Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ và cách mạng tháng 8 năm 1945 tại Đà Nẵng

01.09.2020
Võ Hà

Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ và cách mạng tháng 8 năm 1945 tại Đà Nẵng

Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ gắn liền với Đà Nẵng, nhất là trong thời gian chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945 và giữ chính quyền trong thời gian cuối năm 1945 đầu năm 1946 - đó cũng là giai đoạn ông làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (5/1945 - 4/1946). Bài viết này tác giả Võ Hà dựa trên hồi ký của một số nhân chứng lịch sử, phác họa vài hình ảnh sinh động trong thời khắc lịch sử bước ngoặt của thành phố Đà Nẵng gắn liền với Bí thư Thành ủy Huỳnh Ngọc Huệ những ngày đầu cách mạng.

N gày 10-3-1945, tức một ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp, Huỳnh Ngọc Huệ được ra khỏi nhà tù, tích cực tham gia vận động cách mạng ở Đà Nẵng và ở quê hương Đại Lộc.

Với sự năng nổ đối với phong trào cách mạng, tháng 5-1945, Huỳnh Ngọc Huệ được triệu tập tham dự hội nghị Tỉnh ủy ở bến đò Ông Đốc trên sông Thu Bồn. Tại hội nghị này, Huỳnh Ngọc Huệ được bổ sung vào Tỉnh ủy Quảng Nam, được cử làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trực tiếp phụ trách Ban Công vận.

Một trong những người đồng chí gắn bó nhất với Huỳnh Ngọc Huệ trong khoảng thời gian chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Nẵng là Lê Văn Quý. Trong hồi ký của mình, ông Lê Văn Quý cho biết các thông tin về Huỳnh Ngọc Huệ với việc tổ chức đối phó với một hành động nguy hiểm nhằm ngăn cản ta giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám.

 “Tháng 7-1945, Nhật và bù nhìn có chủ trương bắt lại tất cả tù chính trị, cơ quan chúng tôi [tức Thành ủy Đà Nẵng] lúc này đóng tại nhà ông Lê Văn Cung và bà Nguyễn Thị Nhỏ (Thông Lán).

Được tin trên, anh Huệ bàn với tôi dời lên nhà ông Bốn Tung ở xã Thạc Gián, tôi đồng ý nhưng về sau không dời, vẫn tiếp tục hoạt động ở đây, vì nói là cơ quan nhưng chúng tôi chỉ ăn ở không cất giấu một thứ gì, bản thân tôi đi suốt ngày đêm ít khi ở nhà, còn đồng chí Huệ hay vào Tỉnh ủy công tác - thực chất đây là nơi liên lạc mà thôi.

Khoảng nửa cuối tháng 8-1945, khi đang hoạt động các xã Tân Thái [Mân Thái], Nam Thọ, Cổ Mân, Mân Quang (khu Đông), đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ bảo chị Nguyễn Thị Anh Kim đi tìm tôi về ngay, huy động quần chúng của ta đối phó phá cuộc biểu tình của Mai Trọng Tánh.

Lập tức, có cuộc họp giữa các anh Huệ, anh Trác [Nguyễn Trác] và tôi bàn kế hoạch ngày mai hành động ở nhà Phan Châu Toàn (dãy nhà 14 đường Cây Quăng, quốc lộ 1 đi Huế). Đồng chí Nguyễn Ngọc Châu là người của ta cắm vào tổ chức của Mai Trọng Tánh, báo cho ta biết trước địa điểm, số người dự họp và ngày giờ họp.

Chúng tôi nhận định, nếu không phá cuộc họp này thì nó sẽ phá vỡ kế hoạch chuẩn bị giành chính quyền của ta, cho nên một mặt ta huy động đông đảo quần chúng đối phó và phá việc huy động quần chúng của nó - việc này phân công tôi chịu trách nhiệm. Mặt khác, ta bố trí bắt tên Mai Trọng Tánh để phá cuộc họp - việc này giao cho đồng chí Trác chịu trách nhiệm.

Tôi đưa một số tự vệ cứu quốc có biết võ, cùng với mấy võ sĩ của đồng chí Trác trong tỉnh ra, giao cho đồng chí Lê Tiền trực tiếp chỉ huy. Đúng tối, độ 22 giờ, anh em ta ụp vào cuộc họp bắt Mai Trọng Tánh đưa vào nhốt tại Thanh Quýt, số còn lại ta cảnh cáo, giải tán cuộc họp.

Âm mưu của chúng rất thâm hiểm định dùng danh nghĩa Việt Minh giành chính quyền để quần chúng hiểu lầm là chủ trương của ta nên xuống đường hưởng ứng với chúng. Như vậy, ta đã phá được kế hoạch của bọn Tánh. Bắt tên Tánh ta có đề phòng bọn Nhật biết được sẽ khủng bố, nhưng không thấy chúng có thái độ gì”(1).

