Sóng bắt đầu từ đâu?

01.09.2020
Nguyễn Hàn Chung

Sóng bắt đầu từ đâu?

(Cảm nhận nhân đọc Tuyển thơ BIỂN BẮT ĐẦU TỪ SÓNG  - Nguyễn Ngọc Hạnh chủ biên)

NGUYỄN HÀN CHUNG

Văn chương không chỉ đơn thuần tác động vào sự náo động bên trong của con người mà còn có quyền lực trực tiếp đối với con người và cuộc sống. Dòng chảy bất tận của văn chương có thể bị chặn lại thành ao tù ngưng đọng. Mà đã là ao tù rồi thì làm gì có sóng mà mong! Sóng bắt đầu từ đâu? Phải là dòng chảy từ mạch nguồn trong trẻo vượt bao thác ghềnh mới hy vọng mang tinh hoa về biển cả. Nêu đặc trưng này là vì tôi muốn chạm đến nguồn mạch của tuyển thơ Biển bắt đầu từ sóng mà chủ biên là một cây bút thơ lão luyện Nguyễn Ngọc Hạnh, người có công lớn nếu không nói là quá chu toàn để làm một tuyển thơ văn chương làm chất trụ. Cách đây mấy năm, Nguyễn Ngọc Hạnh sang Hoa Kỳ chơi có ghé thăm nhà tôi ở Houston, Texas, anh đã manh nha ý nghĩ sẽ chọn hơn trăm tác giả thơ trong ngoài nước đã từng cộng tác với các trang thơ mà anh là “người giữ vườn” với một cách nghĩ mới, không nặng nề chiếu trên chiếu dưới, không cổ động, chiêu trò. Và chính tôi cũng không ngờ ý nghĩ bất chợt xuất phát từ cái đêm “Sóng” nơi xứ lạ ấy nay đã trở thành “Biển” quê nhà.

Tuyển thơ Biển bắt đầu từ sóng ra mắt bạn đọc vào đầu tháng 5.2020 vừa qua, là vườn hoa đầy hương sắc, kết tinh một hành trình không mệt mỏi của hơn một trăm nhà thơ tụ hội về với “sân thơ” bên sông Hàn. Tuyển tập ra đời trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt: thơ đang lạm phát dữ dội, hiện tượng xuất bản thơ ào ạt, tràn lan nhưng chất lượng tác phẩm như thế nào chẳng mấy ai quan tâm. Trái lại, việc in ấn tuyển thơ còn quá ít, chọn lựa thơ cho ra thơ giữa rừng thi ca hiện nay quả là điều không dễ dàng. Có thể nói, Biển bắt đầu từ sóng một tuyển tập thơ rất đặc trưng xuất phát từ một “người giữ vườn” trên trang thơ địa phương tại Đà Nẵng nhưng lại là một sân chơi trí tuệ, hội tụ nhiều tác phẩm thơ có chất lượng, tiêu biểu của các nhà thơ khắp nơi, nhằm giới thiệu với bạn đọc yêu thơ xa gần.

Điểm danh các tác giả có mặt trong tập tuyển ta bắt gặp một đội ngũ làm thơ đông đảo được chọn lọc, thẩm định sắc bén của người chủ biên, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Nhiều gương mặt thơ ca tên tuổi như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Vũ Thuật, Phan Hoàng, Văn Công Hùng, Ngô Minh, Mai Văn Phấn, Trần Quang Quý, Vương Trọng, Thanh Quế, Lê Minh Quốc, Ngân Vịnh, Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Việt Chiến, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Hàn Chung, Dương Kỳ Anh, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Nho Khiêm, Trần Tuấn, Nguyễn Đông Nhật, Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Minh Hùng... và nhiều cây bút trẻ như Nguyễn Đăng Khoa, Lữ Mai, Hoàn Nguyễn, Nguyễn Phong Việt, Hoàng Thụy Anh, Trương Công Tưởng, Đỗ Tấn Đạt, Nguyễn Hữu Phú, Trương Thị Bách Mỵ, Trần Ngọc Mỹ, Ngô Thị Thục Trang... Ngoài ra, tuyển thơ còn dành nhiều trang cho hai lăm cây bút nữ tiêu biểu như: Đinh Thị Thu Vân, Đinh Thị Như Thúy, Trần Mai Hường, Võ Kim Ngân, Phan Hoàng Phương, Nguyễn Thị Hạnh Loan, Bùi Kim Anh, Huỳnh Thúy Kiều, Nguyễn Thị Anh Đào... “Mỗi thi phẩm trong tập sách là một rung ngân, chẳng mấy giống nhau nhưng đều chung cái đẹp, khi bình dị chân quê, lúc cách tân sang trọng. Phải ghi nhận công lao, tâm huyết, khả năng thẩm thấu của người biên soạn với tình yêu thơ như là sợi chỉ xanh xuyên suốt, là một minh chứng cho tình yêu đẹp đẽ, hữu ích với thi ca” (Nguyễn Hữu Quý)

