Cam xanh chua

06.04.2021
Neda Kavoosifar

Cam xanh chua

Nhà văn Neda Kavoosifar, quốc tịch Iran, sinh năm 1971, là một bác sĩ chuyên về liệu pháp bức xạ, đã tốt nghiệp Đại học Y khoa Shiraz. Bà bắt đầu sáng tác nghiệp dư từ năm 1993 và 10 năm sau quyết định sáng tác chuyên nghiệp. Tác phẩm đầu tiên của bà là một tiểu thuyết ngắn dành cho thanh niên có tựa là “Ba người trên chiếc xe đạp: Tôi, Con khỉ và Bố - Three on a Bicycle: Me, Monkey and Father”, được in năm 2009 và nhận giải thưởng tác phẩm sáng tác hay nhất Gaam-e Aval Award. Trong năm 2010, tập truyện ngắn của bà, “Ngủ mà mở mắt - Sleeping with Open Eyes”, được các giải thưởng Golshiri Foundation Award, the Haft Eghlim Prize, và được đề cử cho giải thưởng Mehregan Adab Award.

Truyện ngắn “Cam xanh chua” dưới đây kể về nỗi ám ảnh suốt đời của một cô bé bị “ấu dâm”, được Shara Khalili dịch từ tiếng Iran sang tiếng Anh đăng trên tạp chí Words Without Borders số tháng 7/2013.

 

 

Các mẫu thông báo đủ mọi loại, từ tờ cáo phó đến những mẩu quảng cáo đồ gia dụng dùng rồi hay dạy cắm hoa với giá thấp nhất có một chỗ dành cho chúng ở khu phố chúng tôi: Đó là trên bức tường phía ngoài đồn cảnh sát ở ngã tư đường chính và đường nhánh số Chín, con đường nhỏ hẹp này cũng là nơi gia đình tôi đã sống hai mươi bảy năm qua. Mỗi buổi sáng, trước khi mua bánh mì ở quầy bánh đặt dưới bóng râm của cây cam chua mà rễ của nó đã đâm sâu vào cống lề đường, những cư dân trong khu phố dừng lại liếc mắt nhìn những tờ quảng cáo. Vì vậy mà sau nhiều năm, ngã tư đường Chín đã thành một tờ báo tường, thành một nguồn thông tin miễn phí.

Tôi thấy tờ cáo phó báo tin cái chết của ông Moadab dán lên báo tường trong ánh sáng nhập nhoạng một buổi chiều cuối tháng ba, sau Tết, khi mà người ta hoặc là đi thăm bạn bè và gia đình hoặc là tổ chức những bữa tiệc tại nhà. Có một bức ảnh của ông từ hồi ông còn trẻ, với nụ cười dường như có nếp nhăn nơi khóe miệng.

Bộ đồng phục bệnh viện nặng nề trên tay tôi. Trời mưa từ sáng sớm. Con đường vắng lặng và không khí ẩm tràn đầy mùi hương lá cam chua ướt. Một bàn tay nhăn nheo, ấm và sống động, lướt trên mặt tôi. Một chất ướt lầy nhầy lan trên cổ tôi và hơi ấm của máu, nước tiểu, và mồ hôi chảy ri rỉ phía trong đùi tôi xuống đến đầu gối. Giày tôi như những khối nặng nề nơi chân. Một cô bé đang nhảy lò cò chơi trong đường. Tóc sau lưng cô bé phất phơ trong gió. Cô bé đá một mảnh gạch vỡ tới phía trước, nó rơi vào ô số sáu và cô bé hét lên: “Con mèo của mình thì đẹp”.   

