Kết cấu tạp văn Nguyễn Việt Hà

01.09.2020
Phùng Thị Thu - Nguyễn Đăng Kiên

Kết cấu tạp văn Nguyễn Việt Hà

Theo quan niệm truyền thống, kết cấu trong tác phẩm văn học có nhiều kiểu như Kết cấu tuyến tính, Kết cấu đơn tuyến, Kết cấu theo hai tuyến nhân vật đối lập hoặc Kết cấu song tuyến, Kết cấu đa tuyến, Kết cấu tâm lý, Kết cấu đầu cuối tương ứng, Kết cấu trùng điệp, Kết cấu theo lối bỏ ngỏ, Kết cấu đối đáp và Kết cấu so sánh...

Bằng việc vận dụng, tiếp biến sáng tạo các kiểu kết cấu trong tác phẩm văn học theo quan niệm truyền thống, đồng thời chịu ảnh hưởng từ lý thuyết liên văn bản của văn học hậu hiện đại, kết cấu trong các cuốn tạp văn Nhà văn thì chơi với ai, Con giai phố cổ, Mặt của đàn ông và Đàn bà uống rượu được Nguyễn Việt Hà dụng công tạo dựng, sắp xếp, bố trí, tổ chức chủ yếu bởi ba kiểu kết cấu: Kết cấu ma trận, Kết cấu tuyến tính và xâu chuỗi, Kết cấu đối lập, tương phản. Đây là những kiểu kết cấu hết sức độc đáo, góp phần làm nên đặc trưng phong cách tạp văn Nguyễn Việt Hà.

  1. Kết cấu ma trận

Kết cấu ma trận thường được Nguyễn Việt Hà sử dụng nhiều hơn hết. Ở kiểu kết cấu này, vấn đề khởi nguyên mỗi bài viết được xem là tiền đề, kế đến người viết tiếp tục đan dệt vấn đề đó theo đủ các chiều hướng đông tây kim cổ, hoặc rẽ ngang, rẽ dọc bằng rất nhiều ngã rẽ. Đọc tạp văn Nguyễn Việt Hà, người đọc có cảm giác bị “chao đảo”, “choáng ngợp” trước những cú “đánh võng” của nhà văn “từ vỉa hè này sang cột điện kia”. Có thể xem đó là chiêu thức “túy quyền” rất sở trường của Nguyễn Việt Hà.

Bằng kết cấu ma trận, tác giả có điều kiện phát huy tối đa việc đưa vào bài viết yếu tố liên văn bản, với chằng chéo những trích dẫn theo hàng ngang, hàng dọc... nhằm phát huy đắc lực “ý đồ” nghệ thuật của mình.

Thao tác sử dụng trích dẫn trong tác phẩm đã có tiền lệ xa xưa từ văn học phương Tây cho đến văn học phương Đông; từ văn học cổ đại, trung đại cho đến văn học hiện đại và đương đại. Ví như các điển tích, điển cố trong các tác phẩm văn học thường được trình bày dưới nhiều hình thức: hoặc trích dẫn y nguyên, hoặc cách nói hàm ý, ẩn dụ... là những dạng thức liên văn bản sơ khởi. Như vậy, cái mà chúng ta ngày nay thường gán cho tên gọi “liên văn bản/ lý thuyết liên văn bản” hẳn không còn là vấn đề xa lạ hoặc mới mẻ, khác chăng là đã được nhìn nhận, đánh giá theo hướng chuyên sâu hơn; khẳng định yếu tố liên văn bản có vai trò không nhỏ trong việc cấu thành hình thức và nội dung tác phẩm, đặc biệt là đã xây dựng được một hệ thống lý thuyết/ lý luận liên văn bản làm cơ sở nền tảng cho lĩnh vực sáng tác cũng như nghiên cứu khoa học văn chương.

Tạm trừu xuất những ví dụ về việc sử dụng yếu tố liên văn bản trong văn học trung đại, chỉ tính từ văn học Việt Nam hiện đại đến nay, vấn đề này thực sự đã đem lại nhiều điều thú vị cho giới sáng tác và giới nghiên cứu văn học.

