Bảo tồn những dấu ấn công trình kiến trúc Pháp tại thành phố Đà Nẵng

06.04.2021
T.S Lê Minh Sơn

Bảo tồn những dấu ấn công trình kiến trúc Pháp tại thành phố Đà Nẵng

Bảo tồn di sản là bảo vệ và quảng bá các khía cạnh quan trọng về văn hóa và lịch sử của một thành phố. Thuật ngữ “di sản” bao hàm trong nó nhiều thể loại vật chất hữu hình: có thể là một công trình xây dựng, ví dụ như một nhà ga, một cây cầu, một món đồ tạo tác thủ công, một bức tranh .v.v hoặc thậm chí là một thành phần của môi trường tự nhiên như công viên, khu vườn. Bảo tồn có nghĩa là bảo vệ di sản trước mọi nguy cơ bị phá hủy bởi bất cứ tác nhân nào (do môi trường hay con người), việc bảo vệ như vậy cũng góp phần cho mỗi chúng ta hiểu rõ hơn về di sản và nhận thức rõ hơn về những gì nó ngụ ý. Ở Đà Nẵng, bảo tồn mà chúng tôi muốn nhắm đến là nhằm xác định, bảo vệ và truyền đạt các yếu tố có giá trị của môi trường được xây dựng, cụ thể đối tượng chúng tôi muốn nhắc đến ở đây đó là những công trình kiến trúc thuộc địa Pháp, chúng đánh dấu địa điểm trong suốt quá trình hình thành và phát triển theo dòng lịch sử của thành phố.

Tổ chức văn hóa thế giới Unesco đã định nghĩa: “Những công trình kiến trúc cũ làm tăng sự phong phú và kích thích giúp tăng cường khả năng phát triển của loài người bằng cách khuyến khích mỗi người, mỗi nhóm người, nuôi sống quá khứ của mình bằng cách tiếp nhận phần đóng góp tương hợp từ bên ngoài với những đặc trưng riêng của nó, để tiếp tục cho quá trình sáng tạo của riêng mình”.

Với một thành phố hiện đại như Đà Nẵng, bảo tồn di sản chiếm một vị trí quan trọng bởi vì nó đáp ứng những nguyện vọng nhất định của những người dân, đặc biệt là họ mong muốn bảo tồn những liên kết hữu hình với cội nguồn lịch sử và đảm bảo "cảm giác thuộc về" cho những người yêu mến nó.

Ngược dòng lịch sử

Nhờ một vị trí địa dư đặc biệt, một địa thế thiên nhiên tốt đẹp về nhiều phương diện, Đà Nẵng đã được Tây Phương chú ý từ rất sớm. Riêng người Pháp đã xem bán đảo này là nơi thuận tiện cho việc thiết lập cơ sở thương mại và quân sự trong cuộc bành trướng thế lực của họ ở Viễn Đông, bởi vì nếu Đà Nẵng ở trong tay của họ sẽ là một hải cảng không thể chiếm được, và sẽ là một cứ điểm quan trọng nhất để khống chế các công cuộc ở thương Á.

Năm 1888 sau đạo dụ Mậu Tý (3-10-1888), Pháp bắt đầu công cuộc khai thác kinh tế trên nhượng địa (Đà Nẵng). Kể từ đó, Đà Nẵng manh nha được hiện ra dần rõ nét để đến khi Pháp chính thức rời khỏi Việt Nam (1950).