Tiếp theo đó, dấu ấn của Bí thư Huỳnh Ngọc Huệ thể hiện rõ trong việc chớp thời cơ giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở thành phố Đà Nẵng. Ông Nguyễn Thúy có gặp Huỳnh Ngọc Huệ trong một cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy, cho biết:

“Tháng 8-1945, Tỉnh ủy và Ủy ban Việt Minh tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng họp tại nhà ông Tòng (Tam Kỳ), bàn đẩy mạnh phong trào lên, đặt biệt chú ý tổ chức các đội tuyên truyền xung phong để tuyên truyền cho được rộng rãi hơn.

Trong lúc họp được hơn một ngày, thì sáng ngày 15-8, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ ở Đà Nẵng vào báo tin là Nhật đã đầu hàng quân đồng minh không điều kiện. Tình hình ấy chính là thời cơ để vũ trang nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Cuộc họp ngay lập tức chuyển địa điểm ra nhà anh Chiến - cách đó một cây số - để tập trung bàn việc khởi nghĩa”(2).

Theo đó, sáng ngày 26-8, lúc 8 giờ, tiếng còi tầm thường lệ của thành phố kéo lên - đó là tín hiệu quy định để toàn thành vùng dậy giành chính quyền, quần chúng nhân viên các công sở chiếm lĩnh các công sở, các tự vệ canh gác và lập Ủy ban cách mạng lâm thời. Các xã ngoại thành cũng đồng thời nổi dậy treo cờ lên, chào cờ.

Các đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, Lê Văn Hiến, Trần Thị Dung đến Tòa sứ; Nguyễn Trác đến Sở Mật thám; Phan Dương vào nhà lao; Nguyễn Đăng Khoa phụ trách chiếm kho bạc; Lê Văn Quý phụ trách triệt hạ hệ thống nông thôn các xã và các công tư, sở, đi đến tận mỗi nơi để thành lập chính quyền và thu các sổ sách quỹ công.

Đặc biệt, về thời khắc buổi lễ mít-tinh ra mắt chính quyền cách mạng thành phố vào ngày 2-9-1945, ông Nguyễn Duy Nhất đã chứng kiến và ghi rõ trong hồi ký của mình: “Ngày 2-9-1945, tại sân vận động Chi Lăng, Việt Minh thành Thái Phiên tổ chức mít-tinh chào mừng ngày độc lập. Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ thay mặt Thành bộ Việt Minh trịnh trọng tuyên bố:

Từ đây, nhân dân Thái Phiên xóa bỏ chính quyền bù nhìn, thành lập chính quyền cách mạng nhân dân do nhân dân làm chủ. Và đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ tuyên bố các chính sách của Việt Minh với đồng bào toàn thành phố. Đồng chí nói tiếp: Đây là ngày lịch sử của nhân dân thành phố Thái Phiên, ngày rực rỡ huy hoàng độc nhất không còn là mảnh đất nhượng địa Tourane nữa. Cả ngàn người dự mít-tinh vỗ tay một hồi lâu hưởng ứng”(3).

Ngay sau giành chính quyền, Bí thư Thành ủy Huỳnh Ngọc Huệ đã đưa ra nhiều chủ trương trong thời kỳ “ngàn cân treo sợi tóc” mang lại thắng lợi bước đầu to lớn. Tháng 10-1945, một cuộc hội nghị Thành ủy do Bí thư Huỳnh Ngọc Huệ chủ trì, đã nhận định tổng quát tình hình thành phố: Ta thiếu tiền, thiếu gạo; vấn đề tăng gia sản xuất trong thành phố là hết sức khó khăn, phải huy động nguồn lương thực từ các xã thuộc huyện Hòa Vang. Lại thêm, ta phải đối phó với tình thế mới theo Hội nghị Postdam, quân Tưởng kéo vào thành phố giải giới quân đội Nhật, tung đồng tiền Quan Kim mất giá ra thao túng thị trường, chèn ép đồng bạc ta.

Lúc bấy giờ, Trưởng ty Kinh tế Bùi Công Trọng phải đề ra chủ trương khơi nguồn gạo từ Phú Yên, Quảng Ngãi ra, điều hòa nguồn lương thực đủ để cung cấp cho nhân dân, bộ đội và quân Tưởng. Đứng trước tình hình như vậy, Thành ủy mở hội nghị bàn biện pháp khắc phục khó khăn trước mắt và lâu dài, Bí thư Huỳnh Ngọc Huệ đưa ra biện pháp: Phải củng cố và giữ vững chính quyền non trẻ, ổn định kinh tế - xã hội, kêu gọi toàn dân, toàn Đảng, tất cả cán bộ trên dưới một lòng cùng vượt qua mọi khó khăn thử thách, quyết tâm chống thù trong giặc ngoài, tăng gia sản xuất, giữ vững thành quả cách mạng.

