Đất Quảng - Non Nước kỷ vật của tôi - Huỳnh Trương Phát

04.12.2018

Đất Quảng - Non Nước kỷ vật của tôi - Huỳnh Trương Phát

Sau năm 1975, chuyện sách báo hầu như chẳng ai đoái hoài. Có chăng cũng chỉ có rất ít người quan tâm. Đó là những người viết lách, những người ghiền chữ nghĩa. Thực tế ấy cũng là điều dễ hiểu, bởi chiến tranh vừa kết thúc, cái ăn, cái mặc thiếu thốn, khiến con người phải dành hết thời gian để ổn định cuộc sống. Trong đó có tôi. Tuy nhiên, tôi cũng là người ghiền chữ nên cho dù thế nào đi chăng nữa tôi vẫn không chịu được cái cảnh đói chữ, tôi vận dụng mọi khả năng có được để tìm đọc những tờ báo, tạp chí phát hành trong nước, trong tỉnh khi mà điều kiện sống và làm việc của tôi ở tận tít đỉnh núi Ngọc Linh, huyện miền núi Trà My, Quảng Nam - Đà Nẵng, nay là huyện Bắc Trà My, Nam Trà My tỉnh Quảng Nam. Trong số những tờ báo, tạp chí mà tôi đọc được có tờ tạp chí Đất Quảng của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, số 01 phát hành vào năm 1978, sau ngày quê hương được giải phóng 3 năm. Nhưng để có được Đất Quảng và đọc được Đất Quảng thường xuyên là một câu chuyện khác, bởi Trà My cách tòa soạn ở Đà Nẵng cả trăm rưỡi cây số, còn qua bưu điện, khi cầm cuốn tạp chí thì đã “cũ”. Nói vậy thôi chứ bất kỳ lúc nào cầm được Đất Quảng trên tay tôi vẫn cứ thấy luôn luôn “mới”. Và bằng mọi cách tôi phải sưu tập cho liên tục các số Đất Quảng, nếu như Đất Quảng không về tới Trà My thì tôi tức tốc nhờ bạn bè ở Tam Kỳ, Đà Nẵng mua hộ chớ để lâu ngày tìm không ra, mất số là mất cả sự hứng thú. Giá một cuốn tạp chí Đất Quảng từ năm 1978 đến năm 1979 là 5 hào, năm 1980 là 1 đồng, năm 1981 là 2 đồng, từ năm 1982 đến năm 1984 là 3 đồng, 4 đồng, 5 đồng, 7 đồng.

Chính xác là số 01 Đất Quảng phát hành vào tháng 5 năm 1978 với chu kỳ 2 tháng 1 số. Tuy nhiên, sau đó chu kỳ này không thường xuyên, có khi 3 tháng 1 số, 4 tháng 1 số... Khuôn khổ của Đất Quảng cũng vậy. Ngay từ những số đầu tiên khuôn khổ của Đất Quảng là 19cm x 27cm, được vài ba số thì lấy khổ 18cm x 25cm, sau 13 số lại chọn trở lại khổ 19cm x 27cm, rồi 16cm x 23cm, 14,5cm x 20,5cm. Ngày Đất Quảng về Quảng Nam 1/1/1997 đến nay 20 năm, hình dáng của Đất Quảng luôn giữ số đo là 16cm x 24cm. Kỳ phát hành sau 10 năm phát hành  là 2 tháng 1 số, 10 năm trở lại đây phát hành mỗi tháng 1 số. Đất Quảng ở lại Đà Nẵng thì đổi tên là Non Nước, hình dáng cùng mang số đo với Đất Quảng - Quảng Nam, tháng nào cũng có 1 số. Nhan sắc Đất Quảng - Non Nước được chăm chút, duyên dáng hơn. Rườm rà một chút như thế để thấy rằng, đứa con tinh thần của văn nghệ xứ Quảng sinh ra đã được sự quan tâm chăm sóc để có một dáng hình dễ nhìn, chứ không đơn giản là thích chi làm nấy của những người cha người mẹ rút ruột đẻ ra nó. Đó là chưa nói đến ruột gan của nó hay nói cách khác là nội tạng của nó như thế nào để nó sống được với thời gian. Trước hết là câu chuyện về giấy in. Nhiều khi câu chữ nằm trên cộng rơm. Chỉ cần cộng rơm ấy vô tình rớt đi thì câu chữ cũng đi theo. Nhìn chung là chất lượng giấy không tốt, màu sắc thì vàng khè, nét chữ màu đen nhiều khi đọc không ra. Vì thế mà hình thù một tác phẩm như ảnh nghệ thuật, tranh mỹ thuật, truyện ngắn, ca khúc, bài thơ,... bị xấu xí bởi bố cục, câu chữ không được trọn vẹn do chất lượng giấy in. Nhờ đất nước đổi mới vài chục năm nay nên Đất Quảng - Non Nước ngày càng được bạn đọc săn đón hơn khi cầm trên tay ấn phẩm đẹp cả về hình thức lẫn nội dung được in trên giấy tốt, in bằng mực tốt.

