Một thoáng Kon Tum

01.09.2020
Trần Trung Sáng

Một thoáng Kon Tum

Từ ngày 01 đến ngày 03/7/2020, Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng có chuyến công tác giao lưu và thực tế sáng tác tại tỉnh Kon Tum. Đoàn công tác gồm 14 người, bao gồm các thành viên ban chấp hành và hội đồng chuyên ngành, do nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng làm trưởng đoàn. Trong thời gian này, đoàn đã được nhà văn Dương Tôn Bảo, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Kon Tum cùng các thành viên đại diện các BCH tiếp đón trọng thị. Hai bên đã có buổi sinh hoạt giao lưu, giới thiệu, tặng các ấn phẩm của các tác giả hai địa phương ấn hành gần đây, đồng thời trao đổi về kế họach hợp tác giữa hai bên trong thời gian đến. Ngoài ra, đoàn Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng đã có chuyến đi tham quan thực tế, tìm hiểu nét đẹp văn hóa tại các địa phương, và những điểm du lịch được ưa chuộng tại Kon Tum.

 

  1. Khác với cái nóng oi bức của mùa hè ở Đà Nẵng, Kon Tum những ngày này đang có những cơn mưa nhẹ và thời tiết mát dịu. Đón chúng tôi, anh em văn nghệ sĩ Hội VNNT Kon Tum nhắc lại, gần đây vào hồi tháng 5 năm ngoái, Hội Văn học - Nghệ thuật Kon Tum đã mở Trại sáng tác năm 2019 tại Nhà sáng tác Đà Nẵng. Do đó, những kỷ niệm, những ký ức giữa các thành viên hai bên là vô cùng gắn bó và gần gũi. Đặc biệt, nhà văn Dương Tôn Bảo, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Kon Tum cho biết, từ ngày 24/4, Cuộc vận động sáng tác Văn học - Nghệ thuật năm 2020 được Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Kon Tum phát động rộng rãi trong toàn thể hội viên và những người tham gia sáng tác văn học - nghệ thuật thuộc các tỉnh Tây Nguyên và 11 tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ (từ thành phố Đà Nẵng trở vào tới tỉnh Khánh Hòa). Cuộc vận động có chủ đề viết về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, mọi lĩnh vực đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum trong quá khứ, hiện tại, hướng tới tương lai, nên việc đoàn nhà văn Đà Nẵng tổ chức chuyến công tác đến Kon Tum là rất phù hợp.

Bên cạnh những câu chuyện trao đổi về tình hình hoạt động VHNT ở Đà Nẵng và Kon Tum, còn là những câu chuyện tâm tình về đời sống, sự trăn trở về quá trình sáng tác của các thành viên hai bên. Nhà thơ Lại Hữu Kim, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Kon Tum nói rằng: Trước khi chuyển công tác và định cư tại Kon Tum, thời trai trẻ anh có thời gian dài sinh sống và sáng tác tại Đà Nẵng. Từ thập niên 80, anh có nhiều bài thơ in trên các báo chí ở Đà Nẵng, từng là Hội viên Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) và góp mặt trong một số tuyển tập thơ Quảng Nam Đà Nẵng... Lần nào về lại Đà Nẵng hoặc gặp lại anh cũng thấy vui mừng như gặp lại quê nhà. Anh cũng rất vui mừng khi biết được nhiều đồng nghiệp cùng thời, nay đã trưởng thành và có nhiều đóng góp cho hoạt động VHNT tại Đà Nẵng. Còn nhà thơ Tạ Văn Sỹ - Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Kon Tum nói:  Mối quan hệ Kon Tum - Đà Nẵng không chỉ là chuyện VHNT, mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Điển hình nhất, về lịch sử, nhiều người biết đến tên tuổi nhân vật Lê Văn Hiến. Giữa lòng thành phố Kon Tum đã có một đường phố mang tên Lê Văn Hiến! Ông sinh năm 1904 tại xã Hòa Hải huyện Hòa Vang, lớn lên ở xã Phước Ninh (nay là phường Phước Ninh) thành phố Đà Nẵng, tham gia cách mạng từ 1936 trong Việt Nam cách mạng đồng chí hội, bị bắt năm 1930 đày lên Kon Tum các năm 1931-1932, sau chuyển về nhà lao Quảng Nam từ 1933 đến 1935. Ngày 14.11.1937 viết xong thiên ký sự “Ngục Kon Tum” tố cáo chế độ lao tù tàn bạo của thực dân Pháp đối với tù chính trị tại đây. Sách được cơ sở in ấn Sơn Trà xuất bản năm 1938, liền gây tiếng vang lớn. Vì sách ấy mà bị bắt lại năm 1939, bị giam 9 tháng ở Đà Nẵng. Ra tù tiếp tục hoạt động, đến 15.5.1940 bị bắt lần thứ 3, đày lên Đak Glei - Kon Tum, đến tháng 3.1945 được thả. Làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa (Ủy ban nhân dân cách mạng) thành phố Đà Nẵng. Cách mạng thành công, làm Bộ trưởng Lao động, Bộ trưởng Tài chính, rồi Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Năm 1962 làm Đại sứ tại Lào đến 1976. Ông mất vào năm 1997. Ngoài ký sự “Ngục Kon Tum” xuất bản năm 1938, mãi đến năm 1993 Sở Văn hóa Kon Tum đặt viết và cho in thiên hồi ký “Trở lại Kon Tum” của Lê Văn Hiến viết về thời gian bị giam giữ ở 2 trại tù Đak Glei và Đak Tô (từ 1940 đến 1945). Có thể nói, với Kon Tum, Lê Văn Hiến đã ghi dấu ấn đậm nét với việc góp mặt 2 tác phẩm rất có giá trị về sử học lẫn văn học. Từ sự đóng góp đặc biệt quan trọng và sớm sủa này mà mặc dù không phải nhà văn chuyên nghiệp nhưng, ở Kon Tum manh nha có ý kiến muốn lấy tên ông đặt làm tên gọi cho giải thưởng Văn học nghệ thuật của tỉnh.

