Chiếc xe đạp

01.09.2020
Truyện ngắn NGUYỄN KHẮC PHƯỚC

Chiếc xe đạp

Tan ca chiều rồi nhưng Lư và Hảo nán lại đợi thủ kho để lấy hàng. Số là chiều nay hai anh được hai suất săm lốp phân phối hằng năm. Trời nặng trĩu mây đen. Đạp xe chừng cây số thì lắc rắc mưa. Lư bảo ráng đạp tới nhà Phượng núp mưa luôn. Mấy hôm rày sao không thấy chị ấy gánh trái cây ngồi bán trước nhà máy mỗi lúc tan ca.

Phượng sống với con gái trong một căn nhà tôn ván gần đường Lư và Hảo đi làm. Hảo mới vào nhà máy sau này, chưa biết Phượng nhiều, còn Lư đã quen Phượng từ lâu vì chị đã từng là công nhân nhà máy cao su như anh nhưng rồi vì hoàn cảnh nên xin nghỉ việc, gánh trái cây bán rong. Cũng có lẽ vì Phượng quen sống độc lập, tự do, không thích bị ràng buộc bởi giờ giấc và kỷ luật.

 Lư tiếc cho Phượng. Mặc dù lương nhà máy cao su thấp nhưng gánh trái cây của Phượng có thu nhập rất bấp bênh. Phượng dù hơi lớn tuổi nhưng vẫn còn xinh đẹp, lại là gái một con không chồng. Còn Lư, mặc dù kém Phượng hai tuổi nhưng là thanh niên lớn tuổi chưa vợ duy nhất trong nhà máy. Mọi người thường ghép đôi nhưng hai người chỉ cười, chưa có phản ứng gì. Trong bụng Lư cũng ưng, (nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một, tốt rồi còn gì!), nhưng hoàn cảnh gia đình anh lúc ấy quá khó khăn, nhà cửa còn rất tạm bợ, chật chội.

Hai người ghé vô hiên nhà Phượng thì cơn mưa cũng vừa ập đến. Suốt ngày trời nóng như thiêu, giờ giông kéo đến, sấm chớp dữ dội. Nắng bao nả, mưa trả thù, người ta nói đúng.

Nhà vắng người nhưng cửa trước mở toang. Hai người ngồi trên chiếc chõng tre giữa nhà, hình như là nơi duy nhất không bị mưa dột. Lư kêu to: “Phượng ơi Phượng! Cho núp mưa với nhé!”. Có tiếng cửa buồng mở, Phượng đi ra: “Chào hai anh, mấy khi rồng đến nhà tôm. Ba hôm nay em đau lưng quá, phải nghỉ nhà. Con bé em ngồi ở chợ bán cho hết hàng, giờ vẫn chưa về. Để em pha nước hai anh uống nhé!”.

Phượng xuống nhà bếp nấu nước sôi. Lư ngó quanh nhà, thấy trên vách treo một chiếc xe đạp, nhưng không có săm lốp. Lư nói nhỏ với Hảo: “Tao có việc làm để lấy điểm rồi đây. Sẽ lắp cặp săm lốp vừa mới nhận cho Phượng”. Hảo nói: “Nhưng chỉ được một bánh thôi, còn bánh kia làm sao?”. Lư đề nghị: “Thì mày cho tao mượn xuất của mầy đi. Lốp mày còn mới, còn lâu mới hư”. Hảo nói: “Em định bán để mua sợi xích, xích em cũ quá rồi, trật hoài!” Lư  nói: “Mầy là dân cơ khí mà không biết chặt bớt xích cho vừa sao? Tháng sau, thằng nào được phân phối xích theo sổ công nghệ phẩm, tao vận động nó nhường cho mày, được chưa?” Lư là thư kí công đoàn xí nghiệp săm lốp nên lời hứa của anh có độ tin cậy khá cao. Hảo đồng ý nhưng hỏi: “Lấy đâu ra đồ nghề ở đây mà thay lốp?” “Có lẽ tao phải vác cái xe về nhà vì nó còn hư nhiều thứ nữa”, Lư nói.

