Thơ tình Chế Lan Viên - Huỳnh Văn Hoa

04.12.2018

Thơ tình Chế Lan Viên - Huỳnh Văn Hoa

Lâu nay, khi nói hay viết về Chế Lan Viên, người ta thường chỉ biết Chế Lan Viên, một nhà thơ chính luận, thiên về triết lý, triết luận. Điều đó đúng, song, chưa đủ.

Chế Lan Viên là một tháp Bayon bốn mặt, như cách nói của ông. Bên cạnh một thế mạnh, một giọng riêng về những bài bình luận, mà thường là bình luận nhạy bén và sắc sảo, ông còn có nhiều bài thơ tình hay, để lại ấn tượng khá sâu đậm nơi người đọc. Có không ít bài thơ tình ngắn gọn, cảm xúc tinh khôi, cô đọng và xinh xắn như một đóa hoa hồng trong buổi sáng mùa xuân. Đây là nét riêng của Chế Lan Viên. Dõi theo con đường sáng tạo của Chế Lan Viên, thấy rằng, ở tuổi 17, trong khi các nhà thơ lãng mạn viết nhiều bài thơ tình thì Chế Lan Viên dựng nên một thế giới hư linh với những tháp Chàm, sông vắng, pháp trường, tha ma, sọ trắng, đầu lâu và đổ nát. Nghệ thuật được chiếu rọi từ tư tưởng siêu hình, làm cho thế giới trần gian, như sau này tác giả viết: "Tôi đi giữa siêu hình / Như đất này lợm mửa" (Ngoảnh lại mười lăm năm). Vậy mà, từ Ánh sáng và Phù sa (NXB Văn học, HN, 1960) trở đi, Chế Lan Viên có nhiều bài thơ tình hay, độc đáo, khác hẳn với nhiều nhà thơ cùng thời.

Chính vì thế, một lần, khi trả lời phỏng vấn của giáo sư văn học Đức, Gunter Giezenfild, Chế Lan Viên nói:

“Khi đã làm thơ thì không phải chỉ làm thơ chính trị (poème revolutionnaire) mà cả thơ tình (poème d'amour)". Tiếp đến, ông còn nhấn mạnh: “Thơ tình, thơ về hoa, về cuộc đời bình thường rất cần thiết. Cần núi cao (haute montagne) của chủ nghĩa anh hùng (heroisme) nhưng cần các đồng bằng (plaine) của đời sống hằng ngày (quotidienne)".

Chế Lan Viên ý thức về mảng thơ đời thường. Trong bài “Thơ bình phương - Đời lập phương”, nhà thơ viết: “Thơ ra đời ở thung lũng tình yêu, ở vịnh biệt ly, ở đỉnh suy tư, khúc eo tưởng nhớ”. Hóa ra, thơ đi ra từ những vịnh, những eo, những thung lũng, những đỉnh như vậy.

Thơ tình Chế Lan Viên không giống thơ tình của Xuân Diệu. Tình yêu ở đây không có hò hẹn, không có "ngó trên tay điếu thuốc cháy lụi dần" của Hồ Dzếnh, không có kiểu "gặp em thơ thẩn bên vườn hạnh / hỏi mãi mà em chẳng trả lời" của Thái Can, lại càng không có kiểu yêu đương như các nhà thơ trẻ hiện đại. Thơ tình Chế Lan Viên có chút gì đó vừa của ca dao, của Nguyễn Trãi, vừa của Trần Tế Xương, của Tản Đà,... Thơ tình Chế Lan Viên làm nên một thế giới nghệ thuật riêng, trong đó thời gian và không gian được cá thể hóa, vĩnh cửu hóa, gắn với chủ thể trữ tình trong từng bài thơ.

