Bão phương nam

01.09.2020
Phan Thị Thu Loan

Bão phương nam

Họ đứng giữa rừng giá tỵ vừa bị giông gió vùi dập phũ phàng. Ngổn ngang dưới đất những thi thể cây dài đuỗn, trắng ngà, thẳng tắp như chân vũ nữ bị bẻ gẫy. Cảnh tượng khác nào vụ thảm sát Guernica của thiên tài hội họa Picasso. Ấn tượng về cái mớ hỗn độn thịt, da, xương, máu trong tranh được thay thế bằng vỏ cây bị tước, thớ gỗ vặn xoắn nham nhở và suối nhựa đổ ròng ròng. Tràn ngập lá vàng tả tơi rụng đầy triền cỏ. Xác hoa sứ, những giọt nước mắt ngà, vương vãi khắp khu rừng. Nhìn kỹ hơn mới nhận ra hoa sứ không chỉ toàn màu trắng. Những đốm huyết dụ loang lổ trên màu xanh lét của cỏ là hoa sứ đỏ. Hệt như máu rừng sứ vừa đổ ra sau gần trăm năm an nhiên, trầm mặc chốn này.

Có điều gì đó thật lạ lùng. Tối qua vợ chồng họ vừa ngồi ở quán cà phê vườn bên kia núi Lớn. Cây phượng giữa quán không hề suy suyển, không gãy lấy một cành. Tán lá xanh um nhấp nháy dây đèn xanh đỏ. Chẳng có dấu hiệu nào cho biết một cơn bão lớn vừa tràn qua mũi đất quanh năm nắng gió này. Dường như cơn bão hiếm hoi ấy chỉ thốc một luồng gió khủng khiếp về phía ngôi dinh thự màu trắng, mái ngói đỏ tọa lạc trên sườn núi dọc theo bãi Trước.

Rừng cây gia tỵ, gỗ rắn chắc có thể làm báng súng, gãy đổ ngổn ngang như vừa hứng trọn một trận bom. Duy chỉ có tòa biệt thự lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển vẫn đứng sừng sững, không hề hấn gì. “Em nhớ không? Người Pháp đã xây dựng dinh thự này trong gần hai mươi năm, vào quãng thời gian xuyên qua hai thế kỷ...”. Người đàn ông nói với vợ. Chị ngước mặt lên, nhìn sững tòa nhà.

Trên cửa sổ tầng hai, một nam nhân trẻ mặc áo thụng trắng, đầu đội khăn đóng đăm đăm nhìn ra xa. Khuôn mặt trắng bệch của người ấy như được nặn bằng sáp. Người đàn bà dụi mắt, bàng hoàng. Bạch Dinh đóng cửa từ sau cơn bão. Khách tham quan tuyệt đối không ai được lên đấy để chuẩn bị duy tu bảo dưỡng ngôi nhà. Chị năn nỉ mãi người gác cổng mới đồng ý cho hai vợ chồng vào, chỉ là để tham quan khung cảnh bên ngoài. Vậy mà... Ai đang ở trên lầu trong bộ trang phục cổ kính cách đây non thế kỷ? Chị thảng thốt giật tay chồng. Người đàn ông chưa kịp nhìn lên thì cái bóng trắng ấy đột ngột biến mất.  

Một cơn run giật chạy vụt từ đầu xuống chân. Người đàn bà thốt nhiên co rúm lại. Cơn gió lạnh thốc lên từ phía biển. Chị nắm lấy tay chồng, kéo nhanh ra cổng. Người đàn ông ngạc nhiên. Nhưng rồi cũng im lặng đi theo. Con đường lượn vòng quanh đồi sứ vương vãi những đốm hoa đỏ tươi, dập nát, ứa máu dưới nhịp chân hai người.

Không phải lần đầu tiên chị đến thành phố này, để ngắm nhìn biển xanh và cát trắng. Những ngọn núi mọc gần mặt nước đến mức có thể soi bóng xuống đáy đại dương. Vài năm trước con tàu cánh ngầm lượn nhanh như cá kình đã đem chị đến ngôi nhà sáng tác của thành phố ven biển. Hai tuần ở đây sáng nào chị cũng dậy sớm chạy vòng lên ngọn đồi đến tận biệt thự Hoa Hồng, ngang qua bãi cỏ phủ đầy Ti gôn mọc hoang. Con đường dốc thật đẹp, uốn quanh dãy biệt thự sang trọng, thấp thoáng những hồ bơi nước xanh như ngọc. Khung cảnh thật thần tiên trong mắt chị, cư dân của một thị tứ bụi bặm, ồn ã tàu xe.  