Đợi Phượng mang nước ra, Lư nói đề nghị của mình. Lúc đầu Phượng còn ngại, chưa chịu, nhưng rồi cũng đồng ý.

Hết cơn giông, hai người đàn ông tiếp tục về nhà. Riêng Lư còn vác thêm xe đạp của Phượng.

Phải mất một tuần Lư mới sửa xong xe đạp. Phượng đòi trả tiền nhưng Lư không nhận, cười nói: “Trả gì cũng lấy nhưng tiền thì không. Hồi nào có trái cây ế, để mình thanh toán giúp cho, vài kí là xong. Nói chơi vậy chứ  đây là sản phẩm của nhà máy mình, lâu lâu lại có suất, chẳng phải mất tiền”. Phượng nói cám ơn. Sau khi sửa xe xong, Lư còn gắn thêm vào yên sau một cây gỗ và hai giỏ sắt treo vào hai bên nữa.

 Phượng dùng xe đạp ấy để chở trái cây đi bán. Mỗi lúc tan ca, Lư thấy Phượng trước cổng nhà máy nhưng anh tránh không gặp, sợ Phượng tìm cách trả công.

Chừng một tháng sau, Lư ngạc nhiên thấy Phượng thay vì chở trái cây bằng xe đạp như mọi hôm, bây giờ chị ấy bỏ trái cây trong một thùng sắt có bánh xe và đẩy đi. Ngạc nhiên hơn nữa là Phượng chạy đến cám ơn anh về cái xe đẩy, khen tốt hơn cái xe đạp nhiều.

Ở chỗ đông người nên Lư không thể chối, mà chỉ ậm ờ cho qua, tự hỏi không biết tác phẩm của cậu nào đây. Kiểu này thì phỗng tay trên mình rồi! Vừa đạp xe, Lư vừa nghĩ có lẽ mấy tay bên xí nghiệp cơ khí chứ không ai vô. Để rồi hỏi Hảo xem. Lư đạp xe nhanh để bắt kịp Hảo. Hảo nói: “Đó là tác phẩm của em, nhưng em phải nói là của anh, chị ấy mới nhận. Em thấy chị ấy chở trái cây trên xe đạp khó quá, lỡ thủng ruột giữa đường thì làm sao. Chỉ cần đi quanh nhà máy, lượm cái thùng sắt cũ và bốn bánh xe hàn lại, thoáng cái là xong”.

Thoạt đầu Lư hơi khó chịu, cảm thấy bị đàn em chơi trội nhưng rồi Lư thấy hợp lý bởi Phượng từng là dân cơ khí, được đồng nghiệp cơ khí giúp đỡ là chuyện đương nhiên và ai cũng có quyền giúp đỡ chứ phải mình Lư đâu, miễn sao Phượng đỡ khó khăn là tốt rồi.

Từ đó, thi thoảng Lư lại nhận một bịch chôm chôm hoặc lòn bon, đủ cho cả hai phân xưởng xe đạp và cơ khí mỗi người một trái.

Rồi con đường Lư và Hảo thường đi làm được mở rộng, xe ben chở sỏi đá tung bụi mù suốt ngày đêm. Nhà Phượng cũng bị giải tỏa, dời đi nơi khác, và Phượng không đến nhà máy bán trái cây nữa. Ngoài giờ lao động, Lư còn quản lý một đội bóng đá và cùng tập luyện với anh em, hằng tháng dẫn đội bóng đi đấu giao lưu chỗ này chỗ kia nên không còn thì giờ rảnh rỗi, đến nỗi nhà Phượng dời về đâu, bán hàng những nơi nào anh cũng không hay. Hơn nữa, sự xuất hiện của Vui, một y tá từ trạm y tế của nhà máy, thường xuyên có mặt khi đội bóng tập luyện cũng làm anh xao lòng. Vui còn trẻ và có nét hao hao giống Phượng. Và thế là Lư đến với Vui và hai người thành vợ chồng  lúc nào không hay.