Tình ca ban mai, bài thơ nằm trong tập Ánh sáng và phù sa, có 14 câu, viết theo thể thơ 5 chữ, lấy các thời khắc của một ngày để nói nỗi thương nhớ của mình, lấy cái cụ thể (em) để nêu lên cái trừu tượng (thời gian), rồi phả lên đó những cung bậc của tình yêu. Nhà thơ so sánh em với chiều (Em đi, như chiều đi), với mai (Em về, tựa mai về), với trưa (Em ở, trời trưa ở), với khuya (Tình em như sao khuya). Nghĩa là, có em là có tất cả, thiếu em là thiếu tất cả. Bài thơ trong trẻo, có ánh sáng của ban mai, có màu xanh của lộc nõn, có màu vàng của nắng trưa, có hạt vàng của trăng khuya. Bài thơ kết thúc bằng một hình tượng được nhân cách hóa: Mai, hoa em lại về. Cả bài thơ không nói gì đến hoa, chỉ đến cuối bài mới nói đến. Lại một kiểu tư duy của Đường thi "nhân diện đào hoa tương ánh hồng". Tình yêu đã mang lại sự huyền diệu, tựa hồ như hạt vàng rải xuống thế gian: Tình em như sao khuya/ Rải hạt vàng chi chít, để rồi Tình ta như lộc biếc/ Gọi ban mai lại về. Bài thơ có tên "Tình ca ban mai" là như vậy.

Trong thơ Chế Lan Viên, có một hình ảnh thường xuyên xuất hiện, đó là "bể". Cũng có thể nói, "bể" trở thành một không gian nghệ thuật riêng biệt, chỉ thấy ở Chế Lan Viên. Hình tượng này đa nghĩa. Đó là: 

Xanh biếc màu xanh, bể như hàng nghìn mùa thu qua còn để tâm hồn nằm đọng lại

Sóng như hàng nghìn trưa xanh trời đã tan xanh ra thành bể và thôi không trở lại làm trời

Nếu núi là con trai, thì bể là phần yểu điệu nhất của quê hương đã biến thành con gái

Bể đổi thay như lòng ta thay mùa, thay cảm xúc

Lật từng trang mây nước lạ lòng ta

(Cành phong lan bể)         

Bể nghìn đời mà mãi mãi thanh tân...

(Bể và Người)

           

Những người xa quê hương

Sao phải nằm cạnh bể.

(Nghe sóng)

Những năm đầu 1960 là thời điểm của sự phục hưng nơi tâm hồn Chế Lan Viên. Trong Hoa ngày thường - Chim báo bão (NXB Văn học, HN, 1967), nhà thơ viết nhiều bài thơ về tình yêu như Nhớ, Trời đã lạnh rồi, Nhớ em nơi huyện nhỏ, Hoa những ngày thường, Quả vải vào mùa, Cây dẫn về em, trong đó có Chùm nhỏ thơ yêu. Tác giả gọi là chùm nhưng chỉ có 8 câu, viết vào tháng 8/1962:                   

Anh cách em như đất liền xa cách bể

Nửa đêm sâu nằm lắng sóng

phương em

Em thân thuộc sao thành xa lạ thế

Sắp gặp em rồi sóng lại đẩy xa thêm

 

Anh không ngủ. Phải vì em đang nhớ

Một trời sao rực cháy giữa đôi ta

Em nhắm mắt cho lòng anh lặng gió

Cho sao trời yên rụng một đêm hoa.

"Bể" và "đất liền" hai thực thể xa nhau, hai không gian cách vời, xa thẳm. Giữa hai không gian đó, có "anh", "em" và nỗi nhớ. Hai phương trời xa lăng lắc, có một người "không ngủ" và một người "đang nhớ", khiến "cho sao trời yên rụng một đêm hoa".                  

Nhớ là bài thơ viết theo thể lục bát, xinh gọn. Sự chờ đợi bao giờ cũng dài, cũng đầy khát khao và ước vọng. Chỉ còn đêm nay thôi, sáng ra, là gặp nhau mà sao như một năm dài dằng dặc:

Sáng ra đã gặp em rồi

Còn đêm nay nữa sao dài bằng năm

Ước bay đến chỗ em nằm

Cùng chung đợi sáng, tay cầm trong tay.