Ở miền núi Trà My không khí ẩm thấp cho nên việc bảo quản sách báo thật khó khăn. Thế nhưng bằng mọi giá tôi phải giữ cho Đất Quảng luôn khô ráo trong khoảng thời gian 20 năm 1975 - 1995, cho đến ngày tôi chuyển công tác về đồng bằng Núi Thành, Tam Kỳ và tiếp tục chiến đấu với cuộc chiến thay đổi khí hậu. Đó là chưa kể mối mọt - kẻ thù của giấy hay nói cách khác giấy là đặc sản rất hợp khẩu vị với chúng. Trong mấy kho tư liệu của tôi đã không ít tư liệu bị chúng xơi không thương tiếc, song tạp chí Đất Quảng tôi vẫn có chế độ bảo quản đặc biệt nên mới còn đến bây giờ, mới có để cho nhà văn Nguyễn Bá Thâm mượn tuyển chọn thơ sau 100 số Đất Quảng, hồi ấy là năm 1996. Từ Trà My tôi chở bằng hon đa về đến tòa soạn tạp chí ở số 34 Ông Ích Khiêm, Thanh Bình, Đà Nẵng. Địa chỉ này hiện nay vẫn còn sử dụng. Nói đúng hơn là tôi chở về nhà nhà văn Nguyễn Bá Thâm ở ngay cổng tạp chí Đất Quảng, số lượng 60 cuốn. Khi chở đi cho mượn lòng vui bao nhiêu thì lúc lấy lại lòng buồn bấy nhiêu vì 60 báu vật của mình bị xáo trộn, cuốn thừa cuốn thiếu. Buồn đứt ruột. Lòng đau như cắt. Nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt bởi cái lý do chẳng rõ ràng. Báo hại tôi phải ngày đêm đi tìm khắp nơi trong bạn bè văn chương ở Đà Nẵng để hoàn chỉnh lại bộ tạp chí văn nghệ địa phương có một không hai của riêng mình. Trước khi cất giữ là đọc. Đó là thói quen của tôi. Thỉnh thoảng tôi lại đem ra đọc. Đọc xong rồi tôi tập làm thơ gửi Đất Quảng cộng tác. Nhưng nói thật lúc bấy giờ thơ tôi là thơ con cóc nên suốt 10 năm trời 1978 - 1988 tôi chỉ thấy tên mình trong hộp thư tạp chí với cái tên cúng cơm là Huỳnh Gạch và chỉ cần thế là vui quá rồi. Thơ gửi hoài mà không thấy đăng tôi bèn nghĩ lấy bút danh. Bút danh đầu tiên của tôi là Hoàng Nguyên Mỹ. Cũng không thấy đăng. Tôi chọn bút danh khác Hoàng Trương Phát. Cũng không thấy đăng. Tôi lại lấy nguyên cái họ Huỳnh của mình gọi là Huỳnh Trương Phát. Vậy là sau đó có một bài thơ ngắn, lần đầu tiên đăng trên Đất Quảng. Vui không gì bằng.

