Đất Quảng, Non Nước và kỷ niệm thuở ban đầu - Trần Trung Sáng

04.12.2018

Đất Quảng, Non Nước và kỷ niệm thuở ban đầu - Trần Trung Sáng

Qua 123 kỳ của tạp chí Đất Quảng (tính từ kỳ phát hành số đầu tiên vào năm 1978 đến khi thành lập lại bộ mới Đất Quảng thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam vào Xuân Mậu Dần - tháng 2 năm 1998, sau khi Quảng Nam và Đà Nẵng tách thành hai đơn vị hành chính), tôi vẫn còn lưu giữ trang trọng trong bộ sưu tập của mình tờ bìa tạp chí Đất Quảng số 39 ra vào tháng 3, 4 /1986, bởi đây là một ấn phẩm có kỷ niệm hết sức đặc biệt với tôi: lần đầu tiên, sau ngày thống nhất đất nước 1975, tôi có truyện ngắn góp mặt trên một tạp chí văn học nghệ thuật có uy tín cả nước.

Cần nhắc lại, thời điểm 1985-1986 là giai đoạn cao trào của những cây bút trẻ Quảng Nam - Đà Nẵng trưởng thành sau 10 năm giải phóng, với sự xuất hiện những gương mặt nổi trội, đóng góp vào sự phát triển của văn học địa phương đến tận ngày nay như: Nguyễn Lộc An, Hồ Trung Tú, Lê Trâm, Nguyễn Tam Mỹ, Phan Văn Minh, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Hàn Chung, Nguyễn Tấn Sĩ, Phan Chí Thanh, Nguyễn An Hạ, Đặng Ngọc Khoa... Do đó, mỗi một truyện ngắn, mỗi một bài thơ của các tác giả lần đầu ra mắt trên tạp chí Đất Quảng gần như là sự giới thiệu trang trọng với bạn đọc về tác giả ấy.

Truyện ngắn của tôi đăng trên tạp chí Đất Quảng số 39 có tên: Bức họa mới của người nữ tu. Nội dung truyện viết về hoạt động của các nữ tu trong việc xây dựng hợp tác xã Mây tre tại Tu viện Thánh Tâm Đà Nẵng. Tình tiết trong truyện phần lớn liên quan đến người thật, việc thật..., vì lúc này, tôi đang là một chàng trai trẻ tham gia công tác văn học nghệ thuật tại địa phương, chuyên viết bài hát tự biên, kịch thông tin cổ động cho các đơn vị cơ sở, trong đó có đơn vị Mây tre Thánh Tâm.

Trước khi tạp chí Đất Quảng số 39 phát hành, trên bìa lưng của số trước có in nội dung giới thiệu một vài tựa đề và tên tác giả tiêu biểu, trong đó truyện

Bức họa mới của người nữ tu đã được giới thiệu với cỡ chữ và vị trí thật ấn tượng. Tôi càng thêm xúc động, khi được nhà văn Bùi Minh Quốc, lúc này là Tổng biên tập nhắn gặp với lời động viên: “Chính tôi chọn truyện ngắn này. Cậu là một trong những người trẻ viết được, có triển vọng. Tôi gặp cậu với lời khuyên hãy cố gắng hơn nữa và tiếp tục theo đuổi sự nghiệp văn học lâu dài”. Tuy nhiên, ngay sau đó, một thông tin khiến tôi hơi lo âu: một thành viên của đội văn nghệ  Mây tre Thánh Tâm hỏi tôi, có phải anh viết về các xơ trên tạp chí Đất Quảng không? Sao anh làm vậy? Anh biết các xơ ngại chuyện đó mà!

Ngẫm lại thấy truyện ngắn của mình viết không có chi xúc phạm đến tôn giáo hoặc cá nhân các nữ tu, nhưng tôi vẫn ngần ngại tránh vào Tu viện Thánh Tâm, cho đến khi tạp chí chính thức phát hành vài ngày và sau đó là lời nhắn gặp của Mẹ Nhất (người có vị trí cao nhất của tu viện lúc này). Mẹ Nhất vui vẻ chào tôi nói: “Tôi đọc truyện của anh viết rồi. Anh khéo tưởng tượng lắm, nhưng rất hay và tình cảm!”.

Về sau, tôi tiếp tục có nhiều truyện ngắn khác in trên các báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, Thanh Niên, Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, Kiến thức ngày nay, Văn Nghệ, Văn nghệ Trẻ... và một số tác phẩm in thành sách, nhưng chưa lần nào tôi gặp lại được cái cảm xúc lâng lâng, bay bổng như lần đầu có truyện ngắn trên Đất Quảng.