Ông Moadab là một người mập mạp có nước da bủng beo đeo đôi kính dầy gọng đen, giày cỡ quá lớn, mặc cái áo vét bốn túi bất chấp mùa đông hay hè. Ông có một tiệm bán kim chỉ và đồ vặt vãnh gần ngã tư đường Chín. Trong tiệm có một phòng kho nhỏ phía dưới chân cầu thang, trong đó có ruy băng cột đầu, ren, cuộn chỉ, những sợi dây thun treo từ trần, trên các kệ, và mọi ngóc ngách. Ông là một người cáu kỉnh, vô hại ngày ngày mở cửa tiệm trước hơn mọi tiệm khác và hàng đêm về nhà cầm theo hộp đựng thức ăn buổi trưa sau khi mọi người đã ra về. Nhà của ông ở cách tiệm hai đường nhánh. Ông không hòa nhập với người trong khu phố. Nhưng bất kỳ khi nào dân phố trò chuyện là họ nói đến ông, họ nói về ông Moadab. Về việc ông đã từng dạy học ở trường điếc và đã bị lịch sự mời về hưu sau khi ông gạ gẫm một cô gái ngu ngơ, về việc chưa một ai thấy mặt vợ ông. Có người nói một nửa mặt của vợ ông bị liệt, nhiều người khác nói bà ta quê ở Pass-Koohak và tránh lánh mọi người. Bất kể sự thật thế nào, cho tới ngày họ dọn đi, không ai biết gì về những gì giấu kín trong cuộc đời của Moadab.

Người lái xe tắc xi than phiền về giá xăng cao, về xăng không tinh khiết đã phả vào không khí muội khói, về vợ anh ta gần đây phải cắt bỏ một lá phổi. Anh chỉ bộ đồng phục tôi đang cầm và nhìn vào kính chiếu hậu, nói với người khách đang ngồi kế bên tôi “Chị này biết tôi đang nói về những chuyện gì”. Một làn gió lạnh tạt vào, cửa kính xe không quay lên. Người đàn ông ngồi kế tôi đang ép cái đùi mập bự của ông ta vào cái chân gầy đang lạnh cóng của tôi. Ông ta lầm bầm đọc một tin nhắn trong điện thoại di động và chẳng bận tâm đến người lái xe, phá lên cười. Tôi thu mình ép vào cửa xe như một con mèo ốm và tôi mặc kệ cái đầu lạnh tê của tôi cho không khí. Một bàn tay đầy nếp nhăn mơn man trong tóc tôi và một giọng nói thì thào, “Như lụa...”. Tôi ngửi được mùi bức tường mốc, mùi dâm đãng của người đàn ông. Những hạt mưa rơi qua cửa kính làm ướt quần áo tôi. Giày tôi ướt. Mùi nước tiểu và mùi kinh nguyệt thoang thoảng trên ghế ngồi. Chiếc xe phía trước trượt trên nhựa đường. Kẹt xe phía trước.

Tôi chơi lò cò với bạn. Nhà nó ở cuối đường, chỗ tận cùng của con đường cụt. Ở trường nó học trên tôi một lớp và biết nhiều điều mà tôi mù tịt. Nó kể nhiều chuyện cho mấy đứa nhóc và tôi nhìn nó, kinh ngạc đến há hốc mồm ra. “Mày ngu ngốc”, nó nói, “đúng là ngu”. Đó là lần thứ ba nó và tôi đến tiệm của ông Moadab và tôi đã không đủ can đảm bước vào. Tôi muốn xin ông một cái ruy băng đỏ và khi ấy thì tôi phải vào sau bức màn ấy. Bạn tôi nói nó đã có ba cái ruy băng đỏ rồi và muốn đi nữa. Nó nói, “Nếu hòn đá rơi đúng vào ô số sáu, tao sẽ đi. Nếu không, mày phải đi. Mày phải đi nhé”. Tôi muốn biết chuyện gì xảy ra sau bức màn. Hai bàn tay tôi run và tim tôi đập nhanh. Một con quạ đậu trên cây du kêu rít lên thay vì tiếng quạ quạ. Hòn đá đáp vào đường kẻ giữa hai ô năm và sáu. “Mày láu cá”, bạn tôi nói. “Ngày mai mày phải tới đó”. Rồi nó thì thầm vào tai tôi, “Không có gì đáng sợ đâu, đồ ngu ạ”. Mai là ngày cưới của chị tôi.