Trở lại với việc nghiên cứu kết cấu trong tạp văn Nguyễn Việt Hà, chúng tôi nhận thấy nhiều bài tạp văn được tác giả xây dựng bằng kết cấu ma trận như: Con giai phố cổ, Đàn ông ăn sáng, Đàn ông có “cạc”, Đàn ông cởi truồng, Đàn ông hoài cổ, Đàn ông phản bội, Đàn ông quỳ lạy... trong Con giai phố cổ; Sắc đẹp đắm người, Sống với sách, Bạn của đàn ông, Đàn ông độc thân... trong Mặt của đàn ông; Chân hoa hậu và Bi kịch của lạ... trong Đàn bà uống rượu...

Dưới đây chúng tôi chỉ chọn ra hai bài tạp văn Đàn ông ăn sáng và Đàn ông cởi truồng như những minh chứng đại diện cho kết cấu ma trận trong tạp văn Nguyễn Việt Hà. 

Ví như bài Đàn ông ăn sáng, Nguyễn Việt Hà đã dựng nên chuỗi kết cấu ma trận như sau: Từ chuyện điểm tâm bữa sáng của những gã đàn ông ngày nay (vốn là nếp sinh hoạt thường ngày) Õ Liên tưởng đến “những cú điểm tâm bữa sớm khét tiếng khác thường” của ngày xưa (1. việc thái tử Đan người nước Yên mời hiệp sĩ Kinh Kha ăn sáng, trong lúc ăn có các mỹ nữ hầu hạ, Kinh Kha buông lời khen đôi tay của một mỹ nữ trông đẹp quá; lúc tiệc tan, Đan cho người bưng mâm ngọc dâng quà tặng Kinh Kha với “hai bàn tay mĩ nhân vừa rồi”; 2. việc ông vua trong truyện Nghìn lẻ một đêm thường “chuẩn bị bữa sáng từ đêm hôm trước mà thực đơn là một thiếu nữ đồng trinh”) Õ Rồi từ chuyện Nghìn lẻ một đêm, kể về việc ông vua này không nỡ giết người tình đã sinh ra những đứa con mang dòng máu của mình (chính là nàng Sheherazade đã kể cho vua nghe nhiều câu chuyện liên tiếp rất thú vị từ năm này sang năm khác) Õ Lại nói đến thói quen của đàn ông ngày nay vừa ăn sáng vừa xem truyền hình Õ Kết thúc câu chuyện, nhà văn lại bàn về việc đàn ông ăn tối cùng vợ như để chứng minh sự chung thủy (vì thi thoảng ở các bữa ăn sáng, những đàn ông vẫn thường vụng trộm mời tình nhân đi ăn cùng với mình). Với kết cấu ma trận như thế này, những vấn đề được triển khai từ đầu đến cuối bài tạp văn thoạt trông có vẻ bị phân mảnh, rời rạc, đứt đoạn,..., nhưng kỳ thực lại được móc nối rất ăn khớp, logic với nhau theo mạch tư duy của người viết. Để tạo nên kết cấu ma trận, Nguyễn Việt Hà đã huy động các trích dẫn được lấy từ Sử ký Tư Mã Thiên và truyện Nghìn lẻ một đêm nhằm xây dựng “hệ thống” liên văn bản cho bài viết của mình.

