Phương hướng trong Truyện Kiều

06.04.2021
Trần Ngọc Hồ Trường

Phương hướng trong Truyện Kiều

Truyện Kiều không chỉ có các yếu tố, các thủ pháp như mùi vị, âm thanh, ánh sáng, lời của nhân vật này nói về các nhân vật khác..., mà còn có các phương hướng. Đó có thể là hướng Đông, hướng Tây, xa, gần, bốn phương, viễn phương... Chúng có giá trị và ý nghĩa, được sử dụng như những thủ pháp để biểu đạt các quan niệm, các truyền thống và để mô tả tâm lý nhân vật, số phận của nhân sinh, chứ không chỉ là các hình ảnh, các phương hướng chỉ có ý nghĩa tự thân, không có liên quan gì đến thế giới nhân sinh. Việc sử dụng, miêu tả phương hướng do vậy, có hàm ý, dụng ý, như là một yếu tố thi pháp. Vì sao ở trường đoạn này có phương hướng này mà không có ở các trường đoạn khác, đều là hữu ý. Cũng vậy, vì sao phương này, hướng kia có mặt mà các phương, hướng khác không có, là cả một vấn đề cần quan tâm.

Thời kỳ nhân vật Thúy Kiều còn là cô gái thanh tân, chưa nếm trải, chưa lưu lạc, xuất hiện các phương “nghiêng nghiêng”, “chênh chếch”, uốn lượn, “chênh chênh”: Tà tà bóng ngả về tây; Nao nao dòng nước uốn quanh; Gương nga chênh chếch dòm song; Hiên tà gác bóng nghiêng nghiêng; Chênh chênh bóng nguyệt xế mành. Sau khi Kiều ra đi, nổi trôi, phải vào lầu xanh, các phương như trên không còn được Nguyễn Du miêu tả nữa. Đây là những phương gợi liên tưởng tới những cái phong tình, lả lơi, yểu điệu, duyên dáng, e ấp, ngượng ngùng, khác với các phương gợi nhắc tới cái chân phương, vuông vức hoặc dữ dằn sau này trong Truyện Kiều như: “Vừng đông đâu đã đứng ngay nóc nhà” hay “Tú Bà tốc thẳng tới nơi”. Như đã nói, việc mô tả các phương hướng có quan hệ chặt chẽ với số phận, tình trạng, tâm lý các nhân vật. Các phương chênh chếch... nói trên cho thấy được nét duyên dáng, cái duyên, sự mỹ miều và cả lả lơi của Kiều thuở tinh khôi. Các phương hướng, với tính chất, hình thức và mật độ xuất hiện đậm nhạt, nhiều ít của chúng đều có liên quan đến dòng đời của Kiều. Khi nhân vật này chưa đau khổ thì phương hướng có chiều trải rộng, kéo xa dài: Cỏ non xanh tận chân trời. Phương hướng phong quang, xa rộng này biểu thị cái mênh mông của tuổi đời, khi chưa bị ngăn trở. Tất cả là bằng lặng, phẳng phiu. Sau đó, phương hướng trải rộng không còn thấy nữa. Tuy nhiên, bên cạnh không gian trải rộng, tít tắp, không bị cản trở, cũng ngay từ đầu, đã có những hình khối báo hiệu sự rối rắm, bề bộn, không ngay hàng thẳng lối: Ngổn ngang gò đống kéo lên. Đây là dấu hiệu báo trước số phận dập dềnh, bị ngăn trở trong mai hậu, bên cạnh sự êm đềm thuở đầu đời của Kiều. Đó là bởi vì, không có hình thức không gian và hình khối nào trong Truyện Kiều (như vuông tròn, dày mỏng chẳng hạn) là không có nghĩa hàm ẩn cả. Nguyễn Du tư duy phương hướng theo thuyết âm dương. Âm dương tương sinh, tương hợp, chuyển hóa lẫn nhau, đối lập trong thống nhất. Ông nhận thức phương hướng theo từng cặp âm - dương, có phương này thì phải có hướng kia. Do vậy, các phương