Tường thành

01.09.2020
Nguyễn Anh Vũ

Tường thành

BBT:  Tạp chí Non Nước vừa nhận được vở kịch lịch sử của nhà văn Nguyễn Anh Vũ, vở kịch tái hiện một thời kỳ lịch sử thời Tự Đức với nhiều nhân vật lịch sử, trong đó có Tổng đốc Hoàng Diệu người xứ Quảng. Kịch bản được khơi nguồn từ truyện ngắn đoạt giải cao nhất của Tạp chí Văn nghệ quân đội 2008-2009 (Giải B không có giải A) của tác giả, trong chuỗi Dự án KỊCH LỊCH SỬ VIỆT NAM, do ông Phạm Phú Cường khởi xướng. Kịch không chỉ là kịch về Hoàng Diệu mà còn là chuyện NGƯỜI với NGƯỜI, là bi kịch và những vấn đề thời đại được ánh xạ qua cá nhân vật khác như Tự Đức, Từ Dụ, Lệ Thiên Anh... Từ khi thích viết lịch sử, tác giả Nguyễn Anh Vũ đã tự hứa với lòng, rằng sẽ không "nhuận sử", không "tô tượng", không "né tránh" và chỉ mở trang word mới lên khi đã tìm được chìa khóa để mở những kiến giải mới, những cắt nghĩa nhân vật mới, những bi kịch thời đại khác những gì đã quen.

Vở kịch “Tường Thành” gồm 3 hồi, 10 cảnh, vì khuôn khổ có hạn chúng tôi trân trọng giới thiệu cảnh 2 và cảnh 5 trong vở kịch này.

 

 

CẢNH HAI

Cửa Bắc, thành Hà Nội. Tổng đốc Hoàng Diệu đang tư lự nhìn ra sông Hồng.

 

 

Lê Trực

– Bẩm Đức ông! Có tin, quân Phú-Lãng-Sa có 3 tàu chiến cực lớn đang ở cửa sông Cái, chuẩn bị ngược dòng vào đây. Theo mật báo thì tàu của chúng trang bị rất nhiều đại bác cỡ lớn, tầm đạn bay xa gấp 5 lần pháo của ta. Sức công phá thì một quả đạn pháo cũng đủ sập một tòa nhà.

Hoàng Diệu

 – Rõ ràng quân Phú Lãng chúng quyết chiếm thành bằng mọi giá rồi đây. Chim chóc chưa lót xong ổ mà sài thú đã dậy lòng tham. Biên ải thì nhà Thanh rập rình cắn trộm. Phú Lãng trước đã cho tàu mang mộc thập mượn cớ giao thương, truyền giáo gửi chân sói, sau là tàu chở súng pháo đại bác. Nước Nam này chắc không bao giờ hết hẳn binh đao, cứ dọn chiến trường vừa xong, an lành ít lâu, lơ là một chút là nguy biến đã hiện hình.

Lê Trực

– Hay Đức ông lại viết tấu trình lên Hoàng thượng lần nữa?!

Hoàng Diệu

 – Kêu mãi mà Hoàng Thượng nào có nghe. Kỵ huý thì rõ lắm. Lưỡi uốn như bện chão mà chẳng xong được một câu muốn tấu. Vậy bao nhiêu lời của trung thần tới được tai người? Người đang mải làm thơ, soạn tuồng, mải vui vầy bên mẫu hậu Từ Dụ. Hiếu đễ thái quá, họa thi mẫn cảm thái quá cũng làm nhược cái chí khí của bậc quân vương.

Lê Trực

– Đức ông nói phải. Xưa nay, triều vua nào nhược thì nếu không bị ngoại xâm cũng gặp chính biến. Người lại ưa xây lăng, mê mẩn tô vẽ vẻ riêng cho sánh với các bậc tiền nhân. Nghe bọn Nội các ỏn hót thủ hoà, nhận về cái yên bình giả tạo. Buồn lắm thay!

Hoàng Diệu

– Hỡi ôi! Có phải bề tôi nào xây lăng cho chúa cũng vì chúa cả đâu. Cái lăng của chúa cũng là cái lăng cho niềm tin của bầy tôi, rằng ta phò không lầm người. Ta có tin được người không, Tự Đức người hỡi!?

Lê Trực

– Lòng người thì cùng đau thắt. Nhưng thưa Đức ông! Giờ người tính sao?

Hoàng Diệu

– Lãnh binh Lê Trực! Giờ phiền ông một chuyến lên thành Lạng Giang gặp ngài Tiết chế Bắc Kỳ quân vụ Hoàng Kế Viêm và ông Lưu Vĩnh Phúc bàn xem có kế liên thủ và viện binh đạn pháo gì không. Ta luôn tin vào những công thần chủ chiến bảo vệ đất Việt này như họ! Ông đi ngay đi!

