Giữ gìn tên gọi Đất Quảng - Hồ Duy Lệ

04.12.2018

Giữ gìn tên gọi Đất Quảng - Hồ Duy Lệ

Đất Quảng muốn nói ở đây là tên gọi một tạp chí của Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam, tạp chí Đất Quảng. Tạp chí mang tên Đất Quảng ra đời khi có Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng, từ sau hơn hai năm ngày giải phóng, tháng 3 năm 1975, tức là vào dịp kỷ niệm ngày Cách mạng tháng 8 năm 1977. Tưởng tạp chí mang tên Đất Quảng sẽ tồn tại với Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng, nhưng rồi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được tách thành hai đơn vị hành chính nên cái tên tạp chí Đất Quảng cũng biến mất, khi mới tròn 20 tuổi, từ sau khi Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng, của thành phố Đà Nẵng, lấy tên gọi tạp chí của Hội là tạp chí Non Nước. Từ ngày đó, Đất Quảng và Non Nước trở thành hai người anh em cùng một quê hương, cùng đồng hành trên hành trình sáng tạo nghệ thuật đầy vất vả.

Ngày 1/1/1997, hai đơn vị hành chính vừa tách ra, bắt đầu hoạt động, các cơ quan ban ngành, sau khi được tách ra, từng bước củng cố, ổn định và dần trở lại hoạt động bình thường, riêng tỉnh Quảng Nam vừa tái lập (một cụm từ lúc bấy giờ tạm gọi), không có hội văn học nghệ thuật, tất nhiên cũng không có tạp chí văn học  nghệ thuật.

Sau khi được gọi là tạm ổn định thì, có lẽ, tôi dùng từ có lẽ, vì không chắc lắm, Tỉnh ủy Quảng Nam cảm thấy thiếu một cái gì đó. Sau chừng bốn hay năm tháng vào làm việc ở Tam Kỳ - Quảng Nam, đồng chí Mai Thúc Lân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, gọi tôi lên báo cáo công việc của tờ Báo Quảng Nam. Sau khi hỏi chuyện về công việc, về tình hình nhân sự của Báo Quảng Nam, thì đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nói, đại khái là, Quảng Nam là đất học, đất của văn học nghệ thuật, mà không có hội văn học nghệ thuật, không có một tạp chí về văn học nghệ thuật, là không được,... Cậu (anh Lân gọi tôi một cách thân mật) là người từng làm công tác văn học nghệ thuật, cậu đề xuất xem, nay ta phải tính sao cho có Hội, có tạp chí. 

Khi chưa “chia tách”, tôi làm Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng. Khi thành lập tỉnh Quảng Nam, thì Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định tôi làm Tổng biên tập Báo Quảng Nam, vì vậy tôi có thể nói một ít về lĩnh vực này và đề xuất ý kiến của mình với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đang bận rộn với bề bộn công việc của một tỉnh mới, thiếu thốn đủ thứ, kể cả chỗ làm việc và là người am hiểu và mê văn học nghệ thuật. Tôi nói - đúng hơn là mạnh dạn nói, mạnh dạn là vì nói thật thường bị mất lòng: - Thưa anh, không có Hội là vì khi chia tách, tất cả các đơn vị đều chia, duy nhất, hội văn học nghệ thuật là không chia! Tôi không nói gì thêm, nhưng trong bụng thì nghĩ rất nhiều về sự chia, một công việc không dễ dàng mà Ban Thường vụ và Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ phải họp bàn nhiều phiên, tính toán chia cán bộ, ai đi, ai ở lại, chia tài sản, có cả nhiều vấn đề lớn như chia “địa giới hành chính”, phải đưa ra xin ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, về sự quan tâm của lãnh đạo đối với cái hội vốn ít được quan tâm, dù có tên gọi rất kêu: Hội văn học nghệ thuật. Nhưng hôm đó, tôi rất mừng, vì đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã gọi tôi lên và đặt vấn đề về số phận của Hội, không nói chuyện chia tách nữa. Tôi nói, thưa anh, Tỉnh ủy muốn thì có Hội thôi.