Từ khi trở thành nhượng địa, người Pháp đã tiến hành quy hoạch Đà Nẵng theo chức năng mô hình phương Tây. Trước hết đó là việc hình thành các tuyến phố, xây dựng các cơ quan công sở lấy trục chính chạy dọc theo đường Bạch Đằng (đường Courbet cũ), với tòa nhà trung Tâm là Đốc Lý. Con đường này là xương sống của khu nhượng địa, để từ đó mở rộng về phía Tây. Cùng với việc phát triển mạng lưới đường phố, các công trình kiến trúc công cộng, dân dụng, giáo dục, tôn giáo, cũng được xây dựng vào khoảng thời gian từ 1888 đến 1915 theo các khuôn mẫu kiến trúc phương Tây lúc bấy giờ. Hầu hết chúng chiếm ngự các vị trí thuận lợi dọc theo đường Bạch Đằng, Trần Phú, Phan Châu Trinh, Lê Lợi.

Nếu bỏ qua khía cạnh chính trị, chỉ xét trên khía cạnh kinh tế, không thể không khẳng định rằng chính sự khai thác kinh tế của người Pháp trên nhượng địa đã giúp thành phố Đà Nẵng có một nền tảng cơ sở hạ tầng, công trình quy mô. Từ đường phố, các cơ quan hành chính, các công trình dịch vụ công cộng, cho đến tiện nghi đô thị, mọi thứ đều được người Pháp xây dựng, quản lý chặt chẽ và dần hoàn thiện. Để sau khi giành độc lập, từ những cơ sở hạ tầng đó thành phố Đà Nẵng dễ dàng có đà phát triển để trở thành một thành phố trẻ đẹp như hiện nay và mang những nét đẹp hoài cổ đâu đó còn sót lại từ những con phố hay những công trình lịch sử.

 

Hình 1: Bản đồ giao thông Đà Nẵng năm 1931

 Nhìn bản đồ ta có thể thấy hệ thống giao thông Đà Nẵng được quy hoạch một cách rõ ràng với gần 50 tuyến phố theo phương thức bàn cờ. (Nguồn: tư liệu của tác giả)

 

Dấu ấn những công trình với phong cách kiến trúc đặc sắc

Mặc dầu Đà Nẵng có một số lượng quỹ công trình kiến trúc Pháp không nhiều (từ năm 1888-1950 người Pháp xây khoảng 30 công trình tại khu vực trung tâm, năm 2006 còn khoảng 22 công trình, năm 2017 còn khoảng 8 công trình), tuy nhiên những công trình này lại mang trên mình đầy đủ sự đa dạng các thể loại phong cách kiến trúc.

Bảng 1. THỐNG KÊ CÁC CÔNG TRÌNH ĐƯỢC XÂY DỰNG THỜI PHÁP THUỘC

(1889-1950)

STT

LOẠI CT

TÊN CÔNG TRÌNH

TÊN PHÁP

NĂM XÂY DỰNG

1

CƠ QUAN HÀNH CHÍNH

Tòa Đốc Lý

 

 

2

Tòa Hòa giải rộng quyền

Justice de Paix à Compétenceé tendue

 

3

Nhà thương Tây (trong khuôn viên thành Điện Hải)

Hopital de tourane

 

4

Phòng Thương mãi Đà Nẵng

 

1903-1904

5

Ty Kiểm Hóa quan thuế

 

1907-1908

6

Ty Hành Thu quan thuế

 

7

Sở Quan thuế

 

8

Công Quản Trung kỳ

 

9

Nhà Dây thép

 

10

Tòa án

 

 

11

GIÁO DỤC

Trường Tiểu học Pháp

École Francaise

Khoảng 1900-1915

13

Trường Nam Tiểu học

École des Garcons

14

Trường Nữ Tiểu học

École des Jeunes Filles

15

Trường Chấn Thanh (trường cấp 2)

 

1940

16

VĂN HÓA

Viện bảo tàng Chàm ở Đà Nẵng

Cổ Viện Chàm (1963)

Les Chams au Musée de Tourane

1915-5.1916

17

Công trường Con Gà

 

 

18

Công trường Pierre Loti (đường Khải Định)

 

 

19

DỊCH VỤ

Chi nhánh của SOCONY

 

 

20

Trụ sở và kho hàng của Denis Frères. Descours et Cabaud

 

 

