để Nguyễn vô trình bày và năn nỉ. Phải chờ phòng bảo vệ liên hệ người giữ khu học liệu. Anh ta không bắt máy. Đã hơn chín giờ tối. Minh lo lắng sắp khóc, người trực cổng chỉ một cái ghế biểu Minh ngồi. Rồi ông bắt đầu lục vấn:

- Chứ hai người vô thư viện làm chi? Sao không vô cổng chính mà lại vô cổng đó? Nhưng tại sao hai người biết cổng đó?

Nguyễn phải vận dụng tất cả ba tấc lưỡi để giải thích rằng đó là giáo đường kỷ niệm thời học trò xa xưa của tụi em; rằng Nguyễn đi xa đã lâu, nay mới có dịp về thăm lại; rằng thấy cổng mở mà không có ai gác nên chạy vô... bla bla...

Nhìn Minh chắc tội nghiệp lắm, nên một ông hơi hơi tròn người nói:

- Thôi được rồi, cô đây lên đây tui chở qua bển, còn anh kia chạy bộ theo tui nhe, tui có chìa khóa secour đây, tui mở cửa giùm cho chứ chờ biết chừng nào!

- Ôi! Cảm ơn anh!

Minh định đi bộ với Nguyễn nhưng sợ ông ấy phật ý, sợ phụ lòng tốt của ông. Minh leo lên, ngồi vắt vẻo phía sau. Chạy chừng hai chục mét thì ổng ngừng lại, Nguyễn vừa kịp chạy tới:

- Sao vậy?

- Bánh xe tui xẹp rồi! Cô xuống đi bộ với anh người yêu cô đi.

- Dạ bọn em chỉ là bạn thôi. Minh lí nhí.

Ông tiếp tục chạy một mình trên chiếc xe xẹp bánh, còn Nguyễn và Minh đi bộ. Nguyễn chọc quê Minh:

- Mới nghe ông ấy dụ là leo lên xe liền!

- Đâu có, Minh ngại thấy mồ! Nhưng bác ấy nhiệt tình quá!

Bất ngờ, Nguyễn cú vô đầu Minh:

- Vậy mà cũng thanh minh thanh nga!

Minh bỗng thấy Nguyễn thật lớn, Minh muốn tựa vào cánh tay Nguyễn nhưng không dám. Lời hứa ba đứa lại trở về. Giờ này chắc Nhàn vẫn đang ngủ.

Thoát ra khỏi cánh cổng, Minh đưa tay vẫy vẫy chào người bảo vệ. Ông đứng đó cười cười rồi kéo cổng lại. Minh có cảm giác bừng tỉnh như thoát khỏi một vùng tối đam mê. Và Minh im lặng suốt đường về.

Xe ngừng trước lối vô nhà, Minh không mở được cánh cửa xe nên Nguyễn phải chồm qua. Lần đầu tiên sau mấy chục năm làm bạn, Minh mới nghe mùi mồ hôi của Nguyễn rõ như vậy. Minh mở rộng cửa và tuột xuống ngay.

Khi Minh chuẩn bị tìm chìa khóa mở cổng, ngoái ra đường, thầm mong vẫn còn thấy bóng Nguyễn thì hóa ra chỉ còn ánh đèn vàng buông trùm một góc phố rộng rinh...

C.D.T