Lê Trực

– Tuân lệnh! (đi)

Viên tiểu tướng

(vào) – Bẩm Đức ông! Dân Hà Thành mật báo có một kẻ ngoại quốc hành tung rất đáng ngờ. Hắn đi lại khắp Hà Thành, trên tay luôn có một tập giấy, vẽ vẽ tô tô hết góc nọ phố kia, nhòm ngó mọi thứ! Đây, những họa đồ của hắn đây, Đức ông xem đi ạ! Hắn vẽ tất cả các phố phường, thành quách của ta. Rõ ràng là quân do thám của bọn Phú Lãng!

Hoàng Diệu

– Hắn đâu?

Viên tiểu tướng

– Tôi đã cho người bắt về thành, chờ ở ngoài kia, xin người xử ạ!

Hoàng Diệu

– Đưa vào đây

Viên tiểu tướng

(vọng ra) – Đưa hắn vào!

(Gác-ti-ê bị lính đưa vào, tay bị trói giật cánh khuỷu)

 

– Quỳ xuống, quân do thám Phú Lãng Sa! Quỳ xuống mà xin ngài Tổng đốc xử tội!

Gác-ti-ê

– Tôi không phải do thám! Thả tôi ra!

Viên tiểu tướng

– Chứng cứ rành rành đây còn cãi! Tao là tao cho mày một viên đạn là toi đời! Mà không, vậy phí đạn! Cứ xiên cho mày một mũi giáo là xong!

Gác-ti-ê

– Không! Không! Đó là những tranh vẽ phong cảnh thôi mà!

Tiểu tướng

– Không lằng nhằng! Rõ ràng mày toàn vẽ nhà cửa đường phố! Lại còn vẽ người ta gánh gồng, thêu thùa, đan lát. Chúng mày âm mưu gì?

Gác-ti-ê

– Thưa các ngài! Các ngài để tôi giải thích đã!

Hoàng Diệu

– Để cho hắn nói xem sao!

Gác-ti-ê

– Thưa các ngài! Các ngài có thấy làm lạ là sao tôi nói tiếng An Nam rất rành không?

Tiểu tướng

– Ừ nhỉ! À mà! Thưa Đức ông! Quân do thám thì phải rành tiếng nước Nam ta thì mới tiện đường đi lại nghe ngóng chứ! Đức ông đừng tin!

(Hoàng Diệu giơ tay ra hiệu cho tiểu tướng im lặng)

Gác-ti-ê

(vẫn quỳ) –Thưa! Tôi là người Phú-Lãng-Sa. Nhưng tôi còn có cả dòng máu An Nam chảy trong huyết mạch. Thân phụ của tôi là một nhà nghiên cứu địa chất và văn hóa Phương Đông. Hai lăm năm trước, người sang Đông Dương điều nghiên thám hiểm. Rồi người gặp thân mẫu của tôi, một thiếu nữ An Nam có đôi bàn chân Giao Chỉ và cưới về làm vợ. Tôi yêu lắm đôi bàn chân ấy! Về đây, mỗi khi thấy ai trên đường có đôi bàn chân Giao Chỉ là tôi lại nhớ đến bà. Cả thuở ấu thơ của tôi nữa, cũng gắn liền với đất An Nam này! Tôi cũng lê la với bọn trẻ An Nam châu chấu, cào cào, đánh cù, đánh đáo, bơi sông, trộm sắn… Cũng thuộc hết những bài đồng dao. Cũng chìm vào giấc ngủ trong lời ru à ơi của mẹ…

Hoàng Diệu

(đỡ Gác-ti-ê đứng dậy) –Rồi sao nữa?!

Gác-ti-ê

– Rồi mẹ tôi mất năm tôi mười hai tuổi. Đoạn tang mẹ cũng là lúc cha tôi hoàn thành nhiều nghiên cứu và sưu tầm. Người về Phú-Lãng-Sa để báo cáo với triều đình bên ấy. Người cho tôi về và cho học Học viện lịch sử và nghệ thuật Hoàng gia. Người muốn tôi sau này về lại đất này để tiếp bước con đường của người. Đó cũng là ước nguyện của tôi. Và tôi đã trở về đây để thực hiện ước nguyện ấy!

Hoàng Diệu

– Còn những bức họa này?

Gác-ti-ê

– Thưa ngài! Từ khi trở lại đất Mẹ tôi đã đi khắp nơi để ghi vẽ lại những công trình kiến trúc, cảnh quan và con người. Con người và văn vật nước ta tuyệt đẹp và thực kỳ thú!

Hoàng Diệu

(ra lệnh) – Tháo gông, cởi trói!

(Lính tháo gông và cởi trói cho Gác-ti-ê)

Gác-ti-ê

– Đa tạ Đức ông!

