Truyền thuyết: Đức Thầy Hán Đỗ Huyền Quân cưỡi hổ

06.04.2021
Phạm Lâm

Truyền thuyết: Đức Thầy Hán Đỗ Huyền Quân cưỡi hổ

 

Ruộng Làng. Phải chăng từ thời xa xưa người dân thôn Già Ban đã dành ra những thửa ruộng ở đầu non, hóc núi này để canh tác, thu về sản phẩm lo ngày đơm cúng, giỗ chạp, bày tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân đã đến đây khai cơ lập nghiệp, nên danh xưng ấy tồn tại cho đến ngày nay?

Ngày ấy, núi non hiểm trở, đường đi từ thôn Già Ban vào Ruộng Làng chỉ là một lối mòn nhỏ, dốc dương, khúc khuỷu, băng đồi, lội suối gần cả buổi đường mới đến được nơi canh tác, vậy mà đầm ấm, gắn kết vui vầy bên nhau, nhất là sau những buổi cúng giỗ ở việc Phái với những chén vơi, chén đầy, hàn huyên bao câu chuyện ngày xửa, ngày xưa...

Thế rồi một hôm, có mấy người đi săn trong một khu rừng, cách Ruộng Làng chừng một cây số thì phát hiện có một cái chòi nhỏ với hai người đàn ông chung sống, xưng hô theo thứ bậc thầy trò. Dần dà rồi những người dân nơi đây cũng đã xác lập nên mối quan hệ tình làng nghĩa xóm nơi thâm sâu, cùng cốc. Tuy vậy, còn bao điều bí ẩn chưa sao hiểu hết được.

Vào một ngày trời quang mây tạnh, cả một nhóm người đang thoăn thoắt đôi tay ra mạ, cấy lúa ở cánh Ruộng Làng, nhìn thấy một người đàn ông đi trước dắt một con ngựa, còn người kia lại cưỡi trên lưng ngựa, một chị buông lời chọc ghẹo:

- Này thầy ấy ơi! Chắc thầy muốn cưỡi được con ngựa đó thì thầy phải leo lên từ phía sau phải không ạ? Cả nhóm hùa theo:

- Đúng rồi đó! đúng rồi đó!... và những tiếng cười khúc khích rộ lên.

 Người cưỡi ngựa nét mặt vẫn tươi cười và thản nhiên nói:

- Ô, mấy chị kia ơi! Sao dưới ruộng nhiều cá thế mà không bắt về dùng, để phí vậy?

Quả nhiên, cả nhóm người cùng buông mạ trên tay, tranh nhau bắt cá. Cá nhiều vô kể. Họ dùng những đoạn dây rừng để xâu cá. Ai nấy đều xách trên đôi tay nặng trịch toàn là cá.  Nhưng, sau khi hai người kia đi khỏi, họ nhìn lại chỉ toàn những xâu lá cây mà không thấy bất cứ một con cá nào. Những lối ruộng được cấy vừa xong thì bị chính các chị quay lại giẫm nát hết. Mọi người sững sờ không biết chuyện gì đã xảy ra. Và họ bắt đầu sợ hãi. Trong đầu mỗi người đều rối tung lên cả, họ nghĩ mông lung đủ điều. Vô lẽ bị ma ám! Thế rồi có một chị thốt lên:

- Hay là tụi mình đã đùa cợt quá trớn với người đàn ông khi nãy, mà người ấy là một bậc thầy gì đó cũng nên!?

Sau khi lấy lại bình tĩnh, họ lặng lẽ rủ nhau ra về để lại ruộng cấy dở dang. Rồi họ mang câu chuyện ấy về kể cho dân làng cùng nghe. Nửa tin nửa ngờ. Người thì bảo toàn là mấy bà bịa đặt. Người thì bảo bị ma ám chứ làm chi có chuyện như thế.

Câu chuyện lâu ngày rồi cũng phai nhạt dần, nhưng nỗi ám ảnh vẫn còn theo họ. Nên mỗi khi mọi người đi rừng không ai dám đùa cợt bất cứ  điều gì.

