Văn học thiếu nhi cần chất thơ và kỳ ảo hơn cả hiện thực... - Quế Hương
Văn học vốn không biên giới. Dù trong nước hay nước ngoài, ngôn ngữ khác biệt, phong tục tập quán khác nhau, vẻ đẹp của văn chương vẫn băng qua những ranh giới để gặp nhau ở vẻ đẹp cõi người. Thức ăn càng đa dạng, phát triển càng hoàn chỉnh, tâm hồn càng phong phú. Tâm hồn chúng ta từng được “nuôi lớn” như thế bởi vẻ đẹp nhân văn của những truyện đọc hồi nhỏ: Dế mèn phiêu lưu ký, Đất rừng phương Nam, Truyện cổ Andersen, Tiếng gọi nơi hoang dã, Tâm hồn cao thượng, Không gia đình, Hoàng tử bé...
Biết vậy mà vẫn thấy tủi, thấy buồn khi đến các tiệm sách, đứng trước những dãy hàng trưng bày sách thiếu nhi. Một rừng truyện tranh, truyện dịch nước ngoài. Lọt thỏm giữa rừng truyện ấy, cố ngoi lên để khỏi chìm nghỉm là những truyện thiếu nhi trong nước, đa phần là “ bổn cũ soạn lại”, vài tác phẩm mỏng mảnh, dãy truyện của Nguyễn Nhật Ánh...
1- Thua trên sân nhà
Đứng ở các tiệm sách lớn thấy rõ điều đó đã đành, về trước kệ sách đẹp của bé gái 9 tuổi là cháu tôi, một đứa trẻ thích đọc đến lo, mỗi tháng cha nó phải tốn một khoảng tiền không nhỏ để mua sách cho nó đọc, cảm giác “thua trên sân nhà” càng rõ rệt.
Trên kệ sách của nó, ngoài bộ truyện đình đám “Harry Potter” là những dãy sách thiếu nhi dịch từ nước ngoài. Mỗi truyện thường nhiều tập “Chuyện gia đình March”, “Nhật ký chú bé nhút nhát”, 15 tập truyện của Roald Dahl, “Khu vườn bí mật”, “Anne tóc đỏ”, “Emily ở trang trại trăng non”, “Peter Pan”, “Ivy pocket”, “Pippi tất dài”, “Tiếng gọi nơi hoang dã”, “Truyện cổ Andersen”...
Lạc loài trên kệ sách của nó là 2 quyển truyện thiếu nhi của tôi tặng: “Chiếc vé vào cổng thiên đường xanh”, “Bí Đỏ và...”, mấy quyển của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Con bé hiểu cặn kẽ từng cô bé, cậu bé của một gia đình March nào đó, quan tâm theo dõi Anne tóc đỏ, Emily, vanh vách từng địa danh, từng cái tên nước ngoài và thờ ơ với truyện trong nước. Nó bảo nó thích đọc truyện thiếu nhi nước ngoài hơn vì hấp dẫn, li kì, đầy pháp thuật, rất hồi hộp, thú vị...
Thua trên sân nhà... ngoại trừ Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn ăn khách nhất nước, tạo thành thương hiệu với nhiều đầu sách mà mỗi đầu sách in hàng trăm ngàn bản. Cái tài, cái giỏi của Nguyễn Nhật Ánh, tôi không đề cập ở đây, chỉ thán phục. Nhưng chẳng lẽ văn học thiếu nhi Việt Nam chỉ có Nguyễn Nhật Ánh? Nhà văn ví như các loài hoa. Hoa nào tỏa hương đó. Phong cách viết tạo nên hương vị. Mỗi một mùi hương dù thơm ngát mấy cũng cần thay đổi để nhận ra sự khác biệt và đa dạng...Làm thế nào để các em khi đi vào khu vườn văn học thiếu nhi có thể thưởng thức hoa cỏ dịu dàng sâu lắng, hoa hồng quý phái sang trọng, hoa lan khác với hoa cau, hoa bưởi, hoa xương rồng... Ăn mãi một thứ, ngửi mãi một mùi, tâm hồn cũng sẽ khiếm khuyết khi trần ai đa dạng, con người đa đoan, thế giới rộng lớn thế kia?