Hoàng Diệu

(phủi bụi trên áo Ga-ti-ê) – Vậy ngươi cũng là người nước Nam này! Và ta thấy những bức họa của ngài rất đẹp!

Gác-ti-ê

– Vâng thưa Đức ông! Tôi còn muốn họa cả thành Thăng Long xưa nữa!

Hoàng Diệu

– Trời hỡi! Ngươi nhìn đi! Ngươi nhìn đi! Thăng Long xưa đâu còn! Hà thành giờ đây cũng chỉ còn là đống hoang tàn đổ nát!

(Nhạc. Gác-ti-ê bước lên cao nhìn khắp quanh thành)

Gác-ti-ê

– Chua xót quá! Hẳn nơi này khi xưa đẹp lắm, hùng vĩ lắm! Tôi nghe cha kể, Thăng Long khi xưa còn tuyệt mỹ, tráng lệ hơn cả các cung điện bên phương Bắc.

Hoàng Diệu

– Thăng Long xưa mười, nay còn chưa tới một. Vài cái lầu, gác, đền, miếu… ngươi còn nhìn thấy đó chỉ là cỏn con so với xưa thôi.

Gác-ti-ê

– Tôi nghe nói các đời vua trước dẫu có giặc dã bao năm cũng bảo vệ nguyên vẹn thành Thăng Long cơ mà!

Hoàng Diệu

– Một phần là do chính người nước Nam phá. Nhất là sau khi nhà Quang Trung tàn. Rồi Trịnh Nguyễn phân tranh. Và có điều này, dù ta là một trung thần của nhà Nguyễn nhưng cũng phải nói ra. Khi nhà Nguyễn lên ngôi và định đô ở Phú Xuân, chính các tiên vương của triều đại này muốn xóa dấu vết của các triều đại trước bằng cách cho đốt hủy thành Thăng Long. Hà Thành này vốn là đất linh thiêng ngàn năm bồi đắp. Và ta muốn giữ gìn kiến tạo.

Gác-ti-ê

– Hôm ở Ô Quan Chưởng, tôi đứng trong đám đông nghe Đức ông nói rằng muốn phục dựng lại tháp Đại Thắng Tư Thiên. Hẳn bảo tháp đó giàu ý nghĩa lắm phải không?

Hoàng Diệu

– Phải! Tháp Đại Thắng Tư Thiên là nơi mà các tướng lĩnh đến sau mỗi khi thắng giặc trở về chất đầu giặc lên làm lễ tế, dâng hương tạ ơn với trời và các bậc tiền nhân. 

Gác-ti-ê

– Ôi, vậy tòa linh tháp ấy khác nào Khải Hoàn Môn bên thành Pha Lý, Phú-Lãng-Sa!? Vậy là cuộc khai hóa văn minh của người Phú Lãng đang nhăm nhe phá nốt những mảnh tàn di sản xưa còn lại!

Hoàng Diệu

– Người phương Tây có trong tay sức mạnh của khoa học tiến bộ! Nhưng đem sức mạnh đó đi chinh phạt khắp thế giới để có thêm thuộc địa như vậy thì quả thực… Ta không tin rằng họ thực lòng muốn khai hóa văn minh gì!

Gác-ti-ê

– Phải! Thưa ngài tổng đốc! Giới tư sản phương Tây nổi lên nắm quyền lực trong tay. Họ thò tay đi khắp thế giới để thâu tóm tài nguyên. Ở đâu muốn đặt chế độ thuộc địa thì ở đó họ sẽ “phá” trước khi “khai”. Và áp thứ văn minh phương Tây đó vào. Những người tiến bộ thì không ai làm vậy!

Hoàng Diệu

– Con người ta, một khi bị lòng tham làm mờ hai mắt, cũng không thể nào phân biệt được đúng sai, phải trái.

Gác-ti-ê

– Tiếc lắm thay những công trình nghệ thuật được bồi đắp cả ngàn năm! Cái đẹp sẽ biến chúng ta thành Chúa ngay cả khi chúng ta chưa xứng đáng làm người!

Hoàng Diệu

– Việc xảy ra đã xảy ra rồi. Nhìn lại mà học thôi. Giờ Hoàng thành là ở Phú Xuân. Cũng lộng lẫy và kỳ khu không kém! Ta nghĩ, ông nên lai kinh một chuyến! Hẳn sẽ có ích cho người yêu vẻ đẹp văn hiến như ông!

Gác-ti-ê

– Đa tạ Đức ông! Nếu có dịp, xin Đức ông cho theo gót về Phú Xuân, để ngắm nhìn vẻ đẹp hoàng cung quê Mẹ!

Hoàng Diệu

– Được! Dầu sao, một nửa hồn ông mang tâm hồn Việt Nam này!

(Nhạc)

Tiểu tướng

(Vào) – Bẩm Đức ông! Có thằng cu Vạc nó xin được gặp Đức ông ạ! Con bảo, Đức ông rất nhiều việc. Nhưng nó xin gặp rất nhanh thôi.