Với bài Đàn ông cởi truồng, tác giả đã đưa người đọc đi từ điểm nhìn này đến điểm nhìn khác. Ban đầu Nguyễn Việt Hà mớm qua về thuật ngữ “cởi truồng” và “khỏa thân” Õ Tiếp đến lại bàn tới những kiệt tác mỹ thuật thế giới về đề tài khỏa thân của phụ nữ (với mục đích trong sáng: “ngợi ca vẻ đẹp của thân thể con người”) Õ Từ đó liên tưởng đến bản đồng dao thời Đinh ở nước ta cũng từng hát vui về đề tài cởi truồng của nam giới Õ Liên tưởng đến Chử Đồng Tử ngày xưa ở truồng do nghèo quá không sắm nổi đồ áo để mặc Õ Lại bàn sang việc nhiều đàn ông thời nay thường vào các tiệm mát xa, gội đầu (cũng là một hình thức gần như cởi truồng) Õ Lại nói đến những nam ca sĩ ngày nay thường trang phục “thiếu vải” khi lên sân khấu biểu diễn Õ Hồi tưởng về bậc quân tử Lưu Linh người Tàu ngày xưa thường ở truồng vì ông sống phóng túng theo quan niệm, triết lý Đạo gia “lấy trời đất làm nóc nhà, buồng nhà làm quần áo” Õ Lại nói đến chuyện một số nhà thiết kế thời trang ngày nay đang “học đòi” triết lý sống quân tử bậc Lưu Linh để thiết kế những bộ đồ trông rất phong phanh và diêm dúa Õ Tiếp tục hồi tưởng về truyện Bộ quần áo mới của Hoàng đế của nhà văn Đan Mạch Christian Andessen (1805-1875) nhằm phê phán “sự hèn nhát, lố bịch của đám đông, sự giả dối, ngu dốt của quyền lực bị lột trần tới mức tinh tế” Õ Cuối cùng nói đến một nam giáo viên Hà Giang “dũng cảm” “tụt quần trước công đường để chứng tỏ mình là trinh bạch”, là không lạm dụng tình dục với học trò. Với kiểu kết cấu ma trận như thế, người đọc như bị “hoa mắt”, “nghiêng ngả” của trạng thái say. Nhưng khi đọc đến chữ cuối cùng của bài viết, người đọc lại có cảm giác như bị chính tác giả nhử bằng “mê hồn hương”. 

Kết cấu ma trận ở tạp văn Nguyễn Việt Hà biểu hiện khá phức tạp. Người viết luôn cố ý tạo ra chằng chịt các mê lộ trích dẫn đông tây kim cổ đã được cài cắm sẵn, buộc người đọc phải khám phá tới cùng. Kiểu kết cấu này, vừa thể hiện được công phu sáng tạo thi pháp tạp văn, vừa chứng thực được vốn kiến thức sâu rộng và sự khổ luyện tìm tòi kiến thức của tác giả. “Trong ý nghĩa này, văn bản (tức là mỗi bài tạp văn với kết cấu theo kiểu ma trận - PTT - NĐK nhấn mạnh) là một “bức khảm các trích dẫn”, “là sản phẩm của vô số những mã, những diễn ngôn và những văn bản đã từng tồn tại trước đó”.

  1. Kết cấu tuyến tính và xâu chuỗi:

Kết cấu tuyến tính và xâu chuỗi trong tạp văn Nguyễn Việt Hà xuất hiện không nhiều. Có thể điểm qua một số bài như Đi dạo bờ hồ, Nhớ quà rong, Nhớ Tết bố vợ, Chồng ngoan, Trung niên ngồi cà phê, Đàn ông thề thốt, Tết ở Hà Nội, Con gái đầu lòng... Với kiểu kết cấu này, mở đầu mỗi bài viết, tác giả thường đưa ra một chủ đề/ đề tài nào đó để luận bàn, và rồi cứ thế trải theo mạch cảm xúc, người viết tiếp tục bung nở chủ đề/ đề tài đó theo nhiều hướng, nhưng vẫn đảm bảo sự nhất quán. Cuối cùng, người viết lại gói gém các ý vừa bình luận để hé lộ một thông điệp nào đó cần chuyển tải tới bạn đọc.

Dưới đây chúng tôi chọn ra hai bài Nhớ quà rong và Trung niên ngồi cà phê đại diện cho kiểu kết cấu tuyến tính và xâu chuỗi trong tạp văn Nguyễn Việt Hà. Xin tạm phác thảo sơ đồ kiểu kết cấu này bằng các dòng chữ được in nghiêng, kèm theo những trích dẫn từ hai bài tạp văn nhằm cụ thể hóa các ý diễn tiến của sơ đồ.