Hơn bảy năm sau, lúc này Lư không còn là anh công nhân kiêm thư ký công đoàn phân xưởng xe đạp nữa mà đã được bầu làm chủ tịch công đoàn của toàn công ty.

Một hôm, Lan tổ trưởng công đoàn khối kinh tế lên gặp anh nói: “Trinh, nữ nhân viên của em bị tai nạn giao thông vừa được chở đi bệnh viện, anh có rảnh thì đi thăm nó với tụi em”. Lư hỏi: “Có nặng lắm không? Cô ấy đi bằng xe gì?” Lan nói: “Không nặng lắm. Nó đi xe đạp, bị xe máy quệt nhẹ, xây xát chút ít”. “Cô ấy không có xe máy sao?” Lư hỏi. “Đại học kinh tế mới ra trường, vừa lĩnh mấy tháng lương, tiền đâu mà mua xe máy!” Lan nói.

Lư  và Lan đánh ô tô sang bệnh viện. Bước vào phòng bệnh, anh ngạc nhiên thấy người phụ nữ đang ngồi bên bệnh nhân chính là  Phượng, người phụ nữ anh đã một thời quen biết. Anh hỏi: “Sao chị Phượng lại ở đây?” Lư càng ngạc nhiên hơn khi Phượng nói: “Nó là con gái của em đó”. Chị nói thêm: “Chính nhờ chiếc xe đạp do anh sơn sửa giúp mà cháu có phương tiện đi lại để  học hết cấp ba, rồi nó mang theo vào đại học. Nếu không có xe đạp, nó đã bỏ học từ lâu rồi. Chiếc xe đạp nó đang đi chính là chiếc xe đạp ấy”.

Lư hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Hồi ấy, khi thấy Phượng dùng chiếc xe đẩy để chở hàng, anh nghĩ Phượng đã không cần đến chiếc xe đạp và hơi buồn vì anh đã không giúp Phượng được gì. Nhưng nay thì lại khác, bây giờ anh rất vui, vui vì Trinh chỉ bị thương nhẹ, vui vì được gặp lại được người xưa, vì việc mình làm đã có ích, và vui vì cháu Trinh được nhận vào nhà máy nơi ngày xưa mẹ cháu đã từng là công nhân.

Mọi người an ủi Trinh về tai nạn và khuyên cô ấy cố gắng dưỡng sức để mau chóng được ra viện.

Trên đường về, Lư hỏi Lan: “Cháu đã vào làm mấy tháng sao chưa báo lên tôi để tổ chức kết nạp vào công đoàn?” Lan nói: “Tụi em định đến gần ngày 8 tháng 3 tới báo cáo anh để tổ chức kết nạp luôn cho nhiều người ở phân xưởng khác nữa”. “Nhưng ít ra cũng cho cháu đến gặp tôi để tôi tìm hiểu hoàn cảnh và động viên vài câu chứ!” “Anh quên rồi đó. Nó có lên gặp anh hôm mới về, trên tay còn mang cái hộp gì đó, chắc là gói quà. Nên nhớ chỉ một mình anh duy nhất có quà thôi nhé”. Lư đập nhẹ tay vào đầu nói: “Đúng rồi, tôi nhớ ra rồi, lớn tuổi rất chóng quên”.

Lư nhớ lại cách đây mấy tháng có cô bé rụt rè vào văn phòng của anh, tặng anh cái hộp gì đó. Ngay lúc đó, anh có điện thoại của giám đốc mời lên họp nên ậm ừ cho qua, bỏ cái hộp vào ngăn kéo nào đó rồi quên luôn.

Khi về đến văn phòng, anh lục hết mấy ngăn kéo và tìm được một gói quà nhỏ có buộc nơ màu hồng. Mở ra, đó là một chiếc xe đạp nhỏ xíu kết bằng giây điện, phía sau xe là một chiếc giỏ đựng trái cây và phía trước xe là một chiếc giỏ khác đựng một nhành hoa phượng hồng.

Lư tìm chỗ ưng ý nhất trên bàn để đặt chiếc xe đạp, ngồi ngắm nghía và cười một mình.  

N.K.P