21

CARIC

 

 

22

Compagnie Franco-Asiatique des Pé troles. SICA

 

 

23

Morin Frères

 

 

24

Đông Dương ngân hàng

Banque de l’ Indochine

 

25

Pháp Hoa ngân hàng

Banque Franco-Chinois

 

26

Ngân hàng Nông Tín Bình Dân

Banque de Crédit Populaira Agricole, B.C.P.A

 

27

Hãng vận tải đường bộ STACA (Yên Bái và Nguyễn Tri Phương)

 

 

28

Công ty điện nước SIPEA (Phan Đình Phùng)

 

 

29

CÔNG TY SHELL

 

 

30

Nghĩa địa (góc đường Thống Nhất và Lê Lợi)

 

Trước 1900

31

TÔN GIÁO

Nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng (đường Độc Lập)

 

1923

 

Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi lựa chọn giới thiệu 05 công trình kiến trúc thuộc địa Pháp tiêu biểu về cả hai mặt: giá trị lịch sử và phong cách thiết kế, thông qua đó cho chúng ta có được cái nhìn rõ ràng hơn về những di sản có giá trị mà thành phố Đà Nẵng đang may mắn còn lưu giữ được.

  1. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng với phong cách kiến trúc Tân Cổ Điển Pháp

Tọa lạc tại số 42 Bạch Đằng (Tòa Đốc Lý thời Pháp thuộc) được thiết kế theo phong cách kiến trúc Tân Cổ điển Pháp. Mặt bằng dạng hình gần vuông được bố cục đối xứng theo đúng tinh thần kiến trúc cổ điển Pháp. Bên trong được phân chia thành 3 gian hình chữ nhật theo kiểu Pauadio thời Phục Hưng hậu kỳ, với tỷ lệ cạnh 1/√2. Mặt đứng được bố cục đối xứng và thiết kế theo phong cách kiến trúc Tân cổ điển rút gọn với 3 phân vị dọc. Các hàng cột vuông kẻ roăng được giản lược đi rất nhiều so với kiến trúc cổ điển chính quốc. Tỷ lệ các thành phần của tòa nhà hài hòa, nhưng vẫn giữ được tính bề thế và nghiêm trang của một cơ quan hành chính.

 

Hình 2: phục dựng 3D 1 khối nhà cơ quan UBND Thành phố Đà Nẵng (nguồn: tư liệu của tác giả)

 

  1. Bảo tàng điêu khắc Chăm với phong cách kiến trúc kết hợp Pháp - Chăm

Tọa lạc tại số 02 đường 2/9, công trình được sơ phác ban đầu với ý tưởng của Nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier vào năm 1902. Vào năm 1911 kiến trúc sư - thanh tra công chánh Huế Delava tiếp tục phát triển và hoàn thiện bản vẽ mặt đứng của bảo tàng Chăm, tuy nhiên bản vẽ hoàn thiện chính thức phương án xây dựng bảo tàng lại được kiến trúc sư người Pháp Auclair thể hiện năm 1915. Tháng 4 năm 1919 bảo tàng được chính thức khánh thành.

Mặt bằng công trình cũng được thiết kế dựa trên những khối hình học đơn giản, các đường gấp khúc vuông vắn và bố cục gần như đối xứng hoàn toàn theo trục dọc nhà. Kiểu bố cục này mô phỏng lại mặt bằng tháp của người Chăm. Mặt đứng là sự kết hợp khá thành công giữa phong cách kiến trúc Chăm lên một nền tảng kiến trúc tân Cổ điển Pháp. Đáng chú ý nhất đó là việc sử dụng các họa tiết trang trí của người Chăm-Pa sau đó được cách điệu khéo léo và thể hiện lại trên các đầu cột của công trình.