Cách so sánh tựa hồ như Nguyễn Du đã từng nói, "ba thu dọn lại một ngày dài ghê".

Trong nhiều bài thơ lục bát của Chế Lan Viên, có bài Hoa tháng ba, nằm trong tập Đối thoại mới (NXB Văn học, HN, 1973), nói được thật nhiều cảm xúc của tình yêu:

Tháng ba nở trắng hoa xoan

Sáng ra mặt đất lan tràn mùi hương

Không em, anh chẳng qua vườn

Sợ mùi hương... sợ mùi hương...

nhắc mình.

Mùa xuân gắn liền với sự ra hoa của cây xoan. Xoan nở trắng cành, đầy hương. Hai câu đầu là thời - gian - hoa. Thời gian của tháng ba, thời gian của buổi sáng gắn liền với hương và hoa xoan. Hai câu sau gắn với không - gian - nỗi nhớ. Bài thơ có ba chủ thể : Hoa-Em-Anh. Giữa ba chủ thể là nỗi nhớ. Nỗi nhớ lại gắn với mùi hương. Chú ý cách sử dụng dấu ba chấm (...), nhịp lẻ 3/3/2, mới thấy tâm trạng của tác giả. Có chút gì đấy vừa bâng khuâng, thương nhớ, vừa ngọt ngào xa vắng, thoáng những ngùi thương, đánh đắm cảm xúc. Các câu thơ thật bình dị, sâu lắng. Bài thơ dịu dàng và tinh tế, được viết ra từ một trái tim tha thiết và nồng nàn trong tình yêu.

Chế Lan Viên có bài tứ tuyệt vào loại hay nhất trong thơ Việt hiện đại, bài Lòng anh làm bến thu:

Buổi sáng em xa chi

Cho chiều, mùa thu đến

Để lòng anh hóa bến

Nghe thuyền em ra đi!

Nhiều tuyển tập thơ tình đã tuyển bài thơ này. Bài thơ cũng được chọn và đưa vào trong Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam (NXB Văn học, HN, 2000) của Nguyễn Vũ Tiềm. Đây là một trong những bài thơ ngũ ngôn đặc sắc, thường được nhắc đến của Chế Lan Viên. Tứ tuyệt Chế Lan Viên vừa mang hơi thở truyền thống vừa toát lên nét đẹp hiện đại, bát ngát cảm xúc và dồi dào suy tưởng, cái đẹp của đời thường quyện trong chiều sâu của triết học, câu chữ chân thật lại âm vang dằng dặc. Tác giả hóa thân thành một bến thu, nằm nghe chiếc  thuyền - em, chầm chậm, rời bến. Thuyền đã đi. Bến ở lại. Ở lại với một mùa thu trống trải, cách vời nhung nhớ. Thời gian vật lý chỉ từ sáng sang chiều nhưng kéo theo sau nó là thời gian tâm trạng.

Bến và thuyền vốn là những hình ảnh quen thuộc trong ca dao cổ: Thuyền ơi, có nhớ bến chăng / Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. Ở đây, mô típ thuyền - bến được vận dụng tài tình, sáng tạo bằng chiều sâu cảm nghĩ. Chế Lan Viên đã đổi mới ngôn ngữ, thổi vào đó những cung bậc tình yêu, đằm thắm, tinh tế. Cũng mô típ này, Nguyễn Bính từng có bốn câu thơ xuất sắc, có điều, chỉ khác về chủ thể của tình yêu:

Hôm qua dưới bến xuôi đò

Thương nhau qua cửa tò vò

nhìn nhau

Anh đi đấy, anh về đâu

Cánh buồm nâu...cánh buồm nâu...

cánh buồm.