Giám đốc nhà sáng tác là một người đàn ông lịch lãm, ăn vận rất mốt, thường rủ chị đi tắm biển mỗi sáng. Khi họ vừa trườn người xuống nước, những đám tép biển nhảy tung tóe, búng tí tách quanh cơ thể chị. Họ bơi ra xa bờ, tránh đám bong bóng lập lờ trong làn nước hệt như đám sứa li ti. Ông giám đốc bảo đấy là những giọt nước mắt của biển. Là dầu thô bị sóng đánh tơi hòa với nước mặn mà thành. Chị ngạc nhiên đưa tay vục nước, ngắm những giọt nhỏ xíu màu vàng nhạt, tròn xoe như viên dầu cá lơ lửng trong lòng tay. Những viên ngọc trong vắt của tuổi thơ mà chị từng thích thú bỏ vào miệng, cảm thấy chúng tan ra béo ngậy trên lưỡi mình.

Bơi ra thật xa, đến lúc mặt nước trở nên êm ả, chị thường trở mình nằm ngửa, ngắm mây trắng lăn tăn gió rảy vung vãi trên nền trời. Không gian trong suốt và yên tĩnh. Dường như chị đã quên mất người đàn ông đang sải nước cách đó không xa. Không có sự quấy quả thường tình. Người ấy để yên cho chị chìm đắm trong làn nước mát lạnh cùng những ý nghĩ vẩn vơ. Đó là lý do họ trở thành đôi bạn thân, để chị không ngần ngại cùng ông đi tắm biển mỗi ngày.

Bảy giờ sáng họ lên bờ, băng ngang qua con đường nhựa thẳng tắp, sạch bong. Nhoẻn cười tạm biệt ông giám đốc, chị sải chân vượt lên trước. Dưới bóng cây trong sân nhà sáng tác, lác đác đã có người ngồi uống cà phê. Ánh mắt họ dõi theo cặp chân nâu hồng, thon thả của chị bước nhanh lên lầu. Cô bạn cùng phòng giờ này mới dậy, ngáp dài sau một đêm thức khuya mệt nhoài gõ vi tính. Xả nước ngọt xong, chị xỏ vội chiếc áo đầm ngắn tay, để mặt mộc không trang điểm, đi với cô bạn xuống sân dùng bữa sáng.

Sau những giờ phút thả mình vào vu vơ ấy, chị thường cày cật lực đến tận trưa trên cánh đồng chữ nghĩa. Hoang mang, lạc lối cùng cảm giác bất lực thường trực trong chị. Những con chữ tươi xanh nảy ra lúc dầm người dưới biển biến đâu mất, chỉ còn xác chữ khô khốc, rào rạo dưới ngón tay như gốc rạ đứng trơ sau mùa gặt. Lúc đã hoa mắt, chóng mặt, chị lại đội mũ, thả bộ tàn tàn đến Bạch Dinh. Người bảo vệ dần quen với việc chị đến đây, chỉ gật đầu đáp lễ mà không hỏi vé. Chị đã kịp thầm thì với đôi chim công màu xanh ngọc, điểm xuyết nhiều chấm bạc lấp lánh đang xòe cánh múa, với đôi cá chép uốn lượn như muốn hóa rồng trên mảng tranh men sứ... Những gương mặt phụ nữ Tây phương đẹp như trong thần thoại nhìn chị trầm tư. Ngôi biệt thự mang dáng dấp thanh thoát với tám pho tượng bán thân danh nhân kim cổ bao quanh ba mặt tường nhà quyến rũ, mê hoặc chị. 

Nhưng chính rừng cây mới tạo nên vẻ đẹp nên thơ cho tòa dinh thự. Thân cây giá tỵ cao vút, thẳng tắp. Lá to xanh ngắt xòe ra như tán dù. Nửa ngọn đồi còn lại ngập tràn hoa sứ. Mỗi lần đặt chân đến đây, chị lại thấy trào lên những cảm xúc mới lạ. Hoa trải trên lối đi, hoa từng chùm trên cây, đơm đầy cả khu rừng. Hoa thơm ngát làm dịu lòng người. Đủ màu trắng, hồng, vàng, đỏ, ngũ sắc... Đi giữa mùa hoa nở, bỗng chốc rũ bỏ được mọi ưu phiền.  