Hoàng Diệu

– Là thằng bé mồ côi hôm trước xin theo quân triều đình phải không?

Tiểu tướng

– Dạ phải ạ!

Hoàng Diệu

– Cho nó vào đi.

Tiểu tướng

– Vạc đâu?! Vào đi! Đức ông đồng ý rồi!

Vạc

(Vào, trên tay là một chiếc hộp gỗ mộc mạc. Quỳ) –Bẩm lạy Đức ông! Con xin đa tạ Đức ông đã cho con được gặp!

Hoàng Diệu

– Đứng dậy đi! Sao nào? Từ ngày đi theo binh lính triều đình thấy có hợp không? Học và làm được những gì rồi?

Vạc

(hào hứng) –Thích lắm Đức ông ơi! Con được cho theo đội lính bếp, nấu nướng cho quân mình Đức ông ạ! Sáng sớm, con dậy nhặt rau, vo gạo, luộc rau, thổi cơm cùng các anh các chú. Đến giờ Dần là nấu. Hôm nào cũng bày ra cả chục mẹt rau, cả chục thúng cơm. Mà các anh lính nhà ta ăn khỏe thật ấy! Loáng đánh vèo cái đã trơ đáy thúng cơm, rau cũng không sót một cọng.

(tất cả cười)

Hoàng Diệu

– Phải! Ăn khỏe còn lấy sức chống giặc chứ! Con muốn gặp ta có chuyện gì không?

Vạc

– À vâng! Mải vui con quên! Con được theo quân của Đức ông thật phúc đức cho nhà con quá! Ân nghĩa này một đời con khắc ghi. Con có tấm lụa, là tấm lụa cuối cùng do mẹ con dệt và chính tay cha con nhuộm tơ. Mẹ con là thợ dệt tài hoa nổi tiếng đấy ạ. Con mong được dâng Đức ông từ lâu lắm rồi! Mong Đức ông nhận cho con hởi lòng hởi dạ!

(Vạc quỳ, dâng hộp gỗ ngang đầu. Hoàng Diệu lật mở nắp hộp, cầm lấy tấm lụa)

Hoàng Diệu

– Đẹp! Đẹp quá! Lụa màu mỡ gà dệt “mình khô hoa ướt”. Những chùm hoa cúc nhỏ lưa thưa ánh lên như vẽ bằng ngọc trai, xà cừ. Dân ta quả là tài khéo! (Cười) Nhưng sao ta mặc được thứ lụa nữ nhi này?! Ta không nhận đâu!

Vạc

– Thì Đức ông gửi tặng cho phu nhân ở nhà! Hẳn bà sẽ vui đấy ạ!

Hoàng Diệu

(Thở dài) – Vậy là đã gần bốn năm ta chưa về thăm nhà, chưa được gặp thân mẫu và phu nhân! Mà biết đến bao giờ…? Thôi được! Ta nhận!

Vạc

(Mừng) – Đội ơn Đức ông! Con xin đội ơn Đức ông! Thôi, tới giờ nấu cơm chiều rồi. Con xin về bếp đây ạ!

Hoàng Diệu

(Xoa đầu Vạc) – Về giúp bếp đi con!

Vạc

– À! Đức ông cho phép con được ôm Đức ông một cái được không ạ?

Tiểu tướng

– Thằng này láo! Mày định “Gần chùa gọi bụt bằng anh/ Thấy bụt hiền lành bế Bụt đi chơi” đấy à?

Hoàng Diệu

– Không sao! (Dang tay. Với Vạc) – Lại đây!

(Hai người ôm lấy nhau như cha con)

Vạc

– Đội ơn Đức ông! (Chạy ra. Nhảy cẫng lên vì vui sướng)

(Nhạc)

Tiểu tướng

(Vào) – Bẩm Đức ông! Có Đề đốc Lê Văn Trinh xin diện kiến ạ!

Hoàng Diệu

– Mời vào! (Lính ra)

Lê Văn Trinh

(Vào) – Bẩm Đức ông! Lê Văn Trinh tôi vừa đi kinh lý một vòng các tỉnh quanh Hà thành và duyên hải Hải Phòng về ạ!

Hoàng Diệu

– Ông có mệt lắm không? Tình hình sao rồi?

Lê Văn Trinh

– Vâng! Mệt thì có mệt! Nhưng lo lắng lại nhiều hơn, bẩm Đức ông! Vì vậy vừa về đến đây tôi phải vào báo cáo với Đức ông ngay.

Hoàng Diệu

– Sao? Có chuyện gì?