- Làm cách nào? Bí thư nhìn tôi, hỏi.

- Chỉ cần anh ra một quyết định là có Hội.

- Nhưng, quan trọng là nhân sự. Cậu phải đứng ra chọn nhân sự để Tỉnh ủy và Ủy ban xem xét và ra quyết định thành lập Ban chấp hành lâm thời, chuẩn bị đại hội bầu ra Ban chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam. Muốn từ chối vì đang kham chức Tổng biên tập, với quá nhiều việc phải làm, nhưng một phần vì trách nhiệm với Hội, vả lại, không thể từ chối được với “lệnh” của Bí thư Tỉnh ủy. Sau khi trao đổi và được sự nhất trí của đồng chí Nguyễn Đức Hạt, lúc bấy giờ là Trưởng ban Tổ chức rồi Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, tôi mời anh Nguyễn Bá Thâm, đang làm Trưởng ban văn của tạp chí Đất Quảng của Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng (lúc này chưa đổi tên thành tạp chí Non Nước) vào Quảng Nam làm Phó chủ tịch Hội, cùng tôi chuẩn bị đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam lần thứ nhất, diễn ra ngày 19 tháng 8 năm 1997. Và vào dịp đón chào Xuân Mậu Dần - tháng 2/1998, thì tạp chí của Hội, xin giữ nguyên giấy phép của Bộ Văn hóa Thông tin đã cấp, giữ nguyên cái tên Đất Quảng, số 1, tức là số 123, lấy tên Đất Quảng, bộ mới, ra mắt bạn đọc, với một Ban biên tập mới, toàn là người kiêm nhiệm. Đến tháng 10, tháng 11, năm 2007, sau 10 năm, tạp chí Đất Quảng ra được 60 số, với trên dưới 4 triệu trang in.

Tỉnh ủy Quảng Nam đồng ý và cho phép giữ nguyên cái tên Đất Quảng cho tạp chí của Hội. Anh chị em hội viên cũng rất muốn giữ cái tên đã quen thân từ sau ngày giải phóng quê hương năm 1975. Một tên gọi đặt cho một tạp chí văn học nghệ thuật đã được các anh nhà văn, nhà thơ có mặt từ những ngày đầu thành lập Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng như Phan Tứ, Hoàng Châu Ký, Lưu Trùng Dương, Hồ Hoàng Thanh... đề xuất, trao đổi và thống nhất chọn, và anh em hội viên đã tự nguyện cùng nhau đóng góp suy tư và sức sáng tạo của mình để giữ gìn tên gọi Đất Quảng. Ngay cái măng sét cũng phải thay đổi mấy lần, cho đến cái măng sét cũng có công đóng góp của hai họa sĩ Hồ Trung Đức và Nguyễn Trọng Khôi đã phác thảo và tồn tại đến sau này.

Tạp chí Đất Quảng không ngừng cố gắng để nâng cao chất lượng, vì vậy đã kịp tiếp bước cùng Non Nước - hai người anh em, cùng cố gắng vượt qua những khó khăn, thách thức - kể cả khó khăn về sự quan tâm của các cấp, để tồn tại và phát huy khả năng của mình. Là loại tạp chí chuyên sâu về văn học nghệ thuật, bao gồm các chuyên ngành văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật, dân tộc miền núi, văn học dân gian... trong đó ưu tiên ngành văn học, nhằm phản ảnh một cách sinh động, chân thực về con người và vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng trong sinh tồn, trong quá trình đấu tranh giữ nước và xây dựng quê hương.