 

Tạp chí Non Nước chính thức bắt đầu ra đời từ tháng 4/1997, tính đến tháng 12/2018  được 251 số. So với Đất Quảng trước kia, tôi cộng tác với Non Nước thường xuyên hơn, nhất là trong những năm gần đây. Tuy nhiên, kỷ niệm sâu sắc trong sưu tập của tôi về Non Nước, không phải là truyện ngắn, mà là chuyện về một bức tranh. Cụ thể là trên trang bìa tạp chí Non Nước số 28 - 29 (ra tháng 7 - 8/1999) in bức tranh Cầu quay trên sông Hàn (dán giấy) mà tôi là tác giả.

Tranh bìa của tạp chí Non Nước số nói trên gắn liền với sự kiện Triển lãm Tranh dán giấy của tôi vào dịp 21/6/1999. Đó là một cuộc triển lãm được công chúng khá quan tâm không chỉ vì đề tài (báo chí, nhân vật, sự kiện), chất liệu (dán giấy)..., mà còn vì tôi là một người viết văn, làm báo, không phải là một họa sĩ chuyên nghiệp xuất thân từ trường trại, hội hè. Buổi khai mạc triển lãm, đông đảo lãnh đạo địa phương và các doanh nghiệp đến tham dự và gắn nơ mua tranh. Trong đó, có ông Trương Quang Được (lúc này là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) mua bức Chợ quê; ông Nguyễn Xuân Phúc (lúc này là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) mua bức Chân dung Bùi Giáng... Riêng bức tranh Cầu quay trên sông Hàn tôi có ý giữ lại để chào mời ông Phạm Minh Thông, lúc này Giám đốc một doanh nghiệp lớn đang phụ trách thi công cầu Sông Hàn. Tuy nhiên, khi ông Thông đến trễ sau buổi khai mạc, ông đã chê bức tranh về cầu Sông Hàn nhỏ quá, và cuối cùng ông chọn bức tranh có kích cỡ lớn nhất: Người thổi kèn (1,2m x 1,2m) với giá 1.000 USD (đây cũng là giá tranh kỷ lục tại Đà Nẵng so với thời điểm bấy giờ).

Trong khi đó, bức tranh Cầu quay trên sông Hàn được phần lớn giới mỹ thuật đánh giá cao nhất so với các tác phẩm khác tại phòng tranh. Họa sĩ Trần Nhơn (nay đã định cư tại Hoa Kỳ) nói: “Mới xem bức này trên catalogue tôi cảm giác bức tranh có kích cỡ rất lớn, không ngờ nó lại rất nhỏ. Tuy nhiên, đây là một bức tranh có kỹ thuật dán giấy độc đáo nhất của triển lãm, không dễ gì các họa sĩ chuyên nghiệp làm được”. Kế đến, cũng chính các họa sĩ thuộc Hội Mỹ thuật Đà Nẵng đã đề nghị tạp chí Non Nước in giới thiệu tranh này trên bìa số 28 - 29.

Cũng như lần đầu có truyện ngắn in trên Đất Quảng, với Non Nước, đây là lần đầu tôi có cảm xúc hạnh phúc nhất khi nhìn thấy tác phẩm mình được in trên bìa tạp chí. Tôi tin rằng, đây là cách giới thiệu tác giả - tác phẩm ý nghĩa đối với một họa sĩ đạt được vị trí nào đó. Và càng thú vị hơn, không lâu sau, tình cờ một người yêu tranh ở Buôn Ma Thuột nhìn thấy bức tranh nói trên ở tờ bìa tạp chí Non Nước đã liên hệ đặt tôi thực hiện một phiên bản tương tự với kích cỡ lớn gấp nhiều lần.

Đến nay, sau 40 năm kể từ ngày tạp chí Đất Quảng ra số đầu tiên, và  21 năm ra đời tạp chí Non Nước, hẳn với các bạn cộng tác viên, những bạn đọc, những người yêu mến Đất Quảng, Non Nước vẫn còn giữ lại những kỷ niệm cho riêng mình bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhà thơ Huỳnh Trương Phát (Quảng Nam) hiện vẫn còn lưu giữ bộ sưu tập đầy đủ Đất Quảng từ số đầu tiên của bộ cũ cho đến số mới nhất của bộ mới. Tại Đà Nẵng, một người giấu tên, cho biết anh có đầy đủ bộ sưu tập tạp chí Non Nước, đang sẵn sàng hiến tặng cho một thư viện trong những thư viện các xã vùng xa. Với tôi, hai kỷ niệm về cái thuở ban đầu cùng Đất Quảng, Non Nước vừa nói trên vẫn luôn nằm lại trong bộ sưu tập trân quý nhất của mình.

T.T.S