Một ngày mưa rơi bất chợt. Khu rừng thoắt trở nên xanh thẳm. Những cành lá giá tỵ che kín lối đi. Du khách thưa vắng vì ngại gội mưa. Chị đứng trên ban công tầng hai, thấy rõ tia chớp xẹt ra từ khẩu thần công lớn nhất bên hông nhà. Tiếng súng liền đó nổ đánh đùng. Tiếng súng hay sấm sét vừa nổ đấy? Tia chớp vừa nãy gợi chị liên tưởng đến loại sét hòn. Thứ lửa điện ma quái biết nhảy, biết bay. Chị thất sắc nhìn quanh. Cả tầng nhà yên ắng, chỉ có mình chị đứng sững sờ. Lại dụi mắt, tưởng mình nhìn nhầm. Xung quanh khẩu đại thần công là một đám lính tốt đỏ đội nón tua thả những viên đạn đen bóng vào nòng, mồi lửa và tiếng súng lại tiếp tục nổ. Chị bịt chặt tai nhưng tiếng nổ vẫn xoáy dội cân não. Chị táo tợn nhoài hẳn người ra nhìn xuống đất. Những bóng lính lệ mờ đi cùng sự im lắng dần của không gian.

Mình có khả năng cảm nhận quá khứ hay bị ngộ chữ, chập cheng rồi đây? Chị tự hỏi mà không dám hé răng cho bất cứ ai trong số đồng nghiệp về những ảo giác của mình. Có thể họ sẽ kết luận chị bị thần kinh và biết đâu lại phải kết thúc cuộc đời trong một nhà thương tâm thần nào đó? Những ngày tiếp theo, chị vẫn đến đấy để khảo nghiệm lại cảm quan của mình và phát hiện ra một điều kinh khủng: ảo giác đó không chỉ ám ảnh chị lúc ở một mình. Ngay cả lúc có người đứng quanh, chị vẫn nhìn thấy “họ”. Những người tù khổ sai đói rách, chết gục vì lao lực, thân thể dập nát vì đá đè. Máu họ loang ra trên cổ, trên lưng bởi những lằn roi cá đuối xé rách toang da thịt...

Ông giám đốc cuối cùng cũng nhận ra vẻ hoảng loạn trên mặt chị vào một buổi sáng đi bơi. Lần đầu tiên ông mời chị vào phòng làm việc của mình uống cà phê. Và chị bước theo ông như cái máy. Chỉ với riêng ông, chị mới dám thổ lộ hiện tượng thần bí xảy ra mấy ngày nay. Nghiêm trang hứa không tiết lộ những gì chị kể, ông im lặng lắng nghe. Câu chuyện làm ông rất đỗi kinh ngạc: Đúng với truyền thuyết và sự tích ra đời của tòa dinh thự trắng. Chị đoán chắc với ông mình chưa hề đọc hay nghe kể về những điều ấy bao giờ. Ông ngồi trầm ngâm như một nhà hiền triết và cuối cùng kết luận. Chị cần phải viết ra trên giấy chính câu chuyện ấy. Chính những điều chị nhìn thấy ở đấy. Nó sẽ khiến chị hồi tâm và thanh thản.

“Những linh hồn bất hạnh, đớn đau ấy cần được giải thoát. Họ đã kể cho chị nghe cuộc đời mình bằng con đường giao tiếp tâm linh. Chị hãy giúp họ được siêu thoát. Hãy viết ra những gì được họ khơi gợi nên. Điều cuối cùng chị cần đến là trí tưởng tượng của mình. Trí tưởng tượng sẽ giúp chị xâu chuỗi tất cả những gì chị cảm nhận được từ số phận bi thảm của họ”. Ông giám đốc đôn hậu khích lệ.

“Những người từng sống ở tòa dinh thự ấy, có ai vui vẻ hạnh phúc không?”. Chị hỏi ông. “ Có một vị vua từng bị giam lỏng ở đấy gần mười năm trong lẻ loi, cô độc. Và một ông vua khác thì đến đấy nghỉ ngơi, hưởng thụ cùng những người đàn bà đẹp tuyệt vời... Nhưng tất cả họ đều bất hạnh vì là những ông vua bại trận và mất nước”.

“Sao chẳng bao giờ tôi nhìn thấy họ? Những ông vua ấy?” Chị tần ngần nhìn ông. “Có lẽ bởi số phận của họ không bi thương, khổ ải bằng số phận của gần nghìn phu phen bị đày đọa ngót hai chục năm trời, là thời gian xây xong tòa dinh thự”. Ông tư lự trả lời, cầm ly cà phê khuấy tan đường đưa mời chị. Trong lúc chị chiêu từng ngụm nhỏ thứ cà phê Trung Nguyên thơm ngạt ngào, ông đứng dậy, lấy từ trên giá gỗ xuống một cuốn sách cổ, bìa bọc da thuộc sẫm màu và đặt nó lên mặt bàn. Chỉ có vài trang sách ố vàng vô cùng quý giá về quá trình xây dựng ngôi dinh thự kỳ bí nọ mở ra dưới ngón tay run rẩy của chị.