hướng được tổ hợp theo thế đối nghịch nhau. Đó là ngược - xuôi, vào - ra, rộng - dài, trong - ngoài, Việt - Tần, bể Sở - sông Ngô, trên - dưới, dọc - ngang... (Bây giờ kẻ ngược người xuôi; Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa...). Vậy là, về mặt phương hướng, đã có hướng âm phải có hướng dương (trong là hướng âm, ngoài là hướng dương...), đã có cao phải có thấp..., chúng tồn tại theo từng cặp chẵn. Nhìn phương hướng như thế mới thấy được một cách thấu đáo các sự vật, hiện tượng. Các cặp phương hướng này tương thích nhau, đối nghịch mà thống nhất, không thể tách rời nhau. Trong một số trường hợp, các cặp âm - dương nói trên cho thấy tôn ti, trật tự. Cặp trên - dưới chẳng hạn, trong một số trường hợp, do trên (dương) là tôn, dưới (âm) là ti nên trên - dưới chỉ kẻ quyền uy và kẻ bề dưới. Trong Truyện Kiều, một số cặp phương hướng như trong (âm) - ngoài (dương), ra (âm) - vào (dương) cho thấy sự khác nhau về cảm xúc, tâm trạng tình thế của các nhân vật (Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm), (Thế trong dù lớn hơn ngoài); (Người vào chung gối loan phòng/ Nàng ra tựa bóng, đèn chong canh dài). Cách nhìn phương hướng theo âm - dương, nhị nguyên thể hiện tư duy theo nguyên tắc đăng đối. Các hiện tượng, sự việc nhờ đó, được nhìn một cách toàn diện, không thiếu sót, đã nhìn xa (viễn) thì phải nhìn gần (cận), đã nhìn trên (thượng), lại có nhìn xuống (hạ). Tính chất đa chiều, đa phương hiện diện trong cách tư duy phương hướng. Đây là nguyên tắc tư duy cổ xưa của người Việt, người phương Đông. Việc nhìn phương hướng có liên hệ đến nhân sinh, do đó cuộc đời được nhìn từ nhiều chiều, đa diện. Nhân sinh vì thế được hiểu một cách chu chỉn. Về mặt thi pháp, các cặp phương hướng theo qui tắc âm  - dương giúp câu thơ đăng đối, cân chỉnh, gãy gọn, hàm súc. Hơn thế, tính chất truyền thống trong quan niệm về phương hướng được tiếp tục thừa tiếp. Có căn tính dân tộc trong phương pháp tư duy về phương hướng. Đôi lúc âm - dương có quan hệ nhân quả, lôgic: Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm. Nhưng có khi, theo người Việt, trong - ngoài có quan hệ phi lôgic, cái biểu hiện ra bên ngoài không hẳn đã tương hợp với phẩm tính bên trong: Bề ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao. Có khi Nguyễn Du quan niệm, âm - dương không đối nghịch nhau. Cái bên ngoài (dương) là sự hiển lộ của cái bên trong (âm). Chúng như nhất, không đối lập với nhau. Âm - dương do đó không đối trọng nhau. Bạc Hạnh lừa lọc nên Nguyễn Du nói y “Bạc đem mặt bạc kiếm đường cho xa”, Mã Giám Sinh đểu cáng nên khuôn mặt “mày râu nhẵn nhụi”, Sở Khanh bất tín nên có “mặt mo” (Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào). Khuôn mặt là cái bên ngoài (dương), biểu hiện cái bên trong (âm). Nguyễn Du đã kết hợp triết lý âm - dương của người Việt cùng những cảm nghiệm của ông trong cuộc đời để quan sát nhân sinh, các hiện tượng cuộc sống. Tất cả đều được chắt lấy tinh hoa, không sách vở.