 

Hình 3: phục dựng 3D bản phối cảnh tổng thể công trình Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng (nguồn: tư liệu của tác giả)

 

  1. Nhà hàng Đông Dương với phong cách kiến trúc Cổ Điển Pháp

Tọa lạc tại số 18 đường Trần Phú (Công Thương ngân hàng thời Pháp thuộc), công trình được thiết kế chỉ với 1 tầng bán hầm và 1 tầng trệt, trước đây được sử dụng làm trụ sở Đại sứ quán, trong giai đoạn mới đã chuyển đổi chức năng sử dụng thành nhà hàng nên không gian bên trong đã cải biên đi khá nhiều.

Bố cục mặt bằng chung của tòa nhà vẫn theo dạng hình học đơn giản như thường thấy ở các công trình cổ điển Pháp. Mặt đứng sử dụng các họa tiết trang trí, đễ nhận thấy nhất đó là: hệ cột rất to được kẻ roăng thẳng ở tầng bán hầm, hay các hình người có cánh phỏng theo phong cách phục hưng được điêu khắc rất tinh xảo.

 

Hình 4: phục dựng 3D công trình nhà hàng Đông Dương (nguồn: tư liệu của tác giả)

 

  1. Hội liên hiệp phụ nữ Thành phố Đà Nẵng với phong cách kiến trúc Art-Deco

Nằm ở vị trí 01 đường Pasteur (là biệt thự của một công chức Pháp), công trình này theo chúng tôi là một trong số những công trình đặc biệt hiếm được xây dựng trong thời Pháp thuộc tại Việt Nam. Bởi vì phong cách Art-Deco lúc bấy giờ chỉ dành cho những chủ đầu tư với tư tưởng cách tân, đổi mới trong một môi trường tràn ngập sự thống trị của thể loại kiến trúc Tân cổ điển.

Mặt bằng được bố cục đối xứng có cách điệu, kết hợp các dạng hình vuông, chữ nhật và hình bán trụ. Mặt đứng với Các cột trụ tròn thon mềm mại thay cho hình thức vuông tương đối nặng nề trước đây của Tân cổ điển, Thêm vào đó là các hoạ tiết trang trí bằng thép uốn hoặc đắp nổi bằng xi măng, thạch cao với đường nét nhẹ nhàng tạo cho công trình một dáng vẻ sinh động mặc dầu mặt đứng hoàn toàn đối xứng.

 

Hình 4: phục dựng 3D công trình Hội liên hiệp phụ nữ Thành phố Đà Nẵng (nguồn: tư liệu của tác giả)

 

  1. Hội đồng nhân dân Thành Phố Đà Nẵng với phong cách kết hợp Đông-Tây

Nằm ở vị trí 32 đường Bạch Đằng, công trình được xây dựng vào khoảng năm 1906.  Đây cũng là một thiết kế theo phong cách kết hợp hài hòa giữa hai luồng văn hóa Đông - Tây (Á Đông & Pháp).

Mặt bằng nguyên thủy ban đầu được thiết kế khá đơn giản và bố cục hoàn toàn đối xứng. Tuy nhiên về sau do quá trình thay đổi chức năng sử dụng nên công trình được cải tạo thêm cho phù hợp với chức năng sử dụng mới. Mặt đứng công trình là sư pha trộn giữa hai nền kiến trúc Đông - Tây. Hệ mái và hệ cột đôi là những chi tiết gần gũi với kiến trúc truyền thống Việt Nam, trong khi đó cửa sổ vòm với khóa vòm là chi tiết kiến trúc cổ điển Phương Tây. Ngoài ra các họa tiết kiểu chữ Vạn được trang trí trên lan can sân thượng lại có nguồn gốc từ Trung Hoa.