Đêm đêm, chị ngồi lỳ trong phòng, cặm cụi viết. Những nhân vật vây quanh chị, dẫn dắt chị đi trên những lối mòn quanh co khúc khuỷu. Đôi khi chị lạc lối giữa một rừng giọng nói và hình ảnh dị thường. Lúc đó chị ngưng viết, lần giở lại những trang sách ố vàng. Hình dung từng con người và sự kiện. Chị cố đặt bản thân mình vào tình cảnh nhân vật. Tự hỏi lúc ấy mình sẽ nói và làm gì? Suy nghĩ, ứng xử ra sao? Sau cú hích nhẹ nhàng đó, nhân vật của chị lại tiếp tục dấn thân trên con đường số phận vạch sẵn. Dường như chị chỉ việc đi theo họ, ghi lại những gì họ nói và làm. Công việc đôi khi trôi chảy. Nhưng nhiều lúc câu chữ cố tình đánh đố. Chúng trốn đi thật xa. Lục soát mãi trong trí não vẫn không tìm thấy bóng dáng từ ngữ nào thật thích hợp, nói đúng được những gì chị đang cảm nhận. Cuộc rượt đuổi, trốn tìm diễn ra từng đêm làm chị bải hoải. Hai gò má nóng bừng, mắt đỏ ngầu như sắp lên cơn sốt. 

Gần sáng chị bỏ máy, nằm vật ra giường, cố ép mình chợp mắt. Nhưng ảo ảnh vẫn tiếp tục hiện lên, dồn ép, xô đẩy. Chị lạc vào những giấc mơ vô thực, thường rất nhộn nhạo, nhưng cũng có khi được sắp đặt lớp lang như một câu chuyện đủ đầu đủ cuối, tưởng chừng chỉ việc chép lại nguyên xi, chị đã có được một truyện ngắn tuyệt vời. Chập chờn nửa tỉnh nửa mê, chị ý thức được mình phải trở dậy và viết ngay. Nhưng rồi giấc mơ khác lại ập đến, như con sóng bồng bềnh cuốn chị ra xa. Đôi chân quờ quạng định đứng lên thì lớp cát bên dưới bị nước xói hẫng hụt đi. Chị trôi tiếp vào thế giới mộng ảo. Khi tỉnh giấc chỉ còn nhớ được câu chuyện gì đó hết sức bí ẩn, phức tạp và lý thú vừa trôi qua cân não mình. Song không thể nào nắm bắt. Chị sục sạo tiềm thức nhưng chỉ mất công toi. Đành thở dài, tiếc thắt ruột.

Một buổi trưa, chị vào phòng tắm gội đầu. Đang cúi xuống vò tóc, bỗng nhiên cảm thấy choáng váng. Cái bồn tắm chao nhẹ như cánh võng. Bất giác chị túm chặt thành bồn, và may mắn không ngã quỵ. Lom khom bất động một lát cho đỡ chóng mặt rồi chị thận trọng đứng thẳng lên. Cảm giác chao đảo mất dần. Chị chầm chậm xả nước cho sạch tóc rồi vịn cửa buồng tắm bước ra. Hú vía! Có lẽ chị vừa thoát khỏi một cơn đột quỵ trong nháy mắt. Ngày hôm trước chị đã ngồi bên máy tính đến mười mấy tiếng đồng hồ. Cực nhọc, lao lực như tù khổ sai. Chị tự biến mình thành phu chữ. Nhưng kết quả nào sánh được với công trình tuyệt mỹ của những người tù khổ sai kia. Chỉ thu được một mớ hỗn độn từ ngữ, câu cú. Thiếu chất kết dính để biến chúng trở nên quyến rũ, có hồn có vía. Quên mất mình vừa trải qua một cơn choáng nhẹ, chị lại ngồi vào bàn. Lục lọi hàng giờ trên thư viện điện tử những gì liên quan đến tòa dinh thự, chị vùi đầu đọc rồi tiếp tục viết. Ngày lại ngày, chị tự hành hạ mình đến kiệt sức.