Ai sẽ tạo ra vườn hoa ấy cho văn học thiếu nhi thưởng thức? Câu hỏi thật nhức nhối.
2- Tại sao thua?
- Thấy rõ đầu tiên là thua tài. Thua sự cuốn hút độc giả nhỏ tuổi bằng khả năng tưởng tượng phi thường của các nhà văn thiếu nhi nước ngoài. Họ mở rộng biên độ, tái tạo thế giới khiến nó sâu rộng hơn, lung linh, kỳ ảo hơn để các em tưởng tượng, mộng mơ. Ở đó mọi thứ đều không bất lực bởi quyền phép của tưởng tượng. Các nhà văn Việt Nam trái lại thường chú trọng hiện thực và giáo dục, thiếu chất bay bổng, kỳ ảo. Chúng ta mất độc giả chính vì chúng ta chưa có tài thực sự để cuốn hút các em vào cơn mê đắm đọc.
- Một thực tế đáng buồn khác là người cầm bút cũng coi thường viết cho trẻ em. Viết cho trẻ em, ngoại trừ vài trường hợp thành công hiếm hoi, thường là khó thành danh, ít được chú ý. Các nhà văn tạt qua đó, để lại đôi tác phẩm rồi đi...
- Họ đi là đúng thôi. Các tờ báo ít chọn đăng truyện thiếu nhi ngoại trừ các ngày 1/6, Trung Thu. Có đăng nhuận bút cũng bèo. Làm nhà văn nếu không kết hợp với một nhà nào đó như nhà báo, nhà xuất bản, nhà biên kịch... nếu không có thêm một nghề, một hội, một nguồn nào khác phụ vào đói là chuyện chắc. Nhuận bút sách bao nhiêu năm tháng vẫn 10% giá bán mà đâu có dễ được in, được đăng, được giải? Các nhà xuất bản cũng thờ ơ in vì bán không chạy bằng truyện dịch. Các em thiếu và đói truyện thiếu nhi nội chất lượng nhưng lại được ăn thừa mứa truyện thiếu nhi ngoại văn. Dịch dù sao cũng dễ hơn viết, bán lại dễ.
Tác phẩm viết cho thiếu nhi ít dần đi. Các nhà văn viết cho thiếu nhi cũng mỏng dần đi. Ngay cả Nguyễn Ngọc Thuần, nhà văn trẻ vụt sáng với những tác phẩm ghi dấu ấn: “Giăng giăng tơ nhện”, “Một thiên nằm mộng”, “Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ “, “ Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, đạt nhiều giải thưởng cao trong đó có giải Peter Pan, giải thưởng quốc tế dành cho thiếu nhi tại Thụy Điển năm 2008 cũng qua viết truyện người lớn: “Chuyện tào lao”, “Sinh ra là thế” , “Về cô gái này”... Anh trả lời phỏng vấn: “Với tôi viết cho thiếu nhi thế là đủ rồi. Có nhiều điều khác nên những cuốn sách cũng khác”. Đúng là vậy. Tiến sĩ ngữ văn Bùi Thanh Truyền từng nhận định: “Nếu văn học Việt Nam là một dòng sông lớn thì văn học đương đại cho thiếu nhi là một nhánh hòa vào dòng sông ấy”.
Một nhánh của dòng sông. Một nhánh của đời văn. Mấy ai đủ tâm huyết, dũng cảm và điều kiện gắn bó với tuổi thơ cả đời như Nguyễn Nhật Ánh.