Tôi xin tiền mẹ để mua mấy tờ giấy cần để viết bài thi ở trường. Bà đang nấu tiệc cưới truyền thống và bảo tôi hái một ít lá cây cam chua trên đường đi để bà trang trí những ngọn nến và tô hạt quả bọc đường. Mẹ đã may một cái váy gấp nếp màu vàng-hồng và một cái sơ mi hồng xếp nếp cho tôi. Cái áo có những hạt nút hồng bóng láng và một dãy nếp xếp ở cổ tay. Tất cả những gì tôi thiếu là một cái ruy băng đỏ có đốm tròn. Đêm qua trời đổ tuyết. Tôi lết đôi ủng cao su trên nền đất và làm tuyết trộn với bùn. Tôi nắm những chiếc lá cam đắng trong tay và đúng 7 giờ 35 tôi khép khuôn cửa gỗ tiệm ông Moadab lại phía sau lưng.

Tôi mười tuổi. Tôi đang mặc một cái váy xếp nếp ngắn, đi ủng cao su cao đến đầu gối và dùng một sợi dây thun cột tóc đuôi ngựa. Ông Moadab đứng trước cái lò sưởi chạy bằng dầu hỏa, nhìn ra cửa, và như thường lệ ông đang đếm những tờ giấy bạc mười ngàn. Ông cất chúng vào một cái hộp và lấy hai tờ giấy làm bài thi từ ngăn kệ dưới cùng để chúng lên quầy.

Miệng tôi khô. Bàng quang tôi căng.

Tôi nói với ông rằng tôi cần một cái ruy băng. Tôi nghe giọng tôi rung trong không khí.

Mắt ông Moadab dường như cười sau đôi mắt kính.

“Nó sẽ kết hợp với tóc em rất đẹp”, ông nói. “Thượng đế phù hộ cho em, nó mềm như lụa. Em biết không, em nhỏ, ta luôn ngắm em qua ô cửa kính gian hàng...”.

Ông lùa mấy ngón tay qua túm tóc đuôi ngựa của tôi và bàn tay ông di chuyển lên đầu tôi.

Ông khóa cửa tiệm và đi ra đàng sau bức màn.

Tôi ngập ngừng, tôi ân hận là đã đến đây. Ông Moadab ló đầu ra nói, “Có chuyện gì vậy? Còn chờ gì nữa?”.

Tôi để mớ lá cam chua lên quầy và tự động đi theo ông.

Cái buồng kho nhỏ ở ngay dưới chân cầu thang. Đó là nơi ông Moadab ăn và nằm chợp mắt, nó được ngăn cách với phần phía trước của tiệm bằng một bức màn vải dầu cáu bẩn. Có nhiều hộp các tông đầy một nửa những ruy băng, dây thun, băng dính, và giấy kếp.

Tôi soạn một cái hộp và lấy ra một cái ruy băng đỏ viền vàng. Một bàn tay nhăn và ấm mơn man lên xuống phía dưới váy tôi. Kinh hoàng, tôi quay tròn. Mắt lồ lộ, ông Moadab thì thào, “Như lụa...”. Tôi ré lên như một con thú hoang và tôi cắn ngập răng vào những ngón tay ông ta.

Tôi nắm cái ruy băng và mớ lá cam chua trong nắm tay. Đôi ủng cao su như hai khối nặng trì đôi chân run của tôi. Tôi co ro dưới cây cam chua lưng quay về phía góc đường và tôi cảm thấy một chất lỏng ấm chảy ra dưới chân tôi vào trong ủng của tôi.