Lê Văn Trinh

– Tôi vừa đã gặp các quan đầu thành Sơn Tây, Hà Bắc, Nam Định, Bắc Ninh… các ông ấy đều than thành mỏng quân ít quá! Mấy năm nay triều đình không bổ sung quân lực. Lính tráng phải hàng ngày cày cấy nuôi trồng lấy cái mà tự nuôi thân. Thành ra quá ít thời giờ luyện tập. Quân Phú Lãng nó chỉ đẩy cho một cái là sập hết!

Hoàng Diệu

– Vậy thì gay to. Ta đang sợ quân Phú Lãng đánh Hà thành, đang định nhờ viện binh của các ông ấy đây.

Lê Văn Trinh

– Còn việc này mới quan trọng đây, Đức ông!

Hoàng Diệu

– Nói!

Lê Văn Trinh

– Quân do thám tôi cử đi vừa về báo: Tàu Phú Lãng còn chần chừ đậu ở cửa biển chưa cho đánh các thành là do kích thước lớn, nặng tải mà sông ngòi thì đang cạn đáy.

Hoàng Diệu

– Vậy thì chỉ cần một trận mưa rào lớn là mọi con sông đều đầy nước! Chúng ta nguy mất!

Lê Văn Trinh

– Đức ông tính sao đây?

Hoàng Diệu

– Giờ chỉ mong trời đừng vội mưa và sớ cầu viện của ta gửi triều đình được duyệt!

(Ánh chớp giật đằng xa. Tiếng sấm. Tất cả giật thót)

Lê Văn Trinh

– Sấm! Sấm đầu mùa!

Hoàng Diệu

– Ôi trời hỡi! Sao mới sang xuân mà đã có sấm đầu mùa! Sấm này, bà con nghe thì vui vì báo hiệu năm nay được mùa! Mà ta nghe thì như lửa đốt! Không được rồi! Ta phải về kinh xin gặp Hoàng thượng ngay lập tức! Phải xin bằng được viện binh cùng vũ khí tốt nhất. (gọi ra) Tiểu tướng!

Tiểu tướng

– Có tôi!

Hoàng Diệu

– Lập tức chuẩn bị ngựa tốt! Sớm mai ta về Phú Xuân!

Tiểu tướng

– Rõ!

Hoàng Diệu

– Nhớ thêm ngựa cho Gác-ti-ê theo cùng!

Tiểu tướng

– Rõ!

Hoàng Diệu

(Với Lê Văn Trinh) – Các ông ở nhà cố gắng củng cố thành quách. Đồn canh chốt gác chặt chẽ đêm ngày. Giữ liên lạc liên tục với quân do thám. Thu thập thật nhiều tin tức. Sẵn sàng tác chiến!

Lê Văn Trinh

– Rõ! Thưa Đức ông!

Hoàng Diệu

– Được! Mai ta về Phú Xuân, nhòm mặt rồng xem thật dạ, ý người như thế nào!

(Nhạc hối thúc)

Chuyển cảnh

 

 

 

CẢNH NĂM

Duyệt Thị Đường

Nhạc day dứt

Sân khấu tối, chỉ có hai luồng sáng soi xuống chỗ Tự Đức, Hoàng Diệu đang đứng im và quay lưng lại với nhau. Một bên mặt Tự Đức đeo một nửa chiếc mặt nạ Tuồng.

 

 

Tự Đức

– Dạo này đức ông có viết được bài thơ bài phú nào mới không?

Hoàng Diệu

– Bẩm không, thưa Hoàng thượng!

Tự Đức

– Ta muốn nghe! Đừng lo ta bệnh tật. Thơ văn tốt cho ta hơn linh đơn thần dược.

Hoàng Diệu

– Tiếc là thần không thể dâng linh đơn lên Hoàng thượng được. Bao năm qua thần lo việc Hà thành. Lo dân không đủ no, lo thành không đủ vững, lại canh cánh rằng không biết khi nào quân Phú-Lãng-Sa đánh chiếm Bắc Hà. Thơ phú đã thành  tro nguội. Xin Hoàng thượng xá tội!

Tự Đức

– Ông lại khéo nhắc việc cầu viện triều đình! Mà việc này thì sắc chỉ của ta thôi cũng không quyết được!

Hoàng Diệu

– Năm nay mất mùa, ruộng của triều đình ở ngoài đó cũng chỉ còn đủ nuôi quân dăm tháng nữa. Mà quân đói là hết đấy thưa Hoàng thượng! Phải lo đủ cái ăn cho quân lính. Tích trữ và bảo vệ kho quân lương cẩn thận như giữ mạng sống của mình. Như vậy, nếu chuyện gở, đánh có thua, tàn quân sẽ quay lại sớm vì chắc chắn họ có cái ăn. Tàn quân không lo bị đói. Tinh thần sẽ sớm vững vàng trở lại.

Tự Đức

– Ông nói phải! Trẫm sẽ cấp đủ quân lương cho năm tới! Không được để quân đói một ngày!