 

  1. Một điều thú vị, ngay trong thời điểm Đoàn Hội Nhà văn Đà Nẵng đang có chuyến công tác tại Kon Tum, thì cũng đúng vào thời điểm nơi đây đang triển khai Lễ phát động Chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam và Chương trình kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2020; ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Kon Tum - Gia Lai - Bình Định và công bố Quyết định công nhận các điểm du lịch cấp tỉnh trên địa bàn huyện Kon Plông tại Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông). Trong bối cảnh chung cả nước, thời gian vừa qua, ngành du lịch tỉnh Kon Tum bị ảnh hưởng ảnh nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng lượt khách đến tỉnh Kon Tum chỉ đạt 190.500 lượt người, bằng 63,97% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó khách du lịch quốc tế đạt 90.000 lượt); công suất sử dụng phòng cũng chỉ đạt 63,57% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, hoạt động Chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam và Chương trình kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2020 UBND tỉnh đã đề nghị lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố, các công ty lữ hành và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đưa hoạt động du lịch nhanh chóng trở lại bình thường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Vậy là, sau một vòng lượt qua các điểm tham quan nổi tiếng như Nhà thờ gỗ, Tòa nhà Tổng giám mục..., đoàn chúng tôi nhanh chóng có mặt tại thôn thôn Kon Pring, thị trấn Măng Đen, nơi người dân vẫn giữ nguyên bản sắc của người dân tộc Mơ Nâm (nhánh người Sê Đăng) sinh sống ở Măng Đen. Trò chuyện với chúng tôi, một cán bộ địa phương cho biết: Thôn Kon Pring có 66 hộ với 220 khẩu chủ yếu là người Mơ Nâm sinh sống. Thôn có 3 nhà lưu trú dạng homestay, có 7 gia đình làm các sản phẩm đặc trưng truyền thống của đồng bào Xơ-đăng để phục vụ du khách thăm quan, như: váy, áo thổ cẩm, đàn T'rưng, nỏ, gùi... Bình quân, mỗi tuần, thôn Kon Pring đón khoảng 200 lượt khách, trong đó có khoảng 50 - 60 lượt khách ở lại qua đêm tại các homestay.

