Sức sống Đà Nẵng

06.04.2021
Dân Hùng

Sức sống Đà Nẵng

Những chặng đường nối tiếp nhau, như những mùa hoa đua nở trên thành phố bên bờ sông Hàn. Từ cái mốc lịch sử đầu tiên, Đà Nẵng giải phóng đến ngày trở thành thành phố trực thuộc Trung ương tháng 01 năm 1997, để rồi đứng vào  hàng ngũ “đệ tứ anh hào” Đô thị loại I cấp quốc gia tháng 6 năm 2003. Tất cả, những gì có được hôm nay của Đà Nẵng là một khẳng định sinh động cho vị thế ngày càng quan trọng của thành phố trong quá trình phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Mỗi một người Đà Nẵng có thể tự hào về truyền thống đã được hun đúc từ hơn 700 năm, bắt nguồn từ cái nôi “Xứ Quảng”, trải dài suốt chiều dài lịch sử oai hùng, bi thương mà cha ông đã làm nên, để có được ngày hôm nay, một thành phố đang trên đường tiến lên văn minh, hiện đại, khẳng định mình với cả nước. 46 mùa xuân hòa bình đã đi qua, trong đó có 24 mùa xuân Đà Nẵng “ra riêng”, người Đà Nẵng đã đồng lòng, thuận chí viết nên một trang sử mới - trang sử của những năm tháng lao động cật lực - tạo dựng một hình ảnh Đà Nẵng mới, cùng cả nước với chỉ một bước đi nhưng là sự kế tục của cả một bề dày truyền thống, mà không phải  đâu cũng có được.

Người Đà Nẵng, dù là “Đà Nẵng gốc”, hay xuất xứ từ những miền quê Xứ Quảng hoặc đến từ mọi miền của đất nước, một khi đã từng trải qua những năm tháng buồn-vui, sướng-khổ cùng mảnh đất này, đều không khỏi tự hào, pha lẫn hãnh diện về nơi "đầu biển cuối sông" này, dù cho đối với họ đó là “Đất mẹ ân tình” hay quê hương thứ hai “ơn sâu nghĩa nặng”. Bản thân người viết, cũng không phải là dân “Đà Nẵng gốc” nhưng được may mắn lớn lên cùng thành phố từ những năm sau khi non sông liền một dải, có thể tự hào để nói với mọi người rằng: “Mình cũng là người Đà Nẵng”! Có dịp đi công tác ở một số tỉnh thành, khi nghe tôi giới thiệu là người đến từ Đà Nẵng, không ít người đã chân thành  khen ngợi Đà Nẵng, xem Đà Nẵng như là một hiện tượng, là thành phố ngang hàng với 2 thành phố lớn hai đầu đất nước. Điều đó làm cho tôi cảm thấy hãnh diện và tự hào.

Quay lại Đà Nẵng của những năm 80 của thế kỷ trước, khi ấy, thành phố vẫn là một “đô thị loại 3” cấp tỉnh, nếu so với thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội, Đà Nẵng còn nhỏ bé lắm, nhỏ bé về mọi mặt, từ quy mô về địa lý, dân số đến hạ tầng kinh tế... Thành phố bên sông Hàn chỉ tấp nập mấy con đường như Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Ông Ích Khiêm, nhà cao tầng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, cầu qua sông thì mang tính dã chiến phục vụ chiến tranh hơn là trang điểm cho diện mạo một đô thị hiện đại. Đó cũng là bộ mặt Đà Nẵng vào những năm tháng ấy. Những hình ảnh này hẳn còn lưu lại trong ký ức của không ít người dân Đà Nẵng hôm nay, trong đó có “thế hệ 6X” như chúng tôi, vất vả mưu sinh - nhọc nhằn kiếm sống và nỗi buồn mênh mông, không giấu nổi trên mỗi khuôn mặt con người.

Nhiều người chỉ biết đến Đà Nẵng vỏn vẹn chỉ là một địa danh của một miền đất Trung Trung bộ đầy khó khăn, thường xuyên lũ lụt hạn hán và... “hình như ở đó có danh thắng là Ngũ Hành Sơn” thì phải! Khách quan mà nói, về thực chất, Đà Nẵng đã đi sau thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội ở điểm xuất phát của công cuộc đổi mới. Ý thức sâu sắc “những thua thiệt” này, người Đà Nẵng đằm mình suy nghĩ những bước đi thích hợp nhất cho mình để xây dựng thành phố quê hương lớn lên từng ngày. Có thể nói, kể từ cái mốc lịch sử năm 1997, mỗi mùa xuân đi qua trên thành phố là một mùa hoa khoe sắc, làm rạo rực tâm hồn người Đà Nẵng. Đó cũng là mùa của xây dựng, mùa của những công trình, mùa của những niềm vui tiếp nối niềm vui, thể hiện sinh động trong ánh mắt, nụ cười của người Đà Nẵng rất dễ bắt gặp ở mọi lúc mọi nơi.

Người Đà Nẵng bây giờ có thể ngẩng cao đầu mà bước đi một cách tự tin nhưng không chấp nhận sự tự mãn, chủ quan. Và cũng không bỏ qua những tồn tại, khiếm khuyết đã đang và sẽ phải đối mặt. Dù phải trải qua những thăng trầm của quá trình phát triển, đổi mới và hội nhập, cơ chế thị trường, thậm chí tăng trưởng âm về kinh tế, cùng với sự tàn phá của thiên tai, dịch họa nhưng với cả nước, Đà Nẵng phải được đặt trở lại đúng với tầm vóc cần phải có của mình: thành phố động lực - trung tâm chính kinh tế, văn hóa của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Mùa xuân thứ 46 đã về bên thành phố sông Hàn, dù cho người Đà Nẵng đang phải đối mặt với nhiều thử thách, cam go, những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19... tác động đến đất nước nói chung và thành phố nói riêng; vất vả, lo toan luôn hiện hữu, nhưng lạc quan và niềm tin thì không bao giờ cạn. Đó cũng là bản chất của người Đà Nẵng. Bản lĩnh văn hóa cũng như của trí tuệ, tiền của, tình cảm của lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng sẽ là nhân tố nội sinh quan trọng đưa Đà Nẵng sớm trở lại với vị thế của mình.

D.H