Nghĩ đến lúc tập truyện ngắn của mình hoàn thành, chị không nén được hồi hộp. Sẽ chọn vài truyện, gửi đến một tạp chí văn chương. Nó có được chấp nhận hay không? Chị nhớ đến những cuộc tiếp xúc gần đây nhất. “Ít khả năng tiến xa hơn ở độ tuổi này...” Chị đoán được suy nghĩ của người đối diện. “Đọc văn, tưởng người còn trẻ, không dè đã sồn sồn thế!” Nữ thư ký tòa soạn trạc tuổi chị xuề xòa. Chị lúng túng gượng cười. Nhưng ngại nhất phải giáp mặt những biên tập viên trẻ tuổi hơn, lại là nam giới. Dù cư xử tế nhị, họ vẫn vô tình tạo cho chị cảm giác mình đã già, và bắt đầu việc viết lách quá muộn. Đôi khi cũng có người nhiệt tình, nhất định đòi gặp tác giả. Năm lần bảy lượt chị tìm cách chối khéo, nhưng bên kia nồng nã, liên tục gọi điện mời. Họ bảo văn chị có cá tính, muốn cộng tác lâu dài. Không tiện khước từ, chị đành gồng mình đến cuộc hẹn. Sau đó thì người gọi điện lại là chị, để hỏi thăm xem lúc nào truyện được đăng? Thường thì điều đó không xảy ra! Sau vài lần âm ỉ buồn, cuối cùng chị cũng đề ra cho mình một nguyên tắc. Chỉ gặp mặt người ta khi truyện đã xuất hiện trên mặt báo. Nguyên tắc ấy tỏ ra khá hiệu quả, dù là hiếm hoi. Ít ra cũng vận đúng vào trường hợp của chị...

Trong số bạn văn chị quen biết có một cô gái trẻ trung và xinh đẹp, được nhiều biên tập viên và nhà phê bình hồ hởi săn đón. Cô ấy viết nhanh, đều đặn như cỗ máy. Trong vòng chưa đến chục năm đã cho ra đời mười lăm đầu sách. “Một kỷ lục đáng nể”. “Một cây viết sung sức!”. “Tài năng đang độ chín...”. Nhiều bài viết liên tục giới thiệu cô. Chị cũng như nhiều người, thán phục bạn mình ra mặt. Nhưng một nhà văn lão làng có lần cười bao dung bảo cô ấy: “Đọc truyện nào cũng thấy nhân vật nữ chính là em. Cứ lồ lộ ra. Như được đúc cùng một khuôn vậy”. Chị mới giật mình nhận ra cái sắc sảo của nhà văn già. Dẫu thế, cô bạn vẫn nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Và đã bắt đầu đại ngôn trên nhiều trang phỏng vấn. Chị cố tránh, không dẫm lên con đường cô ấy đang đi. Cứng tuổi mà chưa thành danh, chị tiếc mình không còn trẻ, không có được dung nhan mặn mà. “Sắc đẹp và tuổi trẻ không phải là điều kiện tiên quyết đối với người cầm bút, nhưng lại tạo thuận lợi để ai đó chóng được lăng xê, mau được vào Hội trung ương, chí ít cũng thu hút được sự chú ý của chức sắc làng văn đấy!”. Ông giám đốc nhà sáng tác bảo vậy nhưng chị không tin hay không muốn tin. Vẫn lặng lẽ cắm cúi viết như bị ma làm. Không chịu ăn ngủ điều độ. Quên cả thư giãn, vui chơi. Cứ làm cho nhan sắc mỗi ngày thêm tàn tạ. Vậy mà chị còn không biết điều. Vẫn hy vọng một ngày đẹp trời, người đời sẽ biết và nói đến những tác phẩm của chị.

“Hay chị thử viết về sex đi. Viết thật khêu gợi, dậm dật vào. Nhất định tạo được tiếng vang. Không nổi tiếng thì tai tiếng. Đều là có tiếng cả. Có tiếng rồi sách bán chạy như tôm tươi. Chị trở thành người của công chúng  ngay”. Một lần ông giám đốc lại bảo thế. Biết ông đùa, chị cười: “Tuổi mình mà viết sex chắc khô không khốc, hấp dẫn được ai!”. Thực lòng, chị chẳng ngại viết về sex nếu tác phẩm thật sự cần. Cái điều không hề xa lạ, không thể thiếu trong cuộc đời, việc gì phải né tránh chứ! Nhưng viết sex theo kiểu dung tục, chỉ để nổi danh thật nhanh thì chị không ham. Dẫu biết rằng viết những điều dung dị mà làm người đọc xúc động được không hề đơn giản.

Kết thúc trại viết, câu chuyện tòa dinh thự trắng và số phận những người tù khổ sai tạo được ít nhiều chú ý của đồng nghiệp. “Huyền hoặc, trữ tình, gây ấn tượng mạnh”. Ông bạn giám đốc vui vẻ chúc mừng chị. Nhưng đấy là ý kiến một bạn đọc yêu văn. Chị hình dung đến tác động của câu chuyện đến các nhà biên tập. Cách viết của chị liệu có gợi được nhận định tốt đẹp nơi họ không? Chị nghĩ đến một nữ biên tập viên trạc tuổi mình ở tạp chí văn học và thầm hy vọng vào sự đồng cảm của người ấy.