Hoàng Diệu

– Dạ bẩm nhưng... Hẳn Hoàng Thượng vẫn tự hào rằng nước ta có lĩnh võ sinh, có võ quan tiến sĩ, nhưng mà thời đại khác đi, ngoại quốc đã chiến chinh bằng súng nạp hậu, bằng đạn trái phá chứ không còn bằng gươm bằng giáo như ta nữa. Cửu vị Thần công của triều đình cũng chỉ đúc lên cho đẹp, cho dương oai chứ nào đâu nổ được! Những khẩu thạch cơ điều sang, thần cơ điều sang, bắc cơ điều sang từ thời Minh Mạng Hoàng Đế đã hết lực bắn xa…

Tự Đức

– Ta biết, ta biết!

Hoàng Diệu

– 10 tên lính thì 9 tên gươm giáo, 1 tên súng kíp.  Hằng năm thì tập bắn chỉ một lần và mỗi tay súng chỉ có quyền bắn 6 viên đạn. Ai bắn hơn số ấy phải tự cắt lương bồi thường.

Tự Đức

– Nhưng sức nước chỉ còn lo được vậy thì ta phải liệu sao?

Hoàng Diệu

– Sức nước không chỉ là ngân khố và vũ khí. Người có nhiều tiền thì dù có mua thần công đại bác văn minh nhất về mà không có dũng khí thì có lực đâu mà châm thuốc nổ? Bẩm Hoàng Thượng, lòng dân đã mỏi!

Tự Đức

– Trẫm cũng đã mệt vô cùng! Quân thứ trải từ Bắc xuống Nam, đâu cũng phải lo liệu.

Hoàng Diệu

– Nếu có đạo nghĩa thì cũng sẽ có lòng người. Nếu đã có lòng người thì gánh lo của Hoàng Thượng sẽ được nhiều người cùng san sẻ!

Tự Đức

– Vậy là ngươi không coi trẫm là có đạo nghĩa ư? Dù tan xương nát thịt, trẫm tuyệt đối không làm việc bất nghĩa. Đạo nghĩa lòng người tự có công luận. Đạo đức luân lý không thể nói suông ngoài cửa miệng hay thơ văn sách vở. Điều làm trọng là phải sống sao cho thấy mình không hổ thẹn với lòng mình!

Hoàng Diệu

– Phải, thưa Hoàng Thượng! Trước đây thần nghĩ rằng Nhân Nghĩa là Nhân Nghĩa, không có không sao. Sau này mới hiểu ra rằng, Nhân Nghĩa ở nơi người anh hùng không chỉ là chuyện Nhân tâm  mà thôi. Nhân Nghĩa còn là vũ khí sát thương, mạnh hơn mọi đạo quân. Và vì Hoàng Thượng có đạo nghĩa mà Nam Kỳ lục tỉnh nằm trong tay Phú-Lãng-Sa rồi đó!

Tự Đức

(Trợn mắt) – Ngươi..!

Hoàng Diệu

– Chúng thần đều chưa thể hiểu do đâu mà Hoàng Thượng rụt rè nhu nhược làm vậy? Khi Phú-Lãng thua trận đầu ở Đà Nẵng, triều đình ta không lấy thế thắng mà ép chúng khi thương thảo đàm phán. Đằng này…

Tự Đức

– Ngươi giày vò ta việc để mất Nam Kỳ lục tỉnh ư? Rồi đây triều đình sẽ tìm cách chuộc lại!

Hoàng Diệu

(Cười) – Chuộc ư? Thưa bệ hạ? Ngân khố đâu ra mà chuộc khi Người còn đang xây dựng Vạn Niên Cơ? Nghe nói, cung điện ở đó đẹp lắm. Nghe nói, Bi Đình có tấm bia đá lớn nhất trước giờ! Hoàng Thượng định khắc gì trên đó? Hỡi ôi! Thần nghe trong dân gian đang có câu đồng dao này hay lắm. Rằng:

“Vạn Niên là Vạn Niên nào

Thành xây xương lính hào đào máu dân”

Tự Đức

(Trợn mắt, thét) – Ngươi dám!?

Hoàng Diệu

– Hoàng Thượng giáng tội! Trung ngôn nghịch nhĩ! Có chém đầu thần cũng cam lòng nói hết một lần cho nhẹ dạ! Những gì đồng dao hát chính là lòng dân cả đấy Hoàng Thượng ơi! Mà người có được lòng dân thì cũng gần như là có được ý trời! Những nguy biến rình rập Hoàng Thượng bấy lâu là vì người không có được ý trời mà ra!

Tự Đức

(nuốt nghẹn) – Vậy nên trẫm đã đổi tên Vạn Niên Cơ thành Khiêm Cung rồi đó! Tất thảy giờ đều lấy chữ Khiêm làm đầu!

Hoàng Diệu

–  Cái tên chỉ là cái tên thôi mà Hoàng Thượng!