Tôi cất đôi giày ướt vào trong phòng chứa đồ và tôi đọc lướt sổ ghi chép. Từ tám giờ sáng cho đến bảy giờ tối hai trang nguyên đã được ghi kín mít. Bốn mươi bảy bệnh nhân ra, hai mươi lăm bệnh nhân vào. Tôi nghĩ, trong tất cả những tai nạn và những rủi ro này, bi kịch của đời tôi có màu gì? Đỏ, xanh sậm, hay màu nâu sô cô la? Bác sĩ Sardari đang ngủ trong phòng dành cho các bác sĩ. Cho tới ba giờ sáng, hết người này tới người khác, tôi ghi các dữ liệu X quang, các xét nghiệm và lịch sử y tế lên những trang giấy, nhỏ và lớn, trắng và xanh và vàng. Gian phòng toát lên mùi mồ hôi đàn ông, mùi nước tiểu nồng hăng của họ. Tôi lấy chai thuốc sát trùng trong túi xách xịt lên bàn và vào không khí. Tôi để ống nghe lên vết sẹo phía trong cổ tay trái của tôi nghe nhịp tim. Tim đập mạnh, nhẹ, và đều. Theo kim chỉ phút trên đồng hồ của tôi thì có bảy mươi bảy nhịp đập mỗi phút. Bộ đồng phục của tôi lấm tấm máu, chất bẩn, và nước tiểu. Tôi đem bộ đồng phục tới phòng giặt đồ và đi về phòng nghỉ.

Mắt của bác sĩ Sardari buồn ủ rũ. Ông để ly trà của ông trên giường và ngả người trên ghế sô pha phía sau bức màn.

“Năm mới và những kỳ nghỉ chết tiệt”, ông càu nhàu. “Ai cũng phát khùng”.

Ông đứng dậy, lấy bộ đồng phục lấm bẩn vắt lên vai và nói, “Toàn chuyện tào lao... lúc nào cũng mua kẹo, bánh... quần áo mới cho con cái... quần áo mới cho vợ...”.

Tôi mệt. Tôi cần ngủ. Gian phòng ám mùi khói thuốc lá của bác sĩ Sardari và khăn trải giường ám mùi nước hoa phụ nữ. Tôi thức dậy vì giật mình. Ông Moadab ngoáy con dao bén vào bụng tôi và thì thầm, “Như lụa...”. Những con sâu nhỏ bò quanh hai bàn tay và chân tôi, trên bụng tôi, trên đôi chân tôi bị cắt đứt và đang chảy máu. Với hàm răng bén chúng đang chầm chậm ăn thịt tôi, và bất chấp bao nhiêu lần tôi hất chúng đi, mỗi lần tôi mở mắt, chúng đều trở lại chỗ trước đó của chúng. Tôi nói tôi vấp chân té vào cống lề đường. Ở nhà không ai quan tâm đến tôi. Tôi đã tự rửa ráy trong phòng tắm và chui vào dưới chăn trải giường. Âm thanh mơ hồ của những người khách nữ đang hát những bài ca đám cưới hòa vào tiếng cười của ông Moadab và tiếng cơ thể tôi đang khóc.

Họ nói tôi bị bệnh vàng da. Một số người nói đó là bệnh thương hàn. Tóc tôi thưa đến mức Mẹ không thể cột tóc đuôi ngựa. Mặt tôi vàng đến mức gần như xanh. Lưỡi tôi đắng nghét trong miệng và tôi không ăn gì ngoại trừ húp canh rau.

“Bạn con ghé tìm con hơn mười lần”, Mẹ nói.  

Tôi không muốn gặp nó. Với cái nhìn kinh hoàng trong mắt nó, chúng tôi chia tay. Nó đi về cuối đường và tôi đi đường tắt về nhà, đó là lối đi nhỏ chạy qua khu đất phía sau nhà chúng tôi.

Tôi, đứa con gái có đầu óc bướng bỉnh không ló mặt ở nhà chỉ vì sợ cha mình, đã dúi mũi vào những cuốn sách, như thể điều duy nhất có thể cứu tôi là phép lạ từ những dòng chữ song song đó và những cột chữ bên nhau.