Với bài Nhớ quà rong, vấn đề ban đầu được tác giả đưa ra bàn luận là món quà rong, đến cuối bài, người viết đã chốt lại bằng việc nêu thực trạng xuống cấp của văn hóa ẩm thực hàng rong ở Hà Nội ngày nay. Cụ thể như sau: Quà rong được ra đời ở Hà Nội có thể từ rất xưa “Quà rong có ở Hà Nội chắc là phải lâu lắm rồi. Có thể ngay đang lúc cái đất Tràng An này được gọi là Thăng Long là Đông Đô là Kẻ Chợ”. Không gian phố xá lúc đó còn mang nét hoang sơ, cổ kính; hình ảnh về người bán và người mua hàng rong trông giống như những thước phim cổ trang “Phố xá khi ấy nhiều cây, trong trắng chưa có vỉa hè, đường nhựa... Chiều tà nắng nhạt phây phẩy gió Nam, các bà mệnh phụ các cô tiểu thư lộp cộp đi kiệu tới một hàng xôi chè nào đó, vén rèm lụa mỏng, sai gia nhân bưng bát, đứng ngay ngoài cửa quán mà ăn”. Những hình ảnh này từng được ghi lại trong Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác hay Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ “Cứ đọc Thượng kinh ký sự của Lãn Ông Lê Hữu Trác. Cứ đọc Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ thì thấy rằng cảnh ấy không hề là hiếm”. Quà rong được hình thành có lẽ chủ yếu do người sống ở ngoại ô gánh vào nội ô để bán “...quà rong chủ yếu do những người sống ở ngoại ô, cửa ô gồng gánh những thức tinh hoa nhất của vùng đem vào nội ô để bán”. Bàn về quà rong thường có nhiều chủng loại “...quà rong có nhiều thứ lắm, kể cả những tay kiệt xuất ẩm thực cỡ Vũ Bằng, Thạch Lam cũng khó mà đếm xuể. Quà phở này quà bún này rồi mì rồi miến món khô món nước hàng chục loại xôi hàng trăm loại bánh”. Quà rong không phải là món ăn chính mà là món ăn vặt “Với người thích ăn quà thì không có khái niệm quà sáng quà trưa quà chiều quà tối, ngoài hai bữa cơm chính, tất thảy đều là quà vặt”. Ở Hà Nội tuy có nhiều thứ quà, nhưng ngon nhất vẫn phải kể tới món quà rong “... quà Hà Nội ngon nhất lạ nhất vẫn phải là hàng rong”. Tên gọi quà rong không nên hiểu với hàm ý ăn xổi ở thì mà phải hiểu bằng một tinh thần thanh nhã hơn “Rong” không có nghĩa là lang thang vô định ở thì ăn xổi mà ngầm chứa ý xộc xệch phóng túng đẫm đầy tinh thần vô chiêu vô pháp, giống hệt kiếm đạo của những tay kiếm sĩ đã quen lăn lộn trăm trận giang hồ”. Tuy nhiên, trải theo sự biến đổi của thời gian, hàng rong ngày nay đã mất đi cái vẻ thanh nhã cần có của tên gọi này, thay vào đó là nhiều thứ xô bồ, hỗn tạp khó chấp nhận “Những hàng quà rong khét tiếng của ngày nay đều đồn trú tại một cứ điểm cố định và luôn có cảnh quan quái dị phi thường. Chẳng hạn như gánh phở gà ở giữa phố Hàng Hòm. Thực khách ngồi ăn trong nồng nặc mùi xăng mùi hóa chất của bạt ngàn thùng sơn. Hoặc như gánh bún riêu buổi sáng ở vỉa ngã tư Quang Trung - Hai Bà Trưng. Chỗ này... bây giờ tối muộn điện sáng yếu vẫn vô số nhiều tay đái bậy... Khoảng dăm bảy năm lại đây... hồn cốt nhiều hàng quà rong vốn mỏng manh ngon tuyệt đã sâu xa thất truyền”. Hàng rong ngày nay ngày càng trở nên thiếu tinh tế, thậm chí là hợm hĩnh. Đây là một thực trạng đáng báo động về một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Hà Nội đúng ra cần được gìn giữ và phát huy, thì dường như đang bị mai một dần “A dua theo thời đại, quà rong Hà Nội thời nay ngày càng vắng thiếu tinh tế. Cái điêu luyện hào sảng phố phường ngấm ngầm bị rơi rụng thành trơ trọc hợm hĩnh. Các hàng quà chui dần vào các nhà hàng sáng choang cửa kính máy lạnh hoặc vớt vát giả tranh theo kiểu xô bồ quang gánh vớ vẩn quê mùa. Một bát bún một bát phở sẽ nhạt đi, sẽ loãng ra... Cũng như Hà Nội bây giờ không còn phố cổ mà chỉ còn phố nhớ. Hà Nội đã qua nghìn năm tuổi và những người thích quà vặt đành nuối tiếc ăn rong các món của chính mình bằng ký ức”).