Một đặc điểm khác trong tư duy về phương hướng trong Truyện Kiều là có sự kết hợp các phương hướng, các chiều không gian. Mô tả lầu xanh, Nguyễn Du viết: Bên thì mấy ả mày ngài/ Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi/ Giữa thì hương án hẳn hoi/ Trên treo một tượng trắng đôi lông mày. Trong khi đó, mô tả sinh hoạt, quyền uy của Hoạn Bà thì: Ban ngày sáp thắp hai bên/ Giữa giường thất bảo ngồi trên một bà. Như vậy, các hướng của không gian (bên phải + bên trái + giữa + trên) (hai bên + giữa + trên) được miêu tả một cách cụ thể, có kết hợp với nhau, cho thấy được toàn cảnh và chi tiết của nơi được kể lại, với các chiều đa phương. Có khi Nguyễn Du kết hợp các hướng xa + gần + bốn phía + phương nọ + hướng kia, như cảnh trước lầu Ngưng Bích. Sự kết hợp này bao quát được không gian, nhìn được toàn cục, thấy được hết những gì có trong không gian, đồng thời cho thấy sự tỉ mỉ trong quan sát. Nhờ đó, nói được một cách rõ ràng nội tâm nhân vật. Việc kết hợp các hướng, các vị trí cùng lúc có dáng dấp của việc chơi chữ. Phương hướng còn được dùng để lập các phép đối. Vị trí của các nhân vật trong không gian cho biết tình trạng và địa vị của chúng, bản chất của sự trạng. Sự sắp đặt nhân sinh vào các hướng, các vị trí nào đó đã góp phần phân tích cặn kẽ các trạng huống của họ.

Nguyễn Du ưa thích con số 4. Ông hay nói đến 4 phương, 4 bề, 4 bên, 4 tường, 4 biển, tứ vi. (Bốn phương mây trắng một màu), (Tro tàn một đống, nắng mưa bốn tường...). Các cụm từ trên chỉ 4 phía nhưng đôi lúc chúng nói tới khắp các phương. “4 phương” là tượng trưng. Do tập quán tư duy và để làm đẹp câu thơ, nhà thơ không nói tỉ mỉ các phương mà chỉ dùng “4 phương”. Đây là Đông - Tây - Nam - Bắc nhưng cũng có nghĩa là khắp thiên hạ, khắp nơi. Nhà thơ không nói tới các phương khác như tây bắc, đông bắc, tây nam... “Bốn bề, bốn bể, bốn phương”... còn dùng để chỉ cuộc đời, nhân sinh, cuộc sống xung quanh: Sai nha đã thấy bốn bề xôn xao; Bốn bề xuân khóa, một nàng ở trong... Các cụm từ chỉ 4 phía như đã nói được dùng như một ước lệ, để câu thơ thêm hàm súc vì nhà thơ không tả chi li các phương. Nhà thơ và các nhân vật của ông nhìn cuộc đời không chỉ một phương mà luôn là ít nhất 4 phương. Nhân vật, con người luôn là chủ thể, có vị trí trung tâm trong “4 phương”. Họ quan sát cuộc đời (bốn phương) xung quanh từ trung tâm điểm đó.

“Viễn phương” (phương xa) tuy ít xuất hiện nhưng có vị trí quan trọng, thú vị. “Viễn phương” có liên can tới cái gì đó, ai đó từ xa xôi, do đó, kỳ bí. Có hai nhân vật từ phương xa lặn lội đến tìm Kiều là nhân vật “khách viễn phương” (Có người khách ở viễn phương/ Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi) và Từ Hải (Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi). Đến từ phương xa lạ, cho thấy quan hệ giữa “khách viễn phương” và Đạm Tiên, Từ Hải và Thúy Kiều là những quan hệ tương cầu, tương ứng. “Khách viễn phương” là tài tử, Đạm Tiên là giai nhân còn Từ Hải và Kiều cũng có quan hệ tài tử (Từ Hải được nói là “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”). Khách từ phương xa tìm đến cho biết tiếng tăm Kiều và Đạm Tiên đã vang xa, với tư cách là nhan sắc, tài hoa. Một bên quí giá bởi tài sắc, bên kia thì bay bướm bởi cái phong tình. Từ phương xa đến cũng cho biết cái kỳ công, lòng mong mỏi được gặp gỡ, lòng khát khao được tương kiến, được chung đụng với tài sắc. “Khách viễn phương” gọi quan hệ giữa ông và Đạm Tiên là “mình với ta” còn Từ Hải gọi Kiều và chàng là “tri kỷ”. Việc truy cầu không phải không có tính nghiêm túc. Từ Hải đến tìm Kiều là để “muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau” còn “khách viễn phương” than khóc, đau xót khi đến nơi thì biết Đạm Tiên đã không còn. Việc dùng phương hướng, ở đây là phương xa là để nhấn mạnh các quan hệ là sâu nặng, đồng thời để ca ngợi mối phong tình, nghệ sĩ, khác các quan hệ chân phương phổ biến trong xã hội trung đại. Phương xa cũng nói đến cái ly kỳ trong quan hệ tài tử. Người tài tử có thể tìm nhau, biết nhau, gặp gỡ, dù bị cách trở về không gian.