 

Hình 4: phục dựng 3D công trình Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng (nguồn: tư liệu của tác giả)

 

Vấn đề Bảo tồn và trùng tu các công trình lịch sử

Thông qua di sản hay cụ thể là các công trình lịch sử giúp cho chúng ta hiểu biết được thêm về trí tuệ và sự thông minh sáng tạo của con người. Điều làm cho di sản kiến trúc và đô thị trở nên đặc biệt đó chính là sự tồn tại của chúng qua thời gian. Những công trình này đã chịu đựng được rất nhiều những mối đe dọa của thiên tai, thời tiết, chiến tranh...v.v gây nên sự hao mòn và tổn hại.

Một nhà nghiên cứu người Irag đã nói về bảo tồn đô thị: “quá trình có liên quan đến chất lượng môi trường đô thị, thiết lập một chương trình bảo vệ thành phố, đô thị tránh xa ô nhim môi trường và ô nhim thị giác”. Đinh nghĩa này đã nêu bật được tầm quan trọng của trùng tu như là một mắt xích của quá trình bảo tồn di sản, bất kể về mặt phương pháp hay phạm vi, một công trình đơn lẻ, một cơ cấu đô thị hay toàn bộ thành phố.

Bảo tồn: được thực hiên thông qua những phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng của tòa nhà, các yếu tố tác động gây ra sự hư hại chức năng ban đầu và chức năng mới sẽ được đề xuất về sau. Thông thường sẽ có các cách thức bảo tồn cơ bản như: gia cố; mô phỏng lại .v.v

Trùng tu:  có nghĩa là ngăn chặn sự hư hại của tất cả mọi thứ cấu thành nên công trình, nó có hai khái niệm: sửa chữa và giữ ổn định. Sửa chữa là sử dụng các phương pháp để giải quyết các hư hại cho công trình trình trong những trường hợp khẩn cấp, ví dụ như là loại bỏ những lượng muốn ẩm có hại thẩm thấu vào bên trong cơ thể công trình. Giữ ổn định là sử dụng các phương pháp để duy trì cho tòa nhà luôn ở trong tình trạng tốt nhất có thể, ví dụ như phòng chống các hư hại lên công trình do tác động của ánh nắng mặt trời. Việc tái xây dựng lại bao gồm các cách làm được thực hiện để đưa tòa nhà về hình dạng ban đầu, các cách làm đó có thể khác biệt với những cách thức nguyên gốc ban đầu. Nhiệm vụ của trùng tu là làm vững chắc và ổn định cho công trình.

Một số khuyến nghị để thực hiên thành công quá trình trùng tu công trình lịch sử

* Thứ nhất: Có sự phối hợp giữa các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đến từ các ngành khác nhau. Các đối tượng này phải có ý thức nghệ thuật cao, đặc biệt kỹ năng tay nghề.

* Thứ nhì: Các giải pháp công nghệ sáng tạo mới nhất nên được cập nhật để phục vụ công tác bảo tồn, xây dựng và cải tạo các công trình di tích. Nhận biết được giá trị lịch sử và kiến trúc của một công trình để xác định các nguyên nhân và các mối đe dọa  gây ra sự hư hại và xuống cấp cho nó, tiếp sau đó mới chuyển đến công đoạn xác định các phương pháp bảo tồn, trùng tu và cải tạo.

* Thứ ba: Phân tích chính xác được các nguyên liệu thô và các yếu tố bị hư hại.

* Thứ tư: Mối liên hệ tương quan giữa thực tế - quá khứ - hiện tại.

* Thứ 5: Kiểm kê, kiểm soát cẩn thận các dịch vụ cơ sở hạ tầng của các khu vực có công trình di sản.

* Thứ 6: Tuyên truyền về mặt dân sự ý thức giữ gìn di sản trong bối cảnh đô thị đã quá đổi mới Hiện đại.

