Vài kỷ niệm với tạp chí Đất Quảng - Non Nước - Thanh Quế

04.12.2018

Vài kỷ niệm với tạp chí Đất Quảng - Non Nước - Thanh Quế

Tôi từ tạp chí Văn nghệ Quân đội về công tác ở Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng từ đầu năm 1983. Ngay từ lúc mới về, tôi được phân công làm biên tập tạp chí Đất Quảng. Tháng 9 năm đó, Hội tổ chức Đại hội lần thứ 2. Tôi trúng cử ủy viên Thường vụ Hội và được phân công làm Phó Tổng biên tập, kiêm thư ký tòa soạn tạp chí. Nhà thơ Bùi Minh Quốc làm Tổng biên tập. Đến năm 1986, nhà thơ Bùi Minh Quốc chuyển về làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Lâm Đồng, tôi được cử làm Tổng biên tập tạp chí Đất Quảng. Đại hội Văn nghệ lần thứ 3 (1988) nhà văn Phan Tứ được cử làm Chủ tịch Hội, tôi làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng biên tập tạp chí Đất Quảng. Đại hội văn nghệ tỉnh lần thứ 4 (1993) nhà văn Hồ Duy Lệ được cử làm Chủ tịch Hội. Tôi là

Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập tạp chí Đất Quảng. Đến tháng 1 năm 1997, chia tách Quảng Nam - Đà Nẵng thành 2 đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, tôi được cử làm Q. Chủ tịch Hội Văn nghệ Đà Nẵng kiêm Tổng biên tập tạp chí Đất Quảng. Đến tháng 4/1997, tên Đất Quảng được chuyển cho tạp chí của Hội Văn nghệ Quảng Nam, tạp chí Non Nước (thuộc Hội Văn nghệ Đà Nẵng) được thay cho tạp chí Đất Quảng, tôi là Q. Chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập tạp chí Non Nước. Đến năm 1998, Đại hội Văn nghệ thành phố Đà Nẵng lần thứ nhất (và là lần thứ 5 tính theo Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng) tôi được cử làm Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập tạp chí Non Nước. Lúc ấy nhà viết kịch Hồ Hải Học được cử làm

Chủ tịch Hội.

Trong Đại hội văn nghệ thành phố Đà Nẵng lần thứ 2 năm 2003, anh Hồ Hải Học và tôi vẫn được tái cử các chức vụ cũ. Đến năm 2009, tôi được về hưu.

 

VUI BUỒN MỘT DẠO

Làm báo là một công việc nghiêm túc và thú vị với biết bao vui buồn gắn bó trong đời mình.

Tôi nhớ vào thời kỳ đổi mới của Đảng ta những năm 1986-1989 và đầu những năm 90 (thế kỷ 20), báo chí ta rộ lên với những chuyện đấu tranh chống tiêu cực, áp bức dân của một số cán bộ. Nhiều người gương mẫu trong đấu tranh bị trù dập, ức hiếp, bị đuổi việc... Vào thời đó, những chuyện như thế được đưa lên mặt báo là chuyện rất mới, có tính chất cách mạng, vì trước đây báo chí ta chủ trương đăng những chuyện tích cực, những người tốt việc tốt. Quần chúng đọc và khen những truyện và ký ở báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam (có lẽ là một trong những tờ báo chống tiêu cực đầu tiên), làm cho báo Văn Nghệ, lâu nay chỉ là tờ báo văn chương hiền lành bỗng được mọi người ca ngợi và đổ xô đi mua. Đó là những truyện, ký... Vua lốp, Lời khai của bị can, Cái đêm hôm ấy đêm gì...

Việc đó như phản ứng dây chuyền. Các báo như tạp chí Sông Hương, Đất Quảng cũng bắt đầu đăng những truyện, ký chống tiêu cực. Tờ Đất Quảng đã đăng bút ký Úp phi của Hồ Duy Lệ; Hoàng hôn quê ngoại, Tiếng chim không báo điềm lành của Nguyễn Tam Mỹ và một số bài khác... nói về sự ức hiếp của cán bộ đối với bà con nông dân ở một số nơi trong tỉnh.