3. Và tôi...
Tôi từng muốn mình trở thành nhà văn thiếu nhi bởi tạng tôi thích trẻ con, cây cỏ và hay tưởng tượng. Trong gia tài bé mọn của một người viết văn như tôi, tôi dành cho các em gần nửa. Trong số giải thưởng của tôi đạt được, có 8 giải về văn học thiếu nhi. Từ tặng thưởng của tạp chí Hoa Học Trò, Tiền Phong, Văn Nghệ Quân Đội đến tặng thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam. Từ 2 cuộc thi sáng tác cho trẻ em do Unicef Việt Nam phối hợp với Hội Nhà Văn Việt Nam đến cuộc thi viết cho trẻ em do NXB Kim Đồng tổ chức hay phối hợp với hội Nhà Văn Đan Mạch trong dự án phát triển văn học thiếu nhi...
Tôi có 5 tập sách về thiếu nhi , trong đó tập “Quán Búp bê” (NXB Kim Đồng in )được tặng thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1997. Tập “Chiếc vé vào cổng thiên đường xanh” (NXB Trẻ) cũng suýt được trao giải thưởng văn học 2010 nhưng sau bị rút vì giải không trao cho tuyển tập, dù đầu cuốn sách đã ghi rõ ràng tuyển tập thiếu nhi! Trên youtube vẫn còn lưu lời giới thiệu trang trọng của VTV trong chuyên mục giới thiệu “mỗi ngày một quyển sách.”
Lần đầu tiên tôi nói về mình như thế chỉ để chứng minh rằng trong tác phẩm mình, tôi đã dành cho các em một vị trí rất lớn và tôi viết cũng không tồi. Người lớn nào cũng từng là trẻ con. Qua lăng kính của “đứa trẻ già” đã trải nghiệm, còn khao khát, tiếc nuối, tuổi thơ trên trang viết lung linh huyền ảo hơn, đầy đặn, đa đoan hơn vì vừa trong trẻo, vừa đời, vừa già dặn vừa tinh khôi ...
Thế mà cuối cùng tôi cũng bỏ cuộc, trở về viết truyện người lớn, trở về với mệt mỏi tuổi tác, bệnh hoạn, quên khát vọng “bắt trẻ đồng xanh” !
Nhưng cũng có lúc, chính độc giả nhỏ tuổi đánh thức tác giả, làm tôi trăn trở. Mới đây vào Google, đánh tên “Chiếc vé vào cổng thiên đường xanh”, tôi đọc một review 2 tháng trước của một độc giả tên Din Din:
Chắc không ai biết quyển sách này. Từ sau cái lần mà tôi mượn nó ở nhà thờ, lúc đó tôi học lớp 5, tôi chưa từng thấy ai nhắc tới nó. Trên mạng cũng không thấy bán, thêm vào Obook cũng không thấy hình đàng hoàng... Tự nhiên thấy buồn quá.
Bạn biết vì sao tôi buồn không? Vì nó thực sự rất rất hay, và một cuốn sách hay mà ít người biết đến vậy, không phải đáng buồn lắm sao? Ít nhất là nó hay với tôi ở thời điểm đó. Ngày đó nếu ai hỏi tôi thích quyển sách nào nhất, tôi sẽ không ngần ngại hay phải suy nghĩ gì mà trả lời ngay, đó chính là “Chiếc vé vào cổng thiên đường xanh”. Có thể phần vì ngày đó tôi chưa đọc nhiều sách, nhưng đến giờ, các bạn thấy đấy, tôi cũng không ngần ngại khi cho nó 5 sao đâu.
Từ giờ tôi sẽ không nói là mình ghét tản văn Việt Nam nữa, vì tôi chợt nhớ ra còn những quyển sách chất như thế này. Cuốn sách tập hợp 27 truyện ngắn, trong đó có nhiều truyện đã đạt giải thưởng cuộc thi sáng tác truyện dành cho thiếu nhi. Tôi chẳng biết Quế Hương là ai nhưng, những truyện ngắn này, đã chạm thẳng vào trái tim bé bỏng ngày ấy rồi...”.