40 năm, chừ đọc lại những cái tên anh chị em, bạn bè văn nghệ thân thương, tự dưng trong tôi hiện về mồn một một ký ức thật đẹp về thời vàng son của Đất Quảng với những người đã góp phần đáng kể vào sự sống còn của Đất Quảng qua tác phẩm của mình như họa sĩ Nguyễn Duy Ninh, nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái, họa sĩ  Nguyễn Duy Hối, là 3 anh em ruột, họa sĩ Hoàng Đặng, họa sĩ  Dư Dư - người mà năm 1988 từng bảo tôi hãy để cháu Huỳnh Phát Dạ Vy, con gái đầu lòng của tôi ở với Dư Dư để Dư Dư dạy vẽ sau khi cháu đoạt giải Ba vẽ tranh của Nhà thiếu nhi Đà Nẵng, hiện nay cháu đã là họa sĩ công tác ở Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam. Rồi nhà thơ Ngân Vịnh, nhà thơ Thanh Quế, nhà thơ quá cố Hoàng Minh Nhân, nhà văn quá cố Phan Tứ,  nhà văn quá cố Đoàn Xoa, nhà văn Nguyễn Bá Thâm, nhà văn Hồ Duy Lệ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Xuân Bổn, Vũ Công Điền, Vũ Thanh Tú,... Hai nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh và Trần Thảo là người giới thiệu tôi vào phân ngành nhiếp ảnh Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1990 và tôi chính thức trở thành hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam -  Đà Nẵng từ đó. Ghi nhận sự đóng góp của tôi trong 28 năm qua là danh hiệu “Kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam”... Lúc bấy giờ ở Trà My có các anh Phạm Hồ Lưu, anh Vũ Khắc Tĩnh làm thơ, anh Phan Văn Minh - nhạc sĩ đã và đang làm cho mọi người ai cũng Cả nhà thương nhau, anh Nguyễn Hoàng Diệu thì thật khó quên hình ảnh “em vun khoai đẹp lắm mấy hàng cong/ Như cặp mi em ngó xuống...”... là những người đầu tiên ở Trà My có thơ  có nhạc đăng trên Đất Quảng ngay các số đầu. Tôi nhớ anh chị em cộng tác viên cho tạp chí lúc bấy giờ ở rải rác các huyện, thị: Ở Tam Kỳ thì có Nguyễn Tấn Sĩ, Trương Văn Ngọc, Trương Văn Huyên; Huyện Thăng Bình thì có Thái Miên, Phan Chí Thanh, Bùi Tự Lực; Thị xã  Hội An có Vũ Minh, Phùng Tấn Đông; Huyện Điện Bàn có Trương Điện Thắng, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Minh Hùng; Huyện Tiên Phước có Nguyễn Tam Mỹ, Lê Trường Long, họa sĩ Từ Duy; Huyện Duy Xuyên có anh Lê Trung Thùy. Anh Lê Trung Thùy là cây bút viết kịch cùng học với tôi lớp sáng tác kịch bản do Ty Văn hóa Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức năm 1977. Vở kịch Từ một chân trâu của anh là tác phẩm tốt nghiệp loại giỏi được chọn đăng trong Đất Quảng số 2, tháng 7/1978 v.v... Ngày 20/9/1979 đoàn văn nghệ sĩ Quảng Nam - Đà Nẵng đi thực tế sáng tác ở Lâm trường Trà My, trong đó có nhà văn Nguyễn Bá Thâm, nhà văn Hồ Duy Lệ, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, họa sĩ Nguyễn Hoàng Kim, anh Thước lái xe và nhiều người khác nữa. Sau đó họa sĩ Nguyễn Hoàng Kim không may sinh nghề tử nghiệp. Anh ngã từ tầng 2 Nhà chứng tích tội ác Đế quốc Mỹ xuống đường Phan Đình Phùng trong lúc lùi lại phía sau để xem bức tranh mình đang vẽ. Nhà chứng tích lúc bấy giờ nằm ở giao lộ Bạch Đằng - Phan Đình Phùng thành phố Đà Nẵng. Chuyến đi thực tế ấy họa sĩ Nguyễn Hoàng Kim ký họa màu nước chân dung anh Hồ Văn Hùng, dân tộc Cadong, công nhân khai thác gỗ đội 1, lâm trường Trà My, in trong Đất Quảng số 8, tháng 12/ 1979. Đây là kỷ vật vô giá. Đọc Đất Quảng những năm tháng sau ngày giải phóng lòng tôi vẫn còn rưng rưng bao nỗi nhớ tình đời. Truyện ngắn Bên kia tường của Ngô Thị Kim Cúc là một ví dụ. “...Anh là một đứa con nít. Anh phải tìm một chỗ đứng cho vững vàng; Ông ta là một ông tướng, ông ta phải tìm một chỗ ngồi cho vũng vàng; Còn tôi, tôi phải tìm một chỗ nằm cho vững vàng vì tôi là đàn bà...”. Đó là một đoạn lời thoại của bà vợ ngoại tình nói với anh chồng bị cắm sừng trong bối cảnh trước 75 mà Ngô Thị Kim Cúc nghe được bên kia tường. Và tôi không thể nào quên được những câu thơ ngọt ngào còn mang đầy hơi thở của núi rừng Trà My vừa bước ra khỏi chiến tranh: “...Buổi trưa gối đầu lên tiếng suối/ Hoa rừng hoa nắng đan vào nhau/ Nghe mang tác vọng bên kè đá/ Mà hứng chí hú lộng rừng sâu - Hẹn cuối tháng Tư về phố chợ/ Quế thanh làm trâm cài tặng vợ/ Chai mật đầu mùa thì cho con/ Ôi lòng thợ rừng vui nào hơn!...” - bài thơ Trong rừng Trà My của anh Phạm Hồ Lưu; gặp lại cố nhà văn Phan Tứ với Tâm tư 79, ông mở đầu thật sâu: “Khác với con kênh êm xuôi, dòng sông lịch sử chảy không đều. Trong những năm thanh bình, con sông như dừng lại, trải rộng mặt nước phẳng như gương cho cây mới trồng và cho nhà mới xây chen nhau soi bóng. Nhưng không một lúc nào nó biến thành ao hồ. Đến chỗ bị ghềnh đá lởm chởm xóc ngược vào bụng, nó chồm dậy chống trả với một sức mạnh không ai lường nổi, gầm rít lao lên mở lối. Và bao giờ nó cũng xoi được một con đường đi tới, dù phải chịu quanh co khúc khuỷu”... Đọc Đất Quảng số xuân Mậu Tuất 2018 (ghép 2 kỳ 287+288) tôi lại gặp tôi, cái thằng làm thơ con cóc ngày nào với bài thơ  lục bát Làm sao giấu được cái nhìn mà bồi hồi thương nhớ Đất Quảng 40 năm: “Anh không giấu được cái nhìn/ Mỗi lần nhan sắc thình lình ghé qua/ Con mắt là của người ta/ Mà mình mất ngủ như là của nhau - Nhan sắc như dải lụa phơi/ Thắt dây lưng yếm treo lời thoi đưa/ Cái ngày nhan sắc nắng mưa/ Chút xanh chút đỏ chút vừa mắt tôi...”.