Tôi vùi mặt vào gối. Cái gối tỏa mùi cơ thể đàn ông, mùi thức ăn thiu, mùi thịt lúc nhúc sâu. Có người đang chạy đàng sau khung cửa. Một người đàn ông thì thầm, “Cái bệnh viện chết tiệt của họ”. Một người đàn bà rên, “Tay tôi, xem nè, bị gãy ở đây”. Bác sĩ Sardari ngoáy con dao bén của ông vào bụng vợ ông và cùng với ruột của bà rút ra một cái khăn dài màu đỏ.

Ánh đèn huỳnh quang tỏa trên mắt tôi như một tấm chăn mỏng. Mùi nước hoa phụ nữ ám trong vải gối. Tôi áp mặt mình vào gối, nhưng không có gì giống như nước mắt trong mắt tôi. Tôi không muốn ông Moadab chết. Tôi muốn ông phải chịu đựng như tôi chịu. Tôi không thể kể những tháng, tuần, những năm riêng rẽ. Sao đêm nay là đêm Đông chí hay đêm Giao thừa? Tôi biết mình khác với những đứa cùng ngồi trong lớp, hay cùng ngồi trên băng ghế, và tôi biết điều tách biệt chúng tôi là những giấc mơ và hình ảnh tưởng tượng.

Trong nhiều năm dài và bức rứt, tôi thấy ông chỉ một lần. Trước khi đi đến trường, tôi núp phía sau bức tường của con đường và nhìn, để chờ ông ra ngoài quét dọn phía trước tiệm hay kéo cổng. Trong tất cả từng ấy năm, người bạn duy nhất của tôi là bức tường đường Chín.

Chúng tôi chia sẻ cùng một nỗi đau. Nó biết bí mật của tôi và hiểu được. Hàng ngày cơ thể của nó bị rạch bằng dao và cáu bẩn vì chất keo dán. Không được thưởng công và im lặng, nó giấu những bí mật. Nhiều lần nó có vẻ nhếch nhác đến mức người khu phố không muốn dán quảng cáo lên nó. Nhưng họ luôn trở lại. Có lẽ họ biết họ không thể tìm thấy chỗ nào tốt hơn chỗ này. Tôi đứng trước nó, đọc những tờ quảng cáo, làm dịu đôi tay và đôi má nóng của tôi bằng cách áp vào bề mặt nhờn nhớp của nó. Một hôm, trước khi đến ngã tư, tôi thấy ông Moadab đứng đó mũi ông gần như chạm vào tường, cố đọc gì đó bằng cặp mắt viễn thị. Tôi núp sau bức tường và đợi cho tới khi ông băng qua con đường nhỏ và đóng cửa tiệm lại phía sau ông.

Phòng cấp cứu yên lặng. Mấy bệnh nhân đang ngủ trên băng ca đặt trong hành lang. Tôi bảo bác sĩ Sardari đi ngủ đi. “Xuẩn ngốc!”, ông nói. “Mọi người xuẩn ngốc. Chúng ta cũng xuẩn ngốc! Công việc này thuộc loại gì? Sao lại làm việc với những người này, một đám lừa tai dài. Chúng xây nhà cao tầng, kiếm tiền gấp mười lần chúng ta. Hãy nhìn thằng kia, nó mới mười sáu tuổi, và thay vì ra khỏi đây để sống khỏe, nó lại ở đây... chuyện này làm tôi muốn khóc...”.

Ông cầm lên ly trà ám vi trùng và bỏ đi...

Qua ô cửa sổ chắn song bên trên tôi, ánh sáng màu cam của buổi sáng sớm đang chiếu lên những chiếc lá của cây húng chanh Ấn Độ trồng trong chậu trên gờ cửa sổ. Trong vài ngày nữa tôi phải dự kỳ thi của ban. Tôi lấy quyển sách giáo khoa sinh lý học đọc lướt qua. Mười lăm triệu người trên thế giới mắc bệnh viêm gan Hepatitis D. Vi rút kháng nguyên gan vẫn còn trong người bệnh nhân suốt cuộc đời họ và nó có thể chuyển sang nhiều hình thức viêm gan entrovirus. Mỗi năm, một triệu người chết vì một con virut hai mươi mặt khiếm khuyết có sức sinh sôi và tự nó gắn với một tế bào chủ.

