Món mì Quảng chị nấu
Chị không phải chị ruột của tôi. Chị là chị của bạn tôi. Mãi khi bạn tôi mất, tôi mới có dịp đến thăm nhà bạn và gặp chị. Như những cuộc gặp gỡ xã giao đơn thuần khác, chúng tôi gặp nhau và quên nhau nhanh chóng sau đó.
Khi tôi chuyển vào miền Nam sinh sống. Tôi gặp lại chị và xem cuộc gặp này như một cơ duyên tươi đẹp trong cuộc đời. Từ thời điểm đó, ở thành phố xa lạ này tôi và chị thân thiết nhau. Thi thoảng tôi đến nhà chị chơi. Và mỗi lần như vậy, chị lại nấu mì Quảng đãi tôi.
Tôi không biết có nên rạch ròi giữa món ăn người này hay người khác nấu không. Mì Quảng dù không có công thức chung, dù ở mỗi vùng Quảng Nam mì Quảng có một hương vị riêng. Và trong mỗi gia đình, hương vị đó cũng có sự khác nhau. Nhưng điều đặc biệt khiến tôi dễ dàng nhận ra sự khác nhau chính sự tỉ mẩn trong cách nấu nướng khác với hàng quán. Từ khi xa nhà tôi chưa từng ăn tô mì Quảng nào mà có thể cảm nhận được tình cảm của người nấu nhiều như món mì Quảng chị nấu. Không phải vì hương vị giống với hương vị bà và mẹ tôi nấu mà chính là tôi đã chứng kiến sự tỉ mỉ trong cách chế biến của chị. Tôi vừa là người trực tiếp nhìn chị vào bếp, vừa là người phụ bếp của chị, lại là nhân vật chính trực tiếp cảm nhận hương vị ấy. Điều đó khiến tôi nhận ra sự thân thuộc và ấm áp từ món ăn chị nấu. Có một cảm giác xúc động như tôi đang ăn món ăn của gia đình mình, được nấu bởi một người rất yêu thương tôi.
Tôi lớn lên cùng mì Quảng từ thời mẹ phải ngâm gạo từ tối hôm qua để sáng tinh mơ mang gạo đi xay, sau đó mang về nhà, bắc nồi lên tráng mì. Từ thời mì Quảng phải xắt bằng tay cho đến khi hiện đại hơn có thể xắt bằng máy. Từ thời để có một tô mì Quảng, nhà nhà đều tự tráng mì, tự rang đậu, nướng bánh cho đến khi có thể mua mì, mua bánh tráng hay đậu phộng rang ở bất kì cái chợ nào trên đất Quảng Nam. Tôi đi bên cạnh, phụ mẹ những việc lặt vặt, nói cười với mẹ và hít hà hương thơm từ món ăn mẹ nấu. Chừng đó kí ức ùa về đã khiến tôi cảm thấy hân hoan biết bao trước món ăn của chị như ngày nào còn bên mẹ.
Dẫu hương vị mì Quảng của chị và mẹ có sự khác nhau, nhưng cũng như mẹ tôi, chị luôn lột vỏ tôm, cắt nhỏ thịt, kho rim đậm đà, lóc hết xương cá, ninh sườn thật nhừ, phi hành nén thơm phức. Mỗi khi làm chị luôn nghĩ đến cách người khác sẽ ăn nó. Tôi nhận ra niềm vui của chị cũng giống như niềm vui của mẹ tôi, bà tôi và những người phụ nữ yêu gia đình khác - đó là họ luôn quan tâm đến cách những người mình yêu thương sẽ ăn món ăn mình nấu như thế nào. Với họ, một tô mì Quảng nấu ra là một sự kì công và chăm chút chứ không nhanh chóng và giản đơn như cách người ta nghĩ về món mì Quảng là món ăn dễ nấu hệt như độ phổ biến của nó. Từ khi ngửi được mùi hành nén phi thơm phức đến khi mùi thơm của các nguyên liệu quyện lại và đến lúc có một tô mì Quảng đầy đủ gia vị rau bánh, đậu phộng, chanh ớt ăn kèm là một sự chờ đợi đầy háo hức. Tôi cảm thấy mình như đứa trẻ lên mười của ngày nào đang đợi chờ món ăn mẹ nấu.
Người khác ăn mì Quảng thường cảm nhận hương vị. Nhưng hương vị là thứ có thể nếm được. Chỉ có tình yêu với món ăn quê nhà, sự trân quý lẫn nhau gửi vào món ăn là thứ không dễ dàng nhận ra. Nó cần sự quan sát và cảm nhận hơn là nếm thử. Qua món mì chị nấu, tôi biết chị là người phụ nữ yêu gia đình và thích nấu ăn. Như những người phụ nữ Quảng xung quanh tôi, chị vừa chăm chỉ, cần cù, vừa nỗ lực lại chịu khó.