Nhờ có các bút ký đăng trên tạp chí, Đất Quảng được cán bộ và nhân dân tìm đọc. Chưa bao giờ tạp chí Đất Quảng được bán sạch tới 2, 3 vạn số như lúc đó. Tạp chí được phổ biến rộng rãi ở Nam Bộ, Hà Nội và bắc miền Trung. Tờ tạp chí nổi tiếng, Tổng biên tập cũng được thơm lây. Tôi nhớ năm 1987, vào Lâm Đồng dự Đại hội Văn nghệ. Vào giờ cơm trưa, tôi cùng các đại biểu vào cửa nhà ăn. Bỗng một cậu rất trẻ níu tôi lại:

-  Anh là anh Thanh Quế?

-  Có gì không? Tôi hỏi.

-  Anh đi theo em.

Cậu ta dắt tôi vào một góc kín của nhà ăn. Tại đó có một số văn nghệ sĩ Lâm Đồng. Các anh dọn một mâm thịnh soạn riêng để tiếp Tổng biên tập tạp chí Đất Quảng, để khen tạp chí, để anh em trao đổi với nhau. Rượu vào lời ra, chúng tôi ngồi cho đến hết giờ họp chiều...

Từ niềm vui và nỗi tự hào đó, chúng tôi tiếp tục đăng truyện Kiến và người và một số truyện khác nói về vấn đề tự do, dân chủ... Đang hăm hở và tự tin như vậy, bỗng một hôm tôi được điện thoại của đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh:

- Mời anh lên Ban gặp tôi.

Tôi vừa đến nơi, đồng chí Trưởng ban nghiêm sắc mặt:

- Anh đăng bài làm sao mà các huyện gửi công văn về Ban kiện tạp chí đấy. Tuần sau anh cho họp tạp chí, chúng tôi xuống dự.

Trong các cuộc họp, các anh phân tích: Chúng tôi cho đăng những bài chống tiêu cực là đúng nhưng không nên lợi dụng việc ấy để đả kích một số cán bộ chủ chốt và cấp ủy địa phương. Chống là để xây, chứ không phải chống là để đạp đổ. Mặt khác, trong một số bài có những chi tiết chưa đúng sự thật, thổi phồng sự việc, chỉ thấy một mặt, gây ra sự hiểu lầm đối với một số cán bộ và chính quyền địa phương... Các anh đề nghị chúng tôi rút kinh nghiệm trong công tác biên tập và cho đăng bài, nhất là phải kiểm chứng các sự kiện cho đúng sự thật khách quan. Lần ấy, Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập bị khiển trách, ai cũng buồn xo.

Sau lần đó, chúng tôi tổ chức những chuyến đi thực tế, làm việc với các huyện ủy đã xảy ra những sự việc trên để hai bên trình bày cái đúng, cái sai của mình mà sửa chữa trong công việc. Nhờ đó, chúng tôi đã điều chỉnh được bài vở, không phải nhụt chí chống tiêu cực mà còn tăng hơn nhưng chính xác hơn, có tình có lý hơn, không những được bạn đọc mà cả những cấp ủy cũng ủng hộ.

 

“NON NƯỚC” RA ĐỜI

Sau khi tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính: tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, tôi được cử làm Q. Chủ tịch Hội Văn nghệ Đà Nẵng và Tổng biên tập tạp chí Đất Quảng. Nhà văn Hồ Duy Lệ (nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng) được điều vào làm Tổng biên tập báo Quảng Nam kiêm Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Nam. Các hội viên và ủy viên Ban chấp hành Hội văn nghệ tỉnh trước đây ai sống ở vùng đất nào (Quảng Nam hay Đà Nẵng) thì thuộc hội viên và Ban chấp hành ở Hội Văn nghệ nơi ấy. Hội Văn nghệ Đà Nẵng giữ hầu hết số hội viên và ủy viên chấp hành cũ về Hội mình.