Sức lôi cuốn của nền văn học, nói chung, văn học của một vùng đất nói riêng, là khả năng của văn học mô tả chân thật đời sống của nhân dân. Đó là mục tiêu hướng đến của những người làm văn học. Những người quản lý, tham gia, cộng tác, làm tạp chí Đất Quảng luôn mong muốn có nhiều người đọc, thêm nhiều người cộng tác, được nhiều người quan tâm. Làm được mục tiêu “lôi cuốn” người đọc, ngày một nhiều hơn, chính là cách tốt nhất giữ được cái tên Đất Quảng trong lòng người đọc, làm cho nhiều người biết thêm về đất Quảng, nhiều người con của đất Quảng đang ở quê nhà hay sinh sống ở đâu, đang làm ăn khá giả hay đang gặp phải khó khăn vẫn luôn nhớ về nơi có những làng quê, bến đò, có núi cao, sông sâu, biển rộng, có ruộng đồng và những trảng cát bạc màu, nơi còn khá nhiều những người dân cần cù, một nắng hai sương vất vả ngược xuôi và có biết bao nhiêu điều quý giá và thân yêu mà mỗi khi nhắc đến lòng ta bỗng lặng đi, rưng rưng, làm cho ta quý hơn con người và mảnh đất quê hương thân yêu của mình.

Tuy đã có hướng để những ai đam mê văn học nghệ thuật dấn thân vào, nhưng chưa làm được điều mà nhà văn Nga Rasun Gamzatop đề ra, là “Văn học và Nghệ thuật cần xây dựng với trái tim tài năng và trong sạch, với trí tuệ minh mẫn và với sự lao động kiên nhẫn, bền lòng”. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm và đánh gía đúng mức vai trò của văn hóa nói chung, của văn học nghệ thuật đối với cuộc sống, với công cuộc học tập, xây dựng và phát triển bền vững. Chúng ta cần suy nghĩ ý kiến đầy trí tuệ và tâm huyết “Hãy mở cửa ra cho trẻ em”, với các nhà giáo dục trên toàn nước Pháp: “Lần đầu tiên trong lịch sử, trẻ em được biết rất nhiều điều mà cha mẹ chúng không được biết. Nhưng phải cấu trúc phần kiến thức đó theo văn hóa, làm sáng tỏ nó bằng sự thông thái và trí thông minh bao đời của nhân loại... Tôi mong trẻ sẽ học các ngôn ngữ thông qua văn học, kịch nghệ, thi ca, triết học và khoa học. Nếu như hiện nay nhiều thiếu niên không diễn đạt được điều mình cảm nhận, nhiều thanh niên không bộc lộ được cảm xúc, chia sẻ tình cảm, không tìm được những từ về tình yêu và cả sự đau đớn mà chỉ còn cách tự bộc lộ qua những hành động hung tàn, đó có lẽ vì họ không được tạo điều kiện tìm hiểu văn thơ, cũng như bất cứ hình thái nghệ thuật nào khác biết thể hiện con người trong những cung bậc cảm động nhất, thống thiết nhất, bi tráng nhất.

Trong thời đại của video, điện thoại di động, Internet, của sự thông tin liên lạc tức thì, lớp trẻ càng cần đến một nền văn hóa tổng quát. Thế giới càng sản sinh ra nhiều kiến thức, nhiều thông tin, nhiều sản phẩm kỹ thuật thì càng cần nền tảng văn hóa cho những ai muốn được tự tại, muốn được tự quyết số phận mình...” (cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy). 

Với hàng ngàn trang in, gồm thơ, ký, truyện ngắn, mà anh chị em đã miệt mài trong say mê sáng tạo, đã bằng nhiều cách tiếp cận với người đọc. Tính ra, chưa thấm vào đâu, người viết - người sáng tạo nghệ thuật lúc nào cũng có một bận tâm liệu bao nhiêu trang văn, trong số đó, đến với người đọc, đến với lớp trẻ, đến với các thư viện xã thôn, đến với các thư viện trường học? Đề cập đến cái sự đọc đang là nhu cầu không thể và không nên thiếu, trước sức mạnh của mạng, của Internet, để thấy nhiệm vụ của người viết, người sáng tạo nên những tác phẩm văn chương, có giá trị nghệ thuật cao, có ích cho cuộc sống là lớn lao, khó khăn và nặng nhọc biết chừng nào!

H.D.L