...Ấn tượng đầu tiên của tôi về tập sách dày trên 500 trang này là ở cách trình bày chân phương bắt mắt, ngay từ trang bìa là một bức tranh đẹp của nhà thơ - họa sĩ Nguyễn Quang Thiều với “biển mênh mông dường nào”, tiếp theo là cái tiêu đề “Biển bắt đầu từ sóng”. Cái tên này không mới lạ gì, cũng là ước lệ nghệ thuật những ấn tượng bất chợt về ngoại cảnh, nhưng là ngoại cảnh của tâm hồn, bởi thơ không chỉ là bức tranh làng quê, con sông, cánh đồng, biển cả mà lồng trong các hình tượng nghệ thuật sinh động ấy là sự biểu hiện sắc cạnh của từng tác giả “nghĩ về thơ” bằng các thủ pháp nghệ thuật đa dạng, những tình cảm mạnh mẽ chói rực những vận động bí ẩn chìm khuất trong tâm hồn mỗi nhà thơ. Mỗi trang thơ là một trang đời, chất chứa những chiêm nghiệm về qui luật của thơ ca và cuộc sống, hướng về khởi nguồn của nghệ thuật là quê hương, gia đình, về tình yêu, phận người... Nhiều thể loại thơ phong phú, cách tân về hình thức, thi pháp, đa dạng về giọng điệu, không hiếm câu thơ hay, thi ảnh đẹp...

Dẫn nhập vào tuyển là bài viết cô đọng súc tích của một đại hành gia về thơ Nguyễn Hữu Quý “Bên sông Hàn, những con sóng thi ca”. Nhà thơ đã giới thiệu khái quát những gương mặt thơ Việt Nam đương đại từ các nhà thơ nổi danh đến các nhà thơ trẻ mới thành danh.  Vậy mà, anh vẫn còn tiếc nuối, cho rằng trong tuyển thơ này “còn thiếu những nhà thơ tên tuổi”. Tôi nghĩ khác anh một chút. Trước khi tập sách này ra đời, một số nhà thơ danh tiếng có khi họ cũng chẳng mấy thiết tha làm con sóng đến với cửa biển miền Trung này (?). Chính từ suy nghĩ đó nên hôm nay tôi mạn phép nêu những cảm nhận đến một số rất ít nhà thơ trẻ mà tôi chưa hề đọc nhiều tác phẩm của họ cũng như chẳng mấy thân quen ngoài đời...

Người đầu tiên tôi đọc là tác giả Hoàng Thụy Anh, chị có cách nghĩ về thơ rất táo bạo: “Thi sĩ phải là người học cách tạo ra những chấn thương cho tâm hồn”. Và chị luôn khao khát : “Tôi sẽ chạy vào tự nhiên/ ngụp lặn trong tự nhiên/ nơi ấy bầu trời mặt đất ngọn núi dòng sông bông cỏ chú dế.../ tôi dành cả cuộc đời để học cách yêu em” (Hạt giống em). Những hình ảnh ẩn dụ phàm thường của tự nhiên đã phá hủy những hình thức khô cứng để có cái nhìn mới mẻ hơn... Với Nguyễn Chiến lại cho rằng “người làm thơ thường không ưa lý luận sợ rằng lý luận sẽ uy hiếp hồn thơ”: “Những đêm mưa/ tôi đi bắt tiếng ếch kêu/ ánh đèn pin soi vào ký ức một vùng mưa sinh nở” (Ký ức mưa). Còn Trần Bạch Diệp “viết để trò chuyện với mình, để nói thầm những điều khó thể nói cùng ai”. Bạch Diệp vịn từng hơi sương lá cỏ mà thở, mà lắng nghe nỗi cô đơn: “Thứ men đắng em tham lam uống cạn/ khi biển mở những luống xanh trong khu vườn tận hiến/ là con đường giải thoát hay chịu đựng nỗi đau” (Lúc năm giờ chiều). Một người làm thơ trẻ khác Đỗ Tấn Đạt đi vào một chiều kích khác của thơ: “Đấu tranh với chữ là cuộc chiến của kẻ cô đơn... đấu tranh với thơ... không bao giờ cân sức”. Chữ đấu tranh là một cách nói cho có một chút đo đỏ, nhưng thực ra là khao khát bứt phá khỏi lề thói quen thuộc:

