Vài kỷ niệm viết lách với Đất Quảng/ Non Nước - Bùi Văn Tiếng

04.12.2018

Vài kỷ niệm viết lách với Đất Quảng/ Non Nước - Bùi Văn Tiếng

(Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày ra số Tạp chí Đất Quảng đầu tiên)

 

Tôi không nhớ rõ bài lý luận/ phê bình văn học đầu tiên của mình được đăng trên Tạp chí Đất Quảng là bài nào, nhưng tôi lại nhớ mãi cái cảm xúc lần đầu tiên được đăng một bài thơ trên Đất Quảng. Những nhà thơ chuyên nghiệp có thơ đăng hằng tháng trên tạp chí chuyên ngành văn học nghệ thuật như Đất Quảng thì chắc cảm xúc cũng bình thường thôi, chứ người cả đời mới làm được mấy câu lục bát như tôi thì đấy là cả một sự kiện trọng đại. Bài thơ đăng Đất Quảng năm ấy vẫn đang cùng đi với tôi đến tận hôm nay. Có mấy lần Lê Anh Dũng còn cho tôi lên sân khấu đọc bài này trong đêm thơ nguyên tiêu ở sân đình Hải Châu, Cẩm Lệ... Thi thoảng tôi lại dùng hai câu cuối trong bài để khép lại một bài báo mang tính chính luận liên quan tới cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc: Và Hoàng Sa của tôi ơi/ Chân mây sáng quắc như lời thanh gươm! Thực ra ban đầu tôi viết hai câu này như sau: Và Hoàng Sa của tôi ơi/ Chân mây sáng quắc như là thanh gươm! - “là thanh gươm” chứ chưa phải “lời thanh gươm”. Trước khi gửi tòa soạn tạp chí, một hôm đi dạy học sinh giỏi Văn trong Điện Bàn, đêm ngủ nhờ nhà Nguyễn Minh Hùng ở Vĩnh Điện, và chữ “lời” có cánh lại hợp vận ấy là Nguyễn Minh Hùng cho tôi. Nguyễn Minh Hùng bảo: “Thanh gươm chỉ lên tiếng khi đã tuốt ra khỏi vỏ!” Đúng vậy, hào khí ngất trời và sẵn sàng xung trận mới thực sự là Hoàng Sa sáng quắc chân mây trong thế giới nghệ thuật của tôi.

Bài thơ có nhan đề Hoàng Sa đăng trên Đất Quảng rất ngắn, chỉ có mấy câu - sức đâu mà viết dài cho nổi: Nắng/ Đôi chút nắng trên vai/ Gió/ Đôi chút gió/ Mà ngây ngất người/ Bỗng nghe trong mắt chói ngời/ Hoàng Sa tít tắp biển khơi ngút ngàn/ Sóng/ Bao con sóng/ Xếp hàng/ Nằm nghiêng ngửa/ Giữa mênh mang nước trời/ Và Hoàng Sa của tôi ơi/ Chân mây sáng quắc như lời thanh gươm! Và chỉ mấy câu thôi mà tôi cũng phải chia thành hai nhịp trong cảm hứng sáng tạo - thế mới phục những người xuất khẩu thành thi. Nhịp thứ nhất là vào mùa hè năm 1991 tôi đi tập huấn về thay sách cải cách giáo dục môn Văn ở Vũng Tàu cùng với ba thầy giáo dạy Văn của Quảng Nam - Đà Nẵng: Trần Thông, Ngô Sửu và Huỳnh Văn Hoa. Một buổi trưa đứng trước biển phương nam, tự dưng muốn làm một bài thơ về biển, và thế là viết được mấy dòng về nắng, về gió, về sóng... Nhịp thứ hai là lúc về Đà Nẵng đứng trước biển quê nhà nhìn phía khơi xa, cảm hứng Hoàng Sa dâng trào, hình dung Hoàng Sa trong mắt chói ngời/ chân mây sáng quắc, và bài thơ Hoàng Sa ra đời... Nhưng dường như bài thơ là kết tinh những gì tôi đã nhớ đã khóc đã nghĩ đã cảm về Hoàng Sa từ năm 1974, hồi tôi mới hai mươi tuổi. Nghe anh em kháo nhau lúc trà dư tửu hậu: Các bác biên tập thơ ở tòa soạn người thì khen bài này hay, người thì bảo bài này chỉ... giỏi! Với tôi đơn giản là bài thơ về Hoàng Sa luôn ngời sáng trong tâm tưởng mình đã được chọn đăng trên Đất Quảng, và thế là quá đủ rồi!

Thực ra tôi đến với Đất Quảng/Non Nước không chỉ với tư cách người viết mà còn và chủ yếu với tư cách người đọc. Hồi còn chỉ đạo dạy-học môn Văn toàn tỉnh ở Sở Giáo dục và đào tạo Quảng Nam - Đà Nẵng, tôi thường tìm trên Đất Quảng những bài viết liên quan đến đổi mới lý luận phê bình văn học nghệ thuật trong nước nhằm không ngừng bổ sung cập nhật tư liệu để soạn bài bồi dưỡng giáo viên Văn và giảng dạy học sinh giỏi Văn. Chưa kể một thời Tạp chí Đất Quảng nổi tiếng trên văn đàn với không ít bản dịch tài hoa giới thiệu nhiều thành tựu đổi mới thi pháp văn chương của một Liên Xô đang perestroika và chính những bản dịch hữu ích kịp thời này đã giúp tôi không chỉ trong bồi dưỡng/giảng dạy mà cả trong việc chọn chuyên ngành lý luận văn học cũng như chọn đề tài luận văn tốt nghiệp khi được Sở Giáo dục và đào tạo cử đi học sau đại học - luận văn thạc sĩ của tôi là Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Thông thường thì những số tạp chí có đăng bài mình viết hoặc viết về mình được các độc-giả-tác-giả bỏ công đọc kỹ hơn/sớm hơn những số khác - tôi cũng không ngoại lệ. Thế nhưng giờ đây công việc đòi hỏi tôi phải đọc kỹ hơn/sớm hơn bản thảo của tất cả các bài tòa soạn chọn đăng, ở tất cả các số tạp chí sắp in ấn phát hành. Có điều từ việc đọc kỹ/đọc sớm như vậy, tôi nhận ra rằng Non Nước - hậu duệ của Đất Quảng trước năm 1997 - ngày càng “bắt mắt” hơn về hình thức trình bày và ngày càng “đọc được” thậm chí “đáng đọc” hơn về nội dung.

 B.V.T