Với tôi, tô mì Quảng từ thời điểm tôi xa nhà trở nên ngon hơn rất nhiều so với tô mì thời tôi chưa xa nhà, ngày nào cũng nhìn thấy.Tôi nghĩ có thể mình sẽ không biết được cảm giác nhung nhớ một hương vị quê hương là gì nếu không có thời gian đi xa sinh sống. Từ nhỏ đến lớn, mì Quảng đã trở thành một món đặc trưng phổ biến đi đâu cũng có. Ăn một món ăn đã trở thành quen thuộc và mỗi ngày đi đâu cũng thấy sẽ không thể nào có cảm giác thèm thuồng, cho đến khi tôi đi xa, đến một nơi mà một món ăn quen thuộc như mì Quảng cũng trở nên khó kiếm, mới biết cảm giác nhung nhớ một hương vị quê hương cồn cào là thế nào. Nhưng khi đó, tôi cũng nhận ra ăn mì Quảng thế nào mới ngon nhất. Nếu có sự biết ơn đối với người nấu, sự trân quý tình cảm và công sức của người nấu, mỗi món ăn sẽ như một món quà mà cả người ăn và người nấu đều trân trọng.
Với tôi, món mì Quảng ngon nhất chính là món mì được nấu bởi những người yêu thương mình. Và cảm giác hạnh phúc nhất chính là khi ăn cùng những người mình yêu thương. Bất kì đi đâu, người Quảng cũng đều nhớ đến mì Quảng bởi họ đã ăn món ăn đó trong những bữa ăn gia đình đầm ấm. Có thể là trong một buổi tối chong đèn, trong một căn nhà tranh, vách tường đất sét... Vì thế món ăn đó như là kỉ niệm, nó trở nên thân quen với biết bao người. Người ta không chỉ nhớ hương vị của nó mà còn nhớ bóng dáng của người phụ nữ nấu món ăn đó, nhớ không khí đông đủ đầm ấm khi cả gia đình quây quần bên nhau.
Như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng nói trong cuốn sách của mình: “Khi rời khỏi vùng đất sinh ra nó, mì Quảng thuần túy không còn là món ăn nữa, mà trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của một vùng đất lắm kẻ tha hương.”
Tôi nghĩ món mì Quảng cũng giống như một sợi dây kết nối những người Quảng tha hương với nhau. Khi một người Quảng tha hương bắt gặp quán mì Quảng và bước chân vào, có một cảm giác thân thuộc kì lạ lắm. Người ta có thể cười nói hỏi han như thể đã thân quen từ chủ quán đến khách xung quanh, dẫu chỉ sau đó nhận ra không phải chỉ người Quảng mới đi ăn mì Quảng. Nhưng từ món mì Quảng, họ lại có cơ hội nói nhiều hơn về vùng đất của mình. Cũng như khi chị nấu món mì Quảng, tự dưng khoảng cách giữa chúng tôi bỗng trở nên gần hơn. Chúng tôi dễ dàng cởi mở chia sẻ cho nhau nhiều điều. Tôi nghĩ rằng khi phụ nữ cùng yêu thích một món ăn, khi họ trở nên thân thiết bên bếp, họ dễ dàng gần gũi và cùng nhau chia sẻ nhiều điều hơn trong cuộc sống.
Tôi nghĩ cũng giống như món mì Quảng, người Quảng trong quá trình di cư đến vùng đất khác đều mang những nét rất riêng trong tính cách khó lẫn vào đâu được. Họ trở thành biểu tượng của một vùng miền, chỉ hòa nhập chứ không hòa tan. Người Quảng dù ở đâu cũng nhớ về những món ăn quê hương. Như chị tôi, mỗi khi có bạn đến chơi nhà, chị luôn chọn nấu mì Quảng như một cách giới thiệu món ăn quê hương đến bạn bè của mình. Và rồi món mì Quảng gắn liền với chị. Để rồi ở những cuộc gặp gỡ khác, ai ai cũng háo hức đòi chị nấu mì Quảng. Đôi khi tôi cảm thấy tự hào biết bao vì một món ăn gắn liền với địa danh của mình lại được rất nhiều người ở những vùng miền khác thích thú đến thế.
Tôi vẫn luôn thầm cảm ơn biết bao những người phụ nữ như chị, bởi dù là một người nội trợ, một người phụ nữ của gia đình nhưng họ đã mang món ăn của vùng miền mình phổ biến đến mọi nơi trên đất nước theo một cách rất riêng, để ngày nay, ai cũng biết đến mì Quảng. Và mì Quảng đã trở thành món ăn mà cả thế giới đều biết đến chứ không chỉ một vùng miền nào. Tôi biết ngày nay phụ nữ phải chịu nhiều áp lực trong cuộc sống. Họ vừa ra ngoài lao động kiếm tiền, chia sẻ gánh nặng tài chính với đàn ông, vừa phải chăm lo cho gia đình. Những sai lầm trong cách hiểu về phong trào bình đẳng giới cũng khiến phụ nữ trở nên nam tính hóa hơn khi cố gắng chứng tỏ họ có thể làm tốt công việc của đàn ông, thậm chí thay thế đàn ông trở thành người chu cấp cho gia đình để rồi dần đánh mất sự nữ tính vốn là điều đặc trưng của phụ nữ. Dẫu vậy, tôi vẫn luôn cho rằng một người phụ nữ đẹp nhất chính là khi cô ấy được là chính mình. Với tôi, người phụ nữ dù khi lùi lại, sống đúng với vai trò nữ tính của mình là người phụ nữ của gia đình, với sở thích nấu ăn, cắm hoa, may vá, chăm sóc gia đình... họ vẫn sở hữu những giá trị riêng, mang đến cho cuộc đời này những giá trị riêng và làm đẹp cho cuộc đời theo những cách rất riêng, như chị tôi - mà không một ai hay một giới tính nào khác có thể làm tốt hơn hoặc thay thế họ.
T.N.H