Tự Đức

– Hoàng Diệu! Ngươi cuồng ngôn vậy đủ rồi! Nhẽ ra ta nên giáng tội chém đầu bêu chợ! Nhưng bậc làm chúa mà không có người hiền tài giúp đỡ, thì khác chi kẻ mù lòa không người dẫn dắt. Đất nước không trông vào những bậc công thần, trung quân ái quốc như ông thì biết cậy vào ai!

Hoàng Diệu

– Vâng! Thần ái quốc và trung thành với Tổ Quốc, nhưng chỉ trung thành với triều đình khi nó xứng đáng với điều đó!

Tự Đức

– Ái quốc ư?! Trẫm, ngươi, muôn dân, cả phe chủ chiến các ngươi lẫn phe chủ hòa trong triều đình, ai mà không ái quốc! Cay đắng rằng mỗi nơi một phách, chúng ta đều ái quốc mỗi người một cách khác nhau! Chủ chiến trẫm cũng chưa tin sẽ thắng. Mà chủ hòa thì cũng chỉ mang về bình an giả tạo mà thôi. Trước đại cục tăm tối này, ta cần một lối đi chứ không cần một lối thoát.

Hoàng Diệu

(mắt sáng rỡ, quỳ lạy) – Đa tạ bệ hạ đã cho kẻ hèn này hiểu được lòng người! Hiểu được lòng quân vương thì mới trở thành một trung thần với triều đình được! Bệ hạ và hạ thần đều có quyền tự do lựa chọn cách ái quốc. Nhưng chúng ta không có quyền tự do né tránh hệ quả của những lựa chọn đó đâu! Thưa bệ hạ!

Tự Đức

–  Đức ông đứng lên đi!

Hoàng Diệu

(vẫn chắp tay quỳ) – Muôn tâu bệ hạ! Lần cuối, xin Hoàng Thượng phê chuẩn cho hạ thần thêm một ngàn binh, hai trăm súng kíp và mươi khẩu trọng pháo. Cùng với dân Hà Thành thần quyết giữ bằng được. Hà Thành là đất cuống họng. Mất Hà Thành là Bắc Hà tan như ngói vỡ!

Tự Đức

– Ngươi vẫn chưa sáng dạ! Một là triều đình không thể có ngần ấy lính với súng đạn cho ngươi được. Hai là, dù có, thì các người cũng không thể đối đầu với thần công đạn pháo uy lực của quân Phú-Lãng! Trẫm không muốn lính mình, dân mình phải đổ máu thảm dường vậy!

Hoàng Diệu

– Hoàng thượng nghĩ hạ thần chủ chiến là sẵn sàng nướng quân ư? Không ai dè xẻn máu xương người Việt như hạ thần này đâu, thưa bệ hạ! Không ai khao khát bình yên không có máu đổ như những người theo binh nghiệp. Họ cầu mong bình yên hơn hết thảy. Bởi nếu có chiến tranh thì họ là những người đầu tiên và là những người chịu nhiều đau thương nhất, gia đình họ cũng vậy! Hạ thần cũng tự trải qua ngần ấy nỗi đau trước khi bước vào bất cứ một trận đánh nào. Nhưng cũng phải gạt dòng lệ cho chảy ngược vào trong mà xung trận. Bởi, Giang Sơn là trên hết! Bởi, lãnh thổ đất nước không toàn vẹn, triều đình không tự quyết được vận mệnh dân tộc, thì những đau đớn kia cũng thành cỏn con vô nghĩa.

Tự Đức

(im lặng)

Hoàng Diệu

– Hôm nay dân theo chúng ta, chính là dân đang coi ta là người thân của họ. Các triều đại đế vương thường cho rằng: Đại nghiệp lấy giang sơn làm gốc. Nhưng sau trước thần vẫn tin rằng: Đại nghiệp đó, gốc không phải là giang sơn, mà là DÂN! Chỉ cần muôn dân trăm họ trung lòng, dù rừng gươm bể lửa ngàn năm, thì vẫn giữ được giang sơn. LÒNG DÂN chính là TƯỜNG THÀNH bền vững nhất bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước này! LÒNG DÂN chính là TƯỜNG THÀNH! Thưa Hoàng thượng!

Nhạc

Lính

(vào) –  Muôn tâu bệ hạ! Có khẩn báo!

Tự Đức

– Nói!

Lính

– Quân ở Vọng Hải Đài cửa Thuận An tin về: Ngoài khơi có một đoàn tàu chiến Phú Lãng đang đi ra Bắc!

Tự Đức

– Nhiều tàu không?

Lính

– Bẩm có 6 tàu lớn trang bị rất nhiều đại bác thần công tối tân ạ!

Tự Đức

–  Cho ngươi lui!

