Tăng Tấn Tài - Một tiếng thơ hồn hậu
Đến nay, Tăng Tấn Tài đã in 3 tập thơ. Tập đầu, có tên Khoảng lặng (NXB Văn học, 2014), tập thứ hai là Gió trên vai (2016, NXB Văn học) và nay ra mắt tập thứ ba, tập Tiếng hát trên dòng sông Vu Gia (NXB Hội Nhà văn, 2020).
1. Tăng Tấn Tài thường mượn cái vô sắc (khoảng lặng / gió / tiếng hát) để nói cái cảm thức, cái chạm vào, cái ngân vang của thính giác, sánh cùng cái vô tận của đất trời. Lấy "vô" để nói "hữu", lấy "không" để nói "có", lấy cái vô hình để nói cái hữu hình, đó là truyền thống thơ ca phương Đông, vô thanh thắng hữu thanh. Bàng bạc trong thơ Tăng Tấn Tài, phương thức này ẩn hiện trong từng câu chữ, từng hình ảnh. Đó là những bài: Ngọn gió sắc không, Ngọn gió tháng năm, Gió qua bàn tay, Ngọn gió đầy, Những nỗi buồn không tên, Tiếng bìm bip, Ảo ảnh, Giọng hót quê, ...
Đặc điểm này thường thấy ở người làm thơ khi tuổi không còn trẻ nữa, hiểu lẽ đời, hiểu giới hạn của con người trước cái bao la của đất trời.
Tập thơ có 35/64 bài lục bát, tỷ lệ gần 55%. Thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay. Thơ lục bát của Tăng Tấn Tài thiên về cảm xúc, ít tung tẩy ngôn ngữ. Đó là lục bát đời thường, diễn đạt các cung bậc tình cảm, các suy nghĩ về nhân sinh, những ngọn gió siêu hình, lạnh lẽo về kiếp người cứ thổi qua số phận, chênh vênh giữa hai hai bờ vực tử sinh:
- Quờ tay hái đọt mưa ngâu/ Đa đoan vàng võ ngã màu lá bay/ Kiếp phù sinh cuốn ... đọa đày / Nhân gian một cõi nợ vay cứ đầy (Xoay mùa).
- Ngỡ ngàng như có, như không/ Trăm năm cát bụi, tơ hồng trần ai (Như hoa xương rồng).
- Dòng đời lắng tiếng thở than/ Bước chân cứ vội, đường làng quá quen/ Đêm dài, chia lắm cách ngăn/ Ngửa tay, bọt sóng lăn tăn xô bờ (Một thoáng bình yên). Bài thơ có tên "Một thoáng bình yên", song, chẳng bình yên chút nào ! Sao lại "thở than", sao lại "vội", sao lại "cách ngăn", sao lại "bọt sóng lăn tăn xô bờ". Câu chữ như tố cáo tâm trạng, muốn bình yên mà chẳng yên bình. 2. Một tiếng nói trầm về tình cha con, tình mẹ con, tình chị em, về dòng sông quê nhà. Tiếng nói đó như một sợi chỉ tâm tình, xuyên qua nhiều ý thơ.
Với người cha:
Cha tôi,
quen những đùm cơm mo cau
lên rừng khi trời chưa tỏ
lặn lội rừng sâu, qua sông qua suối
đường quen
thuộc lắm những dốc đồi ...
(Tôi hát về cha tôi)
Đó là người cha"quen những chuyến hàng xuôi dòng ngược nước .../ từ dòng sông con, đến bến Hàn Giang ... (Tôi hát về cha tôi). Cha tôi/ đắp lên tuổi thơ tôi/ chữ nghĩa chất chồng/ Cứ vào thu, trăm mùa thay lá rụng/ đông cũng về từng tê cứng bàn tay/ Ngang dọc ô vuông, tháng ngày vỡ vụn/ Tình cứ dâng cao/ vạn ngàn mong muốn/ Đọng lại trăm mùa/ ngọn gió lớn từ cha (Tôi hát về cha tôi).
Tăng Tấn Tài viết "Đọng lại trăm mùa/ ngọn gió lớn từ cha" (Tôi hát về cha tôi) là nói cả thời gian, nói cả bóng dáng, nói cả tâm tình, nói cả thương yêu từ ngọn gió lớn của cha thổi dọc suốt một đời của người con.
Và đây, hình ảnh người mẹ:
Viết về mẹ là viết về sự chịu đựng: Tuổi già bóng mẹ gió phiêu/ Sóng xô bên lở, lắm điều thị phi/ Áo tơi, mưa gió cứ đi/ Đường trơn chân mẹ chai lì đã quen (Chịu đựng).