Tôi mười sáu tuổi. Sáu năm đã qua, vú tôi đã lớn tóc tôi bóng mượt và suôn chảy xuống bờ vai. Tôi đã hai lần cắt cổ tay bằng con dao cạo của Bố và một lần uống quá liều thuốc aspirin. Nó có vị ngon hơn những viên thuốc khác trong hộp thuốc sơ cứu của ông. Hai mươi lăm viên. Liều còn thấp. Người ta súc ruột tôi suốt đêm. Tôi nhìn chất lỏng nhầy nhụa màu vàng và xanh tuôn vào cái xô và đột nhiên cơn đau của tôi giảm xuống. Ngày hôm sau tôi tô son hồng của Mẹ và đeo băng cài tóc dưới khăn trùm đầu. Dùng một ống nhỏ giọt tôi nhỏ a xít vào một chai thuốc giảm sốt và tôi vặn chặt nắp hết sức. Với bàn tay và đầu gối run run, đúng 7 giờ 35 phút một ngày tháng Mười hai sáu năm sau, tôi mở cửa tiệm của ông Moadab. Ông đang cau mày nói to qua chiếc máy điện thoại màu đen cũ của ông. Ông lơ tôi. Tôi nói, “Một cái ruy băng đỏ... như cái này...”. Và tôi để cái ruy băng cũ sì lên quầy. Một nụ cười nhăn nơi khóe miệng của ông và ông chỉ tay vào sau bức màn...

Nước tiểu và máu róc rách trong đôi giày cao tới mắt cá của tôi và hai tay tôi run. Tôi ngồi dưới cây cam chua ở góc đường nhánh số Chín và áp lưng vào bức tường lạnh vì nước mưa. Tôi lấy cái chai nhỏ có thuốc giảm sốt ra khỏi khe vú. Tôi không thể mở nắp. Tôi đập đầu chai vào tường. Mảnh thủy tinh vỡ lấp lánh như kim cương trên váy tôi. Chất axit để lại những vệt có mùi hăng trên bức tường. Tôi mơn man những vết thương đang nhỏ giọt bằng ngón tay trỏ. Mùi của máu và mùi của thịt đang tan rã trên đầu ngón tay tôi làm tôi buồn nôn. Tôi mửa ra chất dịch trong bụng lên những quả cam xanh chua đã rụng từ nhánh cây của chúng.

Tôi gấp sách giáo khoa. Tôi nghĩ về tế bào khối hai mươi mặt ở đâu đó trong mạch máu của tôi đang tuần hoàn trong số những tế bào trắng và đỏ, trong huyết tương hay đã loãng trong tiểu cầu, để rồi vào một ngày hay một đêm nào, trong vòng ba giây nó có thể nhân lên thành hai, bốn, mười sáu và vô số tế bào có thể đem lại tử vong.

Tôi lấy tờ cáo phó về cái chết của ông Moadab ra khỏi xách tay và để nó trên bàn. Tôi tô màu đôi mắt của ông bằng cây bút đỏ và vẽ một chữ X lớn trên mặt ông ta. Nhưng lão già của triều đại Moadab vẫn nhìn tôi với một vẻ khinh bỉ tục tĩu trên mặt. Tôi bĩu môi, nhìn quanh, và với tất cả ý chí của mình tôi nhổ vào nụ cười tự mãn của ông ta lúc này đang lơ lửng trên mép bàn. Nước miếng chảy xuống đôi môi của ông ta và làm ướt chân tôi...

 

N.K

Võ Hoàng Minh dịch

(Từ “Green Sour Orange)