Thời gian sau, vào một ngày nọ, chính hai người đàn ông ấy đã nhờ mấy chị vào cấy lúa cho họ. Sang buổi chiều, mãi đến chập choạng tối mà hai người đàn ông vẫn chưa bảo họ về vì phải cố thêm cho hoàn tất mảnh ruộng đang cấy dang dở. Sau khi cố cấy xong mảnh ruộng, mấy chị lại bảo:

- Thầy ơi, trời sắp tối rồi làm sao chúng tôi có thể về được?

 Người đàn ông có dáng vẻ cao to, điềm đạm, lặng lẽ bước đến một bụi cây bẻ mấy nhành rồi trao cho từng người:

- Các chị hãy đưa nhành cây lên trước mặt mà về nhé!

Quả nhiên, trong chốc lát các chị đã về đến nhà mà trời vẫn chưa tối.

Xâu chuỗi từ những câu chuyện huyền bí này mà người dân thôn Già Ban lại một dịp nữa xầm xì, bàn tán xôn xao.

Lại nói sang một câu chuyện khác. Một hôm, đình làng Bình Huề, nay là xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức có ngày tế lễ giỗ hội. Để chuẩn bị cho ngày tế lễ này, Lý trưởng của làng sai vị Hương kiểm vào tận nơi gọi hai người đàn ông nọ ra làm nhiệm vụ đốn bổi thui trâu. Gọi lần thứ nhất, rồi đến lần thứ hai mà hai người cũng không đến. Ngài Lý trưởng nổi giận, lại cho người tiếp tục vào gặp hai người đàn ông này và tuyên bố, nếu hai người không chấp hành lệnh của Lý trưởng thì sẽ bị hình phạt nặng theo lệ của làng. Người đàn ông lớn tuổi hơn ra lời cam kết sẽ thực thi nghiêm lệnh... Vậy mà đã cận kề cái ngày tế lễ mà hai người vẫn không có mặt.

Ở đình làng mọi việc chuẩn bị cho nghi lễ đã hoàn tất, ngài Lý trưởng càng tỏ ra giận dữ hơn nhưng cố kìm nén.

Khi nghi lễ sắp sửa bắt đầu, thì đùng đùng từ đâu không biết, trước cổng đình làng xuất hiện một người cưỡi trên lưng một con ngựa trắng và phía sau là một người cưỡi một con hổ vàng với những sọc ngoằn ngoèo đen lánh. Vừa phát hiện, cả một đám đông hoảng loạn. Lúc này họ chỉ biết quỳ rạp xuống và vái lạy lia lịa mà không nói được bất cứ điều gì. Hai người trên lưng ngựa và hổ nhẹ nhàng bước xuống, buộc  ngựa và hổ ở gốc cây duối trước cổng đình làng rồi ra hiệu cho mọi người đứng lên, rồi họ rảo bước vào đình làng ra mắt Lý trưởng. Ngài Lý trưởng chắp tay xá xá mà run như cầy sấy, miệng mồm la ba lắp bắp không nói thành lời. Hai người tự giới thiệu và bẩm với làng rằng, do đường sá xa xôi nên hai người đã đến trễ, mong làng xá tội. Ngài Lý trưởng và bộ Ngũ hương chỉ còn lắp ba lắp bắp, chắp tay vái lạy, kính cẩn xin mời hai ngài ở lại dự tế lễ của làng. Nhưng hai người đàn ông bảo rằng, nếu họ ở lại thì cuộc tế lễ này sẽ không có bất cứ thần linh nào đến dự được, nên họ cáo lỗi ra về.

Cuộc tế lễ được diễn ra trong một không khí lo âu thấp thỏm của mọi người. Kết thúc buổi tế lễ mà cả một đám đông vẫn chưa hết nỗi hoàn hồn.