Ở bài Trung niên ngồi cà phê, mạch viết toàn văn bản được tác giả tập trung bàn về chuyện cà phê - như một nét ẩm thực phổ dụng ngày nay. Chủ đề bài tạp văn thống nhất từ đầu đến cuối, không vòng vo, lắt léo, không đánh đố người đọc (so với kiểu kết cấu ma trận ở phần trước). Với kết cấu tuyến tính, xâu chuỗi này, người đọc rất dễ hình dung và nắm bắt vấn đề. Sơ đồ kết cấu tuyến tính có thể được dẫn lược như sau: Ở các đô thị của nước ta bây giờ phong trào quán cà phê mọc lên khá rầm rộ. Lịch sử của nét ẩm thực này do người Pháp truyền vào cuối thế kỷ XIX và vắt sang nửa đầu thế kỷ XX thì đây đó mới mọc lên các quán cà phê “Ở ta bây giờ, bất cứ đô thị sặc sỡ nào cũng có thật đông những quán cà phê. Thực ra cái thói quen uống cà phê vốn là của người Pháp đưa vào khoảng cuối thế kỷ 19, nhưng phải sang nửa đầu thế kỷ 20, khi đã hình thành một tầng lớp viên chức và thị dân bản xứ thì người Việt mới có những tiệm cà phê đầu tiên”. Lúc bấy giờ mỗi quán cà phê mọc lên đều mang những đặc trưng riêng “Những tiệm cà phê đấy tuyệt đối đều rất khác nhau do đó đậm dấu ấn của chủ quán, từ hương vị cho đến cách bài trí”). Ngày nay các quán cà phê ở nhiều tỉnh thành đa phần đều giống nhau (đại loại là giống về “kiểu bàn ghế, kiểu nghe nhạc, kiểu người ngồi uống. Hơi hơi xanh đỏ lòe loẹt, loáng nhoáng nhấp nháy đèn. Kon Tum thì giống Buôn Mê Thuột, còn Buôn Mê Thuột thì giống Huế. Quy Nhơn cũng vậy mà Đà Nẵng cũng vậy...”. Để hình thành một quán cà phê có phong cách khác biệt thì cần đến sự cộng hưởng cả chủ và khách: “Ở Hà Nội, để làm nên một độc đáo cá tính cho một quán cà phê cũ kỹ, thì ngoài ông chủ, đương nhiên phải nhờ vào một vài nhóm khách chung thủy...”. Tuy mang biển “coffee”, nhưng các quán này vẫn thường phục vụ khách về những thức uống khác “Thực ra đã từ rất lâu, quán cà phê ở Hà Nội kiêm luôn chức năng giải khát. Trước khi miền Nam được giải phóng, nước hoa quả giải khát (chưa bao giờ được gọi là sinh tố), chủ yếu là nước chanh nước cam và sen dừa...”. Cà phê ngày nay đã trở thành một loại hình ẩm thực phổ dụng góp phần làm cho diện mạo mỗi thành phố thực sự là nơi của phồn hoa, đô hội “Một thành phố rêu phong đáng trọng phải là một thành phố có vài hiệu sách cũ, nơi đám sinh viên trong trắng lê la ngồi đọc “cọp”. Phải có những gánh hàng rong vỉa hè mẹ truyền con nối, chiều muộn đông nghịt chị em xúm xít ăn. Và đương nhiên phải có những quán cà phê luôn thấp thoáng những bóng trung niên con đẻ của thị thành mặc vét, nhẩn nha ngồi nhả khói”.