40 năm đối với sự sống còn của một tờ báo văn nghệ địa phương là điều hết sức kỳ diệu. Những tác phẩm văn học nghệ thuật in trong gần 300 số tạp chí Đất Quảng là nhân chứng lịch sử, khẳng định một vùng đất xứng danh Ngũ Phụng Tề Phi. Đó là những báu vật mà các thế hệ người cầm bút Đất Quảng để lại cho thế hệ mai sau. Đất Quảng đã 40 năm và chỉ một thập niên nữa thôi sẽ là nửa thế kỷ với cuộc hành trình đầy gian nan và mẫn cảm. Trong lá thư tòa soạn đăng trong tạp chí Đất Quảng số 123, tháng 3/1997, số cuối cùng tại thời điểm chia tách tỉnh năm 1997, ban biên tập đã cho biết sau khi chia tách thành 2 đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thì Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng (mới) cũng được thành lập, tạp chí của Hội lấy tên là Non Nước. Tạp chí ra hằng tháng có khuôn khổ 16cm x 24cm, dày 100 trang. Số đầu tiên phát hành vào tháng 4/1997 và nêu rõ “Tạp chí Non Nước sẽ tiếp tục sự nghiệp của tạp chí Đất Quảng và cố gắng nâng dần lên để làm tròn trách nhiệm với bạn đọc và giới văn nghệ theo yêu cầu của một thành phố trực thuộc Trung ương”. Trong khi đó ở Quảng Nam thì vẫn lấy tên Đất Quảng đặt cho tạp chí như là một sự nối tiếp đầy tự hào. Tạp chí in khổ 16cm x 24cm, dày 100 trang. Số 1 Đất Quảng bộ mới phát hành vào tháng 1/1998. Để tiến tới Đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam lần thứ V, Ban biên tập đã phân công tôi lược ghi ý kiến phát biểu của đồng chí Nguyễn Đức Hạt, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam tại Hội nghị Hội viên lần thứ nhất ngày 10/4/1998 tại Tam Kỳ. Nội dung này được in trong Đất Quảng số 3, tháng 5/1998. Đồng chí Nguyễn Đức Hạt nói: “Tôi ghi nhận sự tận tâm, tận lực, sự chịu khó lăn lộn của anh chị em văn nghệ sĩ Quảng Nam. Nếu như không có cảm xúc chân thành, thật mãnh liệt thì sẽ không có tác phẩm hay. Tôi ghi nhận sự cố gắng của Ban biên tập tạp chí Đất Quảng, để tạp chí Đất Quảng đã đến với nhân dân trong tỉnh được 2 số trong điều kiện tỉnh mới chia tách còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Chúng ta có quyền hy vọng về một sự lớn mạnh, đổi mới, đoàn kết của tạp chí Đất Quảng”. Và cho đến hôm nay Đất Quảng đã thực sự lớn mạnh.