Gửi tập bản thảo đi, chị nóng lòng chờ đợi hồi âm. Ngày lại ngày trôi qua, vẫn bặt vô âm tín. Không thể nén lòng thêm nữa, chị nhấc điện thoại, nhấn dãy số đã nhẩm đến thuộc làu. Đầu dây bên kia, vẳng đến giọng nói hơi khàn: ”Truyện chị viết xưa quá rồi. Điều chúng tôi cần là phải đề cập đến những vấn đề xã hội hôm nay. Chị nên tham khảo lại các truyện mới đăng trên tạp chí để có cái nhìn toàn cục nhé!”. Thất vọng, ưu phiền bủa vây lấy chị. Choáng váng như vừa có cơn gió lạnh ngắt thốc qua đầu, chị ngồi thịch xuống giường, thở dài ngao ngán.

Ngồi chán rồi lại đứng lên. Vẩn vơ nhìn quanh quẩn. Chồng tạp chí văn học cao ngất trên bàn viết đập vào mắt chị. Nhớ đến câu nói ban nãy của nữ biên tập viên, chị lần giở từng trang báo, xem lại tiêu đề các truyện ngắn gần đây. Quả thật phần lớn chúng viết về những chuyện thường nhật, vẫn xảy ra trong đời thực, không khác là bao so với những phóng sự nóng hổi trên báo chí hàng ngày. Người ta đang cần những thứ này vậy mà mình lại viết chuyện ngày xưa, xảy ra hàng chục, hàng trăm năm trước. Những điều thực sự không ai cần đến trong cuộc sống hiện nay? Vậy mà cái thời xa xưa ấy, khi còn chân lấm tay bùn, sao các cụ cố nhà mình không chỉ kể về chuyện cày chuyện cấy, chuyện no đói ngày thường? Mà còn nghĩ ra, truyền khẩu lại cho con cháu những truyện cổ tích, thần thoại, thần tiên? Và gói ghém trong ấy vô số ước mơ, rất nhiều tưởng tượng? Một thế giới đầy ắp thế thái nhân tình bồi bổ tim óc lớp hậu sinh. Những câu chuyện mà chị và bao đứa trẻ cùng tuổi ngày ấy chẳng thể quên...    

Tập bản thảo không được đăng, chị bỏ mặc trong hộc bàn. Không biết đã bao lâu không mó máy, viết lách gì nữa. Chị tin mình chẳng thể thành nhà văn. Mở vi tính ra cũng chỉ để lên mạng, lướt xem người ta viết gì, nói gì. Ngôn ngữ mạng thời nay thật lạ lùng, đầy rẫy từ vựng đường phố được biến cách ngộ nghĩnh, quái dị. Đôi lúc chị bật cười trước những đoạn spam hiếu chiến của cư dân mạng. Cãi cọ, tranh biện, thậm chí thoá mạ nhau chỉ vì người này bênh vực một điều mà người kia đang chỉ trích. Thế là chiến tranh toàn cầu bùng nổ. Cũng căng thẳng, nóng lạnh, đe doạ, đối đầu... Cũng kéo bè, kéo cánh, tung hô, triệt hạ lẫn nhau. Chị lạnh người khi đọc lời hăm he của anh chàng có cái nick name “traito” (không rõ là trai tơ hay trái to) với cô bé hâm mộ cây bút sex nữ nhiều tai tiếng: ”Nếu cần, tôi chỉ cần dùng vài nick giả nịnh đểu em, mời em đi cà phê. Gặp nhau rồi, điên quá thì tặng em ca axit vào vòng một, vòng hai... để em khỏi vênh mặt nhìn đời bằng nửa con mắt!” Lời đe dọa lạnh lùng đáng sợ thật nhưng còn là khá lịch sự so với mặt bằng ngôn từ diễn đàn mạng nói chung. 