Kiểu kết cấu tuyến tính và xâu chuỗi xét từ góc độ diễn tiến mạch văn bản thoạt trông có vẻ giản đơn, ít đánh đố bạn đọc hơn so với kiểu kết cấu ma trận, song nếu chúng ta “lắng sâu” nghiền ngẫm từng câu từng chữ một, lại thấy ẩn chứa trong đó khoái vị của thủ pháp “nhại” - “giễu” đầy thâm thúy và rất đặc trưng trong văn phong Nguyễn Việt Hà.

  1. Kết cấu đối lập, tương phản

Kết cấu đối lập, tương phản trong tạp văn Nguyễn Việt Hà tiêu biểu là các bài như: Mùi Tết cũ, Đàn ông mọc sừng, Đặc sản một thời, Đàn ông dở hơi, Tuyệt vọng tiểu thư... Với kiểu kết cấu này, nhà văn thường đặt ra một vấn đề nào đó được được xem là cự điểm trung tâm. Tiếp đến, người viết lại triển khai dàn trải vấn đề bằng những khuynh hướng đối lập, tương phản nhau. Cuối cùng nhằm đi đến kết luận một thông điệp về vấn đề, sự việc hay đối tượng nào đó vừa được bàn luận.

Kết cấu đối lập, tương phản thể hiện rất rõ trong bài Mùi Tết cũ. Ở đây, tác giả đề cập sóng đôi những khác biệt của không khí tết thời bao cấp so với không khí tết ngày nay. Bằng cảm nhận chủ quan của người viết, “Tết cũ” đọng lại trong ký ức nhà văn trước hết là mùi của pháo “Mùi khói pháo của ngày Nguyên đán thanh thản xa xưa lâng lâng thơm lắm”, tiếp đến là “đậm đặc đọng ở mùi tóc, nó nồng nàn vượt thoát thường nhật, giăng giăng khắp mọi ngõ phố”. “... Tết đến, cả thành phố sực nức đủ loại mùi hương, bay ra từ những lãng mạn mái tóc”, ví như mùi hương nhu, mùi bồ kết, mùi lá mùi già hay mùi vỏ bưởi khô..., và sau cùng chính là “mùi của tử tế” “cái mùi này rạo rực bảng lảng tràn ngập, có điều chỉ cảm được thôi vì cực kỳ khó tả... ngày Tết khi đi ra đường (ai) cũng luôn náo nức tươi vui hân hoan vị tha... xe cộ va nhau chẳng hạn, người bị ngã có khi do quá chén “phê phê” đi sai. Chưa kịp đứng dậy thì người vô tình gây ra đã lao đến ôm chầm, nâng niu vừa đỡ vừa rối rít xin lỗi. Người bị ngã lắp bắp cảm ơn “May quá, được ngã đầu năm. Vậy là nhờ ông mà cả năm nay tôi được giải đen””. Tất cả những đặc trưng này của không khí tết cũ (thời bao cấp trở về trước - theo cảm quan của tác giả - PTT - NĐK nhấn mạnh) hầu như đối lập so với tết ngày nay: Mùi pháo của tết ngày nay dường như đã vắng hẳn (không kể đến pháo lậu); mùi tóc bây giờ “ngày nào cũng ngầy ngậy xa xỉ giống như ngày nào, bởi nhan nhản thừa mứa đủ mọi loại dầu gội đầu hàng hiệu”. Đặc biệt là sự đối lập tương phản về lối hành xử văn hóa, nhân văn của những con người trong không khí tết ngày xưa được tác giả ví là: “mùi của tử tế” so với cách hành xử thô bạo, thiếu văn hóa của những con người trong không khí tết ngày nay (theo cảm quan của tác giả - PTT - NĐK nhấn mạnh): “tết nhất hôm nay, nhỡ có qua quýt tai nạn, thì cả hai bên đều văng tục phừng phừng nhận đúng. Sau một hồi xỉ vả, cả hai tranh nhau rút iphone 5S, gọi vợ gọi con gọi bạn bè đến trợ giúp để đánh chửi hội đồng”.   

Hoặc có những trường hợp Nguyễn Việt Hà đã rất khéo léo lẩy ra kết cấu tương phản khi cùng bàn về một vấn đề cho hai đối tượng ở hai thời điểm khác nhau, đó là những biểu hiện “dở hơi” nhưng rất đáng được trân trọng của đàn ông thời bao cấp trở về trước, tương phản hoàn toàn với những biểu hiện dở hơi của đàn ông ngày nay.