Xưa nay vẫn thế. Tình yêu không thể tách khỏi thời gian và không gian. Tâm lý, tình cảm của con người tồn tại và đan xen trong hai thực thể đó. Chế Lan Viên cũng vậy. Có điều là, thời gian và không gian trong thơ tình Chế Lan Viên thường lấy cái khoảnh khắc để vĩnh cửu hóa tâm trạng. Từ một cơn gió mùa từ phương bắc thổi về, se lạnh đất trời khiến nhà thơ nghĩ về tình yêu đôi lứa. Từ vựng chỉ về số (hai lần/ lần trước/ lần sau) và sự lặp từ (gió mùa đông bắc/ gió mùa/ gió mùa đông) được sử dụng trong bài thơ đã vượt lên tính cụ thể, trở thành biểu tượng của nhớ thương: 

Từ lúc em ra đi, hai lần gió mùa đông bắc thổi qua phòng

Lần trước lạnh vừa, lần sau lạnh gắt

Ở đất nước đánh giặc này, ta chỉ sợ gió mùa, không sợ giặc

Chỉ sợ lòng mình, ai sợ gió mùa đông.

(Gió mùa đông bắc)

Một cảm nhận độc đáo, một so sánh tài tình giữa cơn gió mùa với sự chung thủy trong tình yêu: Không sợ gió mùa. Không sợ giặc. Chỉ sợ lòng mình.

Ở một bài thơ khác, bài Trận đánh, nhà thơ đã mô tả tâm hồn mình như chiến trận. Một cuộc chiến tâm tình không ngang sức. Cũng là lối so sánh đầy cá tính. Chỉ bốn câu:

Em ra đi, anh dọn lòng anh lại

Một mình anh, trận đánh chẳng

cân bằng

Một mình anh chống với cả mùa

mưa lũ

Với cả màu mây trắng, chỉ mình anh.

Nỗi cô đơn trong bài thơ như dài rộng, trăm mối. Một mình chống lại đất trời, lòng người. Một trận - đánh - tâm - hồn, chẳng cân bằng. Đúng như ai đó từng nói, "thiếu một là thiếu tất cả". Ở một bài thơ khác, bài Mây của em:

Màu trắng là màu mây của em

Trắng trời anh lại nhớ em thêm

Em đi muôn dặm thư về chậm

Chỉ lấy màu mây trắng nhắn tin.

Màu trắng của đám mây, trôi ngang qua khung trời nhung nhớ, đan xen những hình ảnh : mây trắng - em - nỗi nhớ, lồng vào nhau, gợi mãi không thôi. Hai phương trời chỉ một phong thư: mây trắng nhắn tin.

Trong tập Hái theo mùa (NXB Tác phẩm mới, HN, 1977), có một bài thơ tình xinh xắn, bài Tập qua hàng. Bài thơ pha trộn và đi giữa ngôn ngữ và tình yêu. Tình yêu khiến cho nhà thơ như bâng khuâng, ngập ngừng, khó nói trọn lời. Hãy xem diễn đạt của tác giả thì rõ. Một bài thơ bảy chữ, viết theo kiểu qua hàng của lối thơ vắt dòng, đúng âm vận và luật nhưng cũng có thể hiểu theo kiểu thơ tự do, thơ văn xuôi. Nỗi chờ đợi như kéo dài ra, khiến thời gian cũng nhuốm cả tâm tình tác giả. Khách thể hóa tâm trạng bằng những hình ảnh: nắng, cây, ngõ, bướm và choàng lên đó các cung bậc của mong, nhớ, chờ, làm cho toàn bộ bài thơ thành một không gian tâm tưởng của cô đơn, khắc tạc vào một ngày và chỉ một ngày nữa thôi: 

Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ

trở về. Nắng sáng cũng mong. Cây

cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm

cũng thêm màu trên cánh đang bay.

 

Thơ tình Chế Lan Viên đa dạng trong việc chọn thể loại và diễn đạt. Câu thơ có lúc thật ngắn, có lúc thật dài. Bài thơ có khi là lục bát, có khi là tứ tuyệt. Đặc biệt và tài hoa là khi sử dụng hình ảnh. Hình ảnh đa nghĩa, giàu suy tưởng. Thơ tình làm nên nét riêng trong thế giới nghệ thuật của Chế Lan Viên.  

H.V.H