Về sau, chẳng hiểu từ đâu mà người ta mới biết rằng, người đàn ông cưỡi hổ ấy có danh xưng là Đức thầy hán và tự là Đỗ Huyền Quân. Người dân gọi là Đức thầy hán Đỗ Huyền Quân. Là một thầy pháp sư tài ba, lại là một vị quan gì to lắm ở triều đình tận ngoài Huế kia. Một hôm vào cuối buổi thiết triều, thầy Đỗ Huyền Quân trình tấu và xin  được biểu diễn một phép thuật mua vui cho Hoàng thượng. Phép thuật ấy gọi là “Tục đầu”. Có nghĩa là chặt đầu một người rồi ghép lại như cũ. Được nhà vua chuẩn thuận, thầy Đỗ Huyền Quân chọn một vị quan. Mà vị quan này nghe đâu là một hạn người quan liêu, hống hách, lại có thói nịnh trên đè dưới, ức hiếp dân lành. Nhưng không hiểu sao, sau khi chặt xong đầu vị quan nọ mà thầy Đỗ Huyền Quân không sao ghép lại được. Vậy là nhà vua cho rằng Đỗ Huyền Quân phạm vào tội khi quân và giết người vô cớ, nên phải bị hình phạt chém đầu. Trước giây phút sinh tử, thầy Đỗ Huyền Quân ung dung tự tại, xin được nhà vua ban cho bốn mươi mét vải lụa điều để ngài thắt một con rồng làm kỷ niệm cho nhà vua trước khi chết. Được nhà vua chấp nhận, thầy Đỗ Huyền Quân vừa thắt xong con rồng, điểm nhãn và lập tức cưỡi con rồng ấy bay vụt ra khỏi thành. Người học trò của Đức thầy hán Đỗ Huyền Quân đã chuẩn bị sẵn một con ngựa ở bên ngoài. Vậy là hai thầy trò cao chạy xa bay. Đức thầy hán Đỗ Huyền Quân cùng người học trò của mình đi mãi, đi mãi đến Sầm Đăng, Cửa Gió ở làng Phú Nhơn, nay thuộc thôn Tư, xã Quế Lưu, huyện Hiệp Đức ngày nay định ẩn mình tại đó. Nhưng sau khi hô chim, gọi chuột mà cả một khu rừng không có một tiếng động. Ngài biết rằng, nơi đây đã có Đức Bà cai quản, nên quay lại rồi rẽ về đến một khu rừng tại Ruộng Làng để cư ngụ. Tại đây, hai thầy trò khai hoang, vỡ hóa, cai quản cả một khu rừng hoang dã với muôn loài chim thú. Về sau, Đức thầy hán Đỗ Huyền Quân lâm bệnh qua đời, rồi người học trò của thầy cũng mất theo mà không ai biết tên tuổi của người học trò ấy là gì.

Thi hài của ngài và người học trò ấy được người dân nơi đây chôn cất tử tế. Nhưng có điều kỳ lạ thay, sau khi hai ngôi mộ được hình thành thì có một đôi chim công thường xuyên xuất hiện. Chúng luôn giữ cho hai ngôi mộ quang đãng, sạch sẽ như có ai đó miệt mài, chăm nom quét dọn. Thi thoảng chúng lại biểu diễn những vũ điệu mượt mà vô cùng đẹp mắt như những vũ điệu của các vũ nữ trong vườn thượng uyển. Sau ba năm, người ta không còn nhìn thấy đôi chim công đó nữa.

Ở thôn Bình Hòa, nay là thôn Hai, xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức lại có một câu chuyện khác. Đó là, sau những ngày hai ngài qua đời, thú dữ ngày đêm hoành hành. Chúng tàn phá hoa màu và đe dọa đến cả tính mạng người dân. Trước nỗi kinh hoàng ấy, bà con đã chung cùng đóng góp xây nên ba ngôi miếu tại một trảng đồi giữa địa phận hai thôn. Hai ngôi miếu hai bên để thờ hai mươi mốt vị thần do nhà vua gia phong. Ngôi miếu chính giữa để thờ hai thầy trò Đức thầy hán Đỗ Huyền Quân. Và từ đấy, dân làng được bình yên trở lại, sống chan hòa cùng muôn thú. Về sau, người ta thường gọi địa danh này là Dốc Miếu.

Hiện giờ, hai ngôi mộ của thầy trò Đức thầy hán Đỗ Huyền Quân được người dân làng Già Ban đắp xây, gia cố áng thờ mà vẫn giữ nét hoang sơ xứ núi. Là nơi linh thiêng trọng vọng. Hằng năm, cứ vào ngày 16 tháng giêng âm lịch, dân làng nơi đây bằng cả tâm niệm của mình, họ cùng nhau phát dọn, sửa san, tu bổ mộ phần, sắm lễ vật chi nghi, cung kính chu toàn, cầu nguyện hai ngài phù hộ, độ trì cho dân làng bình an vô sự.

P.L