Sau khi ngẫm ngợi chán chê, chị đem post lần lượt tất cả các truyện ngắn của mình lên mạng. Văn học chính thống đã từ chối chúng thì đành bày ra giữa chợ đời chứ sao? Người ta không viết cho chính mình, ngoại trừ là nhật ký. Chị cần sự giải toả, sẻ chia. Giữa mớ hỗn độn những truyện dài ngắn, hay dở khác nhau, hàng trăm trang sách điện tử của chị nằm ngay ngắn trước con mắt soi bói của dân lướt net. Ngày nào chị cũng vào mạng vài lần. Hồi hộp theo dõi lượng người truy cập vào topic tăng dần. Từ vài chục, vài trăm rồi đến hàng ngàn độc giả. Kẻ khen người chê. Có khi còn chửi đổng như anh Chí hay chanh chua kiểu hàng cá hàng tôm. Thi thoảng mới có ý kiến cám ơn hay cảm thông với chị. Mặc dù vậy chị vẫn vui. Còn hơn là không ai ngó ngàng, bàn luận câu nào.

Vào ngày đẹp trời nọ, chị nhận được lời đề nghị nhã nhặn của một nhà xuất bản. Họ muốn in sách của chị từ những truyện ngắn chọn lọc trên internet. Nếu có truyện mới chưa lên mạng thì càng tốt. Chị gởi tập truyện “Biệt thự trắng” theo địa chỉ email của nhà xuất bản. Lập tức thư trả lời đến ngay. Cảm ơn chị đã nhiệt tình cộng tác và mời chị đến gặp mặt càng sớm càng hay. Chị mừng suýt phát khóc. Cánh cửa lâu nay đóng chặt vừa hé mở. Cơ hội để chị đến với bạn đọc văn chương không còn xa vời. Chị sẽ có những cuốn sách thực thụ, bằng giấy bằng mực hẳn hoi. Trong đời thật chứ không chỉ trong thế giới ảo. Có thể cầm nắm nó trong lòng tay, lần giở từng trang để ngắm nghía, vuốt ve, sờ nắn.  Chao ôi, hạnh phúc bất ngờ! Nhưng nụ cười của chị vừa nở ra chợt đông cứng ngại ngần. Lỡ gặp mình rồi người ta lại đổi ý? Mà lần lữa mãi thì hóa ra mình bất nhã. Có khi lại vuột mất cơ hội trong tầm tay. Làm gì bây giờ đây? Chị suy tư. Chị trăn trở. Cuối cùng quyết định soạn thảo một email. Trong đó chị ủy quyền cho nhà xuất bản nọ chọn lọc, cấp phép và in ấn toàn bộ những gì họ thích. Nhuận bút bao nhiêu cũng tùy họ quyết định. Không quan trọng hóa chuyện này. Chị phải đi xa gấp nên không thể đến gặp họ ngay. Thư gửi đi rồi, chị vẫn còn hồi hộp mãi...  

Sách được in ra sau những bài phê bình tán dương hơn là bình luận. Nhà xuất bản nọ tự xuất tiền ra PR, marketing cho chị. Thừa thắng xông tới, chị cày cuốc liên miên. Không còn nề hà sex hay không sex, huyền thoại hay đời thường, hiện thực hay siêu thực... Sách của chị bán chạy, luôn nằm trong top best seller. Người đàn bà trở nên nổi tiếng và giàu có. Rồi chị lấy chồng. Hạnh phúc viên mãn...

Nhưng chỉ được một thời gian. Rắc rối ập đến sau khi chị quyết định chia tay với cây bút. Đúng hơn là với cái máy tính cũ kỹ, mặc cho chồng chị trường kỳ phản biện. Không thiếu tiền bạc nhưng suốt ngày cắm đầu vào viết lách, chị chẳng có lúc nào rảnh để tiêu pha. Quá muộn khi nghĩ đến việc sinh một đứa con. Tuổi già sồng sộc đến, chị thấm thía mỏi mệt. Thời gian chẳng chờ đợi ai. Phải hưởng thụ ngay nếu không muốn hối tiếc. Chị buông bút để tập cầm cây chì, cây son tô điểm mặt mình, thành thạo dần với nhiều kỹ xảo. Lại tìm cách giết thì giờ bằng việc thường xuyên lui tới các mỹ viện. Thoạt đầu chị cũng ưa nhìn hơn với vài lần căng da, cắt mí, nâng mũi, xẻ cằm. Có thể gọi đấy là người đàn bà đẹp nếu không để ý đến vẻ giả tạo của khuôn mặt búp bê quá đát. Muốn che giấu tuổi tác, chị xõa tóc phủ kín vết sẹo mờ hai bên vành tai, dấu vết của đợt căng da mặt gần đây nhất.  