Không xa lắm Kon Pring, chúng tôi tiếp tục ghé đến khu Du lịch Thác Pa Sỹ, nằm trong khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng làng đồng bào dân tộc Kon Tu Rằng, thuộc địa phận xã Măng Cành. Trong 3 ngọn thác Pa Sỹ, Đak Ke và Đak Pne, Pa Sỹ là ngọn thác lớn nhất của vùng đất này, được tạo thành từ 3 ngọn suối lớn nhất Măng Đen, trong đó có thác Pa Sỹ. Thác Pa Sỹ cao khoảng 45m sừng sững đổ từ trên cao xuống, dòng thác trắng xóa như nàng tiên tóc dài giữa núi rừng Măng Đen, tạo cho khu du lịch thêm vẻ đẹp hoang sơ và huyền ảo. Người ta cho rằng, cái tên này là do người Kinh đọc chệch đi từ tên gốc Pau Suh của đồng bào bản địa nghĩa là 3 nguồn suối chụm lại 1 dòng. Kề cận bên dưới chân thác Pa Sỹ có những nhà chòi nhỏ xinh xắn dành du khách nghỉ ngơi, ngắm thác và thưởng thức những đặc sản của núi rừng Tây Nguyên.

Một địa chỉ khác khá được ưa chuộng ở Kon Plông là Tượng Đức Mẹ Măng Đen, hay còn gọi là Đức mẹ sầu bi. Đây là bức tượng nổi tiếng huyền bí, linh thiêng và là một di tích du lịch hành hương công giáo với nhiều người Thiên chúa giáo trong và ngoài nước khi đến Tây Nguyên. Theo tư liệu của Tòa Giám Mục, ban đầu tượng này đã được xây dựng thô sơ trên một triền núi tại Măng Đen vào mùa Vọng năm 1971. Năm 1974 chiến sự đã biến vùng đồi núi này thành chốn hoang tàn, rất ít thấy bóng người lai vãng, song, pho tượng vẫn đứng cô đơn trên tượng đài giữa cánh rừng hoang vắng, và hầu như bị quên lãng. Sau ngày hòa bình, đến tận đầu thập niên 80, Tượng Đức Mẹ được một công nhân máy ủi tìm thấy dưới tầng đất sâu trong rừng rậm, khi anh thi công cố gắng ủi đất rừng phá núi để làm đường giao thông. Tượng đã bị mất đầu, gãy tay.  Hiện nay, Tượng Đức Mẹ Măng Đen được làm bằng bê tông cốt thép, cao khoảng 1 mét. Tượng được đặt trên một bệ tượng làm bằng xi măng kết với các đá cuội tự nhiên. Phần thân tượng mang điểm hình dáng dấp của tượng Đức Mẹ Fatima, nhưng phần đầu được phục chế lại mang khá nhiều hình dáng phụ nữ vùng Tây Nguyên Việt Nam. Phần tay tuy được phục chế nhiều lần, nhưng về sau được giữ nguyên hình dáng tay cụt. Nhiều giáo dân cho rằng với hình dáng cụt tay như trên, làm liên tưởng đến hình tượng Đức Mẹ phù hộ cho con người bất hạnh mắc các bệnh như; phong cùi, HIV/AIDS... Đặc biệt, vào ngày 9 tháng 12 hằng năm được chọn là ngày Ngày Hành hương Đức Mẹ Măng Đen của Giáo Phận Kon Tum. Những dịp này, Măng Đen thu hút du lượng khách du lịch về thăm rất đông, bởi không chỉ vì nơi đây có cảnh quan trong lành, mà còn được trực tiếp nghe những câu chuyện mang tính tâm linh đầy xúc động, gắn với Tượng Đức Mẹ Măng Đen nổi tiếng linh thiêng.

Những ngày ngắn ngủi ở Kon Tum rồi qua nhanh! Các thành viên cả đoàn Hội nhà văn Đà Nẵng ai cũng nuối tiếc, bởi hẳn còn rất nhiều điểm dừng chân đầy cảm xúc chưa kịp đến. Lướt qua trang facebook của nhà thơ nữ Bách Mỵ, tôi đã kịp đọc thấy những dòng thơ dở dang:                 

“Tôi nhắm mắt những dòng sông

khát nước

Đăk Bla hè giạt nắng trên đồi

Mế của tôi, Người chống gậy mây

Bên xó cửa một con gà mắc tóc

Tôi người Kinh mà xương cốt

Mơ Nâm

Tay chân rút bốn mùa lên đôi mắt

Em thơ cõng gương mặt ngày

qua núi

Mùa thơm lên trên mỗi nhịp

trống trường”.

T.T.S