Vài kỷ niệm về con đường Quang Trung
Đ ường Quang Trung, thành phố Đà Nẵng có chiều dài 1.250m, rộng 8m khởi đầu từ đường Bạch Đằng đến Trần Cao Vân. Hồi còn đi làm, ngày ngày tôi bốn bận đi về trên con đường này, sau này nghỉ hưu, đi uống cà phê dưới phố tôi cũng ngang qua nó. Cảnh quan, con người, sự việc, sự kiện trên đường Quang Trung xưa và nay với tôi có những chuyện nhớ đời.
Điều đầu tiên tôi phải kể nét đặc biệt của nó mà trên đất nước ta không nơi nào có được, đó là với quãng đường không dài nhưng Quang Trung hiện diện ba bệnh viện lớn của thành phố gồm: Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Bệnh viện C và Bệnh viện Đà Nẵng. Còn có Trung tâm cấp cứu Hải Châu và Nhà tang lễ thành phố quanh đó khiến tôi ngỡ như vòng tròn sinh lão bệnh tử diễn ra đâu đây trong đời chúng ta.
Có một quãng đường không ngủ với những chiếc xe cứu thương hụ từng hồi còi dài, hối hả chạy về phía Khoa cấp cứu của bệnh viện Đà Nẵng. Khoa Cấp cứu là một khoảnh sân rộng nhất trên đường Quang Trung. Và không kể ngày kể đêm, phía trước các bệnh viện luôn đông đúc, tấp nập người vào ra, mua bán. Những chiếc xe đẩy thô sơ, vài chiếc bàn nho nhỏ xếp san sát bên nhau, giản dị và tạm bợ nhưng đầy đủ tất cả các món ăn phục vụ bệnh nhân và người nhà.
Đường Quang Trung cũng là con đường học trò, dễ thấy nhất là ngôi trường THCS Nguyễn Huệ, tọa lạc tại một khuôn viên rộng lớn nhất nhì giữa lòng thành phố và khá đẹp. Thủa xa xưa là trường Bồ Đề gắn bó với nhiều kỷ niệm sâu đậm của nhiều thế hệ học sinh đã và đang trưởng thành ở mọi miền đất nước, lan xa cả nước ngoài.
Trên đường Quang Trung là tuyến lưu thông của các trường lân cận THPT Trần Phú, Phan Châu Trinh. Sáng sáng chiều chiều các cháu khăn quàng đỏ tung tăng, các anh chị lớp lớn áo dài thướt tha rợp cả một quãng đường.
Nơi bây giờ là khuôn viên Trung tâm hành chính thành phố, với tòa nhà kiểu cách hiện nằm ở đoạn đầu phía đường Trần Phú (xưa là Độc Lập) vốn là khuôn viên mênh mông của trường Blaise Pascal. Đó là nơi có nhiều cây cổ thụ, thủa nhỏ tôi ưa đi dạo như đi trong rừng nên đặt tên là rừng Luxembourg Pháp của Đà Nẵng.
Quanh đó là tòa nhà cao trên dưới chục tầng như khách sạn Petro, nhà khách T26, Đại học Duy Tân, Công viên phần mềm mang dáng dấp hiện đại. Quãng giữa là nơi tập trung của các quán ăn, cà phê, nhà hàng, cửa tiệm, siêu thị mini.
Trong ký ức xưa của tôi, đường Quang Trung thật là đẹp và thơ. Khi tôi còn là công chức, đâu khoảng đầu thập niên 1990, tôi còn thấy dấu tích đường Quang Trung thủa xưa mang tên Clemenceau. Tôi thấy vẫn còn bia di tích được đúc bằng xi măng kiểu cách, ghi tên đường Clémenceau - tên của Thủ tướng nước Pháp từ năm 1906 - 1909.
Khi nhắc đến đường Quang Trung, điều gợi nhớ đầu tiên là hai hàng cây độc một chủng loại: xà cừ - xưa người Đà Nẵng quen gọi là kiền kiền - có lẽ được trồng thời thuộc địa nên trở thành cổ thụ, dày đặc như chiếc dù thiên nhiên đủ che mát đàn học trò những buổi trưa tan trường, không cần nón mũ.