Chồng chị, ông giám đốc nhà sáng tác ngày ấy, chán ngấy người đàn bà già nua diêm dúa của mình. Mỗi sáng thức giấc, ông nhìn vợ với những nét cắt sửa cứng đơ như mặt nạ, tóc lưa thưa xõa gối, phũ phàng bày ra hai vết sẹo chạy dài nơi chân tóc, kéo đến tận mang tai. Ông bắt đầu quên hôn vợ mỗi khi trở về nhà. Và không bao giờ đi tắm biển cùng chị nữa. Chủ các spa săn sóc sắc đẹp khuyến cáo vợ ông không nên dầm nước biển. Da mặt vì thế sẽ chóng nhăn nheo. Ông thường đi bơi một mình, háo hức ngắm trộm các cô gái xinh xắn tung tăng trong bộ bikini nhỏ xíu. Bên cạnh họ là những chàng trai cuồn cuộn cơ bắp, hấp dẫn trẻ trung. Ông thở dài, nao nao nhớ lại đôi chân nâu hồng thon thả của người đàn bà cầm bút. Đôi mắt, gương mặt người ấy hồn hậu, thông minh. Gương mặt không hẳn đẹp nhưng khả ái ấy đã bị vợ ông khai tử.

Lần này chị đến thăm ngôi dinh thự trắng cùng chồng trong lễ kỷ niệm lần thứ mười ngày cưới. Vừa đặt chân lên con đường xuyên qua khu rừng nhỏ, lòng chị nổi lên một cơn bão khi nhìn cây cối gãy đổ ngổn ngang. Nhớ đến tập truyện từng viết về nơi đây, thấy cồn cào, xót xa, tiếc nuối. Phải chi đừng buông bút! Sai lầm chết người đến bây giờ chị mới hiểu ra. Để cho cuộc sống hào nhoáng cuốn phăng đi, chị không còn giữ được tình yêu của chồng, người đàn ông tinh tế, thanh lịch năm xưa. Khuôn mặt chị lạ hoắc, cứng đơ, không bao giờ sửa lại được như cũ. Chị biết ông rất ưu phiền. Nhưng nhận ra điều ấy thì đã muộn. Làm sao hơ chảy tảng băng buốt giá giữa hai tâm hồn? Vốn nhạy cảm, chị đọc được nỗi ngán ngẩm nơi chồng, nhưng đành bất lực nhìn ông mỗi ngày thêm xa cách. 

Chị trái lại, vẫn yêu ông. Yêu đắm đuối, đam mê. Vì ông mà chị làm mọi việc. Kể cả cái vụ cắt sửa bơm vá ngu xuẩn kia. Nhưng ông càng thờ ơ vô cảm. Khóc thầm chán chê rồi chị hiểu. Người ấy yêu chị không phải vì khuôn mặt, vì dáng vóc mà vì tính cách, tài năng. Vậy mà chị buông bút! Vứt tất cả đi để nhường chỗ cho ham muốn đời thường. Kết quả trái ngược với điều chị mong đợi. Làm gì đây? Tiếp tục nghiệp viết ư? Dư luận văn chương từ lâu không còn nhắc đến chị. Đã tự đào mồ chôn danh tiếng của mình thì có nên khai quật lên không? Liệu tìm thấy được gì ngoài một bộ xương mục nát? 

Chị đứng chôn chân bên cổng dinh thự. Mắt không rời rừng cây tả tơi sau cơn bão. Giông tố từ bên kia Thái Bình Dương đã cuốn về đây người đàn ông mặc bộ trang phục đầu thế kỷ. Ngài nhớ tiếc toà dinh thự đã giam lỏng mình gần chục năm chăng? Hay chỉ để nhắc chị về ước muốn cháy bỏng xa xưa:  viết về con người không cam chịu làm vua bù nhìn một thời ly loạn? Ngày ấy chị không có được mối dây đồng cảm. Ngài không thôi thúc, gợi nên ở chị ý tưởng nào. Không có ảo ảnh. Không rên xiết, kêu than như những người tù khổ sai. Từ lâu chị đã quên ngài. Đã thực sự lãng quên. 

Nhưng chiều nay, chị biết mình là người được lựa chọn. Sau cơn bão lở đất long trời, ngài đã hiển linh trước mắt chị. Toan trốn chạy ngay giây phút đầu tiên, nhưng rồi chị kịp ngộ ra. Phải đi tiếp trên con đường gập ghềnh khổ ải mình đã chọn. Chị sẽ lại viết. Chẳng phải với chị đó mới là cuộc sống đích thực, là ngọn nguồn tình yêu? Chị ngoái nhìn tòa dinh thự trắng, hiểu rằng mình còn thường xuyên trở lại nơi này.

Một cơn gió biển phóng khoáng thổi thốc vào bờ. Đem đến những linh cảm bất ngờ. Mãnh liệt và kỳ ảo...

 

N.T.T.L