Những dòng chữ tình cờ gặp ấy đối với tôi quý hơn giải thưởng, khiến tôi nhớ rằng đã từng có một khoảng đời, trên trang văn, tôi chơi, tôi sống, tôi buồn cùng những đứa trẻ - Con Lỡ, thằng Cọt, thằng Quẳng, con Mơ, con Ngỗ, đại ca Mát, Tí bụi... Đó là những đứa trẻ mà ngay cái tên cũng nói lên số phận. Trong đời thực chúng bất hạnh, nhưng trên trang viết của tôi, “thằng đầu to” bị mẹ cha giấu trong phòng như một sản phẩm hỏng thành “vua lũ đồ chơi”. Một con bé hóa câm sau chấn thương mất cả cha mẹ trong một tai nạn có thể nghe mọi tiếng nói từ thiên nhiên rộng lớn, nơi con búp bê len trong tủ thành “công chúa xứ Mơ” trong đêm. Con Lỡ mẹ không thương vì xấu xí như con búp bê bị gãy chân được ông nội thực hiện giấc mơ tái sinh “Con nó làm đẹp cho nó”... Trong truyện có tên “Biệt thự Bát Nháo”, tôi đã tựa vào con bé ngỗ nghịch Pippi tất dài trong cái chuyện lừng danh cùng tên để khiến ông thầy tên Roi Mây chuyên giáo dục bằng roi vọt và băng keo dán miệng cho Cu Tý thành một Cu Lớn “đen nhẻm, gầy nhom, tóc khét nắng, miệng tèm nhem chocolate”. Đặt mình vào vị trí của Cu Tý trong khoảnh khắc lạc vào biệt thự Bát Nháo ông thầy mới thấy được sự cuốn hút của thế giới trẻ thơ trong veo, ngỗ nghịch. Ngòi bút nhà văn trên trang viết không bất lực như trong cuộc đời bởi nhà văn không chỉ là người kể một câu chuyện mà còn tạo ra một thế giới mới ở đó điều KHÔNG THỂ hóa thành CÓ THỂ.
4- Văn học thiếu nhi phải đúng tầm vóc của nó
Tầm vóc của đứa trẻ là “phác thảo”, là “định dạng” của người lớn tương lai. Thức ăn tinh thần những người lớn tương lai ấy quả vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách, tâm hồn bởi ăn cái gì sẽ lớn lên thế ấy.
Thức ăn ấy không thể đơn điệu để các em không nhàm chán sà vào truyện tranh, truyện dịch nước ngoài. Văn học thiếu nhi phải đúng tầm vóc của nó. Đa dạng, phong phú như cuộc đời các em. Đa dạng trong đề tài, thế giới nhân vật, nghệ thuật thể hiện bởi “dù là nhân vật trẻ em thì vẫn là nhân vật văn học chịu sự chi phối những quy luật cơ bản của sáng tạo.” ( Nguyễn Thị Thanh Hương ).
Nhà văn thiếu nhi đôi khi nghĩ mình viết cho trẻ con mà quên rằng mình đang viết cho một người đang lớn, đang hình thành nhân cách, tâm hồn. Tâm hồn ấy là những thực thể mong manh dễ vỡ và cũng dễ thăng hoa. Cũng đừng quên rằng trẻ con sống trong thế giới người lớn nên không tránh khỏi tác động, ảnh hưởng từ người lớn. Thế giới trẻ con là thế giới cô độc bởi người lớn cứ cho chúng là trẻ con trong khi chúng đang lớn. Những thay đổi về văn hóa, xã hội khiến tâm sinh lý trẻ em cũng khác trước. Trẻ con bây giờ già dặn hơn, tinh nhạy, đa đoan hơn thời chúng ta bởi thế giới trước mắt các em rộng mở, phong phú hơn và cũng phức tạp, đáng sợ hơn. Đặc thù của văn học là những sản phẩm mang dấu ấn những số phận lẻ loi. Nhà văn viết cho thiếu nhi phải có cái nhìn đa chiều, đa dạng về trẻ con. Không đơn giản là trẻ con chỉ biết ăn ngủ học hành vui chơi. Đừng biến trẻ em thành người lớn thu nhỏ nhưng cũng đừng nhỏ hóa trẻ em bởi dễ dãi, đơn điệu, hồn nhiên giả tạo. Chúng hiện lên đa dạng bởi không cuộc đời nào giống cuộc đời nào, đứa nào giống đứa nào. Có đứa bụi đời, lăn lóc, già trước tuổi, có đứa cô đơn ở biển đời, có đứa hồn nhiên trong trẻo... Viết về chúng là viết về một thực thể biến động, có cá tính, khó nắm bắt, lơ lửng giữa ranh giới người lớn - trẻ con với cái nhìn trẻ con.