Nay Quang Trung chỉ còn vài ba cây xà cừ còn sót lại, bên tay trái, đoạn khuôn viên Trung tâm Hành chính thành phố với đường kính khoảng vài sải tay người lớn. Không như xưa kia đặc trưng đường Quang Trung - con đường học trò là đàn nữ sinh với áo dài như đàn bướm trắng tung tăng dưới vòm cây xanh không thấy mặt trời.
Những giờ tan trường, nữ sinh trường trung học Bồ Đề và nữ sinh các trường lân cận: Phan Thanh Giản, Bán Công, Hồng Đức xinh đẹp với chiếc nón lá bài thơ, áo dài trắng thướt tha đi trên đường Quang Trung nghe những lời trêu ghẹo của những nam sinh tinh nghịch, hẳn cũng làm bước chân ai đó đi sai nhịp.
Trong một lúc trà dư tửu hậu nào đó tôi bất chợt nhớ những kỷ niệm xưa về đường Quang Trung trong bồi hồi rung cảm với ấn tượng của tuổi hoa niên.
Nhiều nhà xưa kiểu Pháp thuở ấy kiểu cách sang trọng, có sân vườn cây cảnh sum suê hãy còn nhiều. Chính những village này làm cho con đường trở nên sang trọng và trầm mặc, chứ không đông đúc như bây giờ.
Tôi nhớ nhà thầy Bùi Tấn dạy môn Toán lớp chín của tôi, là một căn nhà cổ, kiểu Pháp, ngôi nhà thầy trong tôi là một không gian trang nghiêm đầy quyến rũ.
Nhớ đời đối với tôi là khu nhà riêng của chuyên gia Lãnh sự Pháp, trải dài từ trường Bồ Đề đến đường Tự Đức (Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ). Nhớ đời vì đó là khu village với nhà kiểu Bretagne, kiểu Montagna gì gì đó bên Pháp, rất sang trọng, đài các. Từ ngoài đường vào tới nhà không phải là là hàng rào cách biệt mà là những vườn hoa rộng lớn với con đường rải sỏi xinh đẹp, tôi nghe ễnh ương kêu ồn ào mà buồn thảm.
Ngày xưa đi học, tôi thường đi qua khu nhà công vụ của tàu bệnh viện nổi Helgoland - Đức ngoài khơi vịnh Đà Nẵng. Các cô y tá của bệnh viện lên đất liền trú tại đây, khu nhà ấy nay vẫn còn, thuộc Bệnh viện C.
Ký ức về đường Quang Trung tôi còn nhớ Trường trung học Blaise Pascal có mặt tiền trên đường Độc Lập (nay là Trần Phú), mặt khác giáp đường Quang Trung. Trong ảnh, bên kia đường Quang Trung thấp thoáng khu nhà Pháp cổ, xưa là Nha Học chính Trung Phần, nay là Trụ sở Trung ương Đảng tại miền Trung và khách sạn T26.
Khuôn viên trường Pascal lan sang cả đường Gia Long (Lý Tự Trọng ), bao cả Thành Điện Hải bây giờ. Nơi đó có nhiều cây cổ thụ, nhiều vườn hoa, những buổi trưa trước giờ vào lớp, chúng tôi lén vào nghỉ mát trong đó, hồi đó tôi đặt tên là vườn Luxembourg của Đà Nẵng, vì trông nó trầm mặc mà đài các như những khu vườn Pháp mà tôi biết.
Sau nhiều năm Đà Nẵng thực hiện chỉnh trang, xây dựng, nhiều công trình khách sạn, nhà cao tầng mọc lên, đường Quang Trung đã khang trang, rộng rãi hơn nhiều. Và những ký ức thần tiên của của tuổi thơ tôi về con đường Quang Trung mãi lấp lánh.
N.P