Trong căn nhà lợp bằng ý nghĩ

những khát vọng về làm tổ trên nóc

nỗi buồn

tôi như một gian chái đã bắt đầu khói

(Ảo tưởng)

Bạn trẻ Trương Bách Mỵ biểu đạt một ý trừu tượng khái quát bằng hình ảnh trực quan thơ: “Bí mật của thơ nằm trên những cánh đồng vào một đêm trăng của nhiều thập niên trước... nằm ở con đường... nằm trong một cơn mưa” (Nghĩ về thơ). Từ suy nghĩ đó, Bách Mỵ gửi tình yêu và niềm biết ơn của người con đối với đấng sinh thành vào thi ca: “Mẹ giắt yêu thương trên mỗi bước quay về/Tấm áo bạc màu khi phải nắng mưa/ Nỗi nhớ lên đòng khi phải sương phải gió” (Tiếng hát thời gian). Trần Ngọc Mỹ thì “phát hiện ra một tôi nguyên gốc... đã để lại dấu vết của chính mình: “Những câu thơ của tôi/ vừa bước ra từ hố sâu thăm thẳm từ mênh mông/ khoảng trống/ chúng hồi sinh tôi, trong thế giới nhập nhằng sáng - tối” (Những câu thơ của tôi). Và Lữ Mai nghĩ về thơ có tính chất học thuật “Tinh thể của thơ là chữ, nhân thể của thơ là lời…trắc trở như hành trình tìm lại chính mình vậy”:

Ta chẳng thể quen hơi

ngay cả với chính mình

khai bút bằng đinh ninh

chữ nghĩa thuộc về bình minh khác

giấy trắng sáng đêm không đèn

(Khai bút)

Bạn Trần Nhã My nghĩ về thơ “thơ không chấp nhận sự hời hợt giả tạo, thơ là chất men say truyền cảm hứng”. Một quan niệm thơ cũ càng nhưng có thể mới đối với những người viết trẻ. Câu thơ này là một ví dụ: “Nghe sóng mệt nhoài tìm bãi bờ yên/ và thấy mình đôi mắt thuyền không ngủ” (Em về với biển). Nhà thơ Lê Thanh My đã bộc tỏ cái điều mà lớp nhà thơ lớn tuổi thường lúng túng khi bị vần điệu trói buộc, câu thúc không thoát ra được hoặc thoát ra một cách nửa vời: “Với thơ tôi thấy cần thay đổi một chút thói quen của âm điệu khi sự bi lụy hay tụng ca bắt đầu nhàm chán...”. Và chị viết: “chiếc cúc áo cuối cùng thắt lại/ ngực người đàn bà héo úa/ phũ phàng che/ những ngọn đèn tẻ nhạt/ hắt theo bóng người” (Tàn phai). Một giọng thơ trẻ trong trẻo nhưng đầy cảm xúc, nhà thơ Ngô Thị Thục Trang. Lắng nghe Thục Trang nghĩ về thơ: “đã hai mươi năm, tôi đi một mình trên con đường mà nghe nhiều người bảo lối đi này nghiệt ngã lắm...”. Cho dù con đường đến với thi ca gập ghềnh, xa ngái, Thục Trang vẫn lặng thầm hiến tặng bạn đọc của mình những vần thơ tinh tế về quê hương, về tổ ấm gia đình: “nơi sà xuống bầy chim sẻ/ ríu rít tuổi con cho mẹ xanh về” (Tổ)