Đàn ông dở hơi trước đây “tuyệt đại đa số là những người tử tế đặc biệt lương thiện. Do quá nhạy cảm mong manh nên hơi thở của họ không chịu được những nặng nề ô trọc của thế cuộc. Hoặc họ uyên bác vì đọc nhiều sách nên ngộ chữ. Hoặc họ quá nồng nàn ngây thơ yêu nên bị ngộ tình. Hoặc họ bị đểu giả lừa bán rẻ. Hoặc họ bị ngu xuẩn thô bạo dập vùi. Họ thường ăn mặc sạch sẽ, áo sơ mi bỏ trong thùng, hiền lành cười dịu dàng nhìn đám thanh niên đang mon men yêu kia trêu chọc. Họ sẵn sàng chuyển giúp đám trẻ những bức thư tình vì có thể họ lơ ngơ cay đắng biết trong đám đó rồi đây cũng có vài đứa yêu quá hóa dở hơi. Nói chung, bề ngoài họ chẳng khác gì người bình thường cả. Họ chỉ biết là không biết gian xảo đếm vàng, đê tiện chạy chức và thỉnh thoảng thăng hoa họ lại vô tư đọc thơ tình, đọc công thức toán, đọc danh ngôn triết học”.

Ngược lại, ở nền kinh tế thị trường bây giờ vẫn còn đàn ông dở hơi nhưng “xuất xứ phức tạp hơn”. Đàn ông dở hơi ngày nay “hầu như đã hết những người gàn vì chữ, hâm vì tình mà nhốn nháo phần đông là lẩn thẩn vì tiền. Chất lượng dở hơi vì thế cũng khác xưa, hay dở chưa bàn nhưng nó tạo ra một khoảng trống nho nhỏ. Ở cuộc sống hôm nay, gần nhà những đàn ông dở hơi đã hết sạch các loại mỹ nhân và nếu thảng thốt có còn thì cái người đẹp ấy phong độ cũng không có gì đáng kể”.

Kết cấu đối lập, tương phản được Nguyễn Việt Hà dụng công như một trò chơi bập bênh. Có những vấn đề, đối tượng, người viết đã nhìn nhận bằng cái nhìn ngưỡng vọng, nuối tiếc, ngược lại cũng có những vấn đề, đối tượng tác giả đã đánh giá bằng cái nhìn tiếc rẻ, chua chát và xót xa.

Tựu trung, các kiểu kết cấu: đối lập, tương phản; ma trận; tuyến tính và xâu chuỗi cùng góp phần tạo nên sự đa dạng trong chỉnh thể thống nhất ở văn phong tạp văn Nguyễn Việt Hà. Bên cạnh những yếu tố đặc trưng nghệ thuật như “góc độ tiếp cận và khai thác đối tượng”, “ngôn ngữ”, “bút pháp và giọng điệu” thì các kiểu kết cấu vừa kể trên có vai trò hết sức quan trọng, cùng cộng hưởng với những yếu tố nghệ thuật này dệt nên những sắc màu kim tuyến lung linh; giăng mắc, dẫn dụ người đọc vào mê cung các tạp văn Đàn bà uống rượu, Nhà văn thì chơi với ai, Con giai phố cổ và Mặt của đàn ông. Ở đó, khẩu vị/ khoái vị văn chương Nguyễn Việt Hà không thể lẫn với bất kỳ tác giả nào.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Việt Hà (2011), Nhà văn thì chơi với ai, Mặt của đàn ông (tạp văn tuyển chọn), Nxb Văn học, Hà Nội.
  2. Nguyễn Việt Hà (2015), Đàn bà uống rượu, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
  3. Nguyễn Việt Hà (2015), Con giai phố cổ, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
  4. Nguyễn Việt Hà (2015), Mặt của đàn ông, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
  5. Nguyễn Văn Thuấn (2013), Liên văn bản trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp,

Thư viện Quốc gia Việt Nam.

 P.T.T - N.Đ.K