Thời gian chuẩn bị toàn quốc kháng chiến, tại Đà Nẵng, ông Huỳnh Ngọc Huệ rất chú trọng lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang, nhất là về sản xuất vũ khí. Ông Phạm Văn Thạnh - nguyên tự vệ Hỏa xa Đà Nẵng, nguyên công nhân Xưởng vũ khí Nho - Bán, trong hồi ký của mình, cho biết: “Vào những tháng đầu năm 1946, tình hình Đà Nẵng trở nên vô cùng căng thẳng với sự hiện diện của cả ba đội quân: Nhật - Tưởng - Pháp. Cả ba đội quân này thi nhau quậy phá, cướp bóc làm cho đời sống nhân dân vốn đã khó khăn lại càng thêm khốn khổ.

Sau khi quân Nhật và quân Tưởng rút lui, quân Pháp vào làm nhiệm vụ tiếp phòng, thì tình hình càng trở nên tồi tệ hơn với những vụ cướp bóc công khai, những vụ gây hấn diễn ra hằng ngày ở khắp nơi. Thực dân Pháp ngày càng lộ rõ dã tâm xóa bỏ chính quyền cách mạng non trẻ, xâm chiếm nước ta thêm một lần nữa. Ở Đà Nẵng, vào mỗi sáng thứ bảy, bọn lính Pháp dùng đại bác bắn vào núi Phước Tường, gọi là bắn tập, thực chất là để cho ta quen dần với tiếng đại bác, mất cảnh giác khi bọn chúng thực sự tấn công vào các mục tiêu của ta. Đà Nẵng lúc ấy đứng trước nguy cơ bị tấn công bất cứ lúc nào bởi một đội quân hùng hậu hơn 6.000 tên, được trang bị các loại vũ khí vào loại hiện đại nhất thời bấy giờ.

Đứng trước tình hình đó, thực hiện chủ trương chuẩn bị kháng chiến của Trung ương, Thành ủy Đà Nẵng lúc này do đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ làm Bí thư, quyết định đẩy mạnh việc xây dựng các lực lượng vũ trang, bán vũ trang, công an xung phong để làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu đánh địch trên địa bàn thành phố.

Nhiều đội tự vệ chiến đấu, cảm tử quân cũng được thành lập ở khắp các công sở, nhà máy. Một vấn đề lớn, hết sức bức xúc được đặt ra trong lúc này là vũ khí. Lấy gì để trang bị cho các chiến sĩ lực lượng vũ trang của thành phố chiến đấu đánh địch?

Thực tế lúc này, trang bị của ta rất thiếu thốn, ngoài một số rất ít súng mút-ca-tông, súng trường trang bị cho các đơn bị bộ đội, công an xung phong, ta chỉ có mã tấu, dao găm, cung tên để trang bị cho các chiến sĩ tự vệ.

Yêu cầu cấp bách đặt ra trong lúc này là phải gấp rút sản xuất vũ khí để phục vụ công cuộc kháng chiến - một yêu cầu quá cao đối với ngành cơ khí chế tạo còn quá thô sơ của một thành phố lạc hậu về công nghiệp, nặng về tiểu thủ công què quặt, nhỏ lẻ.

Để đáp ứng yêu cầu trang bị vũ khí cơ bản cho các đơn vị bộ đội, công an xung phong, tự vệ chiến đấu trong thành phố, đồng chí Phạm Văn Trình - Thành ủy viên, Trưởng ban Quân sự thành phố được đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ và Thường vụ Thành ủy giao nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo gấp một số lựu đạn để trang bị cho các chiến sĩ vũ trang thành phố.

Qua nghiên cứu, các anh ở Thường vụ Thành ủy nhận định rằng trong tình hình thực tế lúc bấy giờ, ta chưa đủ điều kiện để chế tạo các loại vũ khí khác mà chỉ có khả năng nghiên cứu chế tạo lựu đạn là loại vũ khí đơn giản nhưng có mức sát thương cao, có uy lực trong đánh phục kích, đánh cận chiến trong thành phố. Ngày 15-4-1946, xưởng sản xuất vũ khí của thành phố được chính thức thành lập, lấy tên là Xưởng sản xuất vũ khí Nho - Bán (tên hai đồng chí đã hy sinh)”(4).

Tháng 4-1946, Huỳnh Ngọc Huệ được bầu làm Phó Bí thư Xứ ủy; cuối năm 1946, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng được sáp nhập thành liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Huỳnh Ngọc Huệ được giao nhiệm vụ trực tiếp chuẩn bị chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, làm Chính ủy Mặt trận.

Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Huỳnh Ngọc Huệ cùng các đồng chí của mình lãnh đạo quân và dân trong tỉnh kìm chân quân Pháp ở phía bắc sông Cẩm Lệ trong hơn 3 tháng, tiếp tục kìm chân quân Pháp ở phía bắc sông Thu Bồn, giữ vững vùng tự do Quảng Nam - Đà Nẵng. Có thể khẳng định, Đà Nẵng 1945-1946 mang đậm dấu ấn của Huỳnh Ngọc Huệ và có ý nghĩa vô cùng quan trọng, có tính quyết định cục diện chiến tranh trên mảnh đất xứ Quảng.

V.H