Hai ngòi bút nữ hải ngoại Như Quỳnh de Prelle và Trần Hạ Vy là hai bạn trẻ đã tạo nhiều sinh khí văn chương trên sân chơi facebook cũng như trên mạng. Họ có những bài thơ mà bút pháp nghịch dị, táo bạo lạ kỳ không cần đến sự viện cớ của khách quan. Hai cô tôn thờ sự tự do của hư cấu. Với Quỳnh thì “Thi ca là sự chia sẻ và cũng là những cuộc cách mạng của những số phận tài năng”. Với Trần Hạ Vi: “Tôi cảm, tôi chiêm nghiệm và tôi viết... phơi bày gột rửa... buông bỏ... thoát ly...”:

Ngôi sao sơ sinh mới được phát hiện

người ta nói rằng thế giới đang

chết đi

không phải bởi tự nhiên cạn kiệt

con người cứ cào xới lên nhau

từng chữ từng nhịp

(Gió - Như Quỳnh de Prelle)

Và Trần Hạ Vi;

“Không dạng không hình/ Anh sờ khuôn mặt em/ Cánh tay em/ Khuôn ngực em/ cùng cảm giác/ cưng cứng màn hình” (Ảo mê tình).

Còn Nguyễn Đăng Khoa khẽ khàng nói lên cái mơ ước của một người làm thơ trẻ: “mơ ước lớn nhất của tôi là được mãi mãi trôi từ đầu nguồn của dòng sông chữ nghĩa...”. Ước mơ đó anh gói ghém vào tập thơ đầu tay “Con đường tự trôi”: “Mưa rơi như dương cầm/ Chỉ anh không réo rắt/ Anh đi không âm thanh/ Anh đi không hình bóng/ Anh đi như que diêm/ Không ai dùng thắp sáng” (Mưa rơi). Cây bút trẻ nhất của Tuyển thơ là Trương Công Tưởng đã nghĩ về thơ: “viết như một nhu cầu tự thân để giãi bày, sẻ chia và tìm thấy chính mình”. Thơ Tưởng xót xa như một tiếng thở dài: “Tôi không phải là đứa trẻ mồ côi/ Bởi mẹ tôi không lấy chồng nên tôi không có bố/ cây sầu đâu mùa đông lá bay đầy ngoài ngõ/ gầy guộc xác xơ như bóng mẹ buồn” (Ba người đàn bà).

Còn nhiều khuôn mặt trẻ nữa trong Biển bắt đầu từ sóng, nhưng lực bất tùng tâm. Tôi muốn nói lên một điều là những tác giả bị tôi chạm vào chéo áo họ ở trên chợt nghiệm ra hầu như họ muốn phá bỏ vần điệu truyền thống, điều mà những người ở lứa tuổi trên năm mươi vật vã không dám phá bỏ trừ một ít nhà thơ vượt rào. Dường như họ kiêng kị văn chương giáo huấn, minh họa muốn là một khách thể độc lập, nhưng suy cho cùng cũng không thể nào thoát ra sự lý giải những phi lý của hiện thực. Điều mà tôi tâm đắc phát hiện ra, hầu hết các tác giả trong tuyển thơ này không hề sáng tác như một sự hưởng ứng có tính chất tình thế đối với xã hội mà thực sự từ sự thôi thúc bên trong của tiếp nhận thẩm mỹ và sự sáng tạo văn chương.

Sự thành công của tuyển thơ Biển bắt đầu từ sóng theo tôi là những nhà thơ hiện ra hoàn toàn trong tư cách người nghệ sĩ thực hiện trò chơi nghiêm túc đối với chất liệu sáng tạo nghệ thuật. Có lẽ đây là điều mà người chủ biên mong muốn cho tập sách để đời này với anh. Đặc biệt, các tác giả xuất hiện trong tuyển thơ này không nhất thiết là người nổi tiếng mà có cả những người chưa từng xuất hiện ở chiếu văn chương nào. Các tác giả trong tuyển hầu hết đều có tính sáng tạo bớt sự mòn sáo nhàm chán trong một số tuyển tập ra đời trước nó. “Biển bắt đầu từ sóng”, sóng bắt đầu từ đây!

 

Autumn Meadows Houston TX

Đầu hè 2020

N.H.C