Để Đà Nẵng phát triển theo hướng bền vững: cần cân bằng được kiến trúc cũ và mới

Vấn đề thiếu hụt vĩnh viển các công trình di sản và sự biến mất dần của chúng theo thời gian đã đưa ra những lời cảnh báo thực sự cho xã hội dân sự và các cơ quan chức năng, họ cần sớm có những động thái tích cực đối với vấn đề bảo tồn và gìn giữ chúng. Điều này như một lời cảnh tỉnh rằng xã hội không còn có thể để lãng phí tài nguyên như vậy, bất kể chúng có thể là gì, kể cả di sản kiến trúc. Vấn đề này liên quan đến việc quản lý có trách nhiệm các nguồn tài nguyên văn hóa và thiên nhiên, để một di sản nguyên vẹn có thể được truyền lại cho các thế hệ tương lai.

Hiện nay tại khu vực trung tâm của thành phố Đà Nẵng đang chịu ảnh hưởng rất lớn của phong trào kiến trúc hiện đại. Những công trình lịch sử được cho là lỗi thời, những công trình mới thì đang bị chi phối bởi lối kiến trúc hiện đại, nó tôn vinh phong cách quốc tế với những trò chơi mãng khối phức tạp, các ô cửa sỗ vuông vắn bằng kính và thép. Có phải Đà Nẵng đang trên đà biến thành một thành phố hiện đại toàn diện, một thành phố phát triển mà không cần bất cứ chứng tích nào của lịch sử? Có phải du khách nước ngoài đến Đà Nẵng để thưởng thức những sản phẩm kiến trúc hiện đại sánh tầm châu lục của các công trình xây dựng mới? Không, đó là một quan niệm sai lầm, du khách nước ngoài đến vì bản sắc riêng của Đà Nẵng, đó là những nét đặc trưng được viết bằng lịch sử mà không có được ở bất cứ nơi nào đó trên một thành phố khác của thế giới.

Lời kết

Một số người đôi khi xem thường giá trị lịch sử, cho rằng nhà cửa càng mới càng tốt, tuy nhiên nếu có điều kiện đến các khu trung tâm thành phố ở Pháp thì sẽ thấy không phải như vậy (thành phố Nice, thành phố Lyon), ở đó gần như không có công trình kiến trúc mới. Họ coi sự tích lũy lịch sử là đáng tự hào.

Một tín hiệu đáng mừng là năm 2018, thành phố Đà Nẵng đã có quyết định chuyển đổi chức năng sử dụng của tòa nhà UBND thành phố (Tòa đốc lý thời Pháp thuộc) thành Bảo tàng lịch sử, năm 2021 công trình bỏ hoang số 32 Bạch Đằng đã được trùng tu thành trụ sở làm việc của HĐND. Đây có lẽ là một động thái tích cực và cụ thể nhất về phía chính quyền trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của những công trình kiến trúc thuộc địa cũ. Hi vọng, trong thời gian tới, việc xây dựng, quy hoạch kiến trúc đô thị sẽ chú trọng nhiều hơn nữa đến vấn đề bảo tồn những công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử, nghệ thuật. 

L.M.S

 

(1) Định nghĩa cuối cùng tại Hội nghị thế giới về chính sách văn hóa, Thành phố Mexico, 26 tháng 7 - 6 tháng 8 năm 1982. Nguồn tra cứu: http://portal.UNESCO.org/culture/fr/ev.php-URL_ID=12762&

URL_DO=DO_TOPIC&URL_SECTION=201.html

(2) Taboulet, “La Geste Francaise en Indochine”, Paris, 1956, tr.405

(3) Ngày 27 tháng 8 năm Mậu Tý, tức là ngày 3-10-1888, vua Đồng Khánh hạ bút ký một đạo dụ gồm ba khoản, nhượng đứt chủ quyền cho Pháp trên các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.

 (4) Lê Minh Sơn, “kiến trúc thuộc địa Pháp tại Đà Nẵng”, TCXD, Số 5, 2018, tr.25.

(5) Elias, “Cơ sở đổi mới đô thị của di sản dệt may”. Đề tài Master, Khoa kiến trúc, Trường Đại học kỹ thuật Baghdad, 1989, tr.4