Với Tạp chí Non Nước người anh em sinh đôi với Đất Quảng thì làm sao mà không yêu thương. Tôi vẫn luôn nghĩ về Non Nước và làm phong phú thêm bộ sưu tập của mình. Từ năm 2016 tôi có nguyện vọng giới thiệu Non Nước với bạn đọc Quảng Nam và được anh Nguyễn Nho Khiêm, Tổng biên tập, đồng ý. Tuy nhiên đây không phải là tham vọng mà chỉ là một sáng kiến nhỏ, ý nghĩa đẹp đẽ khi Non Nước có mặt trên sạp báo nhỏ của em Toàn trên góc phố Phan Bội Châu - Trưng Nữ Vương thành phố Tam Kỳ, mỗi tháng năm, ba cuốn bán cho năm, ba bạn đọc thường xuyên ở Quảng Nam và bạn đọc vãng lai với mong muốn Non Nước được nhiều người biết đến. Đầu năm Mậu Tuất 2018 vừa rồi anh Nguyễn Nho Khiêm có vào Tam Kỳ gặp mặt bạn đọc, niềm vui nhỏ nhưng bắc nhịp cầu lớn về tình nghĩa Đất Quảng  - Non Nước. Những bạn đọc cao tuổi ở Tam Kỳ như thầy Nguyên, thầy Uy,... nguyên giáo viên trường THPT Trần Cao Vân, anh Vũ cán bộ UBND phường Tân Thạnh đã và đang thủy chung với Non Nước; em Toàn chủ sạp báo là người luôn chịu khó để Non Nước được đến tay bạn đọc mỗi tháng. Về giá cả theo tôi hiện nay mỗi cuốn tạp chí Non Nước là 20.000đồng, số đặc biệt thì 30.000 đồng là được và bạn đọc sẵn sàng mua, không có ý kiến gì. Qua việc này tôi gặp lại Phương Dung và không ngờ cô em bạn này 40 năm rồi vẫn lặng lẽ gắn bó với công việc trị sự tòa soạn từ hồi còn là Đất Quảng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Tổng biên tập tạp chí Non Nước... Cho đến lúc này, sứ mệnh của Thành ủy Đà Nẵng giao cho tạp chí Non Nước ngày chia tách tỉnh năm 1997 đã được các thế hệ ban biên tập từng ngày làm tròn trách nhiệm để Non Nước thật sự là một tạp chí văn nghệ xứng tầm của thành phố trực thuộc Trung ương.

Đất Quảng - Non Nước đối với tôi là cơm ăn nước uống. Mỗi cuốn tạp chí Đất Quảng, Non Nước đối với tôi như là mạch sống để tôi gắn bó với quê nhà Quảng Nam, Đà Nẵng bởi đã hơn 40 năm rồi tôi xa Đà Nẵng nơi chôn nhau cắt rốn để tha hương, lập gia đình ở Quảng Nam. Trong đó có một phần sự nghiệp báo chí, văn học nghệ thuật của tôi.

H.T.P