Có hai hướng không gian đáng chú ý nữa là gần và xa. Gần là bằng chứng cho sự an tâm, không có gì phải lo ngại, dè dặt trong các quan hệ: Sinh rằng: - “Lân lý vào ra/ Gần đây nào phải người nào xa xôi; Chung quanh vẫn đất nước nhà/ Với Vương Quan trước vốn là đồng thân”. Do đó, khi người ta sống cùng một khu vực, gần gũi nhau, cùng chung một tập quán thì dễ thông cảm cho nhau. Đối nghịch với gần nhau là xa cách nhau. Xa ở đây không phải như các trường hợp “viễn phương”, “biên đình”. Xa cách chỉ sự lưu lạc xa xôi trong không gian, bị cách ngăn với gia đình, bản quán và người yêu. Ở đây nói về Kiều. Kiều rất đau khổ khi xa cách cha mẹ, các em, và Kim Trọng: Từ đây góc bể chân trời; Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người; Góc trời thăm thẳm, ngày ngày đăm đăm; Nắng mưa thui thủi quê người một phương; Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?... Xa cội rễ đồng nghĩa với cô độc, xa lạ, hư vô, nổi trôi, đợi chờ, trông ngóng. Người trung đại không muốn xa rời bản quán, gia đình, sống ở “nước non người”. Xa cách bản quán theo quan niệm, văn hóa trung đại là nổi nênh, đau khổ. Đối với các nhân vật, khi xa cách hoặc gần gũi tạo ra sự đối nghịch nhau trong từng chi tiết, từ nội tâm đến lời nói. Gần gũi là hạnh phúc, xa xôi là thương hận.