5- Văn học thiếu nhi cần chất thơ và kỳ ảo hơn cả hiện thực.
Nhà văn không là người kể lại một câu chuyện mà còn tạo ra một thế giới. Đời vẫn vậy, xấu-tốt, thiện-ác ngổn ngang chỉ có nhà văn mới thay đổi được bằng pháp thuật tài năng và tưởng tượng để tạo một thế giới mới cho những cuộc phiêu lưu tâm hồn kỳ thú. Các em không cần đúng như sự thật mà siêu thực, phi thực. Các em bị hấp dẫn bởi thế giới đó. Thành công lẫy lừng của bộ truyện Harry Potter chứng tỏ điều đó. Truyện ăn khách liên quan đến thế giới huyền ảo. Tưởng tượng là vũ khí của nhà văn để con người không bất lực trước cái ác, cái xấu, cái khổ. Thế giới trẻ con trên trang viết sẽ đẹp hơn nhiều bởi trí tưởng tượng huyền ảo và chủ nghĩa nhân văn. Nhà thơ Võ Quảng từng nhận định: “Văn học thiếu nhi không có lý do đứng được nếu không phát huy được chức năng giáo dục”. Tuổi các em là tuổi tình cảm, từ tình cảm mà đi vào nhận thức. Những bài học nhân văn phải thông qua tư duy hình tượng sinh động để không khiên cưỡng, áp đặt.
Dù hằng năm đến ngày Quốc tế Thiếu Nhi, các em trở thành tâm điểm của xã hội, tác phẩm viết về các em, các nhà văn viết cho các em cũng được “ăn theo” nhưng chúng ta không thể phủ nhận văn học thiếu nhi đang tàn lụi. Để cứu một nhánh của dòng sông văn học Việt Nam phải có sự thay đổi từ nhiều phía:
- Xã hội có cái nhìn đúng đắn với mảng văn học thiếu nhi để nó có đất phát triển.
- Các nhà văn viết cho thiếu nhi đặt văn học thiếu nhi đúng tầm vóc của nó - đa dạng trong đề tài, thế giới nhân vật, nghệ thuật viết... Mở rộng biên độ thế giới bằng quyền phép tưởng tượng đầy tính nhân văn để hấp dẫn và nuôi lớn tâm hồn các em, kết hợp hiện thực và huyền ảo, phi lý và có lý, mới lạ và biến hóa.
- Các nhà xuất bản quan tâm xuất bản, tái bản truyện thiếu nhi trong nước không để tình trạng thừa mứa thức ăn ngoại, thiếu đói thức ăn nội để các em vừa tiếp thu những tác phầm bề thế, lừng danh của thế giới vừa không thờ ơ với hương đồng cỏ nội, cây nhà lá vườn.
- Trân trọng đội ngũ trẻ viết cho thiếu nhi vì lớp trước đã già, mệt mỏi.
Tôi là một trong những người đó. Khi sức sống cạn, sức viết cũng cạn theo. Nhưng vẫn còn đó nỗi đau đáu về một mảng văn học mình đã tham dự, quan tâm. Có gì không đúng xin lượng thứ .
Tháng sáu, 2018
Q.H