Hoàng Diệu

– Thấy chưa? Hoàng Thượng thấy chưa? Rõ ràng là họ muốn nã pháo vào thành cướp đất Bắc Hà cho kỳ được! Vậy giờ, Hoàng Thượng chủ hòa hay chủ chiến?!

Tự Đức

– Trẫm… trẫm…

Hoàng Diệu

– Sao ạ?

Tự Đức

– Trẫm cần hỏi ý Thánh Mẫu rồi bàn với các quan đầu triều xem thế nào đã!

Hoàng Diệu

–  Hoàng Thượng hiếu đễ làm vậy cơ!? Thời bình thì quả là gương sáng cho muôn dân. Nhưng đây là giờ khắc dầu sôi bể lửa đang cháy ở sân nhà! Bẩm Hoàng Thượng, Hoàng Thượng cho đánh hay không?

Tự Đức

 

Hoàng Diệu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tự Đức

– Ta… ta đã cho người liên hệ được với nhà Thanh. Bần cùng, họ sẽ cho quân sang giúp!

– Sao? Hoàng thượng nghĩ vậy ư? Việt và Hán là hai nước nói tiếng khác nhau, văn hiến khác nhau, Truyền đời, truyền kiếp họ luôn muốn xâm chiếm nước ta. Hoàng thượng nghĩ người phương Bắc sẽ thương xót chúng ta ư? Hay là người Nam ta sẽ chịu thêm đau đớn? Nhục nào khác thì người nước Nam ta chịu được chứ nhục ấy thì đừng. Đừng bắt người Nam ta chịu! Ôi cha! Mê muội! Hoàng thượng đã mê muội đến thế rồi sao?! Lần cuối xin hỏi Hoàng Thượng, Hoàng Thượng cho thần đánh hay không?

- Trẫm không muốn mất thêm mạng người dân Việt!

Hoàng Diệu

(Giận, bỏ đi, gầm lên) – Trời hỡi! Hoàng Thượng vạn tuế, vạn vạn tuế! (đến trước tiền đài) – Quân đâu! Cùng ta lập tức về đánh quân Phú-Lãng, giữ Hà Thành!

Nhạc

Tự Đức

– Hoàng Diệu! Ngươi ở lại mà nhìn đi! Nước mắt của một hoàng đế đã trên ngai bao nhiêu năm, nay thấy thế nước từ từ rơi vào tay ngoại bang mà không làm gì đươc! Có đáng nhìn không? Hình ảnh này đời người ta đâu dễ ai được thấy?!

 

Nhạc lớn. Đèn sân khấu tối dần rồi tắt hẳn chỉ còn sáng lớp tiền đài. Một toán lính ra đứng canh.

Ngọ môn

Vợ Hoàng Diệu và Hoàng Tuấn lao ra.

 

Vợ Hoàng Diệu

– Ông ấy đâu? Ông Hoàng Diệu đâu rồi? Ông ấy đâu rồi?

Hoàng Tuấn

–  Kìa mẹ! Con đã nói là cha sẽ về thăm quê kia mà!

Vợ Hoàng Diệu

–  Ta không tin! Ta không tin! Ông ấy đâu rồi?

Hoàng Tuấn

–  Khổ quá! Bình tâm lại đi mẹ ơi! Tỉnh lại đi mẹ ơi! Sao lại trở nên điên dại thế này?!

Vợ Hoàng Diệu

(Với lính) – Ông ấy đâu rồi? Ông Hoàng Diệu đâu rồi?

Lính

– Đức ông Hoàng Diệu đã lên đường ra Bắc từ sáng! 

Vợ Hoàng Diệu

(Khuỵu xuống) – Thế là lại lỡ rồi! (Vùng  dậy, gào lớn) – Đức ông Hoàng Diệu ơi! Đức ông ơi! Đức ông chồng ơi! Ông gì ấy ơi! Trả chồng cho tôi, đức ông ơi! Trả chồng cho tôi, các ông ơi!

(Khóc)

Hoàng Tuấn

(Ôm ghì chặt mẹ) – Bình tâm đi mẹ ơi! Rồi cha con sẽ trở về! Bình tâm đi mẹ! Mẹ đừng khóc nữa!

Vợ Hoàng Diệu

(Gật đầu, cười nhẹ, nhìn ra xa, nước mắt vẫn chảy)  Nhạc

– Bấy nhiêu năm được về gá nghĩa với ông. Mà ông thì đi mãi. Có một câu tôi cứ đằng đẵng đợi để một lần lại được nói với ông. Rằng: "Mình ơi, mời mình vào nhà dùng cơm cho nóng. Hôm nay có canh rau đay nấu với mớ cua đồng thằng cả mới ra ruộng bắt về. Có cà pháo mắm nêm mà mình vẫn ưa dùng nữa. Mời mình..."

Nhạc lớn. Chuyển cảnh

                                                                  N.A.V