- Gọi đàn ... thắp tiếng mẹ yêu/ Mồ hôi vạt yếm ... cánh diều lượn cao (Vòng tay).
- Lời mẹ hát theo tao nôi êm dịu/ Hơi ấm mẹ vòng ôm bao âm điệu/ Con lớn khôn, thơm yếm mẹ một đời (Vú mẹ khô).
Hơi ấm một vòng tay là bài thơ cho mẹ cảm động. Thời sinh viên xa nhà, tận Sài Gòn, chắt chiu từng đồng, bao tình thương gửi về cho mẹ: Một thằng nhà quê / Gói gắm cho mẹ một tấm lụa thị thành, gửi về quê nhà, mãi sau mẹ mới chịu may thành chiếc áo dài, có dịp đi đâu, đi đâu ... Nay, mẹ về trời, vậy mà:
Cứ về đêm
Vuông vải lụa tràn thơm hơi mẹ ...
Theo thời gian, với mẹ, cái gì cũng ngắn lại, ngắn lại tầm nhìn, ngắn lại công việc, ngắn lại bước chân, ngắn lại miếng ăn và chỉ còn mái tóc trắng như sương:
- Mắt mẹ dần thu lại tầm nhìn/ công việc cũng ngày càng nhỏ lại/ Bước chân chậm rãi, bữa ăn chậm rãi/ cuộc đời thu lại ngắn dần, ngắn dần/ Vòm mây trắng, trắng đầy/ mái tóc mẹ như sương trái mùa gầy guộc, khô (Màu sương trên tóc mẹ). Chỉ có tình thương là không ngắn lại bao giờ !
- Người chị yêu thương, xa cách đôi nơi mà bời bời chờ trông. Niềm vui giấu tuổi đôi mươi/ Em thương chị quá, nụ cười chị yêu. Thế rồi, Trăm năm vỡ giấc êm đềm/ Bóng xa, hoa cải vàng thêm xuân về/ Vườn xưa có chị cùng quê/ Chia đôi giọt lệ, tóc thề ... chị tôi (Tháng ba, nhớ chị).
Viết về những người thân yêu, với Tăng Tấn Tài, là giãi bày yêu thương, cũng là hoài niệm trong trẻo về những hình bóng cũ, không bao giờ phai nhạt.
3.Con sông Thu Bồn, sông Vu Gia ám ảnh mãi trong thơ Tăng Tấn Tài. Con sông trở thành một phần tâm hồn của tác giả. Bao nhiêu năm rồi, sóng vẫn âm thầm vỗ vào mạn thuyền thơ ca của Tăng Tấn Tài, làm nên âm vang riêng:
- Lở bồi một khúc sông quê/ Kéo nghiêng một phía nắng về bãi dâu (Giọng hót quê).
- Thu Bồn uốn lượn dòng quê/ Vui dồn nhịp bước ngày về Nông Sơn (Vòng ôm Đại Bường).
- Nhịp võng bờ tre/ tiếng chim chiều như tiếng mẹ/ Níu hoàng hôn/ dòng chảy mãi ngọt ngào (Tiếng chim trên dòng Vu Gia).
Tăng Tấn Tài làm thơ đã hơn 40 năm. 40 năm chung thủy với thơ, ít có một giáo viên dạy khoa học tự nhiên, lại có tình yêu về thơ ca như thế. Người ta thường nói thơ là tiếng nói của tâm hồn. Thơ Tăng Tấn Tài là phiên bản của bao tâm tình, suy nghĩ về đời, về quê hương, về học đường, về gia đình, về bạn bè của nhà thơ. Có thể nói, đây là một tiếng thơ dung dị, hồn hậu, nặng nghĩa tình. Con sông thơ Tăng Tấn Tài đã chảy qua bao bến bờ, bao mạn thuyền, từ nơi đó, neo đậu lại những tiếng chim hót của tuổi thơ, những đường cày dấu chân trâu giẫm, một nụ tầm xuân, một cội mai già, một tao nôi êm dịu, một vầng trăng e thẹn, một làn gió thu dát mỏng thềm rêu, một tiếng lá reo ngoài ô cửa, một vòng nơ thắt, nhịp lơi, một bờ mi se khép mắt, một cánh phượng góc trường, một tiếng chim quen bên dòng chảy êm đềm,... tất cả những hình ảnh đó, như Tăng Tấn Tài viết, "trên chuyến tàu năm tháng" là những câu thơ, bài thơ viết gửi cho đời, cho người.
H.V.H