Hướng Đông và hướng Tây hiện diện nhiều trong Truyện Kiều. Thời Kiều còn trắng trong, Nguyễn Du thường nói đến hướng Đông (và hướng Tây, không có các hướng khác, như hướng Bắc chẳng hạn). Đó là: Tường đông ong bướm đi về mặc ai; Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông; Hải đường lả ngọn đông lân. Hướng Đông thuộc dương, là hướng của sự ấm áp, phương phi. Có một mối liên hệ nào đó giữa tính chất, đặc điểm của hướng Đông như đã nói ở trên, nhất là khi đó là hướng nhà Kiều, với thuở con gái nồng nàn, đa tình, phong hoa của nhân vật này. Hướng Đông, theo truyền thống, còn là hướng của hy vọng, tương lai, của cái mới. Do đó, khi Kiều thấy Chiêu Ẩn Am là khi “Trời đông vừa rạng ngàn dâu”. Hướng Đông còn là nơi có vượng khí đế vương, theo âm dương ngũ hành, chứ không đơn giản là một phương hướng. Cho nên Từ Hải đóng quân ở hướng này: Đại quân đồn đóng cõi Đông. Nếu có gió thì gió hướng Đông mát mẻ, thơm tho, là biểu trưng của ân ái, do đó, Kiều nuối tiếc vì đã “ngăn gió Đông”, chưa trao thân cho Kim Trọng. (Vì ai ngăn đón gió đông). Như vậy, hướng Đông là hướng mặt trời mọc, thuộc dương, liên quan tới sự nảy nở, nồng ấm, sản sinh, ân ái, phồn thực. Nguyễn Du đề cập đến hướng này và kết hợp với đó là miêu tả mùa xuân trong thời kỳ đầu đời của Kiều. Ông có chủ ý. Mùa xuân là mùa của sức sống, thuộc dương nên ấm áp, dạt dào. Nguyễn Du đã sử dụng phương hướng và mùa màng để miêu tả cái xuân tình, nồng rực, nảy nở của cuộc đời và tình yêu Kiều thuở mới lớn lên và vào đời yêu đương. Trong khi đó, hướng Tây, theo thuyết âm - dương, thuộc âm, nhiều âm khí. Về khí, âm lạnh lẽo. Âm là cõi của kẻ chết, do đó, hướng Tây là hướng của nghĩa trang. Vì thế, Đạm Tiên mới nói: Hàn gia ở mé tây thiên. Tây còn là hướng mặt trời lặn, báo hiệu đêm về, bóng tối lan tràn. Khi Kiều trốn đi từ Quan Âm Các, nàng Lần đường theo ánh trăng tà về Tây. Phía Tây có núi non, mịt mờ, lạnh lẽo, đi từ phía Tây do đó, gian nguy, sợ hãi. Khi Kiều và các em ra về trong hội Đạp Thanh thì Tà tà bóng ngả về Tây. Ở đây, bóng tối sắp đến, trời chạng vạng, theo quan niệm cũ, là lúc dễ phùng ngộ kẻ ở cõi âm. Và quả thật, Đạm Tiên hiển linh. Kiều chia tay Kim Trọng ở hiên tây: Nàng còn đứng tựa hiên tây. Phía / mái Tây, theo cách hiểu truyền thống, là nơi vụng trộm, như trong Tây sương ký mà Nguyễn Du nhắc đến trong Truyện Kiều. “Hiên Tây” ở đây có hàm ý chỉ sự ngắn ngủi, mong manh, liêu trai của tình yêu Kim - Kiều. Vì thế, sau đó, nhà thơ viết: Mái tây để lạnh hương nguyền/ Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng. Thế là, như các hướng khác, hướng Tây là đa nghĩa. Nguyễn Du chỉ có ba lần nói đến hướng Nam còn hướng Bắc ông không đề cập tới. Hướng Đông và hướng Tây là các hướng mặt trời, mặt trăng lặn và mọc. Hai hướng này không chỉ liên quan đến vòng tuần hoàn ngày đêm, mà còn có liên quan tới cả nhịp sống, sinh hoạt, tâm linh của người trung đại, đồng thời còn là hai phương sinh và tiêu của khí âm, khí dương, do đó, có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, nhất là tâm trạng của con người.

Như vậy, phương hướng đã được sử dụng như một kỹ thuật văn học để mô tả tâm sinh lý, thế giới nội tâm và số phận của nhân sinh. Khi nhân sinh ở vào một phương hướng, vị trí nào đó trong không gian, nó phải chịu sự chi phối, tác động, ảnh hưởng của phương hướng, vị trí đó. Phương tiện văn học này, do đó, rất đắc địa, hữu ích, không thua kém các phương tiện khác như ngôn ngữ, việc mô tả tự nhiên chẳng hạn. Nhân sinh ứng đối, hành xử như thế nào, có tâm trạng, nói năng ra sao, một phần phụ thuộc vào vị trí, phương hướng mà chúng đang phụ thuộc. Tư duy về phương hướng, với các đặc tính đã nói, có nguồn cội từ văn hóa truyền thống. Gần là hạnh phúc, cần thiết hơn xa xôi (Bán bà con xa mua láng giềng gần), trên có quyền hạn hơn dưới (Trên bảo dưới nghe) (Tục ngữ)... Vì vậy, nhân sinh có chức năng, bổn phận, cuộc đời, một phần tùy theo vị trí của nó trong không gian. Việc sử dụng phương hướng, vị trí như một thủ pháp nghệ thuật là sáng tạo của Nguyễn Du, không có trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Nó cho thấy bản sắc, cá tính sáng tạo của Nguyễn Du. Căn tính dân tộc cũng biểu lộ khá rõ trong tư duy về phương hướng.

T.N.H.T