Vài kỷ niệm với họa sĩ Lý Châu Hoàn

01.09.2020
Cao Duy Thảo

Vài kỷ niệm với họa sĩ Lý Châu Hoàn

C uối năm 1966, vào chiến trường, tôi được phân công về nhận công tác tại Tiểu ban Văn nghệ trực thuộc Ban Tuyên huấn Khu V. Ban Tuyên huấn Khu lúc bấy giờ có nhiều Tiểu ban và bộ phận trực thuộc đóng rải rác trong các cánh rừng phía tây tỉnh Quảng Nam. Cơ quan Tiểu ban Văn nghệ chọn địa điểm ở Nước Ngheo, gần nóc Bà Bốn. Ngày nọ có một thanh niên quần đùi, áo bà ba đen, tay cầm rựa từ ngoài rừng phăm phăm xộc thẳng vô căn lán của mấy anh em văn học - lúc mọi người đang bàn việc ra số tạp chí Văn nghệ chào mừng sự kiện Đại hội Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ lần thứ nhất dự kiến sẽ tổ chức trong năm 1967.

Khi tôi chưa kịp biết người thanh niên trước mặt mình là ai, thì anh Chu Cẩm Phong reo lên:

- Lý Châu Hoàn! Mời anh ngồi xuống đây tham gia cùng bọn tôi...

Lý Châu Hoàn là họa sĩ báo Cờ Giải Phóng Khu V (tờ báo mang danh nghĩa của Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP) miền Trung Trung bộ, nhưng tòa soạn đặt tại Ban Tuyên huấn Khu và do một Phó ban phụ trách). Quen nhau ít lâu, Lý Châu Hoàn cho tôi biết anh là người Chợ Gạo (Tiền Giang), tuổi thiếu niên tham gia du kích chống Pháp ở Đồng Tháp Mười, rồi tập kết ra miền Bắc học chữ và học Trung cấp Mỹ thuật (chuyên ngành điêu khắc), cho tới khi vào chiến trường. Điều này khiến tôi hết sức ngạc nhiên, vì ở Khu V lúc ấy, trong đội ngũ những người đi kháng chiến thật hiếm khi gặp được một ai là dân Nam bộ. Có lần tôi hỏi, thay vì vô Khu V, sao anh không chọn quê hương Tiền Giang để trở về cùng bà con đánh giặc? Anh cười bảo đánh giặc thì đâu cần phân biệt vùng, miền... Rồi Lý Châu Hoàn kể: Mùa thu 1962, lúc còn ở ngoài Bắc, anh có hai lựa chọn: học tiếp lên Cao đẳng Mỹ thuật hoặc là về Nam... Sau sự kiện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời, cả miền Bắc sục sôi phong trào tòng quân đánh Mỹ, Lý Châu Hoàn đề đạt nguyện vọng được trở về Nam. Ban Thống nhất Trung ương hỏi trực tiếp: “Đồng chí về Khu V nhé?”. Trong giới Mỹ thuật hồi ấy, anh được biết: từ 1962 - 1964, tốp họa sĩ về Nam đợt đầu là Huỳnh Phương Đông quê Sóc Trăng, Cao đẳng 4, về R; Su Man quê Gia Lai, Cao đẳng 4, về Tây Nguyên; Quách Phong quê Tây Ninh, Cao đẳng 3, về Khu VI... Lý Châu Hoàn quyết định nhận lời về Khu V trong biên chế tổ làm phim đèn chiếu phục vụ đồng bào vùng mới “mở ra” (theo dự tính ở ngoài Bắc). Tổ làm phim đèn chiếu gồm 4 thành viên, về tới Ban Tuyên huấn Khu V vào tháng 2-1964, được ông Hồ Quốc Phương (anh em gọi là anh Phi) - Phó ban, phụ trách báo Cờ Giải Phóng - tiếp và giao công việc cụ thể. Ngạc nhiên nhất với Lý Châu Hoàn là khi nghe ông nói: “Trước mắt các đồng chí sẽ cùng anh chị em trong cơ quan lo khâu sản xuất tự túc, khi đủ điều kiện sẽ quay lại làm chuyên môn. Riêng đồng chí Lý Châu Hoàn chuyển sang báo Cờ Giải Phóng!”. Và không cần kiểm tra khả năng của người được phân công ra sao, ông chỉ thị ngay cho anh: “Đồng chí vẽ gấp cho báo một bức tranh đả kích, nội dung châm biếm sự lúng túng trong việc “thay ngựa giữa dòng” của Mỹ, sau khi Diệm - Nhu bị lật đổ!”

Ở chiến trường là vậy, cấp dưới chấp hành chỉ thị của cấp trên, chứ không có chuyện vòng vo, dây dưa. Thật quá căng với Lý Châu Hoàn. Bởi ra Bắc anh học điêu khắc là chính, học vẽ ít, lại mới học đến năm thứ 2, còn một năm nữa mới hết trung cấp. Ngày ấy nhà trường không có dạy vẽ tranh đả kích và anh cũng chưa bao giờ trải nghiệm việc này. Chợt một câu nói vang lên trong tai, khiến anh bừng tỉnh: “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”. Phải rồi, có nhiều chuyện đâu biết trước còn làm được, thì ngại chi việc vẽ tranh đả kích Mỹ - Ngụy. Nhưng phải vẽ sao đây? Lý Châu Hoàn nhớ lại những bức tranh loại này của họa sĩ Tạ Lựu trên báo Thống Nhất anh từng được xem ở Hà Nội. Thế là vẽ, dập xóa, rồi lại vẽ... Anh vừa vẽ vừa nhớ... Chừng như nét vẽ của Tạ Lựu cứ theo ý tưởng của anh mà hiện dần lên trên mặt giấy. Cuối cùng, mất khoảng 3 giờ đồng hồ, bức tranh đã hoàn thành và... lạy trời, nó đã được anh Phi gật đầu và nói “Khắc đi!” Từ đó Lý Châu Hoàn trở thành họa sĩ “thực thụ” của báo Cờ Giải Phóng Khu V.