Một buổi sáng, đang làm việc ở tầng 2 số nhà K54/10 Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng, trụ sở của Hội, tôi được chị em văn phòng gọi xuống tầng dưới nghe điện thoại. Tôi vừa cầm điện thoại lên “a lô” thì đầu bên kia người ấy nói ngay:

- Thanh Quế hả? Mình là Mai Thúc Lân đây (Anh nguyên là Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, nay là Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam), mình muốn bàn với cậu một số việc. Thứ nhất, vừa qua chia tách tỉnh, mình chủ trương để lại nguyên vẹn cho Hội Văn nghệ Đà Nẵng cơ sở vật chất và con người. Mình chỉ chuyển Hồ Duy Lệ vào làm Tổng biên tập báo và Chủ tịch (khung) Hội Văn nghệ Quảng Nam thôi. Nay mình đề nghị cậu và anh chị em Đà Nẵng trả tên tạp chí Đất Quảng cho Quảng Nam, như vậy đúng hơn, cậu lấy tên tạp chí khác - Anh im lặng một chút rồi tiếp - Việc thứ hai, cậu chọn cho mình một người vững vàng về chính trị và tay nghề biên tập cao để vào làm Phó Chủ tịch và Phó Tổng biên tập tạp chí phụ cho cậu Lệ...

Hồi đó, sau khi một số anh chị em chuyển công tác, ở tạp chí chỉ có tôi là Tổng biên tập, nhà văn Nguyễn Bá Thâm là trưởng ban văn; nhà thơ Đỗ Văn Đông là trưởng ban thơ và một cán bộ trị sự là cô Phương Dung. Tôi nghĩ ngay đến anh Nguyễn Bá Thâm và nói:

- Anh Nguyễn Bá Thâm được không anh?

- Tùy cậu. Cậu làm việc với cậu Thâm đi.

Anh Thâm đang sống với gia đình ở Đà Nẵng, đã quen môi trường công tác, nhưng nghe tôi “thuyết phục” vì không có ai đủ điều kiện hơn anh để vào công tác ở Quảng Nam nên rồi anh cũng đồng ý.

Tôi triệu tập họp Ban chấp hành Hội Văn nghệ Đà Nẵng, báo cáo việc đổi tên tạp chí vì phải chuyển tên Đất Quảng cho Quảng Nam và việc anh Thâm đi Quảng Nam. Nhiều ý kiến đề nghị lấy tên tạp chí là: Ngũ Hành Sơn, Người Đà Nẵng, Sông Hàn... cuối cùng Ban chấp hành quyết định lấy tên là Người Đà Nẵng. Việc anh Nguyễn Bá Thâm đi Quảng Nam cũng được thống nhất.

Hôm sau, tôi bàn với anh Nguyễn Bá Thâm:

- Cậu sắp vào Quảng Nam, trước khi đi mình cử cậu bay ra Hà Nội đến Bộ Văn hóa xin đổi tên tạp chí, sẵn thăm cháu học ngoài đó luôn.

Anh Thâm ra Hà Nội, vài hôm sau gọi điện cho tôi:

- Quế ơi, tôi gặp anh Nguyễn Khoa Điềm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, ảnh khuyên nên lấy tên tạp chí là Sông Hàn vì tên Người Đà Nẵng có một tổ chức việt kiều ở Úc đặt rồi...

Tôi lại mời Ban chấp hành Hội họp chớp nhoáng và anh chị em thống nhất là đặt tên tạp chí Non Nước. Tôi điện cho anh Thâm báo cáo với anh Nguyễn Khoa Điềm...

Thế là tên tạp chí Non Nước ra đời. Số báo đầu tiên vào tháng 4/1997, ở Lời Tòa soạn do tôi viết, tôi có nói ý: Sở dĩ chúng tôi lấy tên tạp chí Non Nước vì Non Nước là một địa danh ở Đà Nẵng chúng ta, vừa có ý nghĩa sâu xa là Núi sông Tổ quốc...

Cùng với sự ra đời của tạp chí Non Nước, Ban Biên tập cũng được tăng cường và củng cố. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hương từ Hội Văn nghệ Đà Nẵng (cũ) về làm biên tập văn, sau đó là Trưởng ban Văn rồi là Phó Tổng biên tập. Mấy năm sau, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm từ Ban Tuyên giáo Thành ủy chuyển về làm Phó Tổng biên tập. Nhà thơ Đỗ Văn Đông được đề bạt làm Thư ký Tòa soạn.

Tờ tạp chí Non Nước ra đời từ sự tiếp nối tạp chí Đất Quảng và cùng với năm tháng phát triển cho đến hôm nay...

 T.Q