Nhưng việc vẽ tranh cho báo không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”, nhất là khi tranh ấy mới dừng lại ở ý tưởng chứ chưa diễn ra trong thực tế. Vào khoảng thời gian chuẩn bị chiến dịch “Xuân Mậu Thân - 1968”, Thư ký tòa soạn báo lúc đó gợi ý nội dung bức tranh sắp vẽ: Đây là cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy” toàn diện, mang ý nghĩa “quyết định”. Còn Lý Châu Hoàn hiểu gợi ý ấy qua câu khẩu hiệu trong lá thư của Khu ủy gửi cán bộ, chiến sĩ: “Giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân!”. Và với tâm trạng háo hức, anh bèn vẽ ngay cảnh quân ta tiến vào giải phóng thành phố Đà Nẵng. Bức tranh bị Thường vụ Khu ủy “chê” không duyệt. Buổi chiều từ cuộc họp về đến tòa soạn, gặp Lý Châu Hoàn, anh Phi kêu lên vẻ bức xúc: “lộ! lộ!” (tức lộ ý đồ chiến lược). Anh giải thích: Một chiến dịch lớn người ta dự kiến nhiều khả năng, kể cả khả năng giành thắng lợi chung cuộc. Tuy nhiên nó còn lệ thuộc vào tương quan lực lượng hai bên lúc ấy và phải tranh thủ cho được thời cơ. Nên về phía ta tránh bộc lộ sớm ý đồ của mình... Anh Phi lại đặt điều kiện: “ông” (anh hay xưng hô “ông - tui” với cấp dưới) trong vòng 3 ngày phải vẽ bức tranh khác thay thế, kể cả thời gian đưa đi duyệt và khắc bản gỗ (do nhà in chưa có chế bản), để báo kịp in xong phát hành trước Tết. Lý Châu Hoàn một lần nữa lẩm nhẩm hô khẩu hiệu “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, rồi bỏ ăn bỏ ngủ, đến gần hết đêm đó hoàn thành bức phác thảo mới. Bức tranh gần như một bản tổng kết hành trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Khu V, từ đấu tranh chính trị của “đội quân tóc dài”, đến diệt ác, phá kềm, tiến lên các trận đánh tiêu biểu ở Ba Gia (diệt ngụy), Núi Thành (diệt Mỹ đầu tiên), Vạn Tường, Play-me, rồi từng đoàn “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Đô thị vùng lên” rầm rập, ào ào tiến về phía trước dưới lá cờ giải phóng phần phật tung bay... Bên dưới bức tranh là câu chữ “KHU V TRÊN ĐÀ THẮNG LỢI!”.

Vượt qua khó khăn ở chiến trường cùng những hạn chế của bản thân, Lý Châu Hoàn đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Bức tranh “KHU V TRÊN ĐÀ THẮNG LỢI!” được họa sĩ đưa đi duyệt và chuyển đường nét lên một tấm gỗ mứt đưa tới nhà in, sau đó kịp xuất hiện trên trang đầu số báo Xuân Mậu Thân - 1968.

Những năm ở rừng, mỗi lần về Ban, tôi thường ghé báo Cờ Giải Phóng thăm Lý Châu Hoàn. Nhưng anh ít khi có mặt tại tòa soạn. Ngoài nhiệm vụ họa sĩ của báo, anh được giao những việc đột xuất khác như trang trí hội trường Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng (MTDTGP) Trung Trung bộ lần thứ nhất vào đầu tháng 3 năm 1965 ở Hóc Sen xã Kỳ Thạnh huyện Tam Kỳ, nơi này nằm giữa 3 đồn giặc; vừa thiết kế vừa tổ chức thi công hội trường Đại hội MTDTGP Tây Nguyên lần thứ nhất trên núi cao thuộc huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi; còn kiêm nhiệm nhiều công việc ngoài chuyên môn, như tham gia công tác Đảng và Công đoàn cơ quan. Anh là nhân lực chính trong gùi cõng và thường xuyên có mặt trên cái rẫy sản xuất tự túc của văn phòng Ban do anh phụ trách. Nếu Tiểu ban Văn nghệ có Chu Cẩm Phong, thì bên báo Cờ Giải Phóng có Lý Châu Hoàn, cả hai người rất tương đồng về quan điểm sống: trung thành lý tưởng, ít so bì tính toán cá nhân, trong khó khăn luôn là người đi đầu và sẵn sàng nhận lãnh phần nặng nhọc về cho mình...

Bất ngờ, năm 1971, Lý Châu Hoàn phát bệnh, được Ban Tuyên huấn đồng ý cho ra Bắc chữa trị. Nghe nói ở Hà Nội khi bệnh hơi bớt, anh nộp đơn xin học tiếp Đại học Mỹ thuật... Chúng tôi vẫn nhớ đến anh, nhưng giữa chiến trường bom đạn ác liệt, những thông tin về Lý Châu Hoàn cứ mỗi lúc một xa dần... rồi mất hút cho đến tận